Thất Trảm Sớ Thời @

Năm 1292, một nhà giáo, một thầy thuốc, một vị đại quan của triều đình nước Việt chào đời tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông thầy giáo ấy mở lớp dạy học ngay tại nguyên quán. Đó là một ông thầy giỏi nhưng vô cùng nghiêm khắc. Năm 1314 hai người học trò của ông thi đỗ Thái Học Sinh, tương đương với học vị tiến sĩ. Tiếng tăm của ông thầy vang dội khắp chốn. Ông được vua Trần Minh Tông mời làm Tư Nghiệp (hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám. Khi Trần Dụ Tông lên ngôi vua, đất nước loạn lạc, triều chính rối ren. Vua ham mê tửu sắc, nóng nảy, nông cạn. Trong triều, bọn gian tặc hoành hành, bên ngoài giặc giã dấy lên cướp bóc. Trước cảnh hỗn mang ấy, ông thầy giáo vô cùng phẫn nộ. Ông đã tìm cách can gián vua dù thời ấy chỉ quan Ngự Sử mới được quyền can gián. Ông viết Thất Trảm Sớ, đòi chém bảy kẻ nịnh thần, vốn là những người quyền thế được vua yêu. Nhà vua lờ đi tờ sớ của ông. Ông bèn xin từ chức, về quê, sống thanh thản trong cảnh nghèo, vui với lớp học, văn chương. Người đời kính trọng ông thầy giáo ấy, tôn ông làm Vạn Thế Sư Biểu.
Ông thầy giáo ấy là Chu Văn An.
Và dù nhà vua là tay ăn chơi, sa đọa, luôn nghe lời tâu nịnh của đám nịnh thần, ông vua ấy cũng không làm cái trò mà vua chúa thời xưa thường làm là trao cho ông thầy một ly độc dược, một con dao nhọn, hay một giải lụa để tự xử.
Những vua chúa phong kiến ngày xưa, nếu bị đụng chạm đến uy danh, thường hay bức tử kẻ phạm thượng theo cách ấy chứ ít khi làm những trò ném đá giấu tay như những tay độc tài thời nay hay làm.
Mới đây trong nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Cộng, một ông thầy giáo – chắc có đọc tiểu sử của nhà giáo Chu Văn An – đã dâng sớ yêu cầu điều tra hành vi phạm pháp của mười ba quan chức chế độ.
Và ông thầy giáo ấy chưa kịp rũ áo từ quan về quê ở ẩn như thầy Chu thì bỗng dưng ngã từ lầu tám xuống đất. Ông thầy giáo ấy tên là Lê Hải An, Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Cộng.
Tin tức loan rằng khoảng bảy giờ mười sáng ngày 17 tháng Mười 2019, Thứ trưởng Lê Hải An được xác định ngã từ tầng 8 nhà D, trụ sở Bộ Giáo Dục – Đào Tạo ở số 35 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, xuống đất.
Trước đó, vào tháng Tám 2019, ông ký thông báo về việc xem xét kỷ luật 13 công chức Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo ở Hòa Bình, Sơn La trong kỳ thi quốc gia năm 2018. Tức là vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La.
Thứ Trưởng An sinh năm 1971, được xem như một tài năng trẻ trong ngành giáo dục, được đào tạo qua trường lớp, có bài bản tử tế, từng đoạt giải toán học quốc tế và có kinh nghiệm giảng dạy. Ông được tiếng là người thẳng thắn, bộc trực, có tâm huyết và tin tức cho biết kỳ họp sắp tới, quốc hội nước Việt Nam Cộng Sản sẽ xem xét việc phê chuẩn ông Lê Hải An làm bộ trưởng Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo.
Ông An theo học ngành kỹ sư Địa Vật Lý tại đại học Moskva, Liên bang Nga; có bằng thạc sĩ dầu khí tại trường đại học Tổng hợp Brunei, Brunei Darussalam năm 1993, trở thành giảng viên đại học từ năm 1995. Thêm vào đó ông An còn có bằng Tiến Sĩ dầu khí tại trường đại học Heriot-Watt, Vương quốc Anh, năm 2004. Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường đại học Mỏ – Địa chất. Năm 2018 ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.
Chúng ta có thể không có cùng cái nhìn về chính trị với ông thứ trưởng nước Việt cộng này nhưng chúng ta phải công nhận ông ta quá đúng khi phát biểu tại hội nghị Toán Việt – Mỹ 2019 với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu, trong đó có nhiều nhà toán học nổi tiếng thế giới đến từ Mỹ và Việt Nam, rằng “Toán học quan trọng hơn bao giờ hết trong thời đại 4.0” và “việc đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới là yêu cầu bắt buộc.” Giữa một đám lau nhau những tiến sĩ xài bằng giả, những kẻ chỉ tối ngày săm soi, tìm tòi những sơ sót của kẻ khác để kết tội và kết luận là “có lập trường chính trị chao đảo” thì những cái nhìn như thế quả là hiếm hoi.
Ông cũng được ghi nhận là một người được xem như thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành Mỏ và Địa Chất.
Chuyện một người đã trưởng thành, luôn chính chắn, vẫn tỉnh táo, không thương tật, không trầm cảm, không bị ảnh hưởng của những loại thuốc có tác dụng trên tâm trí… ngã từ tầng lầu 8 xuống trong khung cảnh của chế độ Mafia Đỏ thì không thể nào tin được là tai nạn. Và dư luận dòm ngó ngay tới thông báo số 878 mà Thứ Trưởng An ký vào ngày 21 tháng Tám, đề ra việc điều tra và có biện pháp kỷ luật – nếu cần – đối với mười ba cán bộ công chức bị nghi ngờ là gian lận trong tổ chức chấm thi ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Danh sách ấy bao gồm nhiều quan chức lớn như cục trưởng, vụ trưởng, cục phó, vụ phó, chánh và phó thanh tra Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.
Chắc bạn cũng đã biết về vụ gian lận nâng điểm tại Kỳ thi Quốc gia 2018 ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Vụ này có bàn tay của những quan chức lớn của chế độ như uỷ viên trung ương, bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, nhiều phó chủ tịch tỉnh, ban giám đốc sở giáo dục, hiệu trưởng lẫn hội đồng chấm thi. Và có cả cán bộ an ninh, cảnh sát chấp pháp, cùng hàng trăm đảng viên, cán bộ trung, cao cấp trong các cơ quan ban ngành… dùng tiền để hối lộ nâng điểm cho con em mình.
Điểm đáng ghi nhận là sau khi bản thông báo của Thứ trưởng Lê Hải An ra đời thì ngày 9 tháng Chín, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã có ngay văn bản hủy bỏ việc thành lập hội đồng kỷ luật công chức và vô hiệu hóa thông báo số 878 mà Thứ trưởng Lê Hải An ký trước đó. Và không chuyện gì xảy ra cho mười ba quan chức bị nêu tên và yêu cầu điều tra hành vi gian lận trong chuyện thi cử nữa.
Thế là xảy ra sự kiện khó hiểu: phòng làm việc của Thứ Trưởng An ở lầu hai trong trụ sở Giáo Dục Và Đào tạo, nhưng ông lại ngã từ lầu tám xuống sân.
Theo tin tức lề đường phát đi từ quán trà đá ở đường Tạ Quang Bửu cạnh bộ giáo dục, bên con ngõ cạnh nhà Luật Sư Nguyễn Văn Đài, thì khoảng hơn 7 giờ , đám sinh viên trọ phường Bách Khoa nghe tiếng súng nổ trong bộ giáo dục.
Nếu bạn theo dõi báo chí trong nước, bạn có thể thấy hình chụp “hiện trường”: hành lang tầng lầu tám, nơi người ta cho là nạn nhân rơi từ đó xuống. Bạn sẽ thấy lan can khá cao, mà dù không có hình để tham khảo thì nguyên tắc kỹ thuật trong ngành xây cất cũng đòi hỏi những lan can luôn phải có chiều cao ở một mức an toàn nào đó, để người ta không ngã xuống vì sơ ý.
Bạn thân mến. Hiện tượng quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam nhẩy (hay bị đẩy) từ lầu cao xuống để kết thúc tính mạng xảy ra tương đối nhiều.
Tháng Bảy 2016, Thượng Tá Huỳnh Hữu Khiêm (52 tuổi, phó phòng Hậu Cần) đã rơi từ lầu sáu của trụ sở. Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết ông Khiêm nhảy lầu khi đang nghỉ phép trị bệnh trầm cảm và ông tự ý vào trụ sở rồi nhảy từ lầu sáu xuống đất.
Tháng Một 2019, ông Phan Tấn Nghị, Phó Chánh Thanh Tra tỉnh Quảng Nam rơi từ tầng ba của trụ sở này xuống đất và thiệt mạng. Công an tỉnh Quảng Nam cho biết “cái chết của ông Phan Tấn Nghị không có yếu tố tội phạm, nạn nhân tự té xuống.” Nên biết ông Phan Tấn Nghị là người có trách nhiệm thanh tra cấp tỉnh và công việc đúng nghĩa của một thanh tra là vạch mặt chỉ tên những kẻ vi phạm.
Ngày 15 Tháng Tám 2019, ông Phạm Văn Khương – phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hà Nội đã nhảy từ lầu 27 của tòa nhà Vinaconex 1 ở quận Cầu Giấy, xuống sân và chết ngay tại chỗ.
Như thông lệ, lần nào cơ quan điều tra cũng xác định là “tự nhảy, không ai đe dọa và cũng không có chuyện bị sát hại.”
Lùi lại vài chục năm chúng ta cũng bắt gặp những cái chết khác thường của những người cộng sản đã từng một thời đứng trên những đỉnh cao thống trị:
– Đại Biểu Quốc Hội Dương Bạch Mai (1904-1964), chết đột ngột khi uống ly bia giữa hai phiên họp Quốc Hội trước khi đọc diễn văn phản đối xã hội kiểu trại lính của Trung Cộng.
– Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Trung Ương Cục Miền Nam, kiêm Chính Ủy Quân Giải Phóng Miền Nam, chết thình lình sau khi dùng cơm chia tay với Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ Tịch.
– Cựu Đại Sứ cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Paris: Đinh Bá Thi (1921-1978) sau khi hoạt động tình báo tại Hoa Kỳ bị lộ, đã bị sát hại qua tai nạn xe hơi tại Phan Thiết.
– Đại Tướng Tham Mưu Trưởng Hoàng Văn Thái (1915-1986), khi chuẩn bị lên làm Bộ Trưởng Quốc Phòng thay thế Văn Tiến Dũng thì chết đột ngột chết ngày 2 tháng Bảy 1986. Trước khi chết, chính Hoàng Văn Thái nói với vợ “Người ta giết tôi!”
– Đại Tướng Lê Trọng Tấn, (1914-1986), Viện Trưởng Học Viện Quân Sự Cao Cấp, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Cộng, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, Phó Tư Lệnh Quân Giải Phóng Miền Nam. Chết thình lình ngày 5 tháng Mười Hai, 1986.
– Thượng Tướng Đinh Đức Thiện (1913-1987), Phó Tư Lệnh Chiến Dịch Hồ Chí Minh, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, tên thật là Phan Đình Dinh, em ruột của Lê Đức Thọ. Khi thấy Lê Đức Thọ tác oai, tác quái, tùy tiện bắt giam nhiều đồng chí cao cấp không cần chứng cứ, không cần xét xử, Đinh Đức Thiện đã nói với anh mình rằng: “Anh không thể làm những việc thất đức như thế được. Anh đừng có làm nhục dòng họ Phan, anh không lo rồi họ đào mả bố chúng ta lên à?” thì bị “lạc đạn” chết trong lúc đi săn, nhưng nhà cầm quyền nói là tai nạn giao thông.
– Trung Tướng Phan Bình (1934-1987), Cục Trưởng Cục Quân Báo, sau khi vừa bị Lê Đức Anh tước mất quyền, bị giết bằng cách bắn vào đầu ngày 13 tháng Mười Hai 1987 tại Sài Gòn, nhưng nhà cầm quyền cho là tự sát, một tháng sau con trai cũng trong ngành quân báo, cũng bị hãm hại sau khi ép vào bệnh viện với lý do “tâm thần”.
– Thủ Tướng Việt Cộng Phạm Hùng (1912-1988) chết đột ngột (vì bệnh tim) ngày 10 tháng Ba 1988 tại Sài Gòn, khi đang tại chức.
– Thượng Tướng Công An Thi Văn Tám (1948-2008), đặc trách tình báo gián điệp chết đột ngột trong lúc khỏe mạnh và đi công tác đó đây liên tục. Nhiều tin đồn cho rằng bị đầu độc.
Bây giờ tới phiên Lê Hải An. Công an điều tra chỉ đưa ra lời giải thích nhàm chán là nạn nhân nhảy lầu tự sát. Những giải thích theo đúng công thức như thế chỉ gợi thêm sự tò mò của dân chúng. Dân chúng thì nghĩ rằng nạn nhân đụng chạm đến quyền lợi của những tay quan chức đỏ khác, vì vậy sáng sớm hôm ấy, bọn “hit men” vào phòng làm việc của nạn nhân, bắn vài phát đạn vào đầu nạn nhân, rồi khiêng xác lên lầu tám, ném xuống sân. Và hô hoán lên là nạn nhân nhảy lầu tự tử.
Lịch sử không ghi rõ những kẻ bị nêu tên trong “Thất Trảm Sớ” của Chu Văn An là những ai, nhưng những kẻ bị Thứ Trưởng An nêu đích danh trong văn bản điều tra thì được nêu tên rõ ràng cùng với chức vụ:
1. Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản Lý Chất Lượng;
2. Sái Công Hồng, phó cục trưởng Cục Quản Lý Chất Lượng;
3. Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Quản lý thi, Cục Quản Lý Chất Lượng;
4. Hà Xuân Thành, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm khảo thí quốc gia, Cục Quản Lý Chất Lượng;
5. Nguyễn Sơn Hải, cục trưởng Cục Công Nghệ Thông Tin;
6. Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh Tra;
7. Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh Tra;
8. Trịnh Minh Trường, Phó Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành;
9. Lê Văn Vương, Phó Trưởng phòng thanh tra hành chính;
10. Thẩm Thị Minh Hằng, thanh tra viên;
11. Nguyễn Ngọc Chính, thanh tra viên;
12. Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế;
13. Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo Dục Trung Học.
Sự kiện ông thứ trưởng bị bức tử (tôi tin – như biết bao nhiêu người cũng tin như thế) sau khi dâng sớ yêu cầu điều tra và áp dụng kỷ luật với mười ba tên gian thần thời @ khiến tôi liên tưởng đến chuyện cụ Chu Văn An – trong vai trò khiêm tốn của một vị hiệu trưởng Quốc Tử Giám – dâng sớ lên vua Trần Dụ Tông, yêu cầu vua chém đầu bảy nịnh thần, và khi liên tưởng như thế, tôi không có ý xúc phạm đến Thầy Chu (như các học trò của cụ Chu Văn An vẫn gọi cụ như thế). Tôi cũng không có ý (đồ) đề cao cá nhân của ông thứ trưởng nước Việt Cộng. Trong lúc ghé quán mua ly cà phê, nghe thiên hạ ngồi ở bàn kế bên quầy hàng bàn chuyện nhảy lầu tự tử, tôi đã giật mình khi nghe một ông phát biểu thẳng thừng: “cho chúng nó giết nhau bớt được đứa nào hay đứa ấy!”
Bạn thân mến. Khi mà sự thay đổi nếu có chỉ có thể phát xuất từ bên trong, thì việc bọn cầm quyền cộng sản loại bỏ những người trẻ, có năng lực, có đầu óc, có kiến thức và có một tấm lòng với quê hương đất nước… là một điều đáng tiếc.
Khúc An

Xem thêm

Nhận báo giá qua email