Dù tuổi còn nhỏ và đã bao năm tháng trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên những giờ phút cuối cùng khi quê hương bức tử. Bầu trời ngày thứ tư 30 tháng tư 1975 thật ảm đạm phút thê lương của đại tang dân tộc. Cả gia đình tôi ai cũng dán mắt vào máy thu thanh lắng nghe lời kết thúc từ vị đại diện cuối cùng của chính quyền VNCH. Mây đen phủ kín bầu trời Việt Nam từ đó.
Trong cơn hốt hoảng, ai cũng tìm cách hủy bỏ những gì có liên hệ đến chế độ VNCH cho sự an toàn tối thiểu, và một trong các vật thể đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ thân thương. Tôi đau lòng nhìn ngọn lửa vô tri nhanh chóng đốt tan lá cờ của gia đình mà tôi luôn tự hào góp công treo lên mỗi dịp lễ Tết. Lúc đó có ai dám nghĩ là lá cờ vàng sẽ không bao giờ mất, ngược lại, nó chỉ tạm đi xa, rất xa và nhân cấp lên hàng trăm ngàn lần nhiều hơn. Xin hãy dành một vài giây phút ghi ơn tất cả mọi người đã tổ chức và tham dự các buổi lễ thượng kỳ hằng năm, tại mọi nơi trên thế giới.
Ai có may mắn sinh sống tại Canada cũng biết ở đây có bốn mùa xuân hạ thu đông rõ rệt. Nhiều lúc thời tiết làm khó con người khi không thay đổi theo đúng thời điểm, nhưng nhìn chung rất định kỳ. Tháng tư là tháng đầu của mùa xuân, băng tuyết đã hết, hay nếu có cũng chỉ lất phất thoáng qua. Tháng tư hay mưa, cho hoa mộng tháng năm. Trời chỉ se lạnh, cái lạnh nhẹ nhàng khá dễ chịu. Tháng tư có nắng xuân vàng lung linh rực rỡ báo hiệu sự hồi sinh của đất trời cùng vạn vật. Và ngay vào thời điểm lý tưởng đó, ngày quốc hận 30 tháng 4 là dịp con dân xứ Việt tụ họp về để cùng hoài niệm về quá khứ và hy vọng đến tương lai.
Cuộc sống ở Bắc Mỹ quá bận rộn nên bạn bè bà con thân thích nhiều lúc chỉ có thể gặp nhau dịp cưới hỏi hay tang chay. Tôi xin được so sánh hơi “khập khiểng” ngày tưởng niệm quốc hận 30 tháng tư như một trong hai sự kiện đó. Thật vậy, với ai còn nặng lòng với đất nước, đây là một sự kiện trọng đại nhất mỗi năm mà chúng ta phải có mặt.
Có lẽ, cũng như nhiều đồng bào, tôi muốn mình còn sống lâu để chứng kiến ngày quê hương quang phục chăng? Đã tham dự bao nhiêu mùa quốc hận, tôi dám nói không sai là ngày này năm nào thời tiết cũng tuyệt diệu. Dù đã quá quen thuộc mỗi năm, lòng tôi vẫn náo nức khi bước vào quảng trường Phillips của tòa đô chính Toronto (kể từ 2015, còn thêm lễ chào cờ ở quảng trường “Celebration Square” ở Mississauga) trong ánh nắng vàng long lanh cùng những ngọn cờ vàng tung bay rực rỡ. Rồi sau đó là niềm vui khi gặp lại bạn bè người thân. Có người gặp thường ngày; có người chỉ gặp duy nhất ở đây; cũng có người đã lâu không gặp bây giờ tìm ra; có người nhìn “quen lắm” gặp hoài mà chưa biết tên, chịu khó đến làm quen, để rồi có khi không bao giờ có dịp gặp lại… Mọi người ai cũng vui vẻ chào hỏi nhau, cả năm có một ngày. Tôi thích làm quen với mọi người và có một câu “bửu bối” để biện hộ cho mình: ở đây ai cũng là anh chị em hết, cùng chung một Mẹ Âu Cơ mà! Nhớ một bác lớn tuổi luôn làm “biểu ngữ di động” treo trên người, có khi là hình tàu phù cướp biển, có khi là hình của Hai bà Trưng với nền vàng… Lâu nay không gặp, không biết bác ở đâu?
Chương trình lễ tưởng niệm mỗi năm nội dung có khác nhau tùy theo tình hình thời sự tại quê nhà và cơ chế của chính quyền đương nhiệm. Năm 2015, đúng 40 năm chẵn, nên tổ chức thật quy mô, nhất là tại thủ đô Ottawa. Đó cũng là năm bầu cử nên có nhiều chính khách tham gia. Năm nay, nhiều thay đổi, “vật đổi sao dời” không khí có khác đi. Lòng tôi thật sự cũng nhiều ngổn ngang. Tôi chắc chắn vẫn còn đi chào cờ đến tận cuối cuộc đời, đến “cuối biển chân trời”. Nhưng cũng hy vọng một sự thay đổi lớn lao sẽ sớm xảy ra. Tôi thật sự không muốn nghĩ đến việc dự lễ tưởng niệm… 50 năm chẳng hạn. Cũng như tuổi đời con người, 40 thì chính chắn nhưng bắt đầu xuống dốc. 50 thì đã già và quá nửa đời người. Chỉ sợ lúc đó, tưởng niệm 50 năm ngày quốc hận, nghe buồn lắm, và có thể ngay cả bạn thân của ta cũng sẽ đặt nghi vấn cho việc chúng ta làm. Bà Judy Srgo, người bạn Canada còn sót lại sau bao đổi thay của chính quyền, tham dự không sót năm nào, chắc cũng sẽ về hưu lúc đó! Bạn có cảm thấy phần nào tuyệt vọng? Thành thật mà nói, đôi khi cảm giác nầy cũng xâm chiếm tôi. Nhưng hôm nay, trong buổi tưởng niệm ngày quốc hận lần thứ 41, nhìn xung quanh rợp bóng cờ vàng, mới thấy cuộc đấu tranh của chúng ta tuy âm ỉ mà không bao giờ nguôi. Ngày xưa cộng sản rêu rao “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, ta đừng quên bọn chúng có cả thế giới cộng sản sau lưng, cả bọn tư bản phản chiến. Chúng ta ở hải ngoại, còn phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày, tự cùng nhau đóp góp chút tài chính nhỏ nhoi, mà đã bền bỉ hơn 40 năm nay thì đó là niềm khích lệ vô biên. Một điều ai cũng biết, tôi chỉ xin lặp lại với sự tự hào: chúng ta không còn quốc gia, nhưng cờ vàng tung bay mọi nơi trên thế giới. Cộng sản độc tài thống trị đất nước hơn 40 năm mà cờ máu không bao giờ xuất hiện được bất kỳ nơi nào, một sự nhục nhã vô biên mà ngay cả cá nhân một người cộng sản vô tâm vô thần chắc cũng cảm nhận được.
40 năm hơn đủ để chúng ta trải qua hết các giai đoạn của sự đau khổ…
Quê hương VNCH thân yêu bức tử lúc chỉ non 20 tuổi. Chúng ta đã tưởng nhớ quê hương gấp đôi thời gian đó. Nếu có nỗi đau không bao giờ dứt hay vết thương không bao giờ lành thì nó chính là đây. Và thời gian cũng sẽ không thể làm lành được vết thương nầy. Chúng ta không cố chấp, nhưng chỉ khi nào những kẻ tội đồ dân tộc thật sự ăn năn hối cải trước đồng bào và đồng lòng đạp đổ chủ nghĩa cộng sản xuống mồ sâu, lúc đó chúng ta mới có thể bỏ qua những mất mát đau thương của từng cá nhân và gia đình để cùng nhau dựng lại Việt Nam dưới đại kỳ thiêng liêng.
Lê Hiếu Thuận