Tặng quà hay tặng tiền

Huy Lâm

Bước qua Tháng Giêng đầu năm, đối với người Tây phương, cuộc sống đã trở lại bình thường vì những ngày lễ cuối năm đã qua. Đây là thời gian để người ta xả bớt đi những căng thẳng tích tụ trong mấy tháng trước đó vì ngoài giờ đi làm lại còn phải tất bật mua sắm quà cáp cho người thân và tiệc tùng với bạn bè. Riêng đối với nhiều người Việt thì những tiệc tùng quà cáp tới đây vẫn chưa xong mà chúng ta còn phải chờ thêm hơn một tháng nữa cho tới qua Tết ta thì mới gọi là hoàn tất và lúc đó mới có chút thì giờ để nghỉ xả hơi.

Tuy nhiên, với những công ty bán lẻ, hai tháng đầu năm lại là thời gian rất bận rộn và có lẽ chỉ ít bận rộn hơn đôi chút so với Tháng 12 trước đó khi mọi người đổ xô đi mua quà cáp cho người thân trong dịp lễ cuối năm – là vì đây là lúc mà các công ty bán lẻ phải xử lý những món hàng mà khách hàng của họ trả lại với nhiều lý do, trong đó lý do chính thường được viện ra là vì họ không thích món quà tặng được ai đó cho trong dịp lễ.

Theo các báo cáo kinh tế, số hàng hoá mà các cửa hàng bán lẻ bán ra trong dịp lễ vừa qua đạt con số cao nhất so với nhiều năm qua. Bán được nhiều hàng thì đương nhiên các cửa hàng mừng rồi, nhưng đồng thời hàng hoá bị trả lại cũng nhiều hơn những năm trước, trị giá lên tới nhiều tỷ Mỹ kim.
Thông thường, các loại quần áo, đồ gia dụng và đồ chơi sau khi bị trả lại thì các cửa hàng lớn đẩy qua cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ nhỏ, hay đem bán đấu giá trên mạng, hoặc thậm chí đưa ra chợ trời và các cửa tiệm chuyên bán đồ cũ.

Trên một trang mạng bán đấu giá vào đầu Tháng 2 vừa qua đã cho bán một lô hàng gồm 49 máy giặt và máy sấy, là hàng trả lại của công ty Best Buy, với giá thành là $13,000, giảm 68 phần trăm so với giá thị trường. Cùng thời gian này, hàng trả lại của hệ thống cửa hàng Sears còn giảm giá mạnh hơn nữa, với bốn kiện hàng gồm đồ thể thao và quần áo, cho giảm 93 phần trăm và được bán với giá $5,825.

Theo tổ chức Liên đoàn Bán lẻ Toàn quốc, tổng số hàng được bán ra trong Tháng 11 và 12 cuối năm ngoái đạt gần $692 tỷ. Người ta phỏng đoán trong số đó, cho tới cuối Tháng 2, có khoảng 13 phần trăm hàng hoá, tương đương $90 tỷ, là bị trả lại.

Những mặt hàng thường hay bị trả lại nhất là quần áo, kế đến là đồ điện tử, mỹ phẩm và đồ thể thao. Điều trớ trêu, quần áo lại là món hàng được người ta mua nhiều nhất để làm quà tặng nhau.
Gần một nửa số hàng bị trả về sẽ được đưa trở lại trên các kệ ở cửa hàng và phần lớn trong số hàng đó được bán rẻ trong dịp giảm giá sau mùa lễ. Một nửa kia được tuôn tới các hệ thống cửa tiệm bán các mặt hàng sang tay và được bán dần trong nhiều tháng sau đó, hay thậm chí như đã nói ở trên, ra thẳng chợ trời nếu món hàng đó bị xếp loại là khó bán trong tiệm.

Cứ thử tưởng tượng hàng trả lại được xếp thành núi như thế thì ta cũng thấy là các cửa hàng bán lẻ bận rộn đến mức nào tại các trung tâm thu hồi hàng trả lại. Thực ra thì trong nhiều năm qua các cửa tiệm bán lẻ đã quá quen với cảnh tượng phải xử lý hàng trăm ngàn món hàng trả lại mỗi ngày và cố gắng cải tiến lối điều hành để xử lý công việc được nhanh hơn, còn không thì sẽ không còn chỗ chứa hàng và đến lúc đó thì còn kẹt hơn nữa. Nhiều nơi phải mướn thêm nhân viên và mở luôn cả hai ca.

Thông thường, một món hàng sau khi được đưa trở lại kệ để bán thì món hàng đó có thể được hạ giá ngay 30 phần trăm. Tuy nhiên, nếu như món hàng đó hay gói hoặc hộp đựng bị hư hại thì giá bán còn được giảm nhiều hơn nữa. Nhưng giá bán giảm nhiều nhất khi các cửa hàng bán ra theo số nhiều hay bán từng kiện hàng cho những cửa tiệm nhỏ của tư nhân.
Quý vị nào thích mua hàng rẻ thì nên chờ dịp đầu năm đi mua sắm thì sẽ có nhiều cơ hội mua được hàng rẻ. Theo tạp chí Time.com, Tháng 1 là thời gian tốt nhất trong năm để mua hàng trả lại với giá rẻ, đặc biệt là những món hàng điện tử như tivi, máy hát, và những món hàng này sau khi trả lại đều được kiểm tra kỹ lưỡng, được sửa lại nếu cần và nhiều món hàng còn được bảo đảm trong nhiều tháng.
Đôi khi các cửa hàng bán lẻ lại thấy đỡ tốn kém hơn nếu đem vất những món hàng trả lại đó đi. Người ta ước tính có khoảng năm tỷ tấn hàng trả lại được đưa thẳng tới nơi chứa rác mỗi năm. Vất đi như vậy quả tình là phí phạm quá sức. Tại sao người ta không cho các tổ chức từ thiện hay cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc để đưa tới giúp những nước nghèo hay những trại tị nạn trên thế giới.

Những ai từng ở trại tị nạn trước đây chắc còn nhớ thời đó cứ lâu lâu phái đoàn cao uỷ ghé thăm trại thì lại mang theo rất nhiều phẩm vật cứu trợ cho người tị nạn. Quần áo, giày dép, đồ dùng có thể đã xài qua những tất cả đều còn mới và tốt, không dùng vào việc này thì dùng vào việc khác chứ không thể bỏ đi một cách phí phạm huống hồ là đồ mới tinh được trả lại cho các cửa hàng ở Mỹ.

Khi hàng bị mang trả lại nhiều như thế thì chắc chắn sẽ gây ít nhiều thiệt hại cho các cửa hàng bán lẻ, nhưng vì vấn đề cạnh tranh trên thương trường nên hầu như cửa hàng nào cũng ra sức chiều lòng khách hàng. Khi khách không thích món hàng được mua hay được tặng thì chỉ việc mang trả lại mà không bao giờ bị hỏi lý do. Thế mới thấy ở các nước tư bản người ta coi khách hàng như vua và chiều chuộng hết mình chứ không như các cửa hàng mậu dịch quốc doanh ở những nước cộng sản trước đây, khách hàng không những phải đứng xếp hàng chờ đợi cả nửa ngày mà nhiều khi còn bị quát tháo hoạch hoẹ đủ điều, và nhiều khi xui xẻo gặp hàng xấu thì cũng phải cắn răng mà mua.

Vì số lượng hàng bị mang trả lại quá nhiều vào những dịp sau lễ như thế nên từ nhiều năm qua dấy lên những cuộc tranh luận là có nên biếu quà cáp vào những dịp lễ tết hay cứ cho tiền rồi người nhận muốn làm gì với món tiền đó thì tuỳ ý. Đồng ý là việc tặng quà cho nhau vào mỗi dịp lễ mang nhiều ý nghĩa vì người cho đã phải bỏ ra nhiều thì giờ và công sức vào trong món quà đó, và nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn nếu người nhận biết trân quý món quà. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người nhận sau khi mở hộp quà ra thì lại tỏ ra thờ ơ vì thật sự họ không cần món đồ được gói ghém cẩn thận trong đó.

Thế nên đã có kinh tế gia, như giáo sư Joel Waldfogel của Đại học Minnesota, cho rằng việc tặng quà là một cách tiêu tiền không có hiệu quả. Vì trước khi mua một món quà, người ta phải vận dụng trí óc để đoán thử xem người kia cần hay muốn hoặc thích thứ gì. Và nếu chẳng may mua phải một món đồ mà người kia không thích, mà điều này thì vẫn thường xảy ra, thì món đồ đó trở nên vô giá trị cho dù giá có mắc bao nhiêu.

Theo một nghiên cứu của trang mạng Finder.com, mỗi năm người Mỹ phí phạm $9.5 tỷ, tương đương $71 cho mỗi đầu người, trên những món quà mà người nhận không muốn. Thậm chí kể cả những món quà được thích thì thường cũng bị người nhận đánh giá món quà đó thấp hơn giá trị thật sự của nó khoảng 18 phần trăm.
Nếu lấy con số phần trăm trên nhân với số tiền người Mỹ chi tiêu cho quà cáp mỗi năm thì ta thấy sự uổng phí tiền bạc nhiều tới cỡ nào, và vì vậy giáo sư Waldfoger đã so sánh việc tặng quà cũng giống như người ta lấy tiền châm lửa đốt y như kiểu công tử Bạc Liêu xưa kia.

Nếu như món quà người nhận không thích đó mà không được trả lại thì rất có thể nó sẽ nằm yên trong tủ chờ bụi bặm bám vào hay – tệ hơn – là bị vất ra ngoài bãi rác.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), trong mỗi dịp lễ cuối năm, người Mỹ thải thêm 25 phần trăm rác, tương đương khoảng 1 triệu tấn. Số rác này ngoài những món quà không thích bị vất đi còn có bao nhựa và giấy để gói quà, mà phần nhiều những thứ rác này lại không thể tái chế.
Do đó, giáo sư Waldfogel khuyên rằng, thay vì mất công và mất thì giờ mua quà thì hãy cứ tặng tiền cho tiện, và để người nhận tự quyết định mua quà cho họ. Là vì chúng ta chỉ có thể chọn đúng món quà cho người nào mà ta thật sự biết rõ về người đó. Với những người khác thì nên đưa tiền cho họ là cách tặng quà tốt nhất.

Người Việt xưa nay vẫn thường cho tiền vào phong bì hay kẹp trong những tấm thiệp để tặng nhau, không chỉ trong những dịp lễ tết mà luôn cả những dịp như đám cưới, sinh nhật hay những dịp kỷ niệm nào đó. Việc làm này một phần là vì trước đây chúng ta không có thói quen sắm sửa quà cáp như người Tây phương, nhưng một phần khác có lẽ là vì người Việt chúng ta có đầu óc thực dụng chăng. Tặng quà bằng tiền cho người khác có thể ta không biết người nhận làm gì với món tiền ấy nhưng có một điều ta biết chắc chắn là người nhận sẽ không vất đi món quà vừa được tặng.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email