Việt Nam là xứ nông nghiệp, đông dân thứ 15 trên thế giới. Người dân hầu hết sinh sống với các công việc liên quan đến nghề nông như trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá…
Nhưng dần đất nông và lâm nghiệp bị thu hẹp. Rừng vàng biển bạc… cũng cạn kiệt. Dân số tăng nhanh. Theo tổng điều tra dân số năm 2019, VN có hơn 96 triệu người, so với mười năm trước tăng 10,4 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên là 2,05%, trong đó nam giới là 2%, nữ giới là 2,11%; thành thị là 2,93%, nông thôn là 1,64%; người thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm tỷ lệ cao 18,9%…
Đất chật, người đông, người lao động phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, tha phương cầu thực ở nhữngvùng đất mới, làng khác, tỉnh khác, vùng khác thậm chí quốc gia khác.
Danh từ “thất nghiệp” để chỉ một người tìm việc không thể tìm được việc. Trước đây không có chữ thất nghiệp mà người ta gọi là “chưa có việc làm” tuy hơi dài dòng nhưng đọc lên nghe chừng ý nghĩa loanh quanh, nhẹ nhõm hơn.
Viếng những thành phố lớn như Hà Nội, Huế… rất ít nghe những âm sắc lạ ngoài tiếng nói địa phương nhưng đặt chân tới Saigon, người ta có thể gặp đủ giọng nói từ mọi miền đất nước. Thành phố này được xem là năng động, phát triển nhất nước nên dân chúng khắp nơi đổ xô đến kiếm sống từ Bắc, Trung, Nam cho đến cao nguyên, đồng bằng, ngoại quốc. Việt kiều cũng thích đầu tư ở thành phố xem ra có phần dễ chịu hơn các địa phương xa xôi ưa bị khó dễ. Chỉ đánh một vòng khu trung tâm, đâu đâu cũng nhìn thấy dân Tây không phải lái ô tô mà thành thạo chạy xe gắn máy ào ào ngoài đường. Dân Nam Phi tập trung Đề Thám, dân Cambodia bồng bế vỉa hè hoặc phụ quán, các quán ăn Pháp, Ý, Nhật, Tây Ban Nha, Brasil, Thái Lan, Hàn quốc, Ấn Độ… mở cửa khắp nơi.
Mặc dù đông đúc náo nhiệt như thế nhưng Saigon vừa dễ, vừa khó kiếm việc làm. Thành phố hiện có mười bảy khu chế xuất, khu công nghiệp; các công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân… Năm 2019, Saigon có gần 500 ngàn doanh nghiệp trong đó có hơn 44 ngàn doanh nhiệp mới thành lập trong năm.
Ngành thu hút nhân công nhiều nhất là xây dựng và may công nghiệp. Từ đường xá, cầu cống, đến trường học, chung cư hối hả xây cất, sửa chữa… Từ quận đến huyện, từ phường đến xã, ấp nhất nhất đập đập, xây xây… Đàn ông, đàn bà đổ xô vào làm thợ hồ, thợ nề. Đàn bà làm thợ may công nghiệp. Thợ hồ nếu là thợ chính có thể kiếm được từ năm đến bảy trăm một ngày, thợ phụ ba trăm. Công nhân may công nghiệp kiếm trung bình từ vài triệu đến gần chục triệu nếu được tăng ca.
So với mức sống thành phố thì tiền lương như vậy là thấp. Dân thành phố chê loại công việc này vì lương lậu khó thể xoay xở trong cuộc sống lạm phát mạnh, chỉ đa số dân tỉnh mới chịu vào làm ở đó bởi tính khít khao sao cho vừa đủ lây lất qua ngày với chén cơm hẩm, miếng thịt ôi, lát cá ươn, cọng rau héo…, họ có thể chắt bóp chút ít để gửi về quê. Do đó gần đây khi một số khu chế xuất mọc lên ở các địa phương thì công nhân rời bỏ thành thị lập thành làn sóng quay trở về quê làm việc. Lương có thể thấp hơn thành phố nhưng bù lại, họ được sống gần gia đình.
Đi làm công nhân không thể dư dả để lo cho tương lai: con cái học hành, xây sửa nhà cửa, dành dụm dưỡng gia…thì chỉ còn cách duy nhất là đi xuất khẩu lao động. Có nơi, thanh niên trai tráng rủ nhau đi xuất khẩu lao động, chỉ còn lại người giả, trẻ em ở lại làng.
Tại một số tỉnh miền Trung, thời gian gần đây, có nhiều trường hợp ngay cả cán bộ, công chức đang làm việc cho nhà nước cũng bỏ việc ra ngoài làm; số khác chọn con đường xuất khẩu lao động ra nước ngoài tìm cơ hội đổi đời.
Mang bán sức lao động của mình nơi những ngõ thoát xa xôi ấy không là điều dễ dàng.
Chỉ dễ khi có sẵn người quen, người thân, đi đường bộ sang Kampuchea, Lào, Thái Lan làm ăn
Đi chính thức thông qua công ty xuất khẩu lao động phải tốn hơn trăm triệu, trong đó có một phẩn là tiền “ký quỹ chống trốn” sẽ hoàn trả lại khi về nước.
Hoặc nếu nóng vội hoặc không có đủ tiêu chuẩn đi chính thức thì tìm khe hở đi du lịch, thăm thân nhân rồi lại tìm cách ở lại làm chui… Gần đây, các công ty tư vần du học lách luật đưa người trẻ sang lao động ở nước ngoài
Xuất khẩu lao động chính thức đều qua các công ty môi giới sang các nước hầu hết tại Á châu như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Nhật Bản… Quả đây là một thị trường béo bở. Không phải Nhật Bản, Hàn Quốc… là môi trường béo bở đối với công nhân mà chính những công nhân là thị trường béo bở đối với các công ty môi giới. Bởi vì tiền đóng cho các công ty này để được một chân xuất khẩu lao động khá cao. Để xin được một chỗ ấy, thường người lao động phải vay mượn tứ tung hoặc thế chấp nhà cửa để góp đủ tiền ký quỹ.
Một cô gái ở miền quê tốt nghiệp đại học nhưng mãi không kiếm được việc làm. Cô sang Nhật làm nghề hái rau trong nông trại. Trong vòng 2 năm, cô tra hết nợ vay cho chi phí ban đầu và giúp đõ thêm cho gia đình. Ăn mắm, ăn muối, thắt lưng buộc bụng thêm hai năm nữa hết hạn hợp đồng cố để dành vài trăm triệu về nhà mở quán ăn hay cửa hàng bán quần áo…
Người Việt Nam nhỏ bé, sức yếu không quen cường độ làm việc cao, lắm khi lại tùy tiện, kém kỷ luật. Ngoài ra họ thực sự bị bóc lột sức lao động và đối xử phân biệt, hà khắc so với dân bản xứ. Hầu hết công nhân ra nước ngoài làm việc quá sức mà vẫn bị hành hạ tàn nhẫn. Đàn ông làm trên tàu đánh cá Đài Loan, Hàn Quốc… lênh đênh trên biển cả tháng, có lúc trời lạnh dưới 0 độ, liên tục mười hai đến mười tám tiếng được nghỉ vài tiếng, quần áo thiếu thốn, ăn uống đơn sơ, không có cả nước đủ uống còn bị mắng chửi, tra tấn bằng xích sắt và cùm chân; dù vậy cũng là may mắn nếu có lương ổn định và được đóng bảo hiểm.
Nếu không thì đi chui, đi bằng con đường du lịch hoặc trốn trong xe đông lạnh đi lòng vòng qua nhiều nước để tới được miền đất hứa là châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ…Kết quả là chết trên đường đi, người bị cướp, bị đánh, an toàn thì lại không chịu nổi khí hậu khắc nghiệt, chủ hà khắc đế nỗi bỏ mạng ở xứ người. Người nhà lại phải vay mượn mang thi thể về nước hay đành chịu gửi thây nơi xứ người.
Phụ nữ đến Ả rập Xê Út ngoài giúp việc gia đình theo như hợp đồng còn bị buộc làm thêm nhiều việc nếu nhà chủ có cơ sở buôn bán, sản xuất; có người chỉ quanh quẩn trong nhà làm nội trợ, săn sóc người già, người bệnh cũng mất hai mươi tiếng mỗi ngày. Cũng như nam giới, họ bị đánh đập, ngược đãi, bỏ đói và tệ hơn nữa là bị cưỡng hiếp.
Cuộc sống khổ sai thậm chí tính mệnh bị đe dọa khiến nhiều người bỏ trốn và trong trường hợp đó, họ bị mất trắng cả tiền thế chân lẫn tiền lương nhiều tháng bởi lương hướng thường trễ nãi và bị nợ lại luôn. Nếu thời gian làm việc chưa lâu, trở về nước trước thời hạn thì coi như thời gian đó làm việc không công và đối mặt với số nợ đã vay.
Nếu không chịu nổi công việc căng thẳng và bị trừ đầu trừ đuôi vô lý hoặc chê lương thấp, một số bỏ ra ngoài làm chui. Việc này dẫn đến tai tiếng và bát nháo cho cộng đồng nhân công xuất khẩu người Việt. Người đến trước thành thạo, mách nước rủ rê cho người đến sau khiến nhóm công nhân vừa đặt chân đến phi trường nước ngoài hôm trước thì có khi hôm sau đã bốc hơi ra thị trường nhân công tự do đến một nửa. Việc này khiến các nước sở tại đâm ra e dè. Họ không thuê mướn công nhân VN nữa hoặc những hợp đồng thuê mướn sau này càng ngày càng trở nên chặt chẽ, nghiêm khắc khiến những người đi sau đối mặt với khó khăn nhiều hơn.
Mặc dù việc làm ở nước ngoài thường khổ ải và bất trắc nhưng do nạn thất nghiệp, cuộc sống đắt đỏ trong nước khiến người ta vẫn cứ liều mình. Hiện nay ai nấy đều mơ ước được sang làm việc tại các nước tư bản lớn như Úc, Mỹ, Canada,… Những nơi đó được coi là thiên đường vì xứ sở văn minh, tự do, lương cao và sự đối xử chủ với thợ tử tế hơn. Chắc chắn công ty môi giới cũng lợi, hoa hồng nhận từ phía bên thuê cũng như tiền “cò” lấy từ người lao động đều cao hơn. Lương khá và luật lao động nhân bản được coi trọng khiến công nhân yên tâm làm việc và bên thuê cũng khỏi đối phó với tình trạng công nhân bỏ trốn ra ngoài làm chui.
Mối lợi hiển nhiên từ những thị trường lao động đầy hứa hẹn này làm các cơ quan môi giới giành ăn, tìm cách gây khó dễ nhau. Hiện có nhiều công ty chính thức chuẩn bị đưa người VN sang Mỹ làm việc với thời hạn từng năm một. Sau ba lần ký hợp đồng – nghĩa là sau ba năm – có thể được cấp green- card. Giá một giờ làm việc từ tám đến mười USD cho việc nhà nông đơn giản như hái trái, lựa rau quả…, mười ba USD cho thợ hàn, mười tám USD cho y tá… Có điều đề phòng việc bỏ trốn ra ngoài làm chui nên công nhân phải đóng thế chân từ mười đến hai mươi ngàn USD. Công việc đòi hỏi tay nghề cao như y tá thì VN có thể đáp ứng nhiều nhưng rào cản lớn là phải có bằng TOEFL 550. Chuyện này rõ ràng không cạnh tranh nổi với dân Philippine vốn dùng tiếng Anh như là ngôn ngữ chính.
Với tình hình kinh tế suy thoái toàn cầu, ngay cả người địa phương còn thất nghiệp dài dài, một số Việt kiều trở về VN tìm việc qua ngày cho nên việc xuất khẩu nhân công sang Mỹ bị chựng lại.
Dù sao xứ này đặc biệt vẫn được coi là thiên đường mơ ước nên nếu có xuất đi sang đó, chắc chắn công việc không rớt xuống tay người lao động thực sự.
Câu chuyện 39 người tử vong trong thùng container ở Anh mới đây khiến nghĩ lại, ai nấy vẫn còn thấy bàng hoàng.
Dù sao dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho việc xuất khẩu lao động chui, hay chính thức, đều chựng lại, ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế.
Sài gòn cô nương