Huy Lâm
Năm 2016, ông Donald Trump ra tranh cử tổng thống với khẩu hiệu: “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Câu này ngụ ý rằng nước Mỹ đang trong tình trạng suy vi lắm. Sau đó ông Trump toàn thắng và trở thành tổng thống. Trong số mấy chục triệu cử tri bầu cho ông chắc cũng có nhiều người nghĩ giống như câu khẩu hiệu trên. Hơn nữa, nếu chúng ta theo dõi tin tức mỗi ngày thì hầu như ai cũng có cảm tưởng không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới nói chung cũng đang trên đà suy vi. Cả một xã hội suy vi về mọi mặt với những vấn đề như kỳ thị chủng tộc, tình trạng giàu nghèo ngày thêm cách biệt, nạn khủng bố hoành hành khắp nơi, tội ác gia tăng, và những giá trị đạo đức suy đồi. Nói tóm lại, thế giới đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng rộng lớn. Lúc ấy người ta nhìn lại quá khứ và nuối tiếc thời kỳ vàng son khi mà đời sống của người dân Mỹ vẫn còn sung túc, người đi làm kiếm được việc lương bổng tốt dễ dàng, và tôn giáo, gia đình và cộng đồng vẫn còn là nền tảng vững vàng.
Nhưng có phải thế giới chúng ta đang sống đây thật sự suy vi như nhiều người nghĩ hay không? Theo giáo sư Steven Pinker của Đại học Harvard thì không hẳn thế mà còn ngược lại. Theo ông lý do là vì đại đa số chúng ta vẫn thường hay có thói quen lấy những hình ảnh tốt đẹp của quá khứ rồi đem so sánh với những tin tức xấu chúng ta nghe thấy mỗi ngày rồi vội vã kết luận.
Vẫn theo Pinker, nếu chúng ta lấy những con số dữ liệu ra so sánh thì thấy ngay thế giới ngày nay tốt đẹp hơn trước rất nhiều.
Hãy thử xem nước Mỹ cách đây ba thập niên: Tỷ lệ giết người mỗi năm là 8.5 trên 100,000. Tỷ lệ người nghèo là 11 phần trăm. Và người Mỹ thải ra ngoài bầu không khí 20 triệu tấn khí độc sulfur dioxide và 34.5 triệu tấn chất thải khác.
Và với những số dữ liệu gần đây nhất vào năm 2014: Tỷ lệ giết người là 5.3 trên 100,000. Tỷ lệ người nghèo rớt xuống chỉ còn 3 phần trăm. Và người Mỹ thải khoảng bốn triệu tấn khí độc sulfur dioxide và 20.6 triệu tấn các loại khí thải khác, mặc dù người Mỹ tiêu xài nhiều hơn và lái xe cũng nhiều hơn trước.
Các con số dữ liệu trên toàn cầu cũng cho thấy cuộc sống hiện tại cũng tốt hơn trước. Năm 1988, trên thế giới có 23 cuộc chiến tranh xảy ra với tỷ lệ tử vong là 3.4 trên 100,000 người; nay trên thế giới chỉ còn 12 cuộc chiến tranh và gây tử vong ở tỷ lệ là 1.2 trên 100,000 người. Số vũ khí nguyên tử giảm từ 60,780 xuống chỉ còn 10,325. Năm 1988, thế giới chỉ có 45 quốc gia theo thể chế dân chủ, bao che cho khoảng hai tỷ người; ngày nay đã có tới 103 quốc gia dân chủ, với tổng cộng dân số là 4.1 tỷ người. Năm 1988 có 46 vụ tràn dầu; năm 2016 chỉ có năm vụ. Năm 1988 có khoảng 37 phần trăm dân số trên thế giới sống trong nghèo đói, làm không đủ ăn, so với ngày nay là 9.6 phần trăm. Một sự thật là năm 2016 được đánh giá là năm nạn khủng bố hoành hành tại khu vực Tây Âu, với 238 người chết. Nhưng năm 1988 thậm chí còn tệ hơn, với 440 người chết vì khủng bố.
Vào thời điểm khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới, nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận là quả thật đời sống của người dân trên thế giới nói chung đã được cải thiện tốt đẹp hơn trước, và tiến trình cải thiện đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay ở tất cả mọi khía cạnh của đời sống.
Hãy nói tới tuổi thọ, điều mà nhiều người quan tâm nhất. Qua suốt chiều dài lịch sử của loài người và tiếp tục cho đến thế kỷ 19, tuổi thọ của con người phần đông chỉ sống tới khoảng 30 tuổi. Trong hai thế kỷ kể từ đó, tuổi thọ tính chung trên thế giới đã tăng lên 71 tuổi, và ở những quốc gia đã phát triển là 81.
Hai trăm năm trước, một phần ba các trẻ nhỏ sinh ở những quốc gia giàu có nhất thế giới chết trước khi sinh nhật thứ năm; ngày nay, số phận của những trẻ em hẩm hiu chết sớm đó rớt xuống chỉ còn 6 phần trăm ở những quốc gia nghèo nhất thế giới. Và ở những quốc gia nghèo đó, những căn bệnh truyền nhiễm đang tiếp tục giảm đều, và nhiều căn bệnh sắp tới đây sẽ theo chân căn bệnh đậu mùa mà biến mất.
Người nghèo, cho dù sống trong thời đại nào, luôn là nhóm người gặp nhiều thua thiệt nhất, tuy nhiên cuộc sống của họ nay cũng đã được cải thiện phần nào. Thế giới chúng ta hiện đang sống đây giàu có và sung túc hơn gấp trăm lần so với hai thế kỷ trước, và tài sản ngày càng được phân chia tương đối đồng đều hơn tại nhiều quốc gia. Nhiều nhà kinh tế dự đoán chỉ trong khoảng vài chục năm nữa thôi tỷ lệ những người quá nghèo có thể đạt được con số không. Nạn đói, trong quá khứ vẫn thường luôn xảy ra, thì nay đã hoàn toàn biến mất ở nhiều nơi ngoại trừ một số khu vực hẻo lánh và có chiến tranh, và tình trạng thiếu dinh dưỡng nơi trẻ em vẫn tiếp tục giảm đều.
Tại những quốc gia đã phát triển, tình trạng cách biệt giàu nghèo quả thực có tăng, nhưng số người nghèo cũng giảm đáng kể. Một thế kỷ trước, những quốc gia giàu có nhất cống hiến 1 phần trăm tài sản của họ cho trẻ em, người nghèo, người bệnh tật và người cao tuổi; ngày nay họ trích ra gần một phần tư tài sản cho những nhóm người xấu số trên. Và hầu hết người nghèo ở những quốc gia khá giả đều được chính phủ lo cho miếng ăn, quần áo mặc và chỗ ở, và thậm chí còn được cung cấp những thứ được cho là xa xỉ như điện thoại thông minh và máy điều hoà không khí mà trước đây không ai có, cho dù là người giàu hay nghèo. Số người nghèo trong những cộng đồng thiểu số giảm, và ở người cao tuổi con số đó còn sụt giảm nhiều hơn nữa.
Thế giới ngày nay cũng hoà bình hơn trước. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, chiến tranh xảy ra triền miên, và hoà bình, nếu có, chỉ là những khoảng thời gian rất ngắn xen kẽ giữa những cuộc chiến tranh. Ngày nay, chiến tranh giữa các quốc gia gần như biến mất, và nội chiến bên trong các quốc gia vắng mặt tại năm phần sáu diện tích của trái đất. Tỷ lệ người bị chết mỗi năm vì chiến tranh hiện nay chỉ bằng khoảng một phần tư so với giữa thập niên 1980, một phần sáu so với đầu thập niên 1970, và một phần mười sáu so với đầu thập niên 1950. Điều này cho thấy càng ngày người ta càng có khuynh hướng ít xung đột với nhau và tìm đến giải pháp ngoại giao nhiều hơn.
Mặc dù có sự thụt lùi ở những quốc gia như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela, khuynh hướng của các chính phủ trên thế giới đều hướng về thể chế dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Hai thế kỷ trước, số quốc gia theo thể chế dân chủ đếm không quá năm đầu ngón tay, và chiếm chỉ 1 phần trăm dân số thế giới; ngày nay, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới là dân chủ với khoảng 55 phần trăm dân số thế giới.
Khoảng đầu thế kỷ 20, chỉ có một quốc gia duy nhất trên thế giới là cho phép phụ nữ đi bầu – quốc gia đó là Tân Tây Lan; ngày nay, bất cứ quốc gia nào có bầu cử thì phụ nữ cũng có quyền đi bầu. Thái độ của người dân đối với các nhóm thiểu số, phụ nữ và người đồng tính ngày càng trở nên bao dung hơn, đặc biệt là ở những người trẻ, rường cột tương lai của thế giới. Bạo động đối với trẻ em, phụ nữ và người thiểu số giảm nhiều, cũng như tình trạm lạm dụng sức lao động của trẻ em.
Trong khi người dân trên thế giới có được sức khoẻ tốt hơn, sống sung túc hơn, an toàn hơn và được hưởng tự do hơn thì một điều hiển nhiên là người dân cũng trở nên thông minh và có kiến thức hơn. Hai thế kỷ trước chỉ có 12 phần trăm dân số trên thế giới là biết đọc biết viết; ngày nay con số đó là 85 phần trăm. Học vấn và giáo dục không lâu nữa sẽ là của chung mọi giới, con gái cũng như con trai. Được đi học, cùng với cuộc sống sung túc và sức khoẻ tốt, là những yếu tố làm cho con người ta thông minh hơn.
Người dân không chỉ sống khoẻ mạnh, an toàn, tự do, sung túc và thọ hơn trước mà còn có cuộc sống nhàn hạ hơn trước. Người Mỹ hiện nay làm việc 22 tiếng ít hơn so với thời kỳ cuối thế kỷ 19 và làm công việc nhà ít hơn 43 tiếng – một phần lớn là nhờ kỹ thuật tân tiến. Và do đó, họ có nhiều cơ hội để đi du lịch hơn, có nhiều thì giờ dành cho con cái và liên lạc thường xuyên hơn với người thân trong gia đình.
Nhờ phẩm chất của cuộc sống tốt đẹp hơn trước nên người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới được sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Kể cả người Mỹ thường vẫn hay phàn nàn và tỏ ra không mãn nguyện với cuộc sống của họ thì nay cũng lên tiếng công nhận là cuộc sống của họ tốt đẹp hơn trước.
Khi mà xã hội trở nên sung túc hơn và có nền giáo dục tốt hơn thì người dân cũng có ý thức và trách nhiệm hơn đối thế giới chung quanh. Kể từ khi phong trào bảo vệ môi trường bắt đầu nổi lên vào thập niên 1970, thế giới của chúng ta bớt thải những chất ô nhiễm hơn trước, bớt phá rừng hơn trước, ít những vụ tràn dầu hơn trước, lo bảo vệ đất đai hơn trước, bớt làm tuyệt chủng các loài động vật hơn trước, và hiểu được sự cần thiết để bảo vệ lớp ozone trên bầu trời.
Nói chung, mặc dù vẫn còn nhiều việc cần khắc phục, thế giới vẫn đang tiếp tục ngày một trở nên tốt đẹp hơn chứ không xấu như nhiều người nghĩ. Và chỉ điều đó thôi cũng đã đủ lý do để chúng ta yên tâm sống một cuộc sống có ý nghĩa và yêu đời hơn.
Huy Lâm