Tháng năm ngồi nhớ bài ca dao học từ thuở nhỏ, “tháng giêng là tháng ăn chơi/ tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà/ tháng ba thì đậu đã già/ ta đi ta hái về nhà phơi khô/ tháng tư đi tậu trâu bò/ để ta tiếp tục làm mùa tháng năm…” Ngồi nghĩ ông bà mình xưa ăn tết kỹ, ăn chơi hết cả cái tháng giêng thì sướng thật. Nhưng sang tháng hai là đã vỡ đất trồng trọt hoa màu để ăn tới sang năm vì tháng nào việc nấy, tay làm hàm nhai nên tục ngử mới có câu nói về người nông dân chân lấm tay bùn, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Sang tháng tư lo việc mua trâu đổi bò cho trâu bò quen ruộng để vào tháng năm là vào mùa trồng lúa. Ngày xưa mỗi năm trồng lúa chỉ có một vụ nên cày bừa từ tháng năm, gieo mạ, cấy lúa… Tiếp theo là quãng nông nhàn vì chỉ còn việc nhổ cỏ dại cho lúa đến tháng mười lúa chín là mùa gặt lúa, mùa vui nhất trong công việc đồng áng ở thôn quê vì nhà nhà gặt lúa, gánh về, “gánh gánh gánh, gánh lúa về, gánh lúa về, gánh về gánh về…” phơi lúa vàng sân, hát hò vang xóm. Lúa vô bồ xong là rong chơi tiếpvới nhà nhà mở tiệc mừng lúa mới, vui chơi giáp xóm thì tết cũng vừa đến. Cuộc sống sao mà dễ dàng, dễ chịu, dễ thương làm nhớ mãi. Nhưng khi lớn lên đến độ tuổi biết câu ca dao, “tháng năm chưa nằm đã sáng/ tháng mười chưa cười đã tối” là vất vả rồi. Vì công việc học hành, sau tiếp là việc gia đình, là công việc làm ăn tới đầu tắt mặt tối mới được ngả lưng sau một ngày xuôi ngược lo toan thì mới được đi nằm nhưng trời đã sáng; tháng mười tết về khi chưa xong việc trong ngày mà trời đã tối, việc trong tháng, trong năm chưa tới đâu đã tháng mười, năm hết tết đến nữa rồi.
Tháng năm cứ lần lượt đi qua tuổi thơ trong hồn nhiên nơi chốn quê nhà, tuổi dậy thì phố thị tháng năm chợt nghe xao xuyến, bâng khuâng khi hàng me rân ran tiếng ve gọi hè về. Dù muốn hay không cũng phải đối diện với sự chia tay nơi sân trường, cửa lớp… biết mùa sau có còn gặp lại như lời bài hát nào đó xa xưa nói về mùa hè và tuổi học trò. Nhưng đến tháng năm sau nghiệt ngã ba mươi tháng tư năm bảy lăm ở quê nhà thì “biết đời sau có còn gặp lại” nên nhớ nhớ thương thương những con đường ta qua tháng năm đã vắng linh hồn dị thảo, cố tìm dấu chân quen trên hè phố cũ chỉ thêm ngậm ngùi cho người ở lại. Nhưng hoà bình đến mức cây cột đèn biết đi cũng vượt biên thì ai ở lại được với bàn tay bạo chúa nên sớm hay muộn tháng năm mù xa cố thổ cũng sẽ đến. Đến tự bao giờ nơi phương trời cách biệt để ngồi tự hỏi, còn không em những hàng me thay áo mới khi tháng năm về, con không em những con đường gió đêm không nhiều sao lá me bay, đường dài suốt như đêm dài thao thức…
Giờ, tháng năm bên trời lơ thơ tóc bạc, bay về phía quê nhà đã lạc mất hay chưa? Tháng năm vẫn về trong lòng hoài hương mòn mỏi, hoài niệm vô bờ, tri âm biệt dạng thì tháng năm vẫn về như cá linh theo mùa nước nổi tràn về đồng nội, ký ức tràn về hương quê mùi tóc gội dầu chanh đến lớp làm thơm giấc mơ hè dĩ vãng xa xôi, mùi bồ kết quê mùa sao đậm sâu trong lòng người viễn xứ…
Tháng năm nơi đây cũng là một tháng mang nhiều ý nghĩa trong năm của người bản xứ nên hy vọng ít khắc khoải hơn những người tạm dung. Ngày 01 tháng 05 hằng năm là ngày Quốc tế lao động theo những nước cộng sản, xã hội chủ nghĩa. Nhưng kỳ thực ngày vinh danh những người lao động 01 tháng 05 này lại xuất phát từ Mỹ vào năm 1886. Hơn hai trăm ngàn công nhân Mỹ cùng đình công trên toàn quốc để yêu cầu giới chủ hãng xưởng, nhà máy sản xuất mỗi ngày công nhân chỉ làm việc 8 tiếng thôi. Sau sự kiện đình công thành công của giới lao động Mỹ, các nước cộng sản tiếm công chọn ngày 01 tháng 05 là ngày lễ lao động chính thức cho các nước thuộc khối cộng sản. Nên Mỹ không muốn nhập nhằng với ngày 01 tháng 05 mà người Mỹ gọi là May Day, ngày đấu tranh thắng lợi của giới lao động Mỹ vào tháng năm năm 1886. Hoa kỳ chọn ngày lễ Lao động riêng cho người Mỹ, nước Mỹ, gọi là ngày Labor Day cho đến nay vào đầu tháng 09.
Với nước láng giềng phía nam của Hoa Kỳ là Mexico thì ngày 05 tháng 05 là ngày Cinco de Mayo theo tiếng Tây ban nha là ngày kỷ niệm sự kiện quan trọng trong lịch sử Mexico từ năm 1862 khi Mexico đã đánh bại Pháp trong trận chiến sống còn Battle of Puebla, do Tướng Ignacio Zaragoza làm tổng chỉ huy. Từ đó Cinco de Mayo trở thành ngày Quốc khánh của Mexico.
Tháng năm có ngày lễ manh nhiều ý nghĩa nhân văn hơn lịch sử là ngày Mother’s Day. Người Việt mau chóng hội nhập văn hoá Mỹ vì truyền thống phương đông vốn xem trọng hiếu đạo sẵn. Người Việt gọi là Ngày Hiền Mẫu, nghe ấm áp và thâm tình biết dường nào. Ngày Hiền Mẫu, ai không còn mẹ thì cài một đóa hồng trắng trên ngực áo, người còn mẹ cài một đóa hồng đỏ, tượng trưng cho lòng biết ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ hiền. Người Mỹ dành riêng ngày chủ nhật thứ hai trong tháng năm hàng năm để tôn vinh những người mẹ từ năm 1914 đến nay và mai sau. Cuối tháng năm lại có ngày lễ Chiến sĩ trận vong của Hoa kỳ, gọi là Memorial Day, rơi vào ngày thứ hai cuối cùng của tháng năm để tưởng niệm sự hy sinh vị quốc vong thân của người lính Mỹ vì chính nghĩa, tự do dân chủ.
Ngoài ra trong tháng năm ở Mỹ cũng có những ngày lễ khác, mang tính chất Hợp Chủng Quốc như tháng 05 là tháng Haitian Heritage Month dành cho người Haiti. Tháng năm cũng là tháng Asian Pacific American Heritage Month dành cho người gốc châu Á, tương tự như tháng hai tôn vinh người da đen. Bởi là Hợp Chủng Quốc nên Hoa kỳ được xem như cái nôi của tự do dân chủ, là chân trời mới của khát vọng vươn lên như cách nói của người Mỹ: The sky is the limit!
Nước Mỹ quả đáng tự hào là bất cứ người mang màu da nào, người giàu hay nghèo nào, ở bất cứ đâu trên trái đất đều muốn định cư ở Mỹ vì sự tin tưởng vào thành trì tự do dân chủ ở Mỹ, sự công bằng xã hội và pháp luật thượng tôn. Dù nước Mỹ tôn nghiêm ấy đã xứt mẻ, mai một theo thời gian, theo những tư tưởng bệnh hoạn chớp được thời cơ cầm quyền đã đẩy nườc Mỹ đi lùi lại với văn minh vượt bậc mà nườc Mỹ đã đạt được trong quá khứ.
Tháng năm rồi khép lại theo bước thời gian, nước Mỹ vẫn tồn tại phía sau sự phú cường là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Đằng sau những ngôi nhà chọc trời vần tồn tại những khu ổ chuột. Đối diện với những tỷ phú giàu có nhất nhì hành tinh vẫn là những người không nhà, ngày ngày trên tay cầm mảnh giấy bìa cứng, viết nghuệch ngoạc đôi dòng nơi ngã tư đèn đỏ: Help. Hungry. Homeless. Anything help. Những chiếc xe shopping cart của chợ được dân homeless chất đồ lỉnh kỉnh, đủng đỉnh lăn bánh trên những hè phố sa hoa, sạch tới không có môt miếng rác là nước Mỹ hôm và không biết đến bao giờ. Những người già yếu, người tâm thần xiêu vẹo trên những con phố tấp nập những cặp mắt vô tình. Chó dại mèo hoang vẫn hững hờ với mưa nắng, gió rét…
Cho dù thể nào thì tháng năm vẫn về theo quy luật thời gian, nước Mỹ vẫn hiện diện như lá cờ đầu của tự do dân chủ, người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo; chính trị gia thối nát vẫn ngồi chung trong toà nhà quốc hội với những người yêu nước nhưng lực bất tòng tâm. Tháng năm hờ hững nắng, hờ hững mưa, gió cũng hững hờ lay sợi tóc người di dân đã bạc còn chưa hết nhớ quê nhà.
Phan