Thế giới đã thay đổi

Một trong những thay đổi mà trận đại dịch đã đưa tới nhưng có lẽ không mấy ai hay đó là trái đất bớt rung. Hồi Tháng 3 vừa qua, khi biện pháp đóng cửa được thực hiện khắp Âu châu, nhà địa chấn học Thomas Lecocq của Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ đã nhận thấy là trái đất bỗng dưng yên lặng hẳn đi. Điều nhận xét trên là dựa trên kết quả từ máy đo địa chấn. Mỗi ngày, những hoạt động của loài người – từ làm việc trong nhà máy, tới lái xe, và thậm chí đơn giản là đi bộ trên các lề đường – đã làm rung chuyển quả địa cầu. Điều đáng kinh ngạc là độ rung đó được phát hiện như thể đó là những trận động đất nho nhỏ và liên tục. Và khi trận đại dịch xảy ra thì tất cả mọi hoạt động đã ngừng lại.

Nhiều dấu hiệu khác cũng chỉ cho thấy là trái đất của chúng ta đang thay đổi. Mùa xuân vừa qua, nhiều đoạn video quay được cảnh những loài thú vật hoang dã đã mò vào tới nhiều thành phố trên khắp thế giới. Từng đàn dê rừng, cá sấu, kỳ nhông và thậm chí cả voi nữa đã đi nhởn nhơ trên những con đường nay không có bóng xe cộ. Và trong khi công việc sản xuất phải tạm ngưng, các vệ tinh nhân tạo ở trên cao nhìn xuống trái đất và phát hiện tình trạng ô nhiễm không khí ở nhiều nơi đã biến mất hay sụt giảm đáng kể.

Tuy nhiên, trong khi thế giới thiên nhiên ở xung quanh đã tự thích nghi với hoàn cảnh mới thì loài người chúng ta vẫn còn đang tiếp tục chiến đấu để tồn tại. Chúng ta đã phải chịu chấp nhận thay đổi cuộc sống để làm chậm lại sự lây lan của con vi khuẩn corona. Nhưng các biện pháp can thiệp của loài người cho tới nay mới chỉ có thể làm giảm thiểu sức lây lan chứ chưa thể chặn đứt được đại dịch. Và một khi con vi khuẩn quái ác này xâm nhập vào trong cơ thể của loài người sau khi xuất hiện trước tiên tại Trung Quốc vào Tháng 11 năm 2019, thì hậu quả là điều không thể tránh khỏi: Nó lây lan ra khắp nơi trên mặt đất và sẽ còn ở lại cho tới khi nào thì chưa thể biết được.

Hiện nay nhiều người đang hy vọng và chờ đợi một thứ thuốc chủng ngừa mới có thể cứu vớt nhân loại ra khỏi cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, cho dù có thuốc chủng ngay bây giờ cũng vẫn chưa giúp cho nhân loại thoát ra ngay được. Với hàng trăm loại thuốc chủng ngừa đang được thử nghiệm, thì cuối cùng rồi các nhà nghiên cứu sẽ tìm được thành công một vài loại, với những hiệu quả khác nhau, người ta vẫn còn cần thêm nhiều thời gian thì mới có thể đẩy lui được trận đại dịch. Sau hết, việc phát minh ra được thuốc chủng chỉ mới là bước đầu tiên. Các viện bào chế thuốc còn phải sản xuất, phân phối và, phần quan trọng nhất, là phải có một số đông người trên thế giới chịu chấp nhận cho tiêm loại thuốc chủng mới này. Thường thì mỗi khi có một loại thuốc chủng mới, người ta phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để thuyết phục dân chúng tin tưởng vào loại thuốc mới, đặc biệt khi vấn đề an toàn vẫn còn bị nhiều người nghi ngờ.

Nhưng cho dù có tìm ra được thuốc chủng sớm hay không, nhân loại có lẽ sẽ phải sống trong tình trạng một thế giới thay đổi sâu sắc thêm một thời gian nữa – đeo mặt nạ, tránh những nơi đông đúc và hạn chế đi lại, ít nhất là nếu người ta muốn tránh bị lây nhiễm hay tránh lây lan vi khuẩn. Một điều chúng ta cần nên nhớ là thời kỳ của đại dịch vẫn chưa chấm dứt.

Thậm chí cho đến khi nhân loại đã đạt được sự miễn dịch tập thể hoặc thuốc chủng đã được phân phối rộng rãi trong dân chúng, nhiều người sẽ vẫn còn cần một thời gian để hồi phục sau cú sốc nói chung về tâm lý, xã hội và kinh tế do trận đại dịch gây ra và cần điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống mới, có thể phải mất vài năm. Phản ứng kéo dài này, dựa theo kinh nghiệm của những vụ dịch bệnh nghiêm trọng trong quá khứ, sẽ phân chia ra thành nhiều giai đoạn. Sau đó dần dần mọi thứ sẽ trở lại “bình thường”, mặc dù trong một thế giới đã có nhiều thay đổi. Một số nhà nghiên cứu đã phỏng đoán là đến khoảng năm 2024, thời kỳ hậu đại dịch sẽ bắt đầu.

Rất nhiều những thói quen cá nhân, ở nhà cũng như nơi sở làm, đã phải thay đổi khi làn sóng đầu tiên của trận đại dịch ập đến. Trong lúc con vi khuẩn nguy hiểm chết người hoành hành, cuộc sống cách ly và nhiều hoạt động kinh tế bắt buộc phải ngưng lại, nhiều người bắt đầu nhận ra rằng từ đây người ta phải học để biết sống tự lập hơn – từ tự nấu ăn ở nhà đến tự cắt tóc ở nhà cho đến tự sửa chữa nhà cửa lấy, chứ không như trước hơi tí là kêu thợ. Mọi người cũng nhận thấy có trách nhiệm với cá nhân của mình hơn, biết tự chăm sóc sức khoẻ cho mình hơn và biết quyết định là có nên cần tới sự điều trị của bác sĩ hay không, vì vào lúc đại dịch lên cao điểm thì việc tới những cơ sở y tế như bệnh viện là một rủi ro không ai có thể biết trước được.

Hàng triệu người bị buộc phải ở trong nhà và làm việc tại nhà, điều chỉnh nhịp sống của họ cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Nhiều triệu người khác phải ở nhà vì họ mất việc làm. Tuy nhiên, có điều là khi mọi người cùng tập trung ở nhà thì nhờ vậy trong nhà lại có được sự thân mật, ấm cúng hơn. Người trong gia đình nay có nhiều thì giờ dành cho nhau hơn, nói chuyện với nhau nhiều hơn mà lâu nay họ không có được vì cuộc sống bận rộn.

Nhiều thay đổi trong cách thức hoạt động kinh doanh đã được thực hiện để đối phó với cú sốc đại dịch có khả năng sẽ kéo dài sang tới giai đoạn chuyển tiếp và thậm chí giai đoạn hậu đại dịch. Trong đó nhiều dịch vụ y tế đã chuyển qua trực tuyến để các bác sĩ có thêm thì giờ để chữa trị những bệnh nhân cấp bách khác cũng như để giảm bớt tắc nghẽn tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Bác sĩ sản khoa khám thai cho bà bầu qua điện thoại. Bác sĩ da chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân qua facetime.

Con vi khuẩn corona đã làm tăng nhu cầu đối với một số vật dụng và dịch vụ – chăm sóc y tế, thiết bị xét nghiệm, thuốc rửa tay, thuốc uống và thuốc chủng ngừa, máy trợ thở, v.v… Nhiều công ty đã phản ứng rất nhanh ngay trong giai đoạn đầu bằng cách thay đổi công việc sản xuất. Công ty sản xuất bia rượu chuyển qua sản xuất thuốc rửa tay, và công ty may mặc bắt đầu làm mặt nạ. Riêng công ty sản xuất xe Ford, cộng tác với GE và 3M, đã sử dụng ngay một số bộ phận xe hơi, như cánh quạt và bình điện, để chế tạo những máy trợ thở đơn giản.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều ngành công nghiệp khác đã không thể điều chỉnh được dễ dàng. Đặc biệt là những ngành kinh doanh dựa vào sự tụ tập của đám đông, như nhà hàng và quán bar, sẽ không thể đứng vững được lâu. Chỉ riêng cuối Tháng 3 vừa qua, 3% tổng số nhà hàng đã phải đóng cửa ngay tức thì, và 11% lo sợ họ sẽ không thể cầm cự cho đến hết Tháng 4. Thậm chí một khi họ được mở cửa trở lại vào cuối mùa xuân, nhà hàng ở hầu hết các nơi chỉ có thể hoạt động tối đa 50% khả năng hoặc ít hơn. Khoảng 15 triệu người làm việc trong nhà hàng như tiếp viên, đầu bếp, v.v… và một nửa trong số đó đã phải chứng kiến việc làm của họ bốc hơi biến mất. Ngành khách sạn cũng bị mất nhiều việc. Ngành giải trí, mướn xe, du lịch, hàng không cũng cùng chung số phận.

Sự tàn phá kinh tế do trận đại dịch gây ra quả thật là rất lớn, và đấy có thể mới chỉ là phần đầu. Trong thời gian tới đây, quang cảnh của các thành phố sẽ trở nên buồn tẻ hơn do nhiều cửa hàng bán lẻ loại nhỏ đã phải ngưng hoạt động và chỉ còn lại là các hệ thống đại công ty nhiều vốn sẽ trám vào những chỗ trống mới đó. Khi mọi người tiếp tục chuyển sang làm việc tại nhà thì các công ty sẽ nhận ra rằng họ cần ít văn phòng hơn, điều này có nghĩa là sẽ cần ít người dọn dẹp hơn, cần ít người quản lý văn phòng hơn, cần ít nhân viên địa ốc hơn, v.v…

Và điều cuối cùng nhưng quan trọng nhất, là trận đại dịch sẽ đưa tới những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của nhiều người. Đối với một số đông trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn, ảnh hưởng có thể kéo dài trong nhiều năm. Đặc biệt là với những em có cha mẹ bị mất việc làm hoặc bị tử vong thì ký ức đau thương đó sẽ còn đọng lại và ảnh hưởng đến tâm lý của họ, thậm chí kể cả sau khi họ trưởng thành.

Hiện đã có bằng chứng cho thấy có tới 5% số người bị nhiễm Covid-19 nặng sẽ bị suy nhược sức khoẻ về lâu về dài ở những mức độ khác nhau, bao gồm xơ phổi, suy thận và ảnh hưởng đến tim mạch hay thần kinh. Chỉ có thời gian mới có thể tiết lộ cho ta biết về mức độ tàn phá lên sức khoẻ của người dân do ảnh hưởng từ đại dịch.

Nhưng cho dù tình trạng có tồi tệ tới đâu rồi cũng tới một lúc nào đó loài người sẽ vượt qua được. Cuộc sống sẽ không ngừng lại để chờ bất cứ ai, và vì vậy mọi người vẫn cứ phải tiếp tục tiến bước về phía trước trong một thế giới đã có nhiều thay đổi.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email