Lý Anh
Chính trường Cambodia ngày càng sóng gió cuồn cuộn. Đầu năm 2017, ông Sam Rainsy, một trong những người sáng lập Đảng Cứu Nguy Dân Tộc (The Cambodia National Rescue Party – CNRP), bị Hun Sen hãm hại, phải chạy ra nước ngoài tị nạn chính trị, hiện sống lưu vong tại Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ. Tháng 07/2017, cảnh sát đến bao vây nhà ở của ông Kem Sokha, Chủ tịch Đảng Cứu Nguy Dân Tộc, bắt ông bỏ tù về tội “phản quốc”. Chiều ngày 16/11/2017, Tòa án Tối cao Cambodia tuyên bố giải thể CNRP, cấm 118 đảng viên CNRP là nghị sĩ quốc hội, nghị viên hội đồng nghị viện các cấp… hoạt động chính trị trong thời gian 5 năm. Lý do vì, trong các cuộc bầu cử hội đồng nghị viên các cấp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 07/2018, CNRP liên tục giành được nhiều thắng lợi, không thua kém gì Đảng Nhân Dân (The Cambodian People’s Party – CPP) của Thủ tướng Hun Sen, đặc biệt là giới trẻ thủ đô Phnom Penh rất ngưỡng mộ đảng này.
Do sợ thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 07/2018, Thủ tướng Hunsen thông qua Bộ Nội vụ Cambodia cáo buộc CNRP cấu kết với nước ngoài chống lại chính phủ hợp pháp, ra lệnh cho cảnh sát bắt bỏ tù những người lãnh đạo và tìm cách giải thể đảng này.
Dân chủ Cambodia ngày càng ảm đạm
Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia (CNRP) thành lập vào tháng 07/2012, đến tháng 11/2017 bị Tòa án Tối cao Cambodia giải thể. Tính ra đảng này vừa thành lập được 5 năm. Tuy mới thành lập được một thời gian không dài lắm so với CPP là đảng cầm quyền, đã rung chuyển chính trường Cambodia. Khi thành lập, đảng này nêu rõ mục đích chính của mình là thay đổi tình trạng chính trường Cambodia từng bị Hunsen thống trị và lũng đoạn trong một thời gian lâu dài.
Những người am hiểu tình hình chính trường Cambodia nhận định: Hunsen cầm quyền từ giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, tuy làm được một số việc như kinh tế tăng trưởng, thông qua Đàm phán Hòa bình Paris, mang lại hòa bình cho đất nước Chùa Tháp, nhưng lại hạn chế quyền tự do và dân chủ của người dân, quan chức nhà nước tham ô hủ lậu và lộng quyền. Theo “chỉ số trong sạch” được quốc tế thừa nhận, năm 2016, trong số 172 quốc gia và khu vực, Cambodia xếp thứ 156. Trong 10 nước Đông Á, Cambodia đứng thứ 9, chỉ trên Bắc Hàn xếp thứ 172 trên thế giới. Bởi vậy, người dân xứ Chùa Tháp ngày càng bất mãn, Đảng Cứu Nguy Dân Tộc ra đời chưa được bao lâu đã được dân chúng ủng hộ.
Năm 2013, Cambodia bầu cử Quốc hội, Đảng Nhân Dân (CPP) cầm quyền giành được 68 trong số 123 ghế nghị viên quốc hội, 55 ghế còn lại thuộc về Đảng Cứu Nguy Dân Tộc, CNRP trở thành đảng đối lập. Lúc đó, CNRP từng phê phán Hunsen gian lận trong bầu cử, kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình.
Đặc biệt, trước tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 07/2018, trong các cuộc bầu cử hội đồng nghị viện các cấp, CNRP giành khá nhiều phiếu, chiếm tỷ lệ 46%, ngang bằng tỷ lệ Đảng Nhân Dân của Hun Sen. Nhiều nhà bình luận thời sự cho rằng, Hun Sen lo sợ trong cuộc bầu cử quốc hội 2018, thủ lãnh CNRP là ông Kem Sokha sẽ giành chiếc ghế Thủ tướng, mới “tiên hạ thủ vi cường”, tìm cách xóa bỏ đảng đối lập đang được dân chúng ủng hộ.
Mờ sáng ngày 03/09/2017, hơn 100 cảnh sát đột nhiên bao vây khu nhà ở của thủ lãnh CNRP là ông Kem Sokha và bắt giữ ông.
Chính phủ Cambodia cho rằng, đã nắm trong tay những bằng chứng ghi âm cho thấy ông Kem Sokha liên lạc với “gián điệp ngoại quốc” bàn về âm mưu lật đổ chính quyền, cần phải giam giữ và xét xử. Theo hiến pháp Cambodia, nếu bị kết tội, ông Kem Sokha sẽ bị ngồi tù 30 năm.
Sau khi bỏ tù ông Kem Sokha, Thủ tướng Hun Sen còn tuyên bố sẽ tìm cách giải thể đảng này. Không những thế, ông ta còn dụ dỗ các nghị sĩ và chính trị gia của Đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) chuyển sang Đảng Nhân dân Cambodia (CPP) nếu không muốn hứng chịu trừng phạt. Thậm chí còn nói, người nào gia nhập CPP sẽ được thu nhận vào làm quan chức trong chính phủ. Khoảng 300 người đã gia nhập CPP của Hun Sen.Trong khi đó, khoảng trên 50 người đã chạy ra ngoại quốc trong đó có bà Mu Sochua, một trong những chính trị gia nổi tiếng của Cambodia, đồng thời là phó Chủ tịch Đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP). Bà trốn chạy khỏi Cambodia sau khi có người thân cận làm việc trong chính phủ cho biết họ đã lên kế hoạch bắt giữ bà.
Trả lời ký giả Jonathan Head của BBC tại một địa điểm không được tiết lộ ở Bangkok, bà Mu Sochua nói: “Tôi ra đi vì cảm thấy không an toàn. Điều tôi sợ là bị bắt và bỏ tù, bị xét xử qua những phiên tòa trá hình kéo dài từ tháng này sang tháng khác”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) nói, hàng loạt dân biểu đối lập ở Cambodia chạy ra ngoại quốc tị nạn báo động nền dân chủ ở Cambodia dưới tay Thủ tướng Hun Sen ngày càng ảm đạm.
Đảng Cứu Nguy Dân Tộc bị giải thể
Chiều 16/11/2017, sau một ngày nghe điều trần và xét xử, chánh án Dith Munty đọc bản quyết định của Tòa án Tối cao: “Theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Tòa án Tối cao Cambodia ra lệnh giải thể Đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP), cấm 118 thành viên cấp cao của đảng này hoạt động chính trị trong 5 năm”.
Theo hiến pháp Cambodia, phán quyết của Tòa án Tối cao là phán quyết cuối cùng, không ai có quyền kháng cáo.
Trong thời gian qua, đảng đối lập CNRP thường xuyên tố cáo bị chính phủ do Thủ tướng Hun Sen cầm đầu o ép nhưng chưa một ai nghĩ đảng này bị giải thể mau lẹ đến vậy.
Một số nhà quan sát cho rằng, nguyên nhân CNRP bị giải thể là: Trong cuộc bầu cử hội đồng nghị viện các cấp vừa qua, CNRP không những cân bằng với CPP ở nhiều địa phương còn có tiếng nói rất mạnh ở thủ đô Phnom Penh. Đặc biệt là CNRP đang lấy được lá phiếu của giới trẻ tại Cambodia.
Trước khi diễn ra phiên tòa, ngày 15/11, để đảm bảo trật tự và an ninh, nhà cầm quyền đã cho phong tỏa các tuyến đường, cảnh sát vũ trang canh gác xung quanh trụ sở tòa án và lập nhiều chốt kiểm soát an ninh tại các cửa ngõ ra vào thủ đô Phnom Penh. Cảnh sát và quân đội được lệnh chuẩn bị tinh thần trực chiến nhằm đề phòng các hoạt động phản đối của phe đối lập.
Tuy nhiên, theo ký giả hãng thông tấn AFP có mặt tại Phnom Penh, không một cuộc tập hợp đông người hay biểu tình nào tại thủ đô Phnom Penh trong ngày tòa xét xử và ra phán quyết. Các lãnh đạo CNRP ở trong nước cũng tuyên bố không có kế hoạch tổ chức biểu tình phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao. Mặc dù, trước khi diễn ra phiên tòa vài ba ngày (13/11) bà Mua Sochua, phó chủ tịch CNRP, đang lưu vong ở ngoại quốc, từng lên tiếng kêu gọi những người ủng hộ CNRP tập trung phản đối việc giải thể Đảng Cứu Nguy Dân Tộc.
Bộ Nội vụ Campuchia cáo buộc CNRP câu kết với nước ngoài nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp tại Campuchia. Thậm chí Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền tại Campuchia đã 32 năm, từng có lúc nói thẳng rằng chính Mỹ đã giật dây cho các hoạt động chống phá chính quyền của ông thông qua đảng đối lập.
Trong khi đó, một ngày trước khi diễn ra phiên tòa (15/11), ông Sam Rainsy, cựu chủ tịch Đảng Cứu Nguy Dân Tộc, hiện sống lưu vong tại Hoa Thịnh Đốn, tuyên bố sẽ trở lại chính trường Cambodia. Ông viết trên facebook: Mặc dù Đảng Cứu Nguy Dân Tộc bị chính phủ Hun Sen giải thể, tôi vẫn trở về Cambodia với tư cách là 1 thành viên của CNRP chiến đấu cho một nước Cambodia thực sự tự do và dân chủ.
Ông Sam Rainsy từ chức lãnh đạo đảng CNRP đầu năm 2017, chạy ra nước ngoài tị nạn chính trị. Người thay ông nắm quyền lãnh đạo đảng là ông Kem Sokha. Chính phủ Campuchia đã bắt ông Kem Sokha ngày 03/09 với cáo buộc tội phản quốc.
Hun Sen – tên tay sai chột mắt?
Hun Sen chào đời ngày 05/08/1952, thời trẻ là một học sinh lười biếng, 18 tuổi (1970) gia nhập đội du kích Khmer Đỏ (Khmer Rouge). Năm 1975, trong một trận đánh nhau, mắt trái bị thương, đến nay vẫn phải đeo mắt giả. Do bị cấp trên hãm hại, năm 1977, sĩ quan Khmer Đỏ Hun Sen cùng 4 người lính rời huyện Memot tỉnh Kompong Cham đến ấp Hoa Lư, xã Lộc Tấn, Lộc Ninh, Bình Phước, Việt Nam, cầu cứu Việt Cộng đưa quân sang giúp đỡ nhằm lật đổ chính quyền diệt chủng Polpot. Năm 1978, ông ta theo quân đội Việt Cộng sang xâm lược Cambodia. Năm 1979, quân xâm lược Việt Cộng đánh bại Khmer Đỏ, Hun Sen được Việt Cộng cử làm phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng nước Cộng hòa Cambodia. Thực chất là tên tay sai được Việt Cộng cài vào nắm hết mọi quyền bính. Năm 1985, Thủ tướng lúc bấy giờ là Chan Sy từ trần, ông ta được cử làm Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Cambodia. Năm 1991, ông tham dự Hội đàm Hòa bình Paris, mang lại hòa bình cho đất nước Chùa Tháp. Từ đó ông làm Thủ tướng Cambodia cho đến bây giờ, tính ra đã 32 năm (1985 – 2017). Sinh thời, Hoàng thân Norodom Sihanouk từng gọi Hun Sen là “Tay sai chột mắt của Việt Nam” (one-eyed lackey of the Vietnamese).
Hun Sen là vị Thủ tướng bị các nhóm nhân quyền, trong đó có Human Right Watch, chỉ trích là một người tàn nhẫn, luôn sử dụng tòa án và các lực lượng an ninh để gạt bỏ và hăm dọa các thành phần chính trị đối lập.
Trong những tháng gần đây, chính phủ Hun Sen tấn công vào các nhóm có liên hệ với Hoa Kỳ, trong đó có cả các tờ báo và các tổ chức NGO, một phần trong chiến dịch trấn áp những tiếng nói chỉ trích và bất đồng. Tháng 09/2017, một trong những tờ báo độc lập cuối cùng ở Phnom Penh là Cambodia Daily, đã bị buộc phải đóng cửa sau khi chính phủ đòi họ phải trả một khoản thuế khổng lồ.
Khi đối mặt với những cáo buộc về việc đàn áp dân chủ, Hun Sen gạt đi và nói rằng đó là những âm mưu của thế lực bên ngoài. Tháng trước, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ ông Kem Sokha, chủ tịch CNRP, chính phủ Cambodia cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Việc sách nhiễu các nhân vật đối lập không phải là điều mới mẻ ở Cambodia. Kể từ khi đất nước thoát khỏi hàng thập kỷ chiến tranh và trải qua một cuộc cách mạng lớn vào đầu thập niên 90 và mới thiết lập một nền dân chủ mới, các tổ chức nhân quyền đã liệt kê hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền. Một số đã bị xét xử ở các phiên tòa trá hình, một số khác bị tấn công bạo lực… Đó là bộ mặt thật của Hun Sen!
Lý Anh