Tháng hai đang về…

Phan

Tôi từng có người bạn học thời trung học, anh đi vượt biên sớm nên lấy được bằng kỹ sư điện toán và sinh sống bên tiểu bang Calif nhiều năm. Khoảng mười năm trước, tôi được điện thư của người bạn khác và còn sinh sống trong nước nhưng rành, rõ chuyện bạn cũ hơn cả những đứa ở Mỹ. Anh cho hay, anh bạn kỹ sư bên Calif của tôi đã dời nhà về Dallas, ở cách nhà tôi có 5 phút lái xe; anh bạn bên Việt nam mà cho tôi luôn địa chỉ nhà, số điện thoại của người bạn ở cách nhà tôi 5 phút lái xe…
Tôi đọc xong điện thư của người bạn từ Việt nam cho hay. Hồi đáp ngay một lời ngắn gọn là “Cảm ơn mày nhiều. Tao tới nó ngay bây giờ.” Thật khó diễn tả niềm vui trong tôi khi hay tin một thằng bạn thân với mình hồi nhỏ, tới già thì nó lại dọn nhà về ở gần nhà mình. Tôi chỉ còn biết xách chai rượu ngon nhất mà tôi có trong nhà, rồi lái xe 5 phút qua nhà thằng bạn thân đã mấy chục năm không gặp.
Ôi. Một căn nhà lớn, trong khu nhà mắc tiền… những điều ấy chẳng quan trọng gì với tôi vì người bán căn nhà nhỏ bên Calif rồi dọn sang Dallas thì cũng đủ mua được căn nhà lớn. Tôi còn chưa lái vào ngõ để quan sát căn nhà nó từ xa mà đoán ra thằng bạn mình bây giờ ra sao, coi xóm nhà giàu của thằng bạn tôi thuộc loại giàu nổi hay chìm vì biết khu nhà này từ khi xây dựng nhưng ngoài khả năng của mình thì bén mảng đến đó làm chi?
Và điều tôi mong thấy lại rất bất ngờ xuất hiện khi thấy đúng là thằng bạn mình, nó đang chạy bộ thể dục quanh khu nhà nó ở. Thằng tử tế với bạn bè là dù lâu không gặp nhưng nó vẫn thề dục thể thao như xưa, nhìn cái dáng cao gầy và ngăm ngăm đen của nó, những bước chạy nhẹ nhàng như mấy chục năm trước tung hoành trên sân cỏ với nhau… tôi vui và tự hào với thằng bạn mình không sa đoạ như nhiều bạn bè khác và cả mình cũng đã nhiều lần bên bờ vực thẳm…
Còn nói gì nữa! Tôi bấm kèn xe cho nó chú ý đến tôi vì cái công viên trước nhà nó quá lớn. Tôi bước xuống xe như món quà bất ngờ tặng bạn. Chúng tôi vui như ngày xưa – sau một pha phối hợp ăn ý đã tung lưới đối phương. Chúng tôi về nhà để gặp vợ con của bạn tôi. Trời ơi, tưởng ai xa lạ? Thì ra là em gái của nhỏ bạn học chung lớp. Cái thằng mắc dịch, nó cua con chị không được thì vớt con em… để trả thù con chị.
Cứ thế chúng tôi cười hồn nhiên như ngày xưa đi học, cười sảng khoái như khi được nhiều bạn gái trong trường đi ủng hội đội bóng đá nhà trường là chúng tôi đi thi đấu với những trường khác. Tôi thoáng suy nghĩ, chúng tôi thật sự cười sau nhiều năm cúi mặt đi làm ở Mỹ vì cái tình thân với bạn bè quen biết ở Mỹ có mùi bơ sữa nên thiếu đậm đà như tình bạn cóc ổi ở quê cũ thấm thía hơn với chén muối ớt, nước mắm đường chấm xoài chua… Nên khi những chuyện xưa được nhắc lại trong tiếng cười mà nước mắt ba đứa tứa ra vì thằng bạn, con nhỏ bạn trong xóm, trong trường được nhắc tới đã không còn nữa vì nó kém may mắn trên đường vượt biên.
Vợ chồng bạn tôi thi thố hết tài năng chế biến bất cứ thứ gì hiện có trong tủ lạnh nhà bạn. Tôi chỉ có tài mọn của thổ địa là khi ba đứa đã uống hết chai rượu tôi đưa đến thì nhờ thằng bạn ra mở cửa nhà nó, có chai rượu mới được đưa tới để tiếp tục cuộc vui sau mấy mươi năm gián đoạn.
Thế mà tuần sau. Tôi nấu nướng những món sở trường vào ngày cuối tuần và ngồi chờ vợ chồng con cái của bạn tôi ghé thăm tệ xá của đồng môn. Chờ mãi tới khuất mặt trời mới được tin nhắn của vợ bạn tôi, “anh K không khoẻ đã mấy hôm. Em mới đưa anh ấy vô bệnh viện. Kết quả xét nghiện thật tệ. Báo anh biết…!”
Tôi đến ngay bệnh viện để cho người vợ của bạn tôi mượn bờ vai vì chắc chắn tôi không gánh nổi cho bạn cái kết quả xét nghiệm, nhưng tình bạn mấy chục năm gặp lại còn chưa vui tới bến đã sầu ung thư vì nó từ một con người khoẻ mạnh hôm tôi gặp lại nó; người đàn ông khá kỹ lưỡng dù qua Mỹ từ nhỏ nhưng ăn uống chừng mực, thể dục thể thao đều đặn; không cà phê, không thuốc lá, chỉ gặp dịp bạn bè sum họp mới uống rượu bia chứ không uống mỗi ngày như nhiều người bạn khác đã thành thói quen sau ngày làm, về nhà là uống vài lon bia… Nhờ vậy mà dáng dấp thể thao của nó vẫn cơ bắp dù đã bước qua tuổi năm mươi, nhưng chỉ sau mấy ngày không gặp đã tan biến đâu hết. Nó gầy rộc đi còn hơn sốt rét rừng năm xưa lên cơn mấy ngày.
Tôi tới bệnh viện mỗi ngày sau giờ làm, ở với nó tới giờ bệnh viện đóng cửa là mấy tiếng cho vợ nó tranh thủ nghỉ ngơi. Nhưng chỉ vỏn vẹn một tuần, hai con mắt sáng và linh hoạt của nó biến mất trong hai hố mắt sâu tới không đáy mà lần đầu tiên tôi thấy trong đời. Một cơ thể rắn chắc và cao ráo của nó từ nhỏ chỉ còn đúng nghĩa là da bọc xương mà cũng là lần đẩu tôi thấy trong đời. Tôi nghĩ là nó đã ra đi trong đau đớn tột cùng của ung thư gan cấp tính, đau đớn tới người thân không thể ngủ vì ám ảnh chứ nói gì tới ăn; nhưng cuối cùng của sự can đảm chịu đựng đau đớn vì không muốn làm người thân đau đớn của nó là một sự vô cảm. Nó rất bình tĩnh và sáng suốt siết tay tôi lần cuối trước khi vợ nó nhắc tôi ra về vì đã tới giờ bệnh viện đóng cửa. Tôi linh tính được từ dòng nước mắt nó chảy ra từ hố mắt sâu như địa ngục, tôi mặc kệ hết luật lệ do con người đặt ra để làm khó nhau, tôi ở lại với nó thêm được hai giờ; thay vì mười giờ bệnh viện đóng cửa thì mười hai giờ đêm, bạn tôi đi trong sự buông tay của hết người thương kẻ mến có mặt bên cạnh nó lúc cuối cùng của một đời người…
Đã chục năm thời gian trôi qua, mười năm không dài nhưng cũng đủ cho tôi thấm thía sự được mất ở đời không nên quan tâm nhiều vì khi được thì cái được tự đến, như bạn bè thân từ nhỏ, nhưng cả đời còn lại chắc gì gặp nhau sau khi chia tay vào cuối năm trung học. Thế mà gặp lại nhau từ điện thư của một người bạn còn ở quê nhà mới càng không tưởng. Nên khi mất nhau trước mắt diễn ra thì sức người hữu hạn trước vô biên. Thấy bạn mình chết thì ai không muốn cứu; nhưng anh chị em nó, bên vợ nó toàn bác sĩ, kỹ sư vì qua được Mỹ từ khi còn nhỏ nên ăn học tới nơi, vậy mà họ còn bó tay thì mình làm được gì? Được chăng là hiểu được sự được và mất ở một tầng cao hơn khi chưa giáp mặt; hiểu hơn về hạnh phúc và khổ đau khi đối diện. Hai cảm xúc ấy song hành suốt đời người nhưng không ai làm chủ được nên người coi nhẹ sự được mất sẽ thanh an hơn với hạnh phúc và khổ đau. Khả năng của con người chỉ giới hạn ở việc biết qúy trọng sự trùng phùng là điều duy nhất để chia xa không buồn.
Mười năm trôi qua khi mùa về nhớ bạn. Nên chiều nay thứ sáu – ba mươi tết. Tôi bỏ bữa tiệc cuối năm với những đồng nghiệp mà lại đồng hương nữa. Năm nào cũng thế nên đã thành lệ. Nghỉ lễ giáng sinh và tết tây thì ai lo việc nhà nấy, nhưng trước hôm tết ta thì mấy anh chị em đồng nghiệp lại đồng hương thường kéo nhau đi ăn một bữa cơm cuối năm ở hàng quán nào đó để tha hồ trò chuyện vỉ cả năm ai cũng lầm lũi đi làm rồi về lo việc nhà. Người bạn làm chung coi vậy còn gần gũi hơn ông xã, bà xã ở nhà vì chia nhau miếng ngon trong từng bữa ăn, chia nhau nỗi nhục khi bị xỉ vả; khi không khoẻ liền có sự quan tâm tới nhau qua viên thuốc cảm, giấc ngủ chui… Em (anh) nhắm mắt dưỡng thần chút đi. Để việc đó em (anh) làm cho…” Nghĩ về những người làm chung, tôi rộng rãi khi đi ăn chung dù giao kèo trước là chia đều chi phí. Anh chị em nào mắng tôi ngu khi tôi không nhận phần tiền họ gởi lại thì tôi càng thương vì với tôi viên thuốc cảm không bao nhiêu tiền nhưng sự quan tâm của người cho viên thuốc cảm khi mình sật sừ trong hãng thì đãi họ mười bữa ăn cũng chưa hết ơn tình.
Nhưng năm nay tôi đành vắng mặt trong bữa tiệc tôi đợi hằng năm. Biết rằng vắng tôi bữa tiệc vẫn vui như ông bà ta đã nói: không mợ chợ vẫn đông. Tôi tiếc bữa tiệc cười hơn những món ăn vì phải đến bệnh viện để thăm một người bạn làm chung cũ, anh em thân hơn bình thường vì hạp tánh nết nhau, chỉ một phần khó diễn tả trong tình cảm của tôi với những người lính cũ, tuy không cùng thời nên quý chỗ vong niên. Một tuần trước, tôi đến thăm anh thì anh còn nói được, “Dẹp bác sĩ qua một bên cho anh. Tuần sau là tết rồi. Mày đem vô đây cho anh một chung rượu đế. Tao ăn cái tết cuối cùng…”
Chị nhà lặng lẽ nhỏ lệ mà không lên tiếng. Tôi cũng hiểu như chị là điềm gở nên lặng thinh như có mà không nghe, sự lặng thinh của tôi cũng có nghĩa là từ chối một yêu cầu quá đáng trong tình trạng sức khoẻ của anh và môi trường bệnh viện, nhưng sự im lặng cũng có nghĩa đã nhận lời…
Đâu ngờ chiều ba mươi tết. Tôi ghé thăm anh với chung rượu lạt giấu trong túi áo lạnh. Tôi lừa chị nhà, “chị đi ra ngoài cho khuây khoả chút đi. Có em ở đây với anh được rồi.” Nhưng khi chỉ còn hai anh em đối diện với nhau trong gian phòng đã tanh tanh mùi tử khí, dù bệnh viện rất sạch… như bệnh viện. Nhưng tôi tin tôi có tố chất trời ban là sớm nhận biết được cuộc gặp cần gặp vì không có cơ hội nữa. Đúng là anh đã không nói được nữa từ sáng hôm giao thừa. Người anh co rút lại như đứa trẻ sống lâu năm vì tóc bạc. Hai hốc mắt anh sâu hun hút tới địa ngục như người bạn tôi mười năm trước… Anh nhìn chung rượu lạt, xuất thần đi đâu xa lắm. Rồi ứa nước mắt khi tôi (hiểu ý anh) nên rưới xuồng nền nhà như mời những bạn bè, chiến hữu của anh.
Anh ra hiệu rồi cố gắng viết xuống giấy cho tôi, chữ được chữ đoán nhưng tôi hiểu rằng, “Anh không xong rồi, chỉ mong sống được tới sinh nhật vợ anh cho bả vui. Ngày 1 tháng 2…”
Nhưng ngày 1 tháng 2 năm nay không đến với anh bạn tôi vì anh đã đi rồi vào hôm mồng hai tết, mới nhằm ngày 26 tháng 1 tây. Tháng 2 năm nay không đến nhưng mãi là tháng 2 trong tim người lính cũ, có sinh nhật em gái hậu phương của anh ấy. Kể cũng đáng cho người chị là vợ lính. Khi chị trở vô phòng nghe mùi rượu thênh thang vì tôi đưa vô cho anh tôi loại vodka thứ thiệt, có cọng cỏ thiêng trong chai vodka mà xưa cò làm chung, tôi với anh cứ hay hẹn nhau đi… ăn cỏ cuối tuần ở quán lẩu dê. Chị nhìn anh với sự chia sẻ diệu hiền nên càng sâu đậm, rồi lặng lẽ đi lau sàn nhà để khỏi làm phiền bệnh viện. Chị tôi chữ nghĩa hơn người nhưng mảnh giấy chỉ có mấy chữ phải đoán thêm mới hiểu, “Anh không xong rồi, chỉ mong sống được tới sinh nhật vợ anh sáu mươi cho bả vui. Ngày 1 tháng 2…” Chị xếp lại đời mình trong túi áo tang, không khoe ai ngoài thằng em hữu duyên biết được một chuyện tình khép lại vào tháng cả nhân loại Mừng lễ Tình yêu – Valentine’s đang về trong thời đại rất nhiều tình nhân đã rời xa nhau không rõ nguyên do, còn người tình của chị lại ra đi cụ thể với tháng 2 đang về có sinh nhật người thương…

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email