ĐOÀN DỰ ghi chep
I. Người mẹ lận đận và đứa con tội nghiệp
Không chịu nổi người chồng vũ phu suốt ngày say khướt, hễ say là đánh đập mình khủng khiếp, chị Hà quyết định làm đơn xin ly hôn. Chồng nhiều lần đe dọa, bắt vợ phải rút đơn nhưng vô ích. Y bèn chuyển “đòn thù” tàn độc sang đứa con trai 3 tuổi: bỏ thuốc chuột vào ly nước ép con uống; mở khóa bình gas; tưới xăng lên mình con định đốt..vv.. nhưng bất thành. Lần này y đem con đến nhà mẹ vợ, đổ xăng lên đầu và mình đứa trẻ tội nghiệp rồi châm lửa…
Đứa trẻ tội nghiệp
Đã nhiều năm trôi qua, dân chúng xã Tế Tân, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn bị ám ảnh trước câu chuyện đau lòng của cháu Vũ Quốc Linh (năm nay 10 tuổi). Lúc lên 3, cháu bị chính cha ruột là Vũ Văn Quang (sinh năm 1980) tưới xăng thiêu sống. Cái giá mà tên Quang phải trả là bản án 20 năm tù cộng với 670 triệu đồng tiền bồi thường mẹ con chị Hà nhưng y không có tiền bồi thường và đối với mặt mũi cũng như thân thể bị cháy khủng khiếp của cháu Linh thì tên Quang bị bao nhiêu năm tù cũng không đủ đền tội.
Mới đây, trên khoảng đất trống trước nhà bà ngoại của cháu Linh, các phóng viên gặp lại cháu đang chơi với các bạn trong xóm.Trên gương mặt biến dạng của cậu bé, sẹo chi chít; mũi, hai tai, môi và hai mí mắt không còn, trên đầu tóc không mọc được, chỉ có một đám tóc mọc dài ở phía trước trán trông rất kỳ lạ, nhưng may mắn là hai mắt cậu bé vẫn nhìn được.
Linh là cậu bé xấu xí do bị thiêu sống song rất quả cảm, không hề sợ hãi hay né tránh khi tiếp xúc với người lạ. Hiện nay cháu đang học lớp 4 và học rất giỏi, năm nào cũng được bằng khen. Lạ lùng một điều là dù mỗi bàn tay cháu chỉ còn bốn ngón, mỗi ngón còn hai đốt nhưng cháu viết chữ rất đẹp, được phần thưởng trong cuộc thi viết chữ và vở đẹp trong trường.
Nhìn con, chị Lê Thị Hà (sinh năm 1984 mẹ cháu Linh, kém chồng 4 tuổi) rơm rớm nước mắt: “Linh là đứa trẻ rất kiên nhẫn, bạo dạn, ít bị mặc cảm về ngoại hình xấu xí sau khi bị người cha độc ác đốt. Trước đây, mỗi lần dắt cháu đi chợ mua quần áo hay tới chỗ đông nguời, tôi đều dặn cháu: “Nếu có ai hỏi hay trêu trọc thì con đừng bận tâm”. Ngày đầu đi học, Linh bị bạn bè trêu ghẹo, xa lánh, cháu về khóc dữ lắm nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ học. Mỗi bàn tay cháu chỉ còn có 4 ngón nên việc viết chữ rất khó khăn. Trước khi cháu học lớp 1 tôi dạy cháu tập viết, sau đó thì nhờ cô giáo. Có hôm cháu tập cầm bút đến mỏi cả tay nhưng vẫn kiên nhẫn. Cháu làm toán khá lắm, suy nghĩ rất nhanh. Cuối năm lớp 2 cháu bắt đầu tập đi xe đạp để tự tới trường. Cháu sáng dạ nên chỉ một buổi là đã bắt đầu đi được, dù ngã đau vẫn tập tiếp”, chị Hà kể.
Cuộc sống vốn tồn tại những phép màu thần ky ít ai có thể ngờ được. Cậu bé năm nào mới 3 tuổi bị gã đàn ông tàn ác tưới xăng đốt, bị bỏng tới hơn 86%, ngay các bác sĩ trong bệnh viện cũng cho biết hi vọng tồn tại rất mong manh, còn nếu cứu sống được thì cũng tàn phế hoặc cả đời sẽ sống đời sống thực vật. Từ ngày gặp nạn, Linh phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. Trong đó có 2 lần cháu đuợc tài trợ sang Hàn Quốc phẫu thuật ghép da lấy từ da đùi của mẹ cháu, tạo ngón tay giả và cấy tế bào gốc vào những phần thịt đã cháy và cắt bỏ ở mặt, tự nó không thể tái tạo lại được. Giờ đây, tuy không còn phải làm phẫu thuật nữa nhưng những tổn thương trên da thịt luôn khiến cháu ngứa ngáy, đau đớn, khó chịu.

Chị Hà nói: “Nuôi cháu Linh trong bệnh viện vất vả lắm. Đêm nào tôi cũng mất ngủ vì phải xoa bóp, gãi ngứa cho cháu. Thời tiết hanh khô, da cháu nứt nẻ, rớm máu, phải luôn luôn bôi thuốc. Mũi và miệng cháu bị cháy mất một nửa, không còn môi nên rất khó thở. Hai mắt cháu cũng mất mí nên đêm ngủ không nhắm lại được. Bác sĩ bảo may mà giác mạc không bị phạm nên cháu vẫn còn trông thấy. Nhìn con, tôi đau lòng lắm nhưng biết làm thể nào? Kẻ kia có thấy là nó quá tàn ác đối với một đứa trẻ hay không? Đã vậy đó lại là chính con ruột của nó”.
Theo chị Hà, kể từ khi Linh trơ thành ngọn đuốc sống, ông bà và họ hàng bên nội chẳng hỏi han lấy một lời. Chị không đi thăm chông bởi vì đối với mẹ con chị, tha thứ cho một kẻ tàn ác không phải con người là điều không thể chấp nhận. Cháu Linh cũng tuyệt nhiên không nhắc tới bố. Có lẽ khoảnh khắc y tưới cả bình xăng lên đầu cháu rồi bật lửa đốt sẽ chẳng bao giờ cháu quên được.

Bi kịch từ cuộc hôn nhân chắp vá
Nỗi đau và hình hài biến dạng cháu Linh có lẽ bắt nguồn từ tấn bi kịch của cuộc hôn nhân vá víu giữa Quang và chị Hà. Chị vốn là cô gái quê có nhan sắc, sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, nghèo khó. Do không có điều kiện học hành nên mới 17 tuổi chị Hà đã lấy chồng. Cuộc sống gia đình nảy sinh nhiều mâu thuẫn, năm sau chị ly hôn khi chưa cỏ con và tìm kiếm công việc tại một cửa hàng hớt tóc, gội đầu.
Trong một lần đến quán hớt tóc, Vũ Văn Quang, ngụ tại xã Tế Thắng, cùng huyện Nông Cống, lớn hơn chị Hà 4 tuổi. Gặp Hà, gã mê mẩn vì Hà xinh đẹp. Sau vài lần Quang hò hẹn, đón đưa, Hà bị chàng thanh niên cao ráo, bảnh trai này chinh phục. Bạn bè khuyên can, bảo Quang là kẻ vũ phu, lại hay say xỉn, đã từng lập gia đình được 2 năm nhưng hay đánh vợ nên vợ phải bỏ.
Chị Hà nói với các phóng viên: “Bạn bè cho biết quá khứ của Quang nhưng anh ta khéo ăn nói, có tài lấy lòng phụ nữ, trông lại bảnh bao, còn tôi tuy mới 21 tuổi song cũng đã qua một đời chồng nên dễ thông cảm. Tôi cứ nghĩ là hai người cùng cảnh ngộ cảm mến nhau cũng là duyên phận”.
Năm 2006, Quang 26 tuổi, chị Hà 22 tuổi, họ nên duyên chồng vợ, có giấy hôn thú và cưới hỏi đàng hoàng mặc dầu đám cưới rất đơn giản, chỉ vài mâm cỗ. Chị Hà bỏ nghề hớt tóc gội đầu, về nhà chồng ở xã Tân Thắng bên cạnh làm ruộng, còn Quang thì đi các vườn dạo mối, thu mua trái cây của bà con trong huyện đem bán cho các thương lái, tiền bạc cũng khá.
Tưởng rằng hai người đã trải qua biến cố hôn nhân thì sẽ nâng niu chiều chuộng nhau. Không ngờ chỉ một thời gian ngắn, cái tật uống rượu và ham mê bài bạc của Quang lại trở lại. Cứ hễ say xỉn hoặc thua bài bạc về nhà Quang lại trút hết bực dọc, giận dữ lên đầu vợ. Y chửi mắng, đập phá, đánh vợ chí chết. Chị Hà nói: “Hóa ra lời đồn anh ta vũ phu là thật. Tôi luôn luôn bị đánh. Lúc chưa lấy Quang tôi 52 kg, vậy mà sau đó chỉ còn 36 kg. Tôi bỏ về nhà mẹ đẻ lánh nạn nhiều lần, anh ta đến xin lỗi, nói ngon nói ngọt và hứa sẽ thay đổi, nhưng rồi ngụa quen đường cũ, lại vẫn rượu chè, bài bạc, đánh tôi như cũ”.
Năm 2008, tức 2 năm sau ngày cưới, cháu Linh chào đời. Chị Hà hi vọng cháu là cầu nối gắn kết tình cảm giữa hai người. Nhưng sự thực Quang càng rượu chè be bét hơn trước. Chị kể: “Càng ngày số lượng các trận đòn càng tăng lên. Mỗi tháng tôi bị đánh tới 15 – 20 lần mà chẳng biết lý do. Cháu Linh mới được mấy tháng, anh ta đi uống rượu say về, chửi bới ầm nhà rồi lôi tôi ra đánh thừa sống thiếu chết. Anh ta còn gọi điện thoại cho mẹ và em trai tôi, đòi trả tôi về nhà nếu tôi không chịu quỳ xuống van xin. Mẹ tôi bảo đuổi về càng tốt, không việc gì con tôi phải van xin trong khi nó chẳng có tội tình gì cả. Về phần tôi, vì thương cháu Linh nên phải cố gắng nhẫn nhục chịu đựng”.
Kẻ độc ác trút giận lên con để “trả thù” vợ
Vừa rượu chè vừa bài bạc, nhiều khi thua lớn nên Quang mắc nợ không có tiền trả, định bán căn nhà. Chị Hà biết chuyện, bế con về ở với mẹ đẻ. Quang lại đến làm lành, xin lỗi. Suốt gần 3 năm, “điệp khúc” ấy cứ lập đi lập lại một cách nhàm chán khiến chị không còn tha thiết với chồng. Bà Nguyễn Thị Nhị, mẹ chị Hà chia sẻ: “Năm 2010, có lần giận vợ vì không đưa tiền đánh bạc, Quang bỏ thuốc chuột vào cốc nước rồi cắm ống hút bắt cháu Linh uống. May mắn là bà nội tức mẹ ruột của Quang bất ngờ sang mượn con Hà cái kéo, cứu kịp”.
Bà kể tiếp: “Trong một lần hai vợ chồng cãi vã, Quang đóng kín cửa bếp rồi mở van bình gas đòi giết cả nhà, Hà phải khóc lóc van xin mãi nó mới thôi. Lần khác, đang đêm, bị đánh đập quá mức, Hà chạy về nhà tôi không kịp đem theo cháu Linh vì cháu đang ngủ. Nửa đêm, trời mưa tầm tã, Quang lôi cháu Linh dậy, bỏ lên ngồi đằng sau xe Honda, chở sang nhà tôi ở xã bên này tìm vợ. Gọi mãi Hà không chịu mở cửa, nó bắt cháu Linh quỳ giữa trời mưa để Hà thương con phải ra mở”. Bà Nhị nói: “Quá nhiều lần như vậy, Hà gửi đơn xin ly hôn. Trong thời gian vợ chồng sống ly thân, vợ ở nhà tôi, Quang ở một mình, cứ cháu Linh ở nhà bà với mẹ được ít hôm thì nó lại sang bắt về, chẳng thèm nói với ai một tiếng”.
Sau nhiều lần hòa giải không có kết quả, ngày 21/4/2011, tức gần 1 năm sau khi Hà nộp đơn ly dị, diễn ra phiên toà án huyện giải quyết ly hôn thì Quang giở trò phá bĩnh rất lạ. Hắn chở con bằng xe Honda đến tòa, đem theo chiếc can nhựa loại 2 lít, đựng đầy xăng. Hắn bế con vào nhà vệ sinh trong tòa, đổ xăng lên mình cả hai cha con rồi ra trước tòa, yêu cầu chị Hà phải rút đơn ly hôn nếu không y sẽ châm lửa đốt. Tòa không làm sao được, đành phải ngưng nhóm và tuyên bố sẽ cứu xét sau, hắn mới chịu chở con về.
Chiều ngày 24/4/2011 tức 3 hôm sau, Quang chở con sang nhà bà Nhị và tiếp tục mang theo chiếc can đựng 2 lít xăng lần trước để tìm chị Hà. Không gặp vợ, gã đưa con ra quán mua mấy chiếc kẹo, uống mấy ly rượu rồi quay lại nhà mẹ vợ.
Có tí hơi men trong người, hắn lớn tiếng hăm dọa bà Nhị và người con trai của bà tên Lê Văn Đông, em ruột chị Hà, cậu của cháu Linh. Bị hắn chửi bới cả hai mẹ con và đe dọa sẽ đốt vợ với cháu rồi sẽ tự tử, anh Đông tức giận đẩy hắn ra cửa: “Anh muốn làm gì thì làm nhưng ra khỏi nhà tôi”. Hắn đi ra, bất ngờ khóa trái cửa nhà vợ và bế cháu Linh đặt lên yên xe, đẩy xe ra cổng. Gần tới cổng, gã dừng lại, chống chân xe, bế bé Linh đặt xuống đất, tưới cả chiếc can nhựa đựng đầy xăng lên đầu và mình cháu, rút hộp quẹt bật lửa đốt rồi vội vàng nhảy lên xe, phóng đi. Chỉ trong nháy mắt lửa bốc bừng bừng, cháu bé 3 tuổi tên Vũ Quốc Linh con của Vũ Văn Quang và chị Lê Thị Hà biến thành một ngọn đuốc sống.
Ở trong nhà, anh Đông và bà Nhị thấy mùi xăng khét lẹt, lửa cháy sáng rực gần cổng cùng tiếng cháu Linh khóc thét: “Cậu ơi cứu con…”. Nhưng cửa bị khóa bên ngoài, anh Đông đạp tung cửa, chạy ra cứu cháu. Hàng xóm cũng đã có người thấy cháy, chạy sang. Dưới đất, đứa trẻ 3 tuổi đang lăn lộn, khóc thét. Đầu tóc và quần áo cháu cháy như đuốc. Anh Đông không còn biết sợ là gì nữa, vội vàng bế cháu lên chạy ra bờ ao gần đấy, nhảy ùm xuống ao, ôm cháu ngụp xuống nước cho tắt lửa. Chính anh cũng bị bỏng khá nặng ở hai cánh tay, ngực và mặt. Mọi người cấp tốc chở cháu lên bệnh viện cứu cấp. Nửa tiếng đồng hồ sau tên Quang bị bắt.
Theo biên bản giám định pháp y của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa, cháu Linh bị tổn thương 86,16%. Ba ngày đầu, các bác sĩ tiên lượng không biết cháu có qua khỏi hay không. Sau 28 ngày được hết sức điều trị, sức khỏe của cháu đã có chút hy vọng. Nhưng tới tháng thứ 3, các bác sĩ cho biết cháu bị nhiễm trùng máu, phải chuyển ra Bệnh viện Nhi đồng Hà Nội cứu chữa.
Chị Hà nói: “Thời gian cháu nằm tại Bệnh viện Thanh Hóa lẫn Bệnh viện Nhi Hà Nội, quả thực rất đáng lo nhưng mẹ con tôi đã vuợt qua được. Người ta bảo cọp dữ không ăn thịt con nhưng đối với người đàn ông ấy thì chẳng có gì mà anh ta không làm”.
Tại phiên tòa xét xử vụ án cha đốt con, cháu Linh được tòa cho ngồi bên cạnh Quang để hắn biết là hắn đã đốt đứa trẻ rất khủng khiếp. Hắn cũng nhìn và cũng nói nho nhỏ được mấy tiếng: “Xin lỗi con”. Sau đó hắn quay đi không nói gì nữa.
Tên Quang bị tòa tuyên án 20 năm tù và phải bồi thường cho mẹ con chị Hà 670 triệu đồng về tiền thuốc men và viện phí nhưng y không có tiền bồi thường.
Đầu năm 2014 tức 3 năm sau, chị Hà kết duyên với anh Lang Văn Hội quê quán tại huyện Thường Xuân cùng tỉnh Thanh Hóa. Anh Hội cũng đã qua một lần đò và có 2 con riêng. Trong thời gian chung sống, họ sinh thêm một cậu con trai. Tuy nhiên, do quá mệt mỏi với cuộc sống thiếu thốn, phải lo cho 4 miệng ăn (2 con riêng của anh, 1 con chung với chị Hà, 1 con riêng của chị Hà là cháu Linh), cuối năm 2016 anh Hội quyết định chia tay với vợ (không có hôn thú vì chị Hà chưa kịp ly hôn với người chồng cũ). Anh Hội nuôi 2 con của mình ở bên Thường Xuân còn chị Hà trở về nhà mẹ ở bên Nông Cống, lại làm nghề hớt tóc gội đầu để nuôi cháu Linh và đứa con trai có với anh Hội năm nay (2018) 3 tuổi, hoàn cảnh của chị rất thiếu thốn.

Kể từ người chồng đầu tiên cưới năm 2004; người chồng thứ hai – Vũ Văn Quang – cưới năm 2006; người chồng thứ ba (Lang Văn Hội, lấy nhau năm 2014, không có hôn thú); tức đúng 10 năm trời, trải qua 3 đời chồng, năm nay chị Lê Thị Hà mới 32 tuổi nhưng không có chồng, sống một mình với 2 đưa con trong hoàn cảnh khó khăn của một cô thợ hớt tóc. Đời chị rất gian nan, đó là do số phận hay do tạo hóa trêu ngươi, cho chị chút nhan sắc thì lại lấy đi của chị… 3 lần hạnh phúc gia đình, thật khó có thể hiểu được.
II. Cuốn nhật ký của cậu thanh niên đồng tính
Phát hiện bạn gái “bắt cá hai tay” mà không chút hờn ghen
Phóng viên gặp anh Nguyễn Trung Dũng, giám đốc công ty Tổ chức sự kiện H.T trong một quán cà phê nhỏ bên đuơng Quang Trung, Hà Nội. Với gương mặt hơi mệt sau một ngày làm việc với vai trò một người đứng đầu cơ sở, anh Dũng kể về dịch vụ khá lạ của mình: “Tôi làm công việc này đã 10 năm nay. Mỗi đám cưới dù lớn hay nhỏ, thực hiện xong tốt đẹp tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Còn đối với các đám cưới phải tổ chức giả theo đề nghị của khách hàng, tôi thấy thương hoàn cảnh của họ, trong lòng cứ áy náy không được vui như các đám cưới bình thường”.
Như dể chứng minh cho lời nói của mình, anh kể lại câu chuyện của một thanh niên tên Hùng, quê quán tại tỉnh Phú Thọ. Anh nói: “Hùng đến gặp tôi vào một buổi chiều cuối năm 2012 với nét mặt rất buồn và kể cho tôi nghe cuộc đời không lấy gì làm vui mặc dầu cậu ấy là con trai của một đại gia nổi tiếng giàu có ở Phú Thọ. Ông bà có hai người con, người chị tên Khánh Linh, sau đó đến Hùng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, người chị được bố mẹ cho đi du học nước ngoài. Học xong, trở về nước, chị được nhận vào làm việc trong một công ty lớn với mức thu nhập cao và được nhiều người quý mến. Lúc này, bố mẹ Khánh Linh bắt đầu giục dã con gái chuyện trăm năm. Ông bà nói đến mỏi miệng Linh mới chịu dẫn vài bãn trai về để giới thiệu. Nhưng chẳng ai lọt qua “vòng loại” để được bước tiếp vào gia đình vị đại gia khó tính này.
Sau những cuộc giao dịch bất thành ấy, Khánh Linh nói không nghĩ đến việc lấy chồng nữa rồi xin chuyển vào trong Nam để được tự do và hàng ngày khỏi bị bố mẹ nhắc nhở về việc “đã lớn tuổi rồi, liệu lập gia đình đi kẻo già kén kẹn hom”. Ai cũng nghĩ ở trong Nam Linh sẽ lấy chồng bảnh lắm vì nghe nói ở trong ấy có nhiều người học cao, nghề nghiệp ổn định, ở nước ngoài về.
Tuy nhiên, hơn hai năm sau, Khánh Linh trở về với cái bụng lùm lùm để nhờ cha mẹ giúp đỡ vì cô không muốn phá thai. Thấy con gái như thế, bố mẹ Linh tức lắm, la rầy rồi đuổi Linh ra khỏi nhà. Với chút vốn liếng đã dành dụm được, Linh thuê phòng trọ, quyết định sinh xong sẽ nuôi con một mình, chờ con cứng cáp, gửi vào nhà trẻ rối sẽ tiếp tục đi làm.
Con gái đã “hư đốn” không còn trông mong gì được nữa, kể từ đó bố mẹ Khánh Linh dồn hết hy vọng vào người con trai là Hùng. Nhưng thật trớ trêu, ông bà không hề biết con trai mình là người đồng tính. Chàng trai này tâm sự với anh Dũng giám đốc công ty H.T rằng ngay từ khi còn ít tuổi anh đã nhận ra sự khác biệt trong con người mình. Anh rất ghét những bộ đồ “nam sinh”, áo bỏ trong quần, chân đi dép xăng-đan hay giày ba-ta mà nhà trường bắt phải ăn mặc, trai ra trai, gái ra gái như vậy. Trái lại, anh thích để tóc dài, ăn mặc gọn gàng theo kiểu nữ sinh hiện nay với quần tây ống chật và áo sơ mi ngắn tay đơn giản, hễ đến ngày lễ, phải xếp hàng trong sân để kỷ niệm gì đó thì mặc áo dài trắng. Hùng mơ ước được mặc áo dài trắng giống như con gái
Hùng kể: “Thời gian chị Khánh Linh từ trong Nam về là Iúc tôi đang yêu một bạn trai “cùng hệ” trong lớp. Hai đứa yêu nhau quá chừng đến nỗi các bạn trong trường đều biết. Đã nhiều lần tôi định thú thật bí mật của mình để bố mẹ hiểu và xem có cách nào giúp đỡ. Nhưng do thấy bố mẹ đang buồn bực về chuyện của chị gái, tôi lại thôi, tiếp tục giấu kín mọi chuyện. Cuối cùng, trong khi học đại học, gia đình người bạn trai “cùng hệ” đổi đi nơi khác, tôi không hỏi địa chỉ, quyết định chia ly và đêm đêm dồn hết tâm sự vào những trang nhật ký ướt đẫm nước mắt”.
Thời gian trôi qua trong sự buồn phiền không có lối thoát của một người “homosex”, Hùng tốt nghiệp, đi làm. Để bố mẹ vui lòng, chàng ép mình đi chơi với một cô gái xinh đẹp đang là chủ một cửa hàng mỹ phẩm ở Phú Thọ. Mặc dầu được bạn gái quan tâm rất mực, nhưng anh vẫn không chút rung động. Hùng cho biết, đến một cái nắm tay anh cũng cảm thấy vô cùng khó khăn huống chi là những nụ hôn thắm thiết, mặn nồng. Mấy tháng sau, thấy Hùng quá lạnh nhạt, cô gái chủ động chia tay.
Thấy con trai lúc nào cũng âu sầu buồn bã, bố mẹ Hùng bèn nhờ người làm mai cho anh một nữ nhân viên giỏi cua một công ty quen. Một lần nữa Hùng miễn cưỡng nghe theo để bố mẹ vui lòng. Liên lạc được ít lâu thì Hùng tình cờ bắt gặp “người yêu” đang tay trong tay với một thanh niên khác. Anh lặng lẽ quan sát họ nhưng trong lòng không chút hờn ghen. Biết không thể tiếp tục với mối tình này, anh hẹn gặp bạn gái, cho biết chuyện nàng có “người khác” rối nói lời chia tay.
Ngôi nhà ngoài mặt phố
Thấy con trai tiếp tục rời xa những đám rất tốt, bố mẹ Hùng tức giận la rầy. Trong sự chán nản vì bị hiểu lầm, Hùng xin phép bố mẹ xuống Hà Nội ít lâu, nói là có người bạn giới thiệu một cô gái xinh lắm, con nhà khá giả. Bố mẹ Hùng rất mừng.
Khỏi phải nói bố mẹ Hùng đón tiếp nồng hậu như thế nào khi thấy con dẫn cô bạn xinh xắn về ra mắt. Sự thực, cô “bạn gái” này tên là Hoa, em họ con bà dì của anh Dũng giám đốc công ty H.T và cô đang làm nhân viên giao dịch kiêm kế toán, anh Dũng đã nhờ đóng vai bạn gái của Hùng. Hoa đẹp, cái đẹp sang trọng, quý phái của một cô gái con nhà khá giả gốc Hà Nội, ăn nói lại khéo léo nên nhanh chóng “ghi điểm” với bố mẹ Hùng.
Và đúng như kịch bản anh Dũng đã hoạch định từng chi tiết, đám cưới diễn ra một tháng sau đó. Ngày cưới, Hùng với bộ đồ vest lịch lãm, tay trong tay với cô dâu xinh đẹp. Bố mẹ Hùng sung sướng lắm, nở mày nở mặt. Ông bà nói nhỏ với cô dâu rằng ông bà sẽ tìm mua cho hai vợ chồng một căn nhà ngoài mặt phố ở Hà Nội để làm phương tiện kinh doanh. Hoa rất xúc động, cô nghĩ thầm rẳng phải chi đấy là đám cưới thật, không phải đám cưới giả thì tốt biết bao.

Ít lâu sau, trong lúc dọn phòng, bà mẹ Hùng bất ngờ khám phá ra một cuốn nhật ký giấu ở góc tủ. Lật giở từng trang giấy nhòe nhoẹt vì nước mắt, bà đọc từng lời thú nhận của Hùng mà nghẹn ngào không nói lên lời. Bà không ngờ bấy lâu nay con trai bà đã phải gắng gượng sống trong dằn vặt, đau khổ, một mình đối diện với nỗi cô đơn. Bà càng không thể ngờ được vì muốn bố mẹ vui lòng mà Hùng chấp nhận quên đi cuộc sống của mình nên cũng vì vậy mà chán nản, nhiều lúc muốn tìm đến cái chết.
Sau cú sốc tinh than ấy, dường như bà mẹ Hùng chợt nhận ra vợ chổng mình đã quá khó khăn, chỉ muốn sống cho mình với cái vỏ bọc bề ngoài. Bà quyết đình sẽ kể lại sự thật với chồng và thuyết phục ông bỏ qua mọi chuyện của hai con.
Ngày đoàn viên, ông bà mừng mừng tủi tủi bế cháu ngoại con của Khánh Linh vào lòng và bảo Khánh Linh phải đem con về ở với bố mẹ để ông bà trông nom cháu cho Linh đi làm hàng ngày.
Về phần Hùng, anh Dũng kể thêm: “Gần đây tôi lên Phú Thọ có công việc, nhân đó ghé thăm Hùng. Cậu ấy không còn u sầu như trước do đã được sống thật với con người mình. Tôi hỏi nhỏ liệu có ý định chuyển giới thành nữ không? Cậu ấy cười trả lời rằng cậu ấy sẽ chuyển giới “sơ sơ” cho có ngoại hình là nữ, còn việc chính là đang tìm xem trong giới đồng tính xem có cô nào từ nữ đã chuyển giới thành nam thì hai người sẽ làm đám cưới, kết hợp với nhau thành vợ chồng một cách đơn giản”.
Đoàn Dự