Sri Lanka: Phép màu nào cho đất nước của “người hùng bỏ chạy” ?

Nếu chỉ xem hình thì những hình ảnh được các hãng truyền thông quốc tế loan đi từ Colombo tuần trước giống đến mức độ đáng kinh ngạc với những hình ảnh ngày 6 tháng 1 năm 2020 tại thủ đô Hoa thịnh đốn của Hoa Kỳ.

Đêm thứ Bảy 9 tháng 7 vừa qua, dân chúng đã xông vào dinh thự của tổng thống.

Cũng những người mang cờ xí xô đổ hàng rào nhân viên công lực. Cũng những người trèo tường, ngồi vắt vẻo trên những bờ tường cao của dinh thự. Cũng những người thích thú với các tiện nghi sang trọng bên trong tòa nhà. 

Tuy nhiên, cuộc chiếm đóng dinh tổng thống Sri Lanka hoàn toàn khác với những gì đã diễn ra ở tòa nhà Quốc Hội Mỹ tại Washington DC.

Những người dân Sri Lanka không mang vũ khí. Họ không xông vào để đòi cho một ứng cử viên thất cử được thắng. Họ không đến để đánh đập những nhân viên công lực, đe dọa những dân biểu và nghị sĩ và đòi treo cổ một vị phó tổng thống.

Họ không đến đề đòi lại “chiến thắng bị đánh cắp” cho một ứng cử viên thua cuộc mà chỉ đến để đòi lại những gì của chính họ đã bị đánh cắp.

Họ đến để đòi người cầm đầu chính phủ – một nhà độc tài lãnh đạo một chế độ tham nhũng, gia đình trị mang nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa dân chủ phải LÀM VIỆC NHANH HƠN để giải quyết cái đói, cái thiếu trong nỗi tuyệt vọng của tuyệt đại đa số dân chúng quốc gia này.

Cổng vào của Dinh Tổng thống chỉ là một trong những bờ cản cuối cùng chống lại con nước phẫn nộ của lòng dân đã dâng lên đến mức cao nhất.

Tức nước vỡ bờ

Mới chỉ có bị mất điện vài giờ đồng hồ, khan hiếm giấy vệ sinh, khó tìm sữa formula cho trẻ sơ sinh, lạm phát tăng, xăng lên giá vài chục xu …nhiều người đã thấy không chịu nổi.

Thế mà ở Sri lanka, dân chúng đã phải vật lộn với tình trạng cắt điện hàng ngày và thiếu hụt những thứ cơ bản như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men từ hai ba năm nay.

Sri Laka không có đủ nhiên liệu cho các dịch vụ thiết yếu như xe buýt, xe lửa và xe cấp cứu, và các giới chức cho biết họ không có đủ ngoại tệ để nhập cảng thêm. Mà họ nói thật, hồi tháng 5 vừa rồi, dự trữ ngoại tệ của quốc gia chỉ còn 50 triệu đô la.

Sự thiếu hụt nhiên liệu này đã khiến giá xăng và dầu diesel tăng chóng mặt.

Tỷ lệ lạm phát ở Sri Lanka là hơn 50% và có dấu hiệu sẽ không ngừng lại ở đó.

Vào cuối tháng 6, chính phủ đã cấm bán xăng và dầu diesel cho các phương tiện không thiết yếu trong hai tuần. Việc bán nhiên liệu vẫn bị hạn chế nghiêm trọng.

Ngay cả đến gas để nấu ăn cũng thiếu. Ở các điểm bán, đàn bà, trẻ con xếp hàng dài cùng với các bình gas, hy vọng sẽ mua được ít khí đốt để thay cho củi chẻ – thứ nhiên liệu cũng vừa đắt, vừa bất tiện, mà họ đã phải dùng để nấu ăn từ nhiều tháng nay. 

Các trường học đã đóng cửa, và mọi người được dặn bảo phải làm việc tại nhà.

Và vào tháng 5, lần đầu tiên trong lịch sử, Sri Lanka không trả được lãi cho khoản nợ nước ngoài của mình.

Các cuộc biểu tình bắt đầu ở thủ đô Colombo vào tháng 3 và lan rộng khắp cả nước.

Không có xe – vì không có xăng, người dân từ các nơi lội bộ, đi xe đạp về thủ đô để tham gia biểu tình. Đến đầu tháng 4, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa cùng 26 thành viên nội các, kể cả thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Sri Lanka, phải từ chức.

Có ít nhất vài trăm người đã bị lực lượng an ninh bắn chết và bị thương trong những cuộc đối đầu lớn nhỏ. 

Để rồi đến ngày 9 tháng 7 vừa qua.

Họ xông vào dinh Tổng thống, nhưng ông Gotabaya Rajapaksa, vị Tổng thống 73 tuổi đã chạy khỏi dinh từ trước đó. Đến tối, ông cam kết sẽ từ chức ngày 12 tháng 7. Có tin là ông ẩn náu trên một chiếc tàu Hải quân ở ngoài khơi. Đến hôm 12, lại có tin ông ra phi trường Bandaranaike để định đi Mỹ nhưng bị nhân viên di trú chặn lại không cho rời khỏi nước và Hoa Kỳ từ chối chiếu khán. Hôm 13 tháng 7, ông được một máy bay quân sự đưa khỏi SriLanka cùng với vợ sang quần đảo Malvives. Tại đây, ông công bố việc chỉ định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền Tổng thống rồi đáp máy bay sang Singapore, nơi ông gửi thư về cho Chủ tịch Quốc hội chính thức xin từ chức.

Người dân SriLanka tạm vui trước thành công này nhưng nỗi vui sẽ không dài vì sự ra đi của Rajapaksa không là phép màu để vực dậy nền kinh tế quốc gia này. 

Điều gì đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế?

Theo giải thích trên trang mạng của Thông tấn BBC, chính phủ Rajapaksa đổ tội cho con virus Corona. Họ nói rằng đại dịch Covid đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thương mại du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Sri Lanka.

Họ cũng thêm vào đó một lý do khác cũng ảnh hưởng đến du lịch, đó là một loạt vụ đánh bom chết người vào năm 2019 đã làm cho khách du lịch hoảng sợ, ngại không dám đến Sri lanka.

Nhưng hầu hết chuyên gia kinh tế khẳng định chính chính sách quản lý kinh tế tệ hại của Tổng thống Rajapaksa sự sụp đổ của Sri Lanka là nguyên nhân.

Kết thúc cuộc nội chiến vào năm 2009, Sri Lanka đã chọn tập trung vào việc cung cấp hàng hóa cho thị trường nội địa của mình, thay vì cố gắng thúc đẩy ngoại thương.

Điều này có nghĩa là thu nhập của quốc gia này từ xuất cảng sang các nước khác vẫn ở mức thấp, trong khi hóa đơn nhập cảng tiếp tục tăng.

Sri Lanka hiện mỗi năm nhập nhiều hơn 3 tỷ đô la so với xuất, và đó là lý do tại sao cạn kiệt ngoại tệ.

Vào cuối năm 2019, Sri Lanka có 7,6 tỷ đô la trong dự trữ ngoại tệ, đã giảm xuống khoảng 250 triệu đô la. Đến tháng 5 vừa rồi chỉ còn 50 triệu.

Ông Rajapaksa cũng bị chỉ trích vì các đợt cắt giảm thuế lớn mà ông đưa ra vào năm 2019, làm mất thu nhập của chính phủ hơn 1,4 tỷ đô la một năm.

Khi tình trạng thiếu hụt ngoại tệ của Sri Lanka trở thành một vấn đề nghiêm trọng vào đầu năm 2021, chính phủ đã cố gắng hạn chế sự thiếu hụt bằng cách cấm nhập cảng phân hóa học. Họ buộc nông dân dùng phân bón hữu cơ có nguồn gốc địa phương để thay thế.

Điều này dẫn đến mất mùa trên diện rộng. Sri Lanka đã phải nhập lương thực từ nước ngoài, làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt ngoại tệ.

Nhưng không chỉ có thế.

Nhà báo Kapil Komireddi viết trên tờ New York Times: “Tai họa đang xảy ra ở Sri Lanka có nhiều nguyên nhân: nợ nần chồng chất, tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, đại dịch, sự hỗn loạn trong thị trường thực phẩm và nhiên liệu toàn cầu do Nga xâm lược Ukraine – và cái gốc nằm bên dưới của tất cả là sự kiêu căng tự phụ và liều lĩnh của triều đại Rajapaksa.”

“Gotabaya Rajapaksa được biết đến với cái tên The Terminator vì đã đánh tan cuộc nổi dậy kéo dài gần ba thập niên của người Tamil ở Sri Lanka vào năm 2009 với tư cách là một quan chức quốc phòng trong nhiệm kỳ tổng thống của người anh, Mahinda Rajapaksa. Tiếng tăm về sự quyết đoán của Gotabaya đã đưa hai anh em – bị đẩy ra khỏi ghế vào năm 2015 – trở lại nắm quyền 4 năm sau đó, sau một loạt những vụ đánh bom tự sát của lực lượng Hồi giáo đã làm sống lại sự hâm mộ (của dân chúng) với những biện pháp tàn nhẫn của họ.”

“Lần này, Gotabaya, 73 tuổi, trở thành tổng thống và bổ nhiệm Mahinda, 76 tuổi, làm thủ tướng. Họ hứa hẹn “khung cảnh thịnh vượng và huy hoàng.” Thế nhưng, thay vào đó, họ đem lại lạm phát tăng vọt, thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng, mất điện và đẩy đất nước đến bờ vực sụp đổ.”

Để thấy được nguyên nhân sâu xa, và đầy đủ hơn, phải nhìn lại cái chính quyền và những người lãnh đạo cái chính quyền đó.

Một người hùng bỏ chạy

Gotabaya Rajapaska, vị tổng thống vừa bỏ chạy khỏi nước và từ chức từng được coi là người hùng dân tộc. Ông là vị tổng thống thứ hai trong gia đình Rajapaska

Người ta thường cho là triều đại Rajapaska bắt đầu từ năm 2005, khi Mahinda Rajapaska, anh trai của Gotabaya đắc cử tổng thống. Nhưng thực sự, nền móng của nó đã được đặt từ lâu lắm, ở đất nhà của gia đình này, quận hạt Hambantota, trung tâm miền nam của Phật giáo Sinhalese của đất nước này.

Nhà Rajapaksas là một gia đình địa chủ ở nông thôn miền nam Sri Lanka, tổ tiên của họ đã đại diện cho Hambantota bản địa của họ trong các hội đồng của bang và khu vực từ trước ngày Tích lan độc lập.

Họ Rajapaksas không phải là một phần của giới tinh hoa chính trị đô thị trong nhiều thập niên sau khi độc lập. Trong khi các gia đình như Bandaranaikes – sản sinh ra ba thủ tướng và một tổng thống, thì gia đình Rajapaksas là một phần của giới tinh hoa nông thôn.

Cha của Gotabaya, ông D. A. Rajapaksa, là một nghị sĩ đại diện cho quận Hambantota. Nhưng chính con trai thứ hai của ông, Mahinda, người đã đưa gia tộc này lên vị trí thống trị quốc gia. Năm 2004, Mahinda, lúc đó là thủ lĩnh phe đối lập trong quốc hội, trở thành thủ tướng. Một năm sau, ông thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2005 với tỷ số sít sao. Theo các đối thủ của ông, ông thắng nhờ lời kêu gọi tẩy chay bầu cử của LTTE (lực lượng Hổ tướng giải phóng Tamil Eelam), nhóm chiến binh được biết đến với cái tên Những con hổ Tamil.

Đây là chiến thắng đầu tiên của Mahinda trong cuộc chiến đẫm máu chống lại LTTE.

Gia tộc trị

Trở thành tổng thống, Mahinda đã khởi xướng một mô hình lãnh đạo sẽ chỉ phục vụ cho vận mệnh chính trị của gia đình ông, khiến ông trở thành người được mệnh danh là “thủ lãnh gia tộc” Rajapaksa đang lên.

Chế độ gia tộc trị bắt đầu ngay sau lễ nhậm chức tổng thống năm 2005. Theo truyền thuyết của gia đình Rajapaksa, ngay lúc bước ra khỏi sảnh đường nơi ông vừa được tấn phong, ánh mắt của Mahinda đã đặt ngay vào người em trai, Gotabaya.

Từng là một sĩ quan quân đội, Gotabaya đã sang Hoa Kỳ sinh sống và có quốc tịch Mỹ, nhưng đã trở về nhà trước năm 2005 để làm việc trong chiến dịch tranh cử của ông anh.

Theo các nhà viết tiểu sử, ngài tân tổng thống lúc đó đã vỗ vai cậu em – người đã rời quân đội với lon trung tá – rồi nói rằng “cậu sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng mới của Sri Lanka.”

Rồi lập tức hai anh em Rajapaksa nắm lấy quân đội và phát động một cuộc chiến sẽ “kết liễu” những Hổ tướng Tamil, như ông đã hứa với cử tri.

Việc giữ lời hứa của Mahinda tương đối dễ nhờ gặp thời: vào thời điểm đó phe Hổ Tamil đã từ bỏ đòi hỏi về một nhà nước độc lập ở phía bắc để chỉ yêu cầu được quyền tự trị lớn hơn theo các điều khoản của cuộc ngừng bắn do Na Uy bảo trợ. Người ta hy vọng thỏa thuận này sẽ mở ra một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt một cuộc nội chiến tàn khốc đã giết chết hàng chục ngàn người trong hơn hai mươi năm.

Anh em nhà Rajapaksa đã chỉ huy một chiến dịch quân sự đánh bại Hổ Tamil. Họ được sự ủng hộ của những người Sri Lanka mong muốn kết thúc cuộc nội chiến, nhưng đối với dân tộc thiểu số Tamil, một thời kỳ bạo lực nhà nước đối với dân thường đã mở ra. Liên hiệp quốc và các nhóm nhân quyền quốc tế đã lên án các vụ bắt cóc và mất tích của những người bị nghi ngờ là Hổ Tamil cũng như “các nhà báo, nhà hoạt động và những người khác được cho là đối thủ chính trị” bởi “những người có súng trên những chiếc xe van màu trắng, vốn đã trở thành biểu tượng của sự khủng bố chính trị”.

Bộ trưởng Quốc phòng Gotabaya đặc biệt dính líu đến “White Flag Incident” – sự kiện cờ trắng, khét tiếng năm 2009. Trong sự kiện đó các thành viên Hổ Tamil và gia đình của họ, sau khi liên lạc với LHQ, Hội Hồng thập tự và nhiều chính phủ phương Tây, đã đồng ý đầu hàng chính quyền Sri Lanka để rồi bị quân đội bắn chết. 

Anh em nhà Rajapaksa đã nhiều lần chối bỏ trách nhiệm về những vụ mất tích. Họ cũng khẳng định rằng họ không đưa ra mệnh lệnh bắn giết trong thời gian cuộc đầu hàng “Cờ trắng”.

Theo một báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2011, quân đội chính phủ Sri Lanka chịu trách nhiệm về nhiều tội ác từ cố ý pháo kích vào dân thường, hành quyết không xét xử, hãm hiếp và ngăn chặn thực phẩm và thuốc men đến các cộng đồng bị ảnh hưởng. Báo cáo của LHQ cho biết “một số nguồn đáng tin cậy đã ước tính có thể có tới 40.000 thường dân thiệt mạng.”

Cũng ngay khi nhậm chức, Mahinda đã bổ nhiệm cậu em Basil làm Cố vấn cao cấp của Tổng thống. Năm 2010, Mahinda Rajapaksa tái đắc cử Tổng thống. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010, Chamal Rajapaksa, Basil Rajapaksa và Namal Rajapaksa cũng đắc cử với những số phiếu cao ngất trời. Sau đó, Chamal được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Basil được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế. Ba anh em nhà Rajapaksa phụ trách năm bộ của chính phủ: Quốc phòng & Phát triển Đô thị, Luật & Trật tự, Phát triển Kinh tế, Tài chính & Kế hoạch và Cảng & Đường cao tốc. Có lúc, họ được cho là đã trực tiếp kiểm soát 70% ngân sách quốc gia. 

Nhiều thành viên khác của đại gia đình cũng đã được “bổ nhiệm” vào các vị trí cấp cao trong các cơ quan nhà nước. 

Triều đại Rajapakska kéo dài 10 năm để rồi tạm đứt quãng sau thất bại bất ngờ của Mahinda Rajapaksa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015 do bị cáo buộc là độc tài, tham nhũng, chuyên chế và quản trị tồi.

Nhưng đến năm 2019, các cuộc tấn công khủng bố theo chủ nghĩa Hồi giáo phối hợp trên khắp đất nước đã giết chết 269 người và gây ra phản ứng dữ dội của phe chủ nghĩa dân tộc, đưa nhà Rajapaksa trở lại nắm quyền. Quan điểm cứng rắn về an ninh của Gotabaya đã giúp cho ông ta giành được sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò tổng thống năm 2019 đồng thời giúp cho ông anh, Mahinda, lại giành được ghế trong quốc hội (năm 2020). Để rồi khi ông em làm Tổng thống, ông anh được chỉ định vào ghế Thủ tướng.

Hai anh em Rajapaska lại đưa vào các bộ quan trọng những họ hàng thân thích, những người thường chẳng có chút tài cán hay năng lực gì cho công việc mà họ được đặt để vào. Cùng lúc, bất chấp tình hình tài chính vốn đã bấp bênh của đất nước, họ vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cắt giảm thuế mạnh, coi đó là biện pháp kích thích nền kinh tế.  

Theo sau đó là những quyết định tồi tệ và vận xúi.  Cùng với việc cắt giảm thuế làm giảm nguồn thu của chính phủ, đại dịch đã tàn phá kỹ nghệ du lịch, một nguồn thu nhập quan trọng của Sri Lanka. Đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, chính phủ đã cấm nhập cảng xe có động cơ, phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu để tiết kiệm ngoại tệ và ra đột ngột quyết định buộc nông dân dùng phân hữu cơ.

Kết quả thật là thảm khốc: Sản lượng chè – nguồn thu xuất cảng chính – giảm khoảng 18% và sản lượng ngũ cốc giảm 43%. Chính phủ đã tiết kiệm được 400 triệu đô la Mỹ nhờ cấm nhập phân bón, nhưng buộc phải chi 450 triệu để nhập cảng gạo. Chính phủ cũng đã đảo ngược lệnh cấm phân bón đối với một số loại cây trồng chủ chốt. Nhưng kinh tế Sri Lanka đã lãnh cú đòn knock out khi Nga xâm lược Ukraine. Kết quả là giá hàng hóa tăng vọt, đặc biệt là nhiên liệu, khiến đất nước rơi vào hỗn loạn.

Rơi vào ‘bẫy nợ của Trung cộng’

Nhưng kinh tế, chứ không phải an ninh, đã trở thành lý do tạo sự sụp đổ của gia tộc Rajapaksa.

Báo Bloomberg cho rằng nhà Rajapaksa đã làm khánh tận Sri Lanka chỉ trong 30 tháng (2019-2021)

Vào cuối năm 2019, Sri Lanka có 7,6 tỷ đô la trong dự trữ ngoại tệ, đã giảm xuống khoảng 250 triệu đô la. Đến tháng 5 vừa rồi chỉ còn 50 triệu.

Gotabaya Rajapaksa cũng bị chỉ trích vì đưa ra các đợt cắt giảm thuế lớn vào năm 2019, làm mất thu nhập của chính phủ mỗi năm hơn 1,4 tỷ đô la.

Sau những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Sri Lanka, các chính phủ phương Tây bắt đầu loại Sri Lanka khỏi danh sách viện trợ. 

Mất viện trợ, lại thêm các con đường vay ưu đãi cạn kiệt khi Sri Lanka được Ngân hàng Thế giới (World Bank) nâng lên cấp từ nước có thu nhập thấp lên nước có thu nhập trung bình thấp (low- income country lên low-middle-income country), chính phủ Colombo bắt đầu dựa nhiều vào các khoản vay thương mại để tài trợ cho ngân sách quốc gia.

Anh em nhà Rajapaksa cũng tăng cường phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc. Dự án cảng lớn ở Hambantota đã nhanh chóng trở thành một thí dụ điển hình về “bẫy nợ Trung Quốc”, với việc Sri Lanka vay các ngân hàng TQ để trả cho các dự án không khả thi về mặt thương mại với lãi suất khủng khiếp.

Nhà báo Kapil Komireddi viết: “Nằm ở vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, Sri Lanka là trung tâm trong các kế hoạch của Trung Quốc và Bắc Kinh đã câu dính nhà Rajapaksa bằng các khoản tiền dễ dàng. Trung Quốc nhanh chóng trở thành một trong những nước nắm giữ khoản nợ lớn nhất của Sri Lanka, chiếm khoảng 10%, tương đương với Nhật Bản nhưng với các điều khoản khó khăn hơn. Hàng tỷ đô la đổ vào, và các dự án phù phiếm lãng phí mọc lên ở thủ đô Colombo.

Gia đình Rajapaksa đã đem chủ quyền của Sri Lanka làm tài sản thế chấp. Họ đã sử dụng các khoản vay của Trung Quốc để tài trợ cho việc xây dựng một cảng tại Hambantota, khu quê hương của gia đình ở phía nam. Nhưng vào năm 2017, Sri Lanka đã buộc phải giao cảng và 15.000 mẫu đất liền kề cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm khi nước này không còn đủ khả năng trả nợ cho dự án….”

Khi nợ của đất nước tăng cao, các ông quan Rajapaksa đang nắm quyền trị nước đã cưỡng lại các lời kêu gọi của quốc gia và quốc tế về một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cơ cấu lại nợ. Họ quả quyết rằng Sri Lanka sẽ trả được nợ.

Ông em Basil Rajapaksa, 71 tuổi, được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính vào năm 2020 trong lúc đang là mục tiêu của các vụ án tham nhũng với biệt danh “Mr. Ten Percent”

Rồi đến ông cháu của tổng thống, Sashindra, con trai của Chamal Rajapaksa, chủ trương lệnh cấm nhập cảng phân bón hóa học tai hại, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp quan trọng của đất nước.

Đến khi đại dịch làm ngừng trệ hoạt động du lịch, rồi khan hiếm, lạm phát tràn lan, người dân Sri Lanka bắt đầu thất vọng về gia tộc cai trị của đất nước họ.

Và các cuộc xuống đường nổ ra.

Tương lai chưa sáng sủa

Bản tin hôm 15 tháng 7 của CNN đưa ra những nhận định của các chuyên gia tại chỗ.

Nhà Rajapaksa có thể đã ra đi, nhưng Sri Lanka vẫn đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ, và các chuyên gia cho rằng mọi thứ có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn.

Không thấy có bao nhiêu dấu hiệu giảm bớt các cuộc biểu tình về việc cắt điện hàng ngày, giá nhiên liệu tăng và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng những thứ căn bản như thực phẩm và thuốc men. 

Assanga Abeyagoonasekera, một nhà phân tích và tác giả sách ở Sri Lanka nói: “Không có sự ổn định chính trị nào. Chúng tôi đã thấy ba nội các trong vòng hai tháng, với nội các thứ tư sắp tới. Cần phải thay đổi khẩn cấp để khôi phục đất nước.”

Bất chấp một loạt các biện pháp kiểm soát khủng hoảng do chính phủ thực hiện, tình hình vẫn còn tuyệt vọng đối với hàng triệu người trên khắp đất nước. Nhà phân tích chính trị Amita Arudpragasam ở Colombo cho biết: “Chúng ta vẫn đang thiếu lương thực, thuốc men và nhiên liệu. “Các chính sách cũng không hiệu quả và khó hiểu.”

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, đại sứ Sri Lanka tại Bắc Kinh cho hay này đang thảo luận với Trung Quốc về khoản “hỗ trợ tài chánh” trị giá khoảng 4 tỷ đô la. Nhưng nội dung của sự giúp đỡ này chỉ có lợi cho…Trung cộng và làm chặt thêm vòng kim cô ở đầu Sri Lanka. Theo Đại sứ Palitha Kohona, khoản tiền này bao gồm khoản vay 1 tỷ để trả các khoản vay hiện có của Trung Quốc, tín dụng hỗ huệ 1,5 tỷ và khoản tín dụng 1,5 tỷ để…mua hàng hóa từ Trung Quốc.

Trong khi mọi con mắt đang đổ dồn vào kế hoạch cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng chắc chắn – như nhà nghiên cứu Sanjana Hattotuwa nói, “IMF sẽ không cung cấp hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka nếu không có sự ổn định chính trị.”

Sau khi Gotabaya Rajapaksa đã ra khỏi đất nước, sự phẫn nộ của công chúng đã chuyển sang Thủ tướng Wickremesinghe, Quyền Tổng thống đương nhiệm. Họ cho rằng Wickremesinghe là người đã được Rajapaksa chọn vào vị trí thủ tướng, có liên hệ chính trị và luôn quan tâm bảo vệ nhà Rajapaksas.

Những người khác nhắc lại lời kêu gọi bầu cử. Luật sư nhân quyền Ambika Satkunanathan nhận định: “Phong trào biểu tình không chậm lại và nhiều người Sri Lanka đã nhận ra tầm quan trọng của vai trò công dân của họ trong việc giữ những người có quyền lực chịu trách nhiệm. ở Sri Lanka.

Theo Satkunanathan, rất có thể nhà Rajapaksa sẽ trở lại nắm quyền. Họ vẫn còn người ủng hộ và “Họ có thể đã bỏ rơi con tàu khi nó đang chìm nhưng họ hiểu biết và đã tham gia trò chơi chính trị trong nhiều thập niên.” Tuy thế “…đã đến lúc phải thay đổi. Chính phủ cần phải tiến hành các cuộc bầu cử sớm…”

Wickmenesinghe sẽ vẫn là Quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội bầu ra Tổng thống mới. Theo hiến pháp, Wickremesinghe sẽ chỉ được phép giữ chức vụ tối đa là 30 ngày.

Quốc hội sẽ bắt đầu cuộc bỏ phiếu chọn tổng thống để phục vụ nốt hai năm còn lại của nhiệm kỳ mà Gotabaya bỏ dở.

Đảng cầm quyền của Sri Lanka đã xác nhận rằng Wickremesinghe là ứng cử viên của họ. Nhưng, theo các nhà phân tích, người dân Sri Lanka vẫn quyết tâm và muốn nhìn thấy những người mới và gương mặt mới trong chính phủ. 

Đỗ Quân

(nguồn: BBC, NYT, Washington Post, The Diplomat, France24, Người Việt…)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email