Tết Cải Lương… Một thời vang bóng !

Soạn giả Nguyễn Phương

Trước năm 1975, dân miền Nam sống dưới chế độ Tự Do của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, mỗi lần Xuân về Tết đến, mọi người thường bận rộn những ngày cuối năm 23 tháng chạp cho đến đêm giao thừa để chuẩn bị cho một cái Tết sung túc và đoàn tụ gia đình với những nghi lễ cúng kiếng long trọng, tiệc tùng linh đình và vui vẻ.

Những ngày trước Tết, nhà nào cũng lo lau rửa bàn thờ, đánh bóng lư hương, chân đèn. Chưng bày mâm ngũ quả, bình bông vạn thọ hoặc hoa mai hoa cúc. Đêm ba mươi, người chủ gia đình cúng giao thừa đón năm mới, cúng rước ông bà, tổ tiên về chung vui Tết với con cháu, đèn nhang nghi ngút, thể hiện một gia đình hạnh phúc. Không khí chuẩn bị đón Tết và ba ngày Tết mùng một, mùng hai, mùng ba mang lại niềm hân hoan phơi phới cho tất cả mọi người. Ai cũng được vui và hy vọng năm mới sẽ mang đến nhiều điều may mắn mới, chấm dứt những khó khăn trở ngại trong năm cũ vừa qua. Để chuẩn bị đón Tết, cả nhà, cả xóm thức sáng đêm nấu bánh chưng, bánh tét; mỗi nhà đều có nấu một nồi thịt kho tàu, dưa giá, cá kho, nồi khổ qua nhồi thịt hầm, nồi giò heo hầm măng, ngoài ra nhà nào cũng có rượu quí, trà ngon, cam, bưởi, dưa hấu, bánh mứt, hột dưa để đãi khách khi bà con, bạn bè đến chúc Xuân.

Nghệ sĩ cải lương và hát bội cũng không ngoại lệ nhưng nghệ sĩ có cách ăn Tết khác người thường. Khi mọi người vui Xuân, chơi Tết thì nghệ sĩ phải biểu diễn, cống hiến niềm vui cho mọi người. Vậy nên từ 25 tháng chạp âm lịch, sau suất diễn cuối cùng trong năm, bầu gánh hát, soạn giả, nghệ sĩ và công nhân sân khấu tập trung trên sân khấu, trước bàn thờ Tổ nghiệp, làm lễ cúng và đưa ông Tổ về thiên đình, giống như người dân bình thường cúng đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng chạp. Sau đó là tiệc cuối năm, có rượu thịt ê hề, có đờn ca tài tử để nghệ sĩ vui chơi đón Tết trước. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng. Ai say thì lăn ra trên sàn diễn mà ngủ, đợi sáng mai người nhà đến đưa về. Từ 25 tháng chạp đến 30 tháng chạp, các đoàn hát đều nghỉ hát để cho nghệ sĩ có thời gian lo cho gia đình hoặc đi tảo mộ, hoặc về quê thăm viếng bà con.

Đêm 30 Tết, người dân thường cúng rước ông bà thì người nghệ sĩ cúng rước ông Tổ nghề hát để rồi trưa ngày mồng 1 Tết, đoàn hát hát khai trương tuồng mới nhân dịp đầu năm mới.

Trước năm 1975, các đoàn hát khai trương những tuồng rất hạp với ý của khán giả như đoàn Thanh Minh Thanh Nga thì có tuồng Tình Xuân Muôn Tuổi, đoàn Dạ Lý Hương có vở Đại Phát Tài, đoàn Kim Chưởng có vở Bến Hẹn Chiều Xuân, đoàn Kim Chung có vở Suối Mơ Rền Pháo Cưới, đoàn Minh Tơ có vở Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, trước khi hát tuồng chánh, đoàn Minh Tơ còn hát thêm màn Lục Quốc Phong Tướng.
Tuồng hát Tết phải Vui, Hên, và Có Hậu, không được có cảnh chết chóc, đổ máu hay chia ly.

Sau năm 1975, nhà cầm quyền mới giải tán tất cả các đoàn hát tư nhơn, lập các đoàn Văn Công, đoàn hát tập thể và nhà hát Trần Hữu Trang. Cán bộ của Sở Văn Hóa Thông Tin được đưa xuống làm trưởng đoàn hát. Cán bộ là đảng viên hoặc cựu đảng viên nằm vùng không giữ những tập tục lâu đời của các đoàn hát. Họ cho hát những vở tuồng cách mạng, giải phóng miền Nam, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào có bắn súng, chết chóc, chia ly, hận thù như các tuồng: Một Cuộc Giải Phẫu, Người Ven Đô, Cây Sầu Riêng Trổ Bông, Ngày Tàn Bạo Chúa, Khúc Ly Hương, Nhơn Danh Công Lý….

Các đoàn hát hát Tết cũng chỉ một suất một ngày, không phát hai cử lương mỗi suất hát cho nghệ sĩ và không có nấu cơm hội cho nghệ sĩ như hồi còn các bầu chủ tư nhơn. Hồi đó họ tuyên truyền là các bầu tư nhơn bóc lột nghệ sĩ, bây giờ cán bộ làm bầu, họ không bóc lột mà họ lột da lóc xương nghệ sĩ.
Sau đó nhà cầm quyền CS phá bỏ các rạp hát, thay đổi công năng của rạp hát cải lương, có nghĩa là rạp hát thay vì cho các đoàn hát mướn hát cải lương, họ cho công ty tổ chức cờ bạc (Monaco ) mướn, mở các nhà hàng, quán nhậu và các cửa hàng bán sách.
Đến năm 2006, nhà cầm quyền CS phá luôn cái rạp Hưng Đạo là rạp hát duy nhứt để hát cải lương ở Saigon với lý do là để xây cất rạp hát mới; nhiều năm sau, ngay tại nền rạp hát Hưng Đạo, chổ đó thành địa điểm của những quán Bia Ôm.

Đến tháng 4 năm 2014, rạp Hưng Đạo được xây lại thành Trung Tâm Nghệ Thuật Cải Lương Hưng Đạo nhưng rạp mới cất không đủ tiêu chuẩn dành cho bộ môn Cải Lương nên phải sửa chữa đến Tết năm 2017 Nhà hát THT mới tiếp thu nhưng vẫn không hát được, Nhà hát Trần Hữu Trang phải vô rạp Thủ Đô ở Chợ Lớn hát khai trương ba tuồng Cải lương Tết : Hiu Hiu Gió Bấc, Hồn Ma Báo Oán, Mộng Hoa Vương. Ba vở tuồng nói về chuyện hồn ma, chuyện đưa xác người yêu về cố thổ (Mộng Hoa Vương), khán giả không muốn đầu năm xem tuồng ma quái và chết chóc nên đoàn hát chỉ hát vài xuất rồi dẹp.

Sân khấu kịch Phú Nhuận, Idecaf, kịch Thế giới trẻ, Nhà hát Kịch Công Nhân cũng hát những vở kịch ma quỷ, có hồn ma hiện trên sân khấu như kịch: Điều ước của quỷ», Lục Sắc», Ma Ma Sư Phụ», Hồn Oan, Câu Chguyện quỷ ở rừng xanh, Hồn anh xác em…
Có 45 nhóm hài tục tĩu, nhảm nhí được khuyến khích hoạt động để ru ngủ khán giả, có hàng chục vở hát về ma quái, mộng mị được cho trình diễn để khuyến khích dân chúng tin dị đoan, đến chùa cúng bái hay lên đồng bóng để quên đi thực tại đất nước đang bị Tàu Cộng lấn chiếm và nô lệ hóa. Nên nhớ là dưới chế độ cai trị của Cộng Sản, sáng tác văn, thơ, kịch, tuồng đều phải theo định hướng chính trị của đảng, không phải tình cờ mà tất cả tuồng, kịch hát Tết đều đồng loạt hát về chuyện Ma, Quỷ, Hồn Ma báo Oán….
Năm 2018, Cải Lương Tết… chết ngắc và lộ mặt thật của Cộng Sản!

Tôi nhờ TT liên lạc với ông bầu Xuân, bầu gánh hát Dạ Lý Hương trước 1975, hiện đang sống trong Chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp. Ông nói: Bây giờ ở Saigon này không còn đoàn hát nào hết, chỉ đoàn nhà nước Trần Hữu Trang thôi, hết đoàn hát tư nhơn rồi. Mình nhớ nhứt chuyện lúc trước nghệ sĩ sửa sang ăn Tết, người này lo rước Tổ, cúng Tổ, lúc mình làm bầu thì 30 Tết đến lạy Tổ, mừng tuổi Tổ, còn hát xướng này kia thì bắt đầu mùng Một Tết. Nghệ sĩ có một buổi chúc Tết rất là rình rang. Cải lương thì tôi có nhiều kỷ niệm lắm, có những kỷ niệm trong một buổi hát Tết. Hát Tết quan trọng lắm, vào mùng một Tết khai trương phải lựa tuồng hay, không được tuồng có chết chóc. Nhiều khi người ta đi bói tuồng mùng Một Tết, kêu đi coi tuồng hên xui đó, nên mình lựa tuồng hát rất là kỹ, lựa tuồng vui hát cho họ chịu. Bây giờ thì không còn nữa, chỉ còn tổ chức show thôi. Mình thấy Cải lương ngày càng đi xuống vì nghệ sĩ bây giơ tan rã, không còn đoàn nào tập trung hết. Tổ chức tập trung nhóm này nhóm nọ chỉ để hát một tuồng, lâu lâu lấy tuồng cũ hát lại vậy thôi, không làm được cái gì hết, Nghệ sĩ bây giờ cũng có một số giàu lắm nhưng mà ít thôi, còn số nghèo thì nhiều lắm. (Thanh Trúc RFA).

Riêng các đoàn hát cải lương và Kịch của nhà nước thì dàn dựng những kịch bản theo định hướng chính trị của đảng. Thành Ủy TPHCM, Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật của đảng bộ TPHCM đã đầu tư kinh phí và giao cho các đơn vị nghệ thuật thực hiện 3 tác phẩm sân khấu «Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng Tiến Công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ».

Nhà Hát Trần Hữu Trang dựng vở Bức Chân Dung Huyền Thoại; sân khấu Kịch Phú Nhuận dựng kịch Châu về hợp phố, Đoàn ca kịch Thống Nhất Tiều – Quảng dựng vở Nghĩa Tình năm ấy Xuân Mậu Thân 1968.
Nội dung chung của ba vở tuồng, kịch Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng Tiến Công và Nổi Dậy Xuân Mậu Thân 1968 đề cập đến ba tuyến nhân vật:
– đề cao những chiến sĩ giải phóng «Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh »,
– những người làm tay sai, khoác lên mình bộ quân phục rằn ri, gây nợ máu với chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước,
– tuyến nhân vật thứ ba là những người an phận thủ thường, gió chiều nào ngả theo chiều đó.

Mấy chục năm qua, Cộng sản rêu rao là Hòa Hợp – Hòa Giải dân tộc, xóa bỏ hận thù chung lo xây dựng Tổ Quốc, những người Việt ở Hải Ngoại là Khúc ruột ngàn dặm và rất nhiều danh từ nghe êm như ru… đùng một cái, sau năm mươi năm Tết Mậu Thân, họ nhắc lại những chiến thắng oai hùng của họ và kết tội những chiến sĩ Cộng Hòa đã chiến đấu bảo vệ những thành phố bị Việt Cộng xâm đoạt lúc Mậu Thân 68..
Họ lấp liếm quên đi tội ác giết hàng ngàn dân vô tội ở Huế và dân ở những vùng mà đội quân CS xâm nhập lúc Mậu Thân. Bộ máy tuyên truyền của đảng tiếp tục dối gạt dân miền Nam, nói là họ đền ơn đáp nghĩa cho những người đã bao che, chữa thương cho cán binh bị thương lúc Mậu Thân 68, thực tế là hiện nay toàn dân, ở nông thôn lẫn thành thị, những người ngoài đảng đều bị bóc lột đến tận xương tủy, bị đàn áp, tù đày khi họ khiếu nại vì ruông vườn, đất đai, nhà cửa bị cán bộ đảng viên cướp đoạt.

«Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng Tiến Công và Nổi Dậy Mậu Thân 1968 » bằng các vở tuồng cải lương, kết quả là dân không đi xem, chỉ cần nhìn quảng cáo là thấy lộ ra bộ mặt bán nước Việt Nam cho Tàu Cộng. Năm 2020 sẽ đến gần đây, kết quả cuối cùng Bán đứng đất nước Việt Nam của bè lũ Cộng Sản trong Hội Nghị Thành Đô sẽ thành hiện thực, không biết Bộ Tuyên Huấn của Đảng CS sẽ đẻ ra tuồng hát nào để lừa gạt dân tộc Việt Nam?

Tôi bỗng nhớ câu nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm!
Tết 2018, nhớ một thời hoàng kim của Cải Lương
Soạn giả Nguyễn Phương

Xem thêm

Nhận báo giá qua email