Thế Giới Chúng Ta Đang Sống

Rồi sẽ về đâu khi thế giới chúng ta đang sống liên tục có những vấn đề xã hội nan giải phức tạp. Quả đất hình như luôn có những biến động. Nhưng từ những năm gần đây, vận tốc đổi thay của nó khiến người ta chóng mặt. Từ những chuyện chính trị, chính em, những chính sách xã hội, hồ sơ môi trường, khoảng cách giàu nghèo, toàn cầu hóa, cuối cùng là tuổi già, là Covid-19…

Bao câu chuyện khác nhau xảy ra trên mặt đất. Thế giới phẳng và niên lịch 2021 chẳng mấy dám ai lạc quan nữa. Người ta sợ. Nhìn về phía trước chẳng có gì là tử tế ngoài những bủa vây vô tình đáng sợ. Nga có những nỗi ưu riêng của Nga khi chuyện thanh trừng đối thủ chính trị trở thành công khai đáng ngại. Brexit đẩy Anh vào tình thế cứ ngỡ ‘gia phả còn giữ được’ nhưng sau biến cố chia tay mới vỡ lẽ ‘nếp nhà có khác nào tổ đỉa’. Một Mexico với những xì căng đan không dứt, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đăng quang năm 2018 bỗng thân thiện với Tổng thống Trump lộ liễu ra mặt. Hay một Israel đang sốt ruột muốn biết xem Joe Biden có những phản ứng nào tại hồ sơ hòa bình trong khu vực. Một China không biết tình hình sắp tới sẽ ra sao, hẳn sẽ có những hy vọng nào đó, kinh tế mới là chính, còn nhân quyền ư, đây đã căn bệnh mãn tính rồi, gẫm kỹ lại vẫn còn xa bao tử lắm. 

Vâng. Có Trời biết, những ngổn ngang bừa phứa bắt đầu phòi phọt tại Mỹ. Những rắc rối đa đoan biến thành đám cháy. Chợt nhớ lại, mùa phiếu 2016 đã qua, một khởi điểm giận lẫy nhiều công dân Mỹ muốn di dân sang Canada tẩy chay tổng thống thứ 45 của Mỹ. Rồi mọi cái có vẻ lắng xuống sau đó. Giá cổ phiếu tăng vọt, thuế cắt giảm sát cuống, tỷ lệ thất nghiệp giảm mức kỷ lục; cổng chùa nào cũng thấy đào nở tung xác pháo, bức tường Mỹ-Mễ hục hoặc mãi cuối cùng được xây nên, vá víu nhiều hơn là thẳng thướm… 

Mọi chuyện lẽ ra đã đi vào ổn định, mùa phiếu 2020 sẽ đến. Đùng một cái, Covid-19 trở thành đại dịch. Ảnh hưởng của nó quá lớn đến nỗi chợ cá Vũ Hán nhanh chóng bị đẩy ra khỏi trung tâm tranh cãi, vô tình cứ ngỡ bị nên án tới tấp cuối cùng thoát hiểm một cách khá an toàn. Thế giới sau đó bị đẩy vào những khúc quanh mới. Khỉ đực tại Thái Lan bị thiến hàng loạt vì chúng nổi loạn tấn công dân địa phương khi du khách không bén mảng đến đây vì đại dịch Covid-19. Mask bị chính trị hóa. Đóng cửa học đường gây nhiều tranh cãi đến rợn người. Một chủ tiệm tóc tại Dallas cố tình phản đối lại lệnh phòng chống Covid-19 bỗng trở thành ‘anh hùng dân tộc’ của nhiều fans Cộng hòa bảo thủ. 

Cứ thế, thời sự chính trị giằng co xoay quanh vi-rút Covid-19 với bao chuyện nực cười. Viên thuốc Hydroxychloroquine bị lôi vào vòng chiến dù nó chẳng tội tình gì. Nhiều nhà quàn tại Mỹ thiêu người không kịp lịch. Người chết lăn ra như ngả rạ. Tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế kêu la oai oải. Lực lượng nhân viên y tế mỏng ngoài sức tưởng tượng. Khoa học bị Bạch Cung tấn công tới tấp. Nói chung tình thế hỗn quân hỗn quan chưa từng có.

2021 lù đù kéo đến. Rồi pháo hoa bắn lên. Từ New Zealand đến Dubai, từ Đài Loan đến Đức. Rồi Times Square của Mỹ được phong tỏa tối đa. Đây là khu vực cấm. Quả cầu điện vẫn lung linh tỏa sáng, song tình cảnh bẽ bàng như một nàng phi gảy đàn tiêu sầu giữa một lãnh cung xa cánh nghìn trùng với biệt điện của nhà vua. Năm mới 2021 nhé. Người ta cố gắng gầy dựng những lạc quan giả tạo. Năm nay mọi cái có vẻ buồn. Nhiều tiệm nail vẫn làm ăn nhộn nhịp, nhưng nhiều tiệm than vãn: Sao năm nay kỳ cục quá anh ơi. Sao kỳ chứ? Chậm lắm. Doanh thu không bằng một nửa mọi năm. Nói chung là thợ vẫn đi làm. Khách vẫn vô. Nhưng con vi-rút nó khiến người ta như sống giả. 

Lang thang lên mạng như người vừa ốm dậy. Tại Mỹ, tin nóng vẫn xoay quanh những câu chuyện dính dáng đến Covid-19 và ảnh hưởng tai quái của nó: Thế hệ biến thể của nó bắt đầu xuất hiện. Người chết lăn ra như chém chuối. Lần này con nít cũng bị, người trẻ cũng bị, khỏe cũng bị. Tại California tình thế ảm đạm ái ngại vô cùng. 

Lạc vào gian hàng hãng tin AP, thấy đăng một bài báo có tên: In graying Italy, the old defy biases laid bare by pandemic. Vừa đọc qua đã khựng lại. Gì nữa đây? Thấy có chữ pandemic (đại dịch). Thấy có chữ graying Italy (người già tại Ý), thấy chữ defy biases (chống lại những thành kiến). Thì ra là người già tại Ý đang chống lại những thành kiến bất công đối với họ giữa mùa đại dịch. Hóa ra đây là câu chuyện khiến nhiều người ưu tư lo lắng. Mà không lo cũng không được, xã hội đang tiến dần về thái cực lão hóa rất nhanh. Thế giới đang phải đối phó với bài toán đau đầu này. Bình thường vấn đề đã có những khó khăn, nay có thêm đại dịch Covid-19, mọi cái xem ra càng rắc rối nhiêu khê hơn!

Tấm ảnh chụp lại khiến người ta khó tránh những ngẫm ngợi cho thân phận con người. Bác Anrmando Alviti, 71 tuổi. Một mình một ngựa, một khẩu súng trường với kiosk báo lẻ của mình tại Rome, Ý. Cuộc đời hơn nửa thế kỷ gắn bó với cái quán cóc kiosk ấy là hiện thân của sức sống bền bỉ, chứng kiến bao thăng trầm cuộc sống. Đây là nơi có số dân lão hóa đông nhất hành tinh. Nhiều thị dân nơi đây tuổi ngót nghét 70 hoặc lớn hơn. Covid-19 kéo đến. Nó tấn công tất cả. Trong khi đó người già vẫn phải cán đáng tất cả những gì xưa nay giúp Rome vận hành như một trung tâm văn hóa du lịch nổi tiếng Thế giới. Sự có mặt của họ, mỗi ngày vẫn sinh hoạt bình thường như một thách đố chống lại những thành kiến cho rằng họ là gánh nặng của xã hội!

Vâng. Không chỉ có sạp báo của bác Armando Alviti là bền bỉ kiên gan đối chọi với những định kiến xã hội nhìn vào người già, nhiều cửa hàng nhỏ khác tại đây vẫn hiện diện như một thách thức ương ngạnh. Đằng sau những cửa hàng bán rau trái, hoa quả, những phản gỗ bày bán nông sản sạch của người làm vườn địa phương là những nụ cười thân thiện của các bác, các thím lớn tuổi. Sự đóng góp của họ, không hẳn vì mưu sinh va quật, song là những giá trị nhân bản của những con người không dễ dàng gì bỏ cuộc trước cuộc sống! 

Điểm lại những nơi trên thế giới được coi là có tuổi cao trên Thế giới, Italy là nước có số người già cao hàng thứ II trên thế giới. Tại Italy số người 65 hoặc lớn hơn chiếm 23% dân số. Nhật bản chiếm chức quán quân với tỷ lệ phần trăm lên đến 28%. Tính trung bình, tại hai quốc gia này, cứ bốn người sẽ có một người già 65 tuổi hoặc lớn hơn. Quả nhiên đây là một con số đáng ngại. Tình hình này sẽ trở thành mãn tính, gần như đây là điểm khởi đầu đang tăng tốc. Cán cân tỷ lệ sinh-tử bị gãy. Các chính sách khuyến khích sinh sản tăng dân số xem ra không đánh động được ý thức của người dân.

Một thời tuổi thọ được đánh giá là một quốc bảo. Tuổi thọ được đề cao và ngưỡng mộ. Người lớn tuổi luôn được kính trọng, một phần do số người cao tuổi không nhiều, đồng thời những giá trị truyền thống kính lão đắc thọ vẫn còn được cổ xúy nên vị trí của người già còn được kính trọng. Đồng thời khái niệm gia đình còn giữ được những nét đẹp hình ảnh ‘ba thế hệ’ trong nhà: Ông bà, cha mẹ, các con, các cháu. Nhưng gia đình càng lúc càng thu hẹp lại. Ít con cháu hơn. Đồng thời vì hoàn cảnh mưu sinh thời đại công nghiệp hiện đại, mối liên lạc tình thân cứ thế bị suy yếu đi nhiều.

Thế giới chúng ta đang sống là vậy. Nhìn vào nhiều gia đình người ta bắt đầu nhận ra số người già, người có tuổi đông hơn người trẻ. Xã hội có những đổi thay đáng nói khi xu hướng hạn chế sinh con, không muốn có con càng lúc càng trở nên báo động. Người trẻ hoãn lại chuyện lập gia đình. Người già nhờ vào những ứng dụng khoa học kỹ thuật càng sống thọ hơn. Cuối cùng dẫn đến cảnh lạm phát người già, một báo động khiến không ít người phải suy gẫm! 

Giống như tại Nhật, ý thức tự giác cũng như kiến thức cơ bản khoa học của người Ý vào giá trị cuộc sống truyền thống rất cao nên họ có thể tự bảo vệ mình tốt hơn. Độ tuổi trung bình của người già tại Ý chết do ảnh hưởng biến chứng của Covid-19 là 80 tuổi. Điều đó cho thấy ý thức tự giác và kiến thức phổ quát là những hỗ trợ quan trọng trong việc chống lại những ảnh hưởng chết người của Covid-19.

Tất nhiên do chức năng cơ thể và sức đề kháng không còn như xưa, người già thường được coi là những cá nhân dễ bị Covid-19 tấn công trước tiên. Đó là lý do tại sao các nhà chức trách Italy khuyến cáo người già nên ở trong nhà. Họ hy vọng bằng cách này có thể tránh được tình trạng lockdown vốn gây ra những ảnh hưởng bất lợi đối với nền kinh tế Italy. Vẫn biết số người tử vong tại Ý thường là các cá nhân mắc những chứng bệnh như tim mạch hay bệnh tiểu đường, tuy nhiên con số thống kê người chết luôn tạo ra những ấn tượng tiêu cực, bất luận nguyên nhân chết trực tiếp là gì.

Còn tại Mỹ, hẳn nhiên số người già chết vì Covid-19 khá đông. Tuy nhiên với thái độ xem thường nó một cách thẳng thừng tại đây, văn hóa chống đối các tư tưởng phòng ngừa do khoa học đưa ra lan tràn khắp, càng khiến tình hình kiểm soát đại dịch Covid-19 khó khăn hơn. Quả thế, con vi-rút Covid-19 đã bị chính trị hóa. Và rồi đây càng ngày càng có nhiều người tẩy chay các chiến dịch phòng chống vì tình cảm của họ dành cho Tổng thống Trump là thứ tình cảm gan ruột bền vững, sông núi có thể dời nhưng tình cảm của họ dành cho ông vĩnh viễn không hề thay đổi.    

Trở lại chuyện bác Armando Alviti, 71 tuổi. Năm 18 tuổi bác đã đứng bán tại sạp báo của mình. Nuôi các con lớn lên, bác sống cả đời mình tại đây. Hơn năm mươi năm ròng, bác là một phần của con phố nhiều thế hệ người sinh ra lớn lên ở đây. Họ quý mến bác bởi thái độ thân thiện ân cần. Cuộc sống lặng lẽ trôi đi trong sự hiền hòa của nó. Lẽ ra mọi sự cứ nên bình yên như thế, bác sẽ đứng bán ở sạp báo đến ngày bác không còn khả năng làm việc đó nữa. Giờ thì bác còn khỏe. Con phố vẫn quen thuộc. Tiếng chào hỏi của bác với những khách qua đường, do gặp bác mỗi ngày nên nghiễm nhiên bác và họ trở thành chỗ thân tình, quấn quýt. 

Khi Đại dịch Covid-19 tấn công Ý, bác Armando Alviti được anh con trai khuyên ở nhà. Khó chịu lắm, nhưng bác nghe lời. Rồi đợt I của đại dịch Covid-19 kéo qua. Gia đình bình yên vô sự. Nay bác quay trở lại quầy báo của mình. Cuộc sống liệu có hiền hòa thanh thản như trước đây? Hay có thể lần này nó sẽ khác, đặc biệt với biến thể mới của con vi-rút tử thần đáng sợ này đang báo động đỏ trên toàn thế giới. Bác mở cửa quầy báo của mình nhưng nỗi lo đối phó với đại dịch là rất thực. Ít nhất thái độ tự nhiên sẽ không còn. Làm sao tránh được khi những ánh mắt ái ngại nhìn bác với mối ưu tư không biết đại dịch có để cho bác được yên.

Vâng.

Thế giới chúng ta đang sống là như thế.

Tuổi thọ không còn là niềm tự hào một thuở. Nó đang bắt đầu là mối ưu tư của xã hội. Nó bắt người già phải suy nghĩ. Nó càng trở thành một bức xúc lớn hơn khi Đại dịch Covid-19 chính là giấy quỳ tím thử thách xem người già có thực sự là nan đề nay mai thế giới sẽ phải đối diện.

Hay người già và hiện tượng lão hóa sẽ từ từ quen thôi. Lấy ví dụ tổng thống thứ 46 của Mỹ ngày nhậm chức đã 78 tuổi. Nếu đã nói như thế, xem ra thế giới chúng ta đang sống hôm nay vẫn bình thường, vẫn không có gì thay đổi; hoặc nếu có, tỷ như vấn đề người cao niên, xem ra chỉ là những vấn đề cuộc sống mỗi ngày, không có gì đáng để gọi là báo động cả.

Nguyễn Thơ Sinh 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email