Tháng chín lặng lẽ về như thời tiết nóng suốt mùa hè cũng biết mệt nên tự hạ nhiệt. Nói đến tháng chín ở Mỹ như nói đến người lao động vì thứ hai tuần đầu tháng chín được nghỉ lễ lao động. Người đi làm ở Mỹ được nghỉ lễ độc lập vào đầu tháng bảy, là dịp cả nhà đi chơi xa. Sau đó đi làm suốt hai tháng hè nóng bỏng nên trông lễ lao động để được nghỉ ngơi, có thể đi chơi xa cùng gia đình lần nữa trong năm để lại đi làm miệt mài tới dịp nghỉ lễ cuối năm. Cuộc sống Mỹ lập lại như thời tiết bốn mùa, nhưng con người không như thời tiết vì những đứa trẻ trong gia đình đã khôn lớn, chúng không về nhà đều đặn như mùa về nữa; những bậc cha mẹ là người lao động đã già nên không đến hãng xưởng mỗi ngày như xưa. Từng người đồng nghiệp về hưu cho người khác chuẩn bị, từng người mới vô làm với háo hức lên chức, tăng lương…Tháng chín vào thu như đời người chững lại ở ngưỡng đã già. Dòng sống cuồng nhiệt đến khúc quanh khựng lại để lặng lờ trôi ra biển. Nhìn ở góc độ cá nhân, mới hôm nào đi làm ngày đầu tiên trong đời thì ngày cuối đi làm trong đời đã đến bên thềm. Những ngày đầu tiên đi làm ở Phân viện khoa học Việt nam, chi nhánh thành phố Sài gòn vì Viện khoa học Việt nam đương nhiên toạ lạc ở Hà nội. Mấy nhà khoa học ngoài Hà nội vào làm lãnh đạo trong Sài gòn, họ ít nhiều đều tốt nghiệp ở nước ngoài như Nga sô, Tiệp khắc, Đông đức… trong khối xã hội chủ nghĩa. Kể ra họ không khó chịu bằng những tay bộ đội phục viên sau chiến tranh, xin chuyển qua làm kinh tế, nhưng chẳng biết gì về khoa học kỹ thuật với trình độ đọc, viết tiếng Việt còn chưa rành. Cái khổ thời đó cho người Sài gòn và anh em đi học nước ngoài về là những ông kẹ dốt đặc lại làm lãnh đạo tinh thần, họ chỉ đạo hung thần theo đường lối của đảng. Kỹ sư bảo không được vì không đúng khoa học kỹ thuật nhưng ông bí thư là bộ đội phục viên bảo cứ làm vì đó là đường lối của đảng. Vậy là khoa học lép vế khoa trương nên Việt nam đói nghèo tăm tối suốt mười năm đóng cửa với thế giới bên ngoài. Đến đói rã họng mới bắt đầu mở cửa đón đầu tư nước ngoài thì những người có chút hiểu biết về khoa học, trình độ kỹ thuật cơ bản của đất nước đã bỏ phiếu bằng chân, họ trốn đi nước ngoài hết cả rồi.
Tháng chín ở Mỹ đã quen nghĩ là tháng của người lao động, ngồi nhớ và nghĩ về những người lao động đã gặp trong đời, làm việc chung hay đấu đá với nhau vì miếng cơm manh áo cũng nhiều. Tôi nhớ đến kỹ sư Giả, anh người Hà nội, cha mẹ là con nhà bần nông nhưng đều là giáo viên nên anh mới được đi du học bên Tiệp khắc thay vì phải vác cây súng AK vượt Trường sơn vào tham chiến trong Nam. Nghe anh kể về mấy năm sống bên Tiệp cũng không hề thuận lợi vì rào cản ngôn ngữ nên học mười hiểu một là may. Ăn ở đói nghèo cũng không khác mấy ở Hà nội. Bọn anh năm đứa Việt nam ở chung căn phòng tập thể thèm thịt tới bắt trộm chim bồ câu ngoài công viên về làm thịt ăn lén. Cái ngặt là bên Tiệp khi ấy chưa xài bao rác, rác cứ bỏ vào thùng rồi đem ra đổ vào bồn rác lớn của khu tập thể cho xe rác đưa đi. Và như vậy thì chắc chắn là bị phát hiện ra lông chim nên bọn anh giấu lông chim lên trần nhà cho không ai biết. Nhưng tới hôm trời tuyết đổ nhiều làm sập mái nhà, lông chim bồ câu đổ xuống nhiều hơn tưởng tượng. Anh đứng ra chịu trách nhiệm một mình để cứu bốn người bạn được ở lại học tiếp. Anh bị tống cổ về nước vì tội trộm chim bồ câu của nhà nước Tiệp.
Tôi còn quá trẻ nên không hiểu vì sao anh lại kể cho tôi nghe câu chuyện ấy, vì chẳng khác nào anh tự nói với tôi là anh chưa tốt nghiệp, chưa có bằng kỹ sư cơ khí như chức vụ hiện tại của anh ở nơi đang làm việc chung với nhau, hay anh đã có bằng cấp bằng một cách chưa đủ thân để anh nói cho tôi nghe. Nhưng nhớ anh Giả nhất là câu chuyện như thật về người lao động do anh kể đã định hình tôi từ đó đến bây giờ. Có hôm hai anh em hợp tính nhau nên sau khi lãnh lương thường đi uống bia hơi ngoài chợ Lái thiêu. Anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện cười rất ý nghĩa. Anh kể, “Có người phóng viên không biên giới nên anh ta đến được các nước tư bản, cả những nước cộng sản. Một hôm anh ta đến nhà máy sản xuất xe hơi của Liên xô, anh phóng viên hỏi một người công nhân,
“Xin hỏi anh, đống sắt thép như núi kia là của ai?”
Người công nhân trả lời, “của chúng tôi.”
“Vậy cả bãi xe đã thành phẩm mênh mông kia…”
“Cũng là của chúng tôi. Công nhân chúng tôi làm chủ nhà máy sản xuất xe hơi này. Chúng tôi làm chủ cả đất nước Liên bang Sô viết vĩ đại này…”
“À, ra vậy. Xin anh cho hỏi: Cái xe hơi con đậu dưới gốc cây kia là của ai?”
“Của đồng chí giám đốc nhà máy để đi làm.”
“Thế công nhân đi làm bằng gì?”
“Xe đưa rước công nhân…”
Rồi cũng người phóng viên không biên giới ấy đến một nhà máy sản xuất xe hơi ở Mỹ, cũng những câu hỏi lặp lại nhưng khác câu trả lời: Đống sắt thép như núi kia là của ông chủ hãng, bãi đậu xe thành phẩm mênh mông kia cũng của ông chủ hãng, chỉ cái xe nhỏ đậu dưới gốc cây kia là xe của tôi đi làm. Người công nhân ở Mỹ đã trả lời như thế, đã trả lời cho tôi: Không cần phải làm chủ khu tập thể công nhân, làm chủ nhà máy, làm chủ cả nước… chỉ cần làm chủ cái xe con để đi làm là được, làm chủ chỗ ở của riêng mình là được.
Những ngày đi làm đầu tiên trong đời khi vừa mới tham gia vào lực lượng lao động, cái cảm giác lần đầu cầm trên tay đồng tiền lương, là công sức lao động của bản thân làm ra, là ít hay nhiều không còn quan trọng khi đã thuộc về quá khứ – trong hiện tại đã đến thật gần hôm nhận tiền lương đi làm lần cuối, kết thúc tuổi lao động của một đời người đi làm công ăn lương vì hôm cuối tuần qua, bà kế toán trưởng trong hãng hỏi tôi đã nhận được giấy tờ gì về việc về hưu gởi về nhà chưa, tôi có tính toán gì thì cho bà hay sớm để bà nghĩ cách giúp cho tôi được tốt nhất.
Lễ lao động đến gần, tuần tới nghỉ lễ thứ hai nên có cuối tuần ba ngày, chẳng biết làm gì cho hết thời gian nhưng cứ lấy thêm ngày nghỉ để nghỉ hết cả tuần tới. Có lẽ trong sâu thẳm sau nhiều năm đi làm cũng cần nghỉ ngơi, chỉ đơn giản là hưởng thụ không gian yên tĩnh của căn nhà nhỏ của người công nhân ở Mỹ, lái cái xe riêng muốn đi đâu thì đi, thương về bạn bè còn trong nước cũng đã tới tuổi về hưu nhưng hãy còn ở trong những khu nhà tập thể, cả đời chưa từng có cái xe riêng để không ngại nắng mưa khi muốn ra đường, muốn đi đâu thì đi, không phải đón tàu xe, mua vé chợ đen thì có chợ đỏ thì không, trong chế độ người dân làm chủ toà án nhân dân, nơi người dân được phán xét có tội hay không có tội tùy ở quan toà chứ không màng luật pháp.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ cái ngân hàng là ngân hàng nhà nước, nhà cầm quyền chỉ cầm tiền, còn lại của nhân dân làm chủ hết nên nhân dân phải lo hết, nhà cầm quyền không phải lo gì hết ngoài việc cầm tiền. Giá có thể gặp lại anh Giả, tôi sẽ nói cho anh biết mấy mươi năm sống ở hải ngoại tôi đã hiểu câu chuyện cười của anh sâu xa hơn. Tôi sẽ kể cho anh nghe câu chuyện ngân hàng nhà nước và toà án nhân dân cho anh thấm thía hơn.
Trong nước bây giờ cũng có ngày lễ lao động. Những người đi làm công sở hay hãng xưởng cũng được nghỉ ăn lương nếu đã vô biên chế như bên đây vô chính thức, không còn là công nhân tạm thời thì có quyền lợi đó. Nhưng nghĩ kỹ lại đời người công nhân có cái nhà riêng để đi về, để yên tịnh nghỉ ngơi, có cái xe riêng như thế giới riêng bên ngoài nhà mình dù gì cũng đỡ khổ hơn người làm việc cũng như mình, bị bóp hầu chận họng còn hơn mình nữa nhưng chẳng có gì của riêng họ ngoài những mỹ từ giả dối, mị dân như công trường dân chủ, nhà hát thành phố, hội đồng nhân dân, quãng trường tự do… toàn láo xạo.
Tôi về chuẩn bị cho những ngày tháng sắp tới không phải lo trời nắng hay mưa, nóng hay lạnh. Qua Mỹ mấy chục năm là mấy chục năm thuộc nằm lòng câu thơ của ông bạn bên Toronto, “bên ngoài cửa sổ tuyết sương/ kéo cao cổ áo lên đường kiếm cơm”. Cái cảm giác ngậm ngùi, cam chịu của người đi làm sau mấy mươi năm đã đè đôi vai người lao động trễ xuống, chân bước chậm hơn và mắt nhìn không còn tinh anh như trước nữa. Bỗng hết phải đi làm, thật dễ chịu như cảm giác học xong, ra trường chưa có việc làm là chuyện lớn lại không lo bằng những tủn mủn học đường từ nay khép lại. Tôi thấy hầu hết đồng nghiệp về hưu đều ưu tư như những cô cậu học trò sắp bước ra trung học. Họ lưu luyến những thứ đã xem thường và xem thường những thứ cần quan tâm khi cuộc đời bước sang một ngả rẽ mới. Nhưng chuyện của ngày mai không nên lo hôm nay, sẽ rách việc. Hãy hoàn tất việc hôm nay còn đi làm thì làm việc cho xứng đáng với quyền lợi của mình, vì đó là ước mơ cả đời không thành hiện thực của người lao động xã hội chủ nghĩa ở quê nhà.
Tháng chín về với ngày lễ lao động, không biết nói gì hơn là cảm ơn nước Mỹ không bắt làm chủ những thứ không cần và không cho làm chủ những thứ rất cần cho đời người lao động như một chỗ ở riêng tư, một cái xe lăn bánh trên đường; căn nhà nhỏ, cái xe cũ cũng là một đơn vị của xã hội được kể đếm, không như làm chủ cả đất nước to lớn để đêm về người lao động không có một nơi riêng tư để nghỉ ngơi, cả đời làm phụ tùng xe hơi cho nhà nước xuất khẩu còn người lao động đích thực chỉ đạp xe đạp vì cái xe ô tô con đậu dưới gốc cây kia là của ông giám đốc xí nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô.
Phan