Sống hy vọng

Bản chất tự nhiên của con người là sống trong hiện tại nhưng thường ngóng về tương lai. Tuy nhiên, trong cuộc sống, một đôi khi có những sự việc bất ngờ xảy ra mà ta không thấy trước được, chẳng hạn như trận đại dịch hiện nay, và vì vậy mà cái tương lai chúng ta đang ngóng tới đó mù mờ quá làm cho nhiều người bỗng dưng thấy thất vọng não nề.

Theo các nhà tâm lý học, loài người chúng ta là loài duy nhất biết hướng cái nhìn về tương lai. Trung bình, chúng ta dành ra khoảng từ 30 tới 50 phần trăm những suy nghĩ của chúng ta cho những dự tính tương lai xa. Đương nhiên là những dự tính tương lai này phải tốt đẹp, sáng lạn hơn hiện tại – nghĩa là chúng ta sống với hy vọng. Ngoài loài người chúng ta ra dường như không có loài nào khác có được bản tính này.

Bởi vì chúng ta đặt nhiều hy vọng vào tương lai nên luôn mong mỏi được thấy một tương lai thật tốt đẹp, và muốn được hưởng những cái tốt đẹp ấy. Cảm giác đó khiến ta thấy hạnh phúc, và hơn nữa, tương lai đó nằm trong tầm kiểm soát của ta để ta có thể biến những hứa hẹn thành hiện thực. Ngược lại, ta sẽ cảm thấy đau khổ khi không thể kiểm soát được hoàn cảnh và trở nên bi quan với tương lai.

Bởi vì trận đại dịch hiện nay, tương lai bỗng dưng trở nên khó khăn và bất định, mọi thứ bị đảo tung lên và tương lai vuột khỏi tầm kiểm soát của mọi người, và điều duy nhất mà ta có thể làm là cố gắng giữ cho chính mình và những người thân ở xung quanh được an toàn. Thế nên, cuộc sống hiện nay của nhiều người chắc là không được vui vẻ. Kết quả một cuộc khảo sát của Gallup cho thấy trong thời gian đại dịch, mức độ bi quan về tương lai tại Hoa Kỳ ngày càng tăng cao. Và đương nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến viễn ảnh tương lai chung của mọi người. Cứ thử tưởng tượng mỗi sáng thức dậy mà không có điều gì để mong đợi, không có chuyện gì thật sự có ý nghĩa để làm ngoài việc là nằm nướng trên giường cho hết ngày thì quả thật cuộc sống như thế nản biết chừng nào.

Chúng ta thường coi nhẹ chuyện bi quan, thậm chí đôi khi còn cười cợt về nó. Tuy nhiên, trong đời sống thực, bi quan không phải là một đề tài đáng cho ta cười cợt. Kết quả nghiên cứu cho thấy nó có nhiều sự liên hệ đến vấn đề tự tử. Những người trẻ mang tính bi quan có khả năng có sức khỏe kém khi tới tuổi trung niên. Tương tự, các nhà nghiên cứu cũng chỉ cho thấy khi cuộc sống vuột khỏi tầm kiểm soát của ta do hoàn cảnh kinh tế khó khăn gây ra thì thường dẫn tới sức khoẻ kém và tình cảm nguội lạnh. Kết quả một cuộc nghiên cứu năm 1990 còn cho thấy khi người ta không kiểm soát được công việc ở sở làm, đặc biệt là khi cộng thêm áp lực của công việc nữa, thì đó chính là điềm báo trước của căn bệnh trầm cảm và bất ưng ý trong công việc.

Nói một cách ngắn gọn, những điều không hay sẽ xảy ra khi cuộc sống trở nên bi quan và bí lối. Tệ hại hơn nữa khi đây là tình trạng chung trong tập thể. Và không chỉ là tâm trạng nhiều người cảm thấy bi quan về tương lai cá nhân của họ trong cuộc sốnghiện tại,mà cảm giác bất lực và tiêu cực còn bao trùm lên cả một tập thể. Cái tâm trạng bi quan về một tương lai ảm đạm đó không chỉ riêng ở một vài cá nhân nào đó mà là của chung nhiều người. Và vì đại dịch là một hiện tượng chung tập thể, thế nên ta cũng chẳng thể làm được gì để có thể coi như không biết đến nó hoặc tìm cách tránh né những ràng buộc, gò bó mà nó đang áp đặt lên cuộc sống của ta. Quả thật chúng ta không có nhiều lựa chọn để thay đổi những sinh hoạt hết sức hạn chế mà ta phải tuân thủ trong nhiều tháng nay: không được gặp mặt bạn bè, người thân; không dám đi đây đi đó; cuộc sống không có gì tỏ ra thú vị để cho ta mong đợi. Điều duy nhất mà ta có thể làm là chờ – chờ cho đến ngày có thuốc chủng ngừa, chờ tới ngày có được sự miễn nhiễm trong cộng đồng; chờ một điều gì đó, hoặc bất cứ điều gì đó, có thể làm thay đổi cái tương lai ảm đạm kia.

Tuy nhiên, cuộc sống hiện nay chưa hẳn đã rớt xuống tới mức tuyệt vọng. Trong khi ta có thể không làm được gì nhiều để thay đổi thực tại của trận đại dịch, ta vẫn có thể thay đổi quan niệm của mình về cuộc sống, hướng quan niệm đó qua một hướng tích cực hơn. Nếu làm được điều đó, chắc chắn nó sẽ giúp ta có thêm tinh thần để đương đầu với hoàn cảnh hiện tại, cũng như với những ý nghĩ tiêu cực và cảm giác bất lực trong tương lai.

Và quan trọng hơn hết là ta phải tiếp tục hy vọng.

Như lời khuyên của các nhà tâm lý học, hy vọng là phản ứng hay nhất, thích hợp nhất trong lúc khó khăn hiện nay. Hy vọng giữ một vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của ta. Nó bảo vệ ta để chống lại những lo lắng và tuyệt vọng. Và nó bảo vệ và giúp ta tránh không rơi vào tình trạng căng thẳng tinh thần. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người có bản tính hy vọng cao hơn thì thường giỏi đối phó với nghịch cảnh và có khả năng tự vực dậy nhanh hơn sau những thất bại. Đây là những người thường có nhiều khả năng giải quyết vấn đề và không phải loại người dễ chán nản. Họ có mối quan hệ vững bền với những người xung quanh, là vì họ có khiếu giao tiếp và dễ dàng gây được sự tin tưởng từ người đối diện.

Hầu hết các nhà tâm lý học định nghĩa hy vọng như là sự khao khát một điều gì đó có thể xảy ra nhưng không chắc chắn – chẳng hạn một tương lai tốt đẹp hơn – và một niềm tin người ta có thể biến nó thành hiện thực. Và các nhà tâm lý học tin rằng hy vọng bao gồm hai thành phần quan trọng: Động lực, để đạt được mục tiêu mong muốn;và lộ trình, để thực hiện điều đó. Đây là điểm cho thấy hy vọng khác với lạc quan, ở chỗ người lạc quan thì tin rằng họ có thể đạt được thành công trong tương lai cho dù là trong hoàn cảnh nào. Vậy, cách tốt nhất để có được một cuộc sống quân bình thì nên phối hợp cả hai thứ: lạc quan và hy vọng.

Hãy nghĩ như vầy: Nếu như một người nào đó muốn được giảm cân, người đó cần phải có một kế hoạch – ăn uống điều độ hay một chương trình tập thể dục – và ý chí để theo đuổi mục tiêu cho đến cùng. Không có hai thứ kể trên thì thật sự không có hy vọng để có được một thân hình cân đối. Rốt cuộc ước muốn đó chỉ là điều mơ tưởng mà không trở thành hiện thực.

Có người mang nhiều hy vọng hơn người khác, là nhờ ở bản chất tự nhiên có sẵn của người đó cộng với sự cố gắng tự vun bồi bằng cách học hỏi kinh nghiệm. Những người này thường có được những đức tính như sau: Biết tin tưởng ở người khác, tính tự chủ, khả năng vượt qua khó khăn và đặt niềm tin vào tâm linh.

Có điều may mắn, hy vọng là thứ dễ uốn nắn. Và ta có thể thúc đẩy nó. Các nhà khoa học cho biết mỗi khi cảm thấy hy vọng thì vùng não đai (anterior cingular cortex) của ta kích hoạt. Đây là vùng não nằm ở giao điểm giữa hệ viền (limbic), nơi điều khiển cảm xúc, và vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex), nơi khởi động suy nghĩ và hành động. Điều này cho thấy ta có thể gây một phần ảnh hưởng lên cái cảm giác hy vọng của chính mình. Nói cách khác, hy vọng là một chọn lựa. Thay vì buông xuôi để cho hoàn cảnh đưa đẩy, ta có thể chọn hy vọng và sự lựa chọn này giúp ta trút bớt đi những suy nghĩ tiêu cực trong đầu và mang lại cảm giác nhẹ nhàng hơn.

Tất nhiên là vào thời điểm này, lựa chọn hy vọng có thể là điều khó làm, khi mà cả thế giới dường như đang quá ảm đạm và đầu óc chúng ta lúc nào cũng ở trong tình trạng cảnh giác cao độ, liên tục đề phòng các mối đe dọa đến từ bên ngoài, thì đâu còn chỗ để cho hy vọng chen vào. Nhưng như nói ở trên, hy vọng là sự chọn lựa và ta nên thử cố gắng tạo cơ hội mở cánh cửa lòng mình để cho hy vọng được lọt vào. Sống là phải có hy vọng, nhất là trong thời đại dịch như hiện nay.

Một điều ta nên nhớ là cho dù thời kỳ khó khăn cách mấy thì rồi cũng có lúc phải chấm dứt. Và thời kỳ càng u tối thì lại càng cần đến hy vọng để sống còn.

Tình cảm là thứ dễ lây lan. Vậy ta nên chia sẻ hy vọng với người khác. Hy vọng phát sinh thêm hy vọng. Và khi mọi người xung quanh ta cùng hy vọng, thì ngay chính ta cũng được thêm hy vọng vậy.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email