Khi trời trở lạnh ở những tiểu bang miền bắc, người ta hân hoan đón mùa thu vàng vì thời tiết tác động trực tiếp lên cảm xúc con người thích trời mát mẻ hơn sự oi bức của mùa hè. Trời về cuối thu cũng là mùa thu hoạch niềm vui quanh nhà với những trái cà chua chín mọng, mấy cây đậu bắp đã vàng lá tạm biệt, giàn đậu green bean đã già cho đợt trái cuối mùa, mấy cây ớt trơ cành, tạm biệt người trồng với đợt trái khô lạnh, cho vô tủ đá để ăn mùa đông… Nhưng khi trời trở lạnh ở những tiểu bang miền nam thì mùa lễ cuối năm đã về tới thềm cửa, trên màn hình tivi đã đỏ rực những quảng cáo quà cáp cho mùa lễ cuối năm, những khu thương mại đã sáng đèn gọi mời người mua sắm, những mặt người buồn tênh nơi góc quán cà phê vì họ lạc lõng trước sự rộn ràng của người bản xứ, họ nhớ nhà trong ký ức mù sương, nhớ người thân đã lâu không gặp. Họ có tâm sự không nói nên lời, nỗi lòng chao chao cánh én… họ có bao nhiêu ước mơ vẫn chỉ là mơ, họ có bao nhiêu việc chưa hoàn thành đã năm hết tết đến, họ có cả cuộc đời dạt trôi đọng lại trong đôi mắt vô hồn để nhìn đời vô cảm… thì lễ Tạ ơn vẫn về.
Nguồn gốc của lễ tạ ơn đối với người Việt sống ở hải ngoại sẽ sớm hiểu biết sau khi định cư, và cảm kích tinh thần, ý nghĩa của ngày lễ nhân văn này, cảm khoái bữa tiệc gia đình một vài năm khi mới định cư. Không hẳn là sống lâu ở nước ngoài rồi nhàm chán lễ tạ ơn vì tinh thần của lễ tạ ơn không bao giờ lỗi thời, có nhàm chán là nhàm chán những bữa ăn phát mệt, mệt vì nấu nướng, mệt vì ăn uống quá nhiều, và mệt nhất là dọn dẹp sau bữa tiệc lớn của gia đình. Tất cả như hôm qua. Hôm qua của hôm qua tiếp diễn thì những người vất vả đã già, đàn trẻ đã lớn như đàn chim rời tổ. Lễ tạ ơn vẫn về.
Nhìn ngoài trời rưng rưng giọt mưa thu, se lạnh gió đông về, nhớ quê nhà thường ví thời gian như bóng câu qua cửa, ngựa chạy tên bay… ngày tháng cứ vùn vụt qua, lại năm hết tết đến. Người nghèo chạy ăn từng bữa đã đủ mệt, năm hết tết đến lại lo thêm cho nhà có ba ngày tết không nhiều thì ít vì nhìn lên ban thờ gia tiên khói hương lạnh lẽo con cháu không cam lòng, nhưng chẳng lẽ thắp hương suông. Nhìn xuống con cháu không áo mới, nhà không đủ thức ăn cho chúng ba ngày tết làm cha mẹ đau lòng.
Người giàu cũng khóc với quà cáp, biếu xén. Có quà mới cáp được độ làm ăn cuối năm, sang năm nên biếu phải xén chứ của đâu cho đủ cúng dường cho hết thiên hạ lắm chức nhiều quyền, cho hối lộ đã thành truyền thống.
Ngày tháng cứ âm thầm đem đi những vui buồn cuộc đời. Mới vui tết trước còn đốt pháo chuột đã buồn tết sau vì người bạn gái vừa mắt đã đi chùa hái lộc đầu năm với thằng khỉ gió chung trường, là còn chưa kể tới con nhỏ lường gạt, hẹn hò Giáng sinh cùng đi nhà thờ, nhưng đêm Chúa sinh ra đời thì nó đã chấp cánh thiên thần bay theo kẻ khác, để lại sân giáo đường những lọn gió cô đơn, chuông gọi hồn ai vang mãi trong đêm Chúa sinh ra đời, để từ đó về sau, đến tóc bạc trên đầu ngồi nhìn về cố thổ từ mảnh đất đang tưng bừng mừng lễ tạ ơn sao lại ngậm ngùi: Tạ ơn em. Tạ ơn em đã cho anh tuổi trẻ nhìn theo nhưng không phải chung đường. Tạ ơn trời không có đường cùng. Tạ ơn đời muôn vạn lối. Tạ ơn cha mẹ không giàu nên con biết thương người cùng khổ. Tạ ơn quê nhà mịt mù khói súng cho con dân biết quý trọng sinh mạng. Tạ ơn bên thắng phân biệt đối xử để bên thua biết giá trị của bình đẳng. Tạ ơn ruồng bỏ để đến được bến bờ tự do…
Ước gì được sống lại một thời đã qua trong đời với thời gian như bóng câu qua cửa, ngựa chạy tên bay khi tất cả. Tất cả chỉ còn trong kỷ niệm. Tạ ơn những kỷ niệm vui, tạ ơn những kỷ niệm buồn đã buông bỏ giận hờn để hình thàng lòng biết ơn. Và.
Khi một người biết mang ơn sẽ không còn việc gì quan trọng hơn với họ là trả ơn, cũng như người hận thù không quên thì không có việc gì quan trọng hơn với họ là trả thù. Người trả ơn khó một thì người báo thù khó hai đã song hành từ vô lượng kiếp vì không có kẻ thù, nhân loại không biết đến sự tha thứ, lòng biết ơn…
Thời gian ở Mỹ mới thực sự là bóng câu qua cửa, ngựa chạy tên bay… Ngẫm lại người mình hay nói thậm xưng để quan trọng hóa vần đề. Bằng chứng, làm gì có: con rận bằng con ba ba/ đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh. Ca dao nói, mà ca dao là chắt lọc, là tinh hoa…
Thời gian ở Mỹ nhanh hơn ta nghĩ biết bao lần. Thí dụ, khi còn nhỏ ở quê nhà, mỗi tuần chỉ có tối thứ bảy, Lực lượng “Xây dựng nông thôn” của chính phủ Thiệu mới cho dân quê xem truyền hình ở sân Hội đồng xã bằng những cái bình điện, bên Việt nam gọi là bình ắc-quy. Buồn nào hơn chưa hết tuồng cải lương mà hết bình, nhưng vui nào hơn từ nhỏ đã được nghe “Con gái chị Hằng” hát trong nước mắt, “áo này một tay má sắm má may/ má đã đi rồi áo vẫn còn đây…” để lòng trẻ biết mang ơn mẹ trong đói nghèo cả nước sau hoà bình khốn nạn. Mẹ tháo gỡ chiếc áo len của mẹ cũng chỉ đan đủ cho con chiếc áo len không tay với cái lạnh của trời đất miền nam nổi giận sau hoà bình giả dối. Lạnh từ đâu về mùa Giáng sinh năm 1976, Sài gòn chưa bao giờ lạnh 16 độ C như năm ấy đói nghèo. Chiếc áo “trấn thủ” là từ của mẹ, con chưa từng tìm hiểu từ “trấn thủ” là gì, và sẽ không là không tới hết đời vì chiếu áo ấy đã theo con từ khi còn ngồi ghế nhà trường tới lúc ngược xuôi nam bắc kiếm sống, tới biệt xứ thì chiếc áo là mẹ, là quê hương. Tới đứa con nhỏ của con mặc khi nó đi tiểu học, lên trung cấp đã chật rồi, nhưng con vẫn cất giữ mẹ trong tâm, cất áo trong tủ quần áo của con, hình bóng mẹ là trăm mối nối len vụn bên trong cho con được ấm, quê nhà con như chiếc áo len bên ngoài tinh xảo những hoa văn hình quả trám xoắn lọn dây thừng nhưng nát như tương tàu bên trong. Tạ ơn mẹ khéo nối len vụn mà thắt chặt được con với tình mẫu tử, với quê nhà rách nát vẫn thương. Tạ ơn trên đã không dùng bơ sữa tẩy não để quên tiền thân…
Thời gian ở Mỹ mới đúng là bóng câu qua cửa, ngựa chạy tên bay… Mới hôm nào mặc áo lạnh dầy để ra sân sau nướng thịt cho đám con cháu không biết lạnh vì tụi nó hăng say chơi bóng bầu dục ngoài sân trước nhà vào dịp nghỉ lễ tạ ơn. Cứ chừng hai tiếng thì chúng vào ăn một chập hết lạnh đầy của thế hệ trước cắn răng chịu đựng cái lạnh của lạ xứ, xa quê… Nhưng cảm hoài mùa lễ lại lồng trong ước gì được chịu đựng thêm lần nữa cho những đứa trẻ xa quê từ trong bụng mẹ. Tạ ơn trên xoay vòng thời gian nhanh qua cho đàn trẻ lớn với lòng biết ơn đã hiện đại hóa bằng cái tin nhắn ngày lễ tạ ơn cũng đủ rồi.
Lễ tạ ơn đã về với cái lạnh đã đến độ phải mở máy sưởi trong căn nhà ở miền nam nước Mỹ, rồi mùa lạnh sẽ qua để mùa hè mở máy lạnh, cùng lắm thời tiết chỉ tỷ lệ thuận với tiền điện, sao lòng cứ vui buồn con cháu đang ở đâu, đang làm gì? Không biết chúng có nhớ gởi một lời tri ân qua tin nhắn trong ngày lễ tạ ơn để xua tan buốt giá cái lạnh lòng.
Thời gian không quay lại nhưng không cấm ai nghĩ lại, không cấm ai ngoái đầu nhìn người homeless co ro nơi ngã tư đường đi làm, đi chợ, đi chơi… Họ kkhông có gì để cho người qua đường nên đứng đó làm món quà của thượng đế ban cho lòng người hay muốn hơn cho trong chiếc áo lạnh đang mặc trên người đủ ấm, chiếc xe đang lái có máy sưởi, căn nhà vừa rời khỏi có remote để mở cửa khi trở về, trong túi có tiền để đi chợ, đi chơi, có việc để đi làm… Những gì hiện có đã quá nhiều hơn món quà của thượng đế đứng trong gió buốt, sao không ban cho ngài đồng bạc mua thức ăn cho ấm lòng để độ nhân hờ hững, ban cho ngài cái áo lạnh có cũng như không vì mấy năm qua đã không dùng tới, đôi giày đóng bụi thời gian trong góc tủ âm u như một cõi đi về…
Khi thời gian không còn nữa thì lễ tạ ơn vẫn về vì lòng biết ơn không lệ thuộc thời gian với không gian. Sỏi đá mang ơn nhau mà sinh ra cát chứ không phải cát là hậu quả của chiến tranh sỏi đá. Khi người nghĩ đến người với lòng biết ơn nhau thì thời tiết không quan trọng, quà cáp không cần thiết, tiệc tùng chỉ thêm ồn… chỉ có sự im lặng là tử tế cho người ta nhìn rõ lòng mình.
Tạ ơn sự thinh lặng.
Phan