SỞ THÍCH

Khoảng thời gian đầu đại dịch, nhiều người Mỹ bỗng quay sang học nấu ăn, thêu thùa, đóng bàn ghế, v.v… mà họ gọi là những sở thích mới. Những sở thích mới này mặc dù có thể không kéo người ta thoát ra khỏi trận đại dịch, nhưng ít ra vào thời điểm đó giúp bớt đi phần nào sự trì trệ và lo lắng của cuộc sống đại dịch không biết kéo dài đến khi nào. Thì giờ rảnh rang quá nhiều đến phát ngán và nhiều người cố gắng hết sức để tránh rơi vào trạng thái nhàn rỗi và tuyệt vọng. Một số bài báo chuyên mục đưa ra gợi ý khuyên hãy tìm kiếm một thú tiêu khiển mới nào đó trong thời gian rảnh rỗi có thể giúp giảm bớt căng thẳng mà nhiều người đang bắt đầu cảm thấy như một áp lực đè nặng trên người: Bạn đã thử làm bánh bao giờ chưa? Bạn có nghĩ mình đủ khéo tay để học thêu thùa không?

Kết quả một cuộc thăm dò cho biết có 59 phần trăm người Mỹ đã chọn một sở thích mới trong thời gian đại dịch. Số người tham gia học làm bánh nhiều đến nỗi các siêu thị không có đủ bột để bán. Giá gỗ trên thị trường một dạo tăng vọt mà một phần lý do là vì nhiều người nhân lúc hãng xưởng đóng cửa bèn tìm cách sửa sang lại nhà cửa hoặc tự học đóng bàn ghế.

Thực ra thì người ta còn nhiều cách giết thì giờ khác trong những ngày đầu của đại dịch – như chơi ô chữ, tổ chức họp mặt bạn bè trên mạng Zoom, coi một vài chương trình mới trên truyền hình. Tuy nhiên, phần đông người Mỹ thấy rằng chọn một sở thích mới nào đó để làm, nhất là nếu sở thích đó mang lại kết quả thực tiễn, thì vẫn tốt hơn là những thú tiêu khiển nhàn tản nói trên. Người Mỹ vẫn được cho là dân tộc làm việc chăm chỉ, và ai tỏ ra là mình bận bịu, cho dù đó là công việc bàn giấy hay đồng áng, thì thường được khen ngợi như là một công dân tốt. Ngược lại, người không biết sử dụng thì giờ một cách hiệu quả thường bị chê là người lãng phí.

Thái độ nói trên thực ra đã có từ trước khi đại dịch xảy ra. Hãy thử nhìn vào một vài trang mạng cá nhân thì thấy ngay: một chiếc ghế xinh xắn vừa mới đóng xong, một món ăn ngon vừa tự nấu ở nhà, hình ảnh người bạn còn đẫm mồ hôi sau một cuộc đạp xe. Và quan trọng hơn hết, đây là những thành quả người ta đạt được trong những khoảng thời gian rảnh rỗi ngoài sở làm và công việc nhà. Vậy, nếu như ai cũng có sở thích nào đó để làm thì mình cũng phải có. Bỗng dưng nỗi lo lắng rằng mình không bận bịu như người khác không chỉ giới hạn nơi sở làm mà còn len lỏi vào trong những thì giờ rảnh của người ta nữa.

Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu, thói quen tìm một sở thích để làm trong lúc rảnh rỗi xuất hiện sau cuộc “thay da đổi thịt” của xã hội Mỹ. Trong thời gian diễn ra cuộc cách mạng kỹ nghệ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, phong trào tranh đấu của giới lao động bùng lên kêu gọi rút bớt thời gian làm việc trong tuần, cuối cùng đưa đến thay đổi là ngày làm việc tám tiếng và tuần làm việc năm ngày. Một số người nhận thấy nay người Mỹ có nhiều thì giờ rảnh quá – và bên cạnh đó nào là quán rượu, rạp hát, và công viên giải trí mọc lên khắp nơi mang đến một vài thú vui để trám vào khoảng thời gian trống đó – sẽ là một đe doạ cho xã hội Mỹ. Người ta cho rằng dùng thì giờ rảnh để ăn chơi sẽ dẫn đến hoạt động phạm pháp và những ý tưởng lệch lạc, kiểu như người Việt vẫn thường nói “nhàn cư vi bất thiện” hay nôm na thì “rảnh quá hoá rồ”. Và giải pháp để tránh cho sự sa đoạ đạo đức là khuyến khích người ta tìm sở thích nào đó để làm vào những lúc rảnh rỗi.

Mà sở thích ở đây được định nghĩa là làm gì đó mang lại kết quả thực tiễn. Những thứ như giải trí và giao tiếp xã hội bị coi là quá thụ động và vì vậy không thể được gọi là sở thích.

Tuy nhiên, với cách người ta tôn vinh và cổ vũ sở thích như nói ở trên cũng góp phần củng cố quan niệm cho rằng sự nhàn rỗi là sai. Là một công dân tốt trong xã hội thì không nên ngồi không mà phải luôn sẵn sàng có cái gì đó để làm. Vậy có thể nói tìm sở thích mới cũng là cổ vũ cho các giá trị của thành quả, năng suất, sự tiến bộ và làm việc chăm chỉ – là những giá trị mà người Mỹ coi trọng.

Sở thích phần nào trở thành ý thức dân tộc nhất là vào thời điểm khi mà công việc làm được trả lương trở nên khan hiếm. Trong thời kỳ kinh tế suy toái vào thập niên 1930, khi mà số đông người Mỹ không có việc làm, sở thích chính là câu trả lời cho câu hỏi làm gì khi không có việc gì để làm. Cũng vào thời điểm này, nhiều nhóm hoạt động cổ vũ cho sở thích xuất hiện tại nhiều thành phố ở Mỹ. Các chương trình và các cột báo nói về chủ đề sở thích tràn ngập các cơ quan truyền thông. Một tạp chí chuyên về sở thích còn mạnh dạn đề xướng rằng tội ác sẽ giảm thấp hơn nếu mọi người đều có cho mình một sở thích nào đó.

Một thập niên sau đó, sở thích trở thành giải pháp không chỉ để trám vào khoảng thời gian nhàn rỗi mà còn giúp người ta quên đi nỗi lo lắng sợ hãi do Thế chiến II mang lại.

Gần 80 năm sau, người Mỹ lại một phen hoảng hốt vì trận đại dịch và một lần nữa tìm đến những sở thích như là cách để xoa dịu nỗi bất an, nhưng đồng thời cũng là làm cái gì đó để mang lại lợi ích thiết thực. Lần này, nỗi lo lắng cộng với tình trạng số người thất nghiệp cao đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để phong trào khuyến khích tìm sở thích bùng nổ. Bất cứ chỗ nào có khoảng trống thời gian thì y như rằng sở thích được trám vào đó. Và điều này đưa tới câu hỏi: Phải chăng xã hội Mỹ coi trọng sở thích vì những lợi ích thực sự hay vì người ta coi trọng vẻ bề ngoài của sự bận rộn?

Sở thích, ở phần cốt lõi của nó, là hoạt động mang lại kết quả. Ngay cả khi sở thích không tạo ra một sản phẩm thực tế nào đó – một chiếc hộp gỗ vừa đóng, một khu vườn cắt tỉa gọn gàng, một bài tuỳ bút vừa mới viết – thì nó cũng giúp người ta làm được một việc là hoàn thiện bản thân mình. Tận dụng sở thích để trau dồi kỹ năng, kiến thức, hoặc đơn giản là thu lượm kinh nghiệm để chia sẻ với người khác khi có cơ hội.

Mặc dù áp lực người ta phải có sở thích nào đó để làm trong những lúc rảnh rỗi đã có từ lâu trong xã hội Hoa Kỳ, các trang mạng xã hội hiện nay lại khiến cho tình trạng này tồi tệ hơn. Các trang mạng xã hội vẫn thường luôn tạo điều kiện để so sánh cuộc sống giữa người này với người kia, giữa bản thân mình với người khác – từ hình dáng bề ngoài và sự thành công trong công việc cho đến những chuyện nho nhỏ như một món ăn vừa tự nấu hay chiếc ghế ngồi vừa được sơn mới lại. Bất cứ chuyện gì hay việc gì cũng có thể đưa lên mạng xã hội và biến những thứ ấy thành “vốn xã hội” cho mình.

Và phần thưởng mà mạng truyền thông xã hội dành cho bất kỳ thứ gì người ta chia sẻ là bằng con số những lượt “likes” và “views”. Những con số trên càng lớn thì người chia sẻ lại càng nở mày nở mặt và nổi tiếng. Nó thúc đẩy để người ta cạnh tranh lẫn nhau bởi vì tâm lý chung phần đông chúng ta vẫn mang chút háo danh trong máu, và vô tình biến những việc làm đáng lẽ ra là sở thích thành không còn là sở thích nữa. Chung quy tự trong đáy sâu ý nghĩa đích thực của sở thích chính là việc làm chúng ta chọn để làm vào những lúc rảnh rỗi chứ không phải là sự tranh đua để làm cho thật nhiều, thật tốt. Đó không phải là động lực thực sự khi ta chọn một sở thích nào đó.

Thông điệp người ta đưa ra khuyên rằng thực hiện sở thích là cách tốt nhất để trám vào những khoảng thời gian rảnh rỗi cũng chính là thông điệp về những gì được đánh giá là quan trọng nhất trong cuộc sống: làm việc chăm chỉ, đạt kết quả và hiệu quả. Những lời khuyên này quả không có gì là sai trái nhưng có thật sự là quan trọng hơn so với những thứ khác trong cuộc sống như quan hệ giữa người với người, chiêm ngiệm bản thân và nghỉ ngơi thư giãn? Gặp gỡ bạn bè, quan tâm và săn sóc gia đình, tận hưởng sự thoải mái lúc nhàn rỗi, nghỉ ngơi dưỡng sức – là những việc làm có thể không mang lại những kết quả rõ ràng trước mắt, nhưng cũng là những việc nên làm vì chúng giúp bồi bổ tâm hồn con người.

Trong những ngày đầu đại dịch, nhiều người Việt sống bên này đang khi không có được quá nhiều thì giờ rảnh rỗi. Ngoài thời gian coi tivi, đọc báo, tập thể dục, làm vườn thì vẫn còn dư nhiều thì giờ nên người ta bèn tìm cách liên lạc với người thân, bạn bè tại quê nhà mà lâu nay vắng tiếng để thăm hỏi hoàn cảnh của họ và tình hình đại dịch bên đó, cũng như tìm cách giúp đỡ trong khả năng của mình. Việc làm này không biết có nên được gọi là một sở thích mới hay không nhưng chắc chắn là việc làm đáng trân trọng vì nó cho ta thấy được tình người, người vẫn quan tâm người, nhất là vào thời điểm khi một câu thăm hỏi cũng là điều đáng quý. Vậy tại sao ta không ráng biến việc làm trân trọng trên thành một sở thích.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email