Tập hài lòng với cuộc sống

Có người cho rằng hài lòng với cuộc sống hiện tại là nghịch lý lớn nhất của đời người – là vì điều này không tồn tại lâu dài. Người ta có thể khao khát và tin tưởng rằng có thể đạt được nó, người ta cũng có thể đôi khi nhìn thấy nó thoáng hiện trong tầm với và thậm chí có thể hưởng thụ được điều đó trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, thế rồi sau đó nó biến mất. Tuy nhiên, người ta không bao giờ bỏ cuộc, vẫn luôn tìm kiếm và hy vọng khi đạt được thì có thể giữ lấy nó, đừng để nó vụt mất.

Thậm chí ngay cả những người thành công nhất cũng có nhiều lúc gặp cảnh không hài lòng với hiện tại. Nhiều người chắc hẳn vẫn còn nhớ cách đây không lâu hình ảnh của LeBron James –cầu thủ bóng rổ tài ba nhất thế giới, dư thừa tiền tài và danh vọng – với cái nhìn tuyệt vọng bi thương hiện trên khuôn mặt sau khi đội Cleveland Cavaliers của anh thảm bại trước đội Golden State Warriors trong trận vô địch. Tất cả sự giàu sang và danh vọng có được đều tiêu tan như rơm rác trong cái khoảnh khắc của sự thất bại đó.

Có điều mà hầu như ai cũng phải nhìn nhận rằng sự hài lòng là một trong những yếu tố cốt lõi dẫn tới hạnh phúc, nhưng vì bản chất dễ vuột mất của nó là một trong những lý do khiến hạnh phúc cũng thường rất khó nắm bắt.

Các học giả cho đến nay vẫn còn tranh luận về việc liệu hạnh phúc của con người có hẳn một tiêu chuẩn bất biến hay không, hay nó có thể thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên chưa ai đã từng tìm thấy hạnh phúc tức thì từ thành quả vật chất đạt được mà có thể tồn tại lâu dài. Lấy tiền bạc làm thí dụ: khi càng có thêm nhiều tiền thì hẳn nó giúp người ta đạt được mục đích nào đó – tiền có thể mua được nhiều thứ và giúp người ta tránh rơi vào cảnh nghèo đói, một trong những nguyên do gây ra bất hạnh. Nhưng nếu cứ mãi chạy đuổi theo tiền bạc như là yếu tố mang lại sự hài lòng lâu dài trong cuộc sống thì trên thực tế có thể nhiều phần sẽ nắm lấy thất bại.

Theo những nghiên cứu của môn tâm lý học tiến hóa, xu hướng phấn đấu nhiều hơn để đạt được của cải vật chất nhiều hơn của con người là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trong suốt quá trình lịch sử của loài người, cái đói hầu như lúc nào cũng kề cận đe doạ con người cho mãi tới ngày nay mới tạm bớt. Cứ thử tưởng tượng một gã đàn ông sống ở thời thượng cổ may mắn sở hữu trong tay dư thêm mấy bộ da thú, thêm vài mũi tên, và có thể thêm vài đống hạt và ít cá khô để dành trong hang. Với ngần ấy tài sản, gã có thể sống sót qua một mùa đông khắc nghiệt.

Tuy nhiên, tổ tiên loài người lúc đang còn sống trong hang hóc đó không chỉ muốn sống qua hết mùa đông mà họ còn có những tham vọng lớn hơn thế nữa. Họ cũng muốn tìm đồng minh và bạn tình, với mục tiêu (dù có ý thức hay không) là để truyền giống. Vậy điều gì sẽ khiến cho tham vọng đó trở thành khả thi? Trong số những việc cần làm là ráng gom góp, tích luỹ thêm nhiều miếng da thú, cố gắng thể hiện năng lực, sức mạnh và sức hấp dẫn của mình sao cho hơn cái gã đàn ông sống ở hang kế bên.

Tính cạnh tranh đó cho đến nay vẫn còn và không thay đổi bao nhiêu kể từ thời ăn lông ở lỗ đó. Các học giả chỉ ra cho thấy cái tính thích gom thu tích luỹ tài sản đó vẫn còn tồn tại trong máu loài người cho dù đã có nhiều rồi và thường vượt quá nhu cầu cá nhân nhưng không bao giờ cảm thấy đủ cả. Đó chính là cái sự thôi thúc từ tiền kiếp, mặc dù đã trải qua một quá trình dài tiến hoá nhưng nó vẫn còn tiềm ẩn trong máu trong não của mỗi con người chúng ta vậy.

Cái việc cạnh tranh với đối thủ để giành bạn tình giúp giải thích về tính hay so sánh giữa mình với người này người kia. Khi ta nghĩ về sự hài lòng chính mình có được từ sự thành công (hoặc tài sản dồi dào hoặc sức khoẻ tốt hoặc một ngoại hình đẹp), có một yếu tố khác cần xét đến: thành công chỉ là điều tương đối. Sự hài lòng không chỉ đòi hỏi người ta phải liên tục chạy trên làn đường của mình mà còn phải chạy nhanh hơn những người khác cũng đang chạy trên con đường ấy. Đó là lý do tại sao có những người có trong tay hàng trăm triệu đô có thể vẫn cảm thấy thất bại nếu bạn họ là tỷ phú, và tại sao có những tài tử Hollywood nổi tiếng vẫn có thể tỏ ra thất vọng vì những tài tử khác thậm chí còn nổi tiếng hơn họ.

Ở một mức độ nào đó, chúng ta đều biết rằng cái thói so sánh mình với người này người kia là điều thậm vô lý và có hại, và kết quả nghiên cứu đã xác nhận rằng cứ phải chạy đua để cho bằng hoặc hơn người có thể đưa tới căn bệnh lo lắng và thậm chí là trầm cảm. Niềm vui nhỏ nhoi mà ta nhận được khi thấy mình khá hơn một số người có thể dễ dàng bị nuốt chửng bởi nỗi buồn bực lớn hơn những lúc thấy mình kém cỏi hơn những người khác. Nhưng sự thôi thúc muốn có nhiều hơn người khác, được hơn người khác, không ngừng kéo chúng ta cứ mãi chạy đua với đời.

Thánh Thomas Aquinas sống vào thế kỷ 13 đã đưa ra câu trả lời rằng để cố đạt cho được sự hài lòng với cuộc sống là một trong những mục tiêu sai lầm. Ông trưng ra một danh sách những thứ của cải thế gian luôn hấp dẫn, mời mọc nhưng không bao giờ mang lại sự thỏa mãn, trong đó bao gồm tiền bạc, quyền lực, vui hưởng vật chất và danh dự.

Sống trước đó 18 thế kỷ, Đức Phật cũng đã giảng về Tứ Diệu Đế, trong đó chân lý đầu tiên: đời là khổ, và nguyên nhân của đau khổ này là tham ái, ham muốn, và những vướng mắc vào những thứ thuộc về thế gian.

Quan điểm của thánh Thomas Aquinas và Đức Phật về đề tài con người và cuộc sống gần như giống nhau. Có điều cần lưu ý ở đây là cả thánh Thomas Aquinas lẫn Đức Phật đều không cho rằng những thứ thuộc về thế gian kia vốn là xấu xa. Trên thực tế, những thứ đó có thể được sử dụng cho mục đích tốt đẹp. Tiền bạc đóng vai trò quan trọng cho hoạt động xã hội và hỗ trợ cho cuộc sống gia đình; quyền lực có thể được sử dụng để nâng dậy tinh thần của người khác; vui hưởng vật chất làm thăng hoa cuộc sống; và danh dự có thể khiến người ta chú ý tới lối sống đạo đức. Nhưng nếu để những thứ ấy ràng buộc mình – trở thành những chủ đích thay vì là phương tiện của cuộc sống – thì vấn đề rất đơn giản là những thứ thuộc về thế gian đó không thể làm thoả mãn bất cứ ai.

Bản tính tự nhiên của con người nói chung là thường chú ý tới những thứ chúng ta có thay vì những thứ chúng ta muốn. Thế nên, bí quyết ở đây, theo lời khuyên từ các nhà nghiên cứu, là ráng thu xếp để có được những thứ ta muốn thay vì cố làm tăng thêm những thứ ta có. Làm được điều đó là đã tự cho mình cơ hội tiếp cận gần hơn với sự hài lòng trong cuộc sống.

Dạo gần đây có nhiều người viết sách bàn về lối sống tối giản, trong đó khuyên rằng hãy đơn giản hoá cuộc sống, loại bỏ đi những thứ dư thừa không cần thiết trong cuộc sống, để được sống hạnh phúc hơn. Điều cần nói thêm ở đây là ta nên tập chú ý hơn tới những điều nhỏ nhặt, giản dị cũng góp phần mang lại hạnh phúc cho cuộc sống.

Người ta kể câu chuyện về một người đàn ông trong độ tuổi 40, một hôm được chẩn đoán mắc một căn bệnh ung thư hiểm nghèo và chỉ còn sáu tháng để sống. Nhưng nhờ một phép lạ nào đó mà người đàn ông này sống qua hết sáu tháng đầu tiên, rồi sống thêm sáu tháng nữa, và rồi thêm gần ba thập niên sau đó.

Tuy nhiên, căn bệnh ung thư không hoàn toàn chữa khỏi và vị bác sĩ cho biết mầm ung thư giống như con con chó sói chờ ở ngoài cửa, một lúc nào đó bất chợt nó sẽ nhảy bổ vào. Và cuối cùng con chó sói ung thư đó đã vào tới. Nhưng trong gần ba thập niên sống cùng với căn bệnh nhưng ông không hề lo sợ. Ngược lại, nó nhắc nhở ông mỗi ngày về món quà tặng của cuộc sống chính là cái ngày trong hiện tại, và do đó, ông không đi tìm sự hài lòng ở những mục tiêu trường kỳ, xa vời mà ở những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng rất đẹp mỗi ngày cùng với vợ con – như nhìn ngắm một bông hoa nở cuối ngày, ăn một bữa cơm đơn giản ngon miệng cùng với người thân, thưởng thức một tách trà thơm vào buổi tối.

Nói vậy để thấy rằng muốn đạt được sự hài lòng trong cuộc sống không hẳn là khó mà ta phải biết tìm đúng chỗ – bằng cách sống giản dị; vui hưởng niềm vui từ những điều nhỏ nhặt, tầm thường; sống gần gũi với những người thân yêu. Đừng để tiền bạc, quyền lực, danh vọng làm vướng bận mình vì những thứ hào nhoáng ấy chỉ mang tới lo lắng, phiền muộn mà thôi.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email