Nguyễn Thơ Sinh
Tết về…
Hai câu đối:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.
Khi đọc lại vẫn thấy chan hòa ấm áp biết bao nhiêu. Đâu cần đến đao to búa lớn, những hình ảnh chân thuần dân dã ấy vẫn có đủ sức mạnh lay động lòng người. Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa mai, vị ngọt bánh mứt ngày tết hai miền bao giờ cũng chan chứa ân tình. Miền Trung nằm ở giữa, tình thân ba miền cùng vui chung câu hát mừng xuân. Hồi xưa còn có tiếng pháo, đêm trừ tịch lung linh huyền nhiệm. Sáng ra lũ trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới xếp hàng chúc tuổi ông bà, chúc tết các bác, cha mẹ, các cô chú. Rồi người lớn mừng tuổi (lì xì) cho bọn trẻ…
Cơm bày ra…
Ngon thật ngon. Những món ăn ngày tết chan chứa hương vị đầm ấm. Bất luận là người miền Nam, miền Bắc hay miền Trung, cách nấu nướng tuy có khác, nhưng mâm cơm ngày tết ba miền luôn thịnh soạn ấm áp nhất trong năm. Từ nồi thịt kho trứng béo ngậy, mềm tan trên đầu lưỡi cho đến nồi thịt nấu đông ăn với món dưa chua củ hành nén, hay món tré còn thơm mùi thính dọn lên; chà, có cả nồi canh khổ qua nhồi thịt, bát nộm xu hào xào trứng, đĩa dưa chua đầy đủ màu sắc hương vị đất thần kinh… Đã bảo rồi, bữa cơm tết khắp ba miền của người Việt mình luôn ngon lành hấp dẫn.
Xuân là vậy, tết là vậy, nhưng gần đây tết có vẻ khác trước nhiều lắm. Chẳng trách ai được. Tết cùng bao nét đẹp truyền thống hiền hòa một thuở đang bị đời sống tiện nghi hiện đại tấn công. Bánh chưng bán ở chợ quanh năm. Củ kiệu trồng trái vụ mùa nào cũng có. Dưa hấu không còn là loại trái cây đợi đến ngày tết mới có. Mứt dừa, hạt dưa, mứt bí, kẹo lạc… hầu như bày bán quanh năm. Tết vì thế đã bị loãng đi. Nhất là hiện nay (quốc nội hay quốc ngoại) nhiều ngày lễ của Tây phương xâm nhập nên ảnh hưởng của tết không còn giữ được ấn tượng độc quyền. Thay vào đó tết sẽ phải san sẻ, nhường chỗ cho những ngày lễ mới khác của Tây phương như Noel, New Year, Valentine’s Day…
Năm nay tết về, bạn và gia đình có ăn tết to không?
Hay tết với bạn và gia đình năm nay cũng na ná như năm ngoái, cũng đã nhạt dần, có khi năm nay còn nhạt hơn… Phải chăng tết nhạt nhẽo không phải bởi sự dửng dưng của chúng ta với tết, mà chúng ta trượt chân vào não thức đời sống hiện đại (vốn) bị chi phối bởi hàng núi những sự kiện chất chồng. Lấy cách người Mỹ hiện nay “theo dõi thời sự” làm ví dụ sẽ biết ngay, hình như cách họ tiếp cận thời sự không còn như hồi xưa nữa. Bởi lẽ thời sự Mỹ bây giờ bát nháo chưa từng có. Tin nọ chưa kịp nóng lên đã bị nhiều tin tức khác túm chặt cổ chân lôi xuống. Thế là độc giả chưa kịp nhấm nháp một sự kiện (tiêu hóa sự kiện đó càng xa vời hơn) hàng núi sự kiện sốt dẻo khác tới tấp ập đến.
Vâng. Ngày nào thời sự luôn đem lại cảm giác sốt dẻo cho độc giả. Mới mẻ và nóng hổi. Một nguồn tin được loan đi sẽ phát triển qua những giai đoạn chu kỳ, có đỉnh điểm, rồi nguội dần; nhưng sau đó luôn có đất để thiên hạ bình luận. Nhưng hết rồi. Bây giờ, thời sự khác xưa nhiều quá. Nổ như ngô rang trên chảo cát nóng. Sự kiện nọ giẫm chân lên sự kiện kia, chồng chéo, lôi kéo; cuối cùng thiên hạ chưa kịp hiểu rõ ngọn ngành một sự kiện đã bị các sự kiện khác tấn công dồn dập, hoa cả mắt lên…
Lấy vụ Nga can thiệp trắng trợn vào cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016 – Cách đây vài thập niên, nó phải là một sự kiện nóng hổi, sẽ thu hút sự tập trung của dư luận cả nước Mỹ. Nhưng hôm nay nhìn lại vụ này rõ ràng thấy nó chẳng có chút trọng lượng nào. Thiên hạ dửng dưng với nó. Họ hờ hững với nó, kiểu ăn uống thừa thãi dinh dưỡng nên thấy nồi thịt kho tàu vội lắc đầu, thấy dội. Họ đọc tin cho biết. Đọc cho có. Chưa bao giờ thời sự rơi vào cảnh bị đối xử hời hợt, nếu không nói là “chẳng ai ngó ngàng” đến, thật bẽ bàng thay.
Hay chuyện tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4.1% được coi là thấp nhất xưa nay thiên hạ vẫn không màng đến. Họ không tin vào những con số nữa. Bởi tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhưng nhìn lại, công ăn việc làm họ đang có hiện nay không giống ngày xưa nữa. Lương không hẳn là còm, nhưng tài khoản ngân hàng không thể nhỉnh lên được. Nạn paycheck-to-paycheck vẫn hoành hành, gần như căn bệnh mãn tính kinh niên với nhiều người trong xã hội Mỹ.
Rồi giá cổ phiếu tuột giảm cũng thế (hôm thứ ba Tổng thống Trump còn vui vẻ tuyên bố thành quả lãnh đạo kinh tế của mình tại Đêm Đoàn kết – State of the Union, qua đến thứ sáu các chỉ số chứng khoán lớn thi nhau rớt giá). Như Dow Jones chẳng hạn, hôm thứ ba còn ở vị trí hơn 26.000 điểm đến thứ hai tuần sau chỉ còn 24.500 điểm (và sẽ còn hạ nữa). Thiên hạ dửng dưng với chuyện này. Họ biết nhưng chỉ nhún vai. Có người tiên đoán thị trường chứng khoán sẽ khủng hoảng. Song nhìn chung tin này không nóng sốt như các vụ rớt giá trước đây.
Tại sao? Vì thiên hạ đang mải với những cái tin nóng khác như vụ bản ghi chép memo dài 4 trang của Đảng Cộng hòa được Tổng thống Trump phê duyệt (đổi từ cấp văn bản mật thành văn bản bình thường), vụ DACA rối như canh hẹ, vụ Quốc hội đàm phán để tình trạng chính phủ shutdown không xảy ra, vụ nữ minh tinh chuyên đóng phim người lớn Stormy Daniels từng quan hệ với Tổng thống Trump được luật sư riêng bịt miệng bằng tấm séc trị giá 130.000 Mỹ kim một tháng trước ngày bỏ phiếu năm 2016, Bắc Hàn đánh trống lảng dư luận thế giới nhân vụ Thế Vận Hội mùa đông 2018 tại Nam Hàn, vụ ông nghị Paul Ryan hoan hỷ tuyên bố nhờ vào luật thuế mới (mà) một nữ thư ký lãnh lương hai tuần một kỳ được tăng 1 đô 50 xu…
Nói đến luật thuế càng thấy thái độ người dân xem ra chẳng hào hứng gì cho lắm đến thời sự. Có lẽ một phần luật thuế chỉ ảnh hưởng rõ hơn vào mùa thuế năm sau. Một vài công ty hoan nghênh luật thuế mới, nào là tăng lương, thưởng bonus… Nhưng tất cả chỉ là những con số bóng bẩy trên mặt báo, thực tế ít người được hưởng các khoản lợi tức này (như quảng bá trên mặt báo), thậm chí nhiều vị trí bị các công ty này sa thải bởi ông chủ tin rằng họ đang lãnh lương quá cao. Đã thế, ai còn hứng thú với thời sự nếu nó không ảnh hưởng trực tiếp đến họ.
Giữa lúc đó (theo nhiều người) Tổng thống Trump như một Tôn Ngộ Không vung cây thiết bảng, tha hồ tung ra 72 phép thuật, đằng vân, độn thổ… Vòng kim cô lúc này chưa có, nên dư luận Mỹ gần đây khó tránh hoang mang. Đúng vậy, chưa bao giờ ở xứ Mỹ “tự do báo chí” bị Nhà Trắng khai chiến và chống đối thẳng thừng. Nhiều nhận xét của Tổng thống Trump nhắm vào báo chí không cần trích dẫn ra đây bạn đọc vẫn thừa biết ông luôn hằn học cay cú với họ. Không ít người nhẹ dạ đã mắc bẫy. Họ càng ngán ngẩm hơn với báo chí vì tin rằng tất cả chỉ là fake news!
Hay vụ nổi cộm gần đây: Bản báo cáo dài bốn trang – 4-page memo (do ông nghị Đảng Cộng hòa Quận 22 của California Devin Nunes soạn thảo) tung ra được Tổng thống Trump sử dụng như con bài chủ nên án FBI và Bộ Tư pháp Mỹ lạm quyền, như thế nghiễm nhiên vụ Mr. Robert Mueller điều tra ông và Nga “áo gấm đi đêm” với nhau có thể nói tự động vô can! Với dân Mỹ, chuyện này chẳng khiến họ bận tâm. Khả năng Tổng thống Trump bị truất phế với họ, có hay không, cũng rứa!
Đấy. Tình hình thời sự Mỹ bây giờ là vậy. Loạn cào cào. Tin thật và tin thất thiệt khác nào vàng thau lẫn lộn vô tình khiến người ta vô cảm với tin tức. Thậm chí Kỷ niệm 50 năm Tet Offensive (Tết Mậu thân) cũng chẳng khuấy động được bao nhiêu – Báo chí có đưa tin, thiên hạ có đọc, nhưng cảm xúc hình như bị cúm, uể oải, lười nhác.
Dư luận Mỹ càng ngày càng vô cảm với thời sự chăng? Hay với họ, đồng tiền bit coin, Super Bowl 52, các giải thưởng của Hollywood, nổ súng tại trường học, thọc mạch vào đời tư của đương kim Đệ nhất phu nhân Melania Trump, thành phố nào của Mỹ sẽ được Amazon chọn mở tổng hành dinh mới… Có quá nhiều sự kiện xảy ra khiến bức tranh thời sự Mỹ càng lúc càng rối ren hơn.
Liệu đến một lúc nào đó người ta sẽ chỉ đọc thời sự để mà đọc, không thiết tha chuyện đánh giá, phân tích, theo dõi?
Tương tự như cái tết Việt, có khi nào chân dung tết một thuở linh thiêng huyền nhiệm sẽ tiều tụy đến nỗi không thể nhận ra? Hay tết Việt vẫn còn, nhưng nó chỉ là cái vỏ, còn cái hồn thì óp ọp, vàng vọt, xanh xao? Tiền nhân nhìn con cháu mà đau lòng, không giữ được cái tết cho mình, nói gì chuyện lưu lại cái tết cho con cháu đời sau?
Có thể quá bi quan chăng? Hay thực tế nó hiển nhiên là vậy? Bánh xe lịch sử nghiến trên lưng quá khứ, nghiến trên lưng hiện tại để nhào nặn nên tương lai; chuyện tết Việt bị tấn công không thương tiếc chẳng hề khó hiểu, vấn đề bao giờ tết Việt hoàn toàn biến mất, hình như điều đó có một phần trách nhiệm của người lớn hôm nay?
Còn thời sự Mỹ, ảnh hưởng của nó lên đời sống xã hội Mỹ, trách nhiệm đó của ai đây?
Nguyễn Thơ Sinh