Tách nhập, Nhập tách

Thành phố Saigon sắp sửa sáp nhập một số phường, quận và được đặt tên mới.

Trước đây huyện ngoại thành Thủ Đức được chia ra ba quận: quận Thủ Đức, quận 2, quận 9. Nay ba  sáp nhập lại còn một thành phố Thủ Đức.

Mười chín phường của sáu quận cũng sắp xếp lại. Như ở quận 2: phường An Khánh và phường Thủ Thiêm nhập lại thành phường Thủ Thiêm. Ở quận 3: phường 6,7, 8 nhập thành phường Võ Thị Sáu. Ở quận Phú Nhuận: phường 11, 12 nhập thành phường 11…

Tách nhập tốn biết bao giấy mực bàn cãi chán chê mê mỏi trên báo chí hằng ngày, là chuyện các đơn vị hành chánh, phòng, ban của bộ, của sở, của tỉnh, của huyện… Những nơi này sát nhập chán lại tách ra, tách chán lại nhập vào. Cứ tách tách, nhập nhập loạn xà ngầu.

Do muốn gom các mối về để quản lý theo kiểu tập trung, làm ăn lớn. Có lúc nhà nước thống nhất hai hay ba tỉnh lại thành một nhằm tránh tình trạng các đơn vị hành chánh quá nhỏ, làm việc gì cũng lủn mủn không nên… đại sự. Sau một thời gian, việc sát nhập đã lộ ra những đặc thù địa phương khó dung hòa: đường giao thông miền núi còn gập ghềnh, trèo non, lội suối, công văn khẩn cấp có khi cả tuần chưa xuống tới xã; kinh tế, giáo dục… mỗi vùng đều mang đặc điểm khác nhau dẫn đến việc điều hành khó khăn, chậm chạp… Khi ấy mới nhận thấy trước kia người ta đã nghiên cứu kỹ địa lý, phong tục tập quán… để phân chia địa giới thật chính xác, thật hợp lý tới mức “mèo lại hoàn mèo” nghĩa là lại thôi không “khắc nhập” nữa mà “khắc xuất” như tình trạng cũ, tỉnh nào trở về tính danh của tỉnh nấy.

Tỉnh Vĩnh Phú chia thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; tỉnh Nghệ Tĩnh trở về Nghệ An và Hà Tĩnh; Lai Châu biến thành Lai Châu, Điện Biên; Daklak tách ra Daklak, Dak Nông; Phú Khánh quay lại Phú Yên, Khánh Hòa; Nghĩa Bình trở nên Quảng Ngãi, Bình Định; Gia Lai-KomTum “châu về hiệp phố” Gia Lai và Komtum; Cần Thơ và Sóc Trăng từ Hậu Giang; Cửu Long chia hai thành hai tỉnh: Vĩnh Long và Trà Vinh…

Đó là tỉnh, cơ quan cũng thế. Bộ Công nghiệp và bộ Thương mại gộp thành bộ Công thương; bộ Lâm nghiệp, bộ Thủy lợi, bộ Nông nghiệp hợp nhất thành bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; giải tán Ủy ban Dân số-Gia đình và trẻ em… Trong đó cho Trẻ em nhập vào Lao động thương binh và xã hội; Gia đình đưa qua bộ Văn hóa thể thao và du lịch… Cuối cùng còn lại mười tám bộ và bốn cơ quan ngang bộ.

Đầu tiên nói về chuyện tách. Tách thì vui lắm. Bởi khi đó đương nhiên một lô vị trí trống đợi điền vào. Úi chào, tha hồ chia chác nhau mấy cái… ghế bành. Ông trưởng ở lại, ông phó được điều về nơi mới để lên chức trưởng, tượng lên sĩ, sĩ lên tướng hay là tốt đỏ lên mã và tốt đen lên tốt đỏ. Tất bật tăng bậc lương, chỉnh ngạch trật, chỗ dễ chịu, chỗ khó ưa… Cứ theo thứ tự mà đôn lên hay chèn ngang, lót thư tay hay gọi phone gửi gắm tạo nên một sinh hoạt hết sức nhộn nhịp.

Nhân dịp tách là cơ hội xài ngân sách một cách chính đáng, tha hồ tiêu tiền thật suớng tay. Những cơ quan sinh sau đẻ muộn, bắt đầu ra riêng chưa có chút tài sản nào nên bắt đầu gầy dựng. Nào xây trụ sở, sắm bàn ghế, trang thiết bị mới. Thời buổi này công sở nguy nga, ốp đá, gắn kính… lộng lẫy như khách sạn bốn sao chứ đâu có trang nghiêm như kiến trúc hồi Pháp. Xây cất mua sắm một phen tưng bừng chưa tính chia đất công tại chỗ làm mới cho cán bộ cất nhà để họ “an tâm công tác”.

Hết tách sang tới nhập. Nhập thì hơi buồn. Nhập bộ này, giải thể ủy ban kia đương nhiên kéo theo sở, ban, ngành, phòng cấp dưới lót tót nhập theo cấp trên. Ghế dư, người dôi đâm ra… “xao xuyến”. Người quen biết gấm ghé được chỗ nào lo chạy trước. Ai không quen biết, không tiền bạc đành ngồi mông lung chờ phân công. Một số trưởng đành tụt xuống làm phó. Thế là thừa phó. Nguồn gốc cao sang một thời nắm quyền chức của trưởng nên tuy bây giờ làm phó cũng đâu có chịu lép vế mất mặt chết. Cho nên ông trưởng nào quản lý mấy ông phó ngồi chờ thời hoặc hết thời đó thì cũng khó điều hành, chỉ huy mấy ông. Thôi thì coi như trong nhà có… ông nội vậy!

Chọn 1 trong 3 người phó lên làm trưởng thì bà phó B là vợ của ông giám đốc sở đương nhiên được ưu tiên. Con ông chủ tịch tỉnh cũng là một lựa chọn hàng đầu…

Khi sát nhập, các vị thường được cử sang những chiếc ghế tương đương vị trí, có xuống chỉ chút xíu thôi chứ không đời nào chịu bỏ quyền hành xuống chỉ làm công việc chuyên môn vì liên quan mật thiết đến danh dự và lợi lộc. Những vị không giành được chức vụ ngang hàng đều được làm “công tác tư tưởng” để yên tâm… công tác chứ đừng bất mãn. Tiền bạc vốn bao giờ cũng từ quyền chức ra mà lại. Cho nên mới có chuyện sẵn chức vụ cũ, bậc lương cao, quen biết rộng, khéo giao thiệp, khi nhập ngành Cá vào ngành Lúa, ông trưởng sở Cá được điều sang làm phó sở Lúa. Sau một năm ngồi bàn giấy, ông vẫn không phân biệt đâu là ruộng lúa, đâu là đám cỏ sả… đâu là liếp mía, đâu là rẫy cỏ voi… Thôi thì cứ ù ù cạc cạc yên vị đó mỗi tháng lãnh đủ lương và các thứ “bổng” chờ ngày đủ tuổi về hưu vậy.

Chưa kể vài chuyện nhỏ như con thỏ. Nhập nhằng sẽ dư ra cái bàn họp bằng gỗ lim, chiếc két sắt bốn lớp khóa, cây đàn piano nằm ở góc hội trường, cỗ máy tính mới mua chưa kịp dùng đã trở nên bơ vơ vì chưa biết nhập về đâu. Nếu không tự giải quyết, lỡ chúng lưu lạc vào kho tội nghiệp nên tốt hơn hết chia nhau, mỗi người một thứ nhập về… nhà.

Nhập địa bàn hành chính rắc rối nhất là giấy tờ. Bao nhiêu giấy tờ có ghi tên địa chỉ.

Xưa dọc kênh Tàu Hũ- Bến Nghé là các con đường Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử… Nay đổi thành đường Võ Văn Kiệt.

Ông Bang ra chi nhánh ngân hàng rút tiền tiết kiệm. Ghi địa chỉ nhà là Võ Văn Kiệt. Cô nhân viên thắc mắc: “Sao hồ sơ gốc là Bến Hàm Tử. Để hỏi lại trụ sở”. Ngồi chờ nửa tiếng đồng hồ để được xác nhận đường Bến Hàm Tử và đường Võ Văn Kiệt là … một!!!

Giới trẻ sinh sau để muộn sẽ không biết quê nội Sông Bé, quê ngoại Hà Sơn Bình là ở đâu!!!

Tách, nhập là chuyện đương nhiên trong nền kinh tế đang phát triển. Chỉ có hệ quả là kéo theo lắm người vui buồn lẫn lộn.

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email