Nếu ta chia cuộc đời ra thành ba giai đoạn: tuổi trẻ, tuổi trung niên, và tuổi già. Vậy, khi một người đã sống quá tuổi trung niên thì hẳn người đó thuộc lớp người già.
Gọi một người nào đó là già, lẽ đương nhiên, có thể sẽ bị cho là khiếm nhã, hay tệ hơn, bất lịch sự, là vì chữ “già” đó, mặc dù có thể là chữ dùng để mô tả chính xác tình trạng tuổi tác, thường bị coi là có ý nghĩa không hay và phần nào mang thái độ miệt thị. Nó là cái nhãn hiệu người ta thường tránh không dùng tới.
Trong một cuộc thăm dò năm 2016, người ta hỏi những người trưởng thành ở Mỹ rằng 65 tuổi có phải là tuổi già không. Trong số đó có 60 phần trăm người trẻ – trong độ tuổi từ 18 tới 29 – trả lời phải, nhưng tỷ lệ đó giảm đi ở những người lớn tuổi hơn; chỉ có 16 phần trăm những người 60 hoặc lớn hơn là có cùng nhận định trên. Dường như càng lớn tuổi người ta càng có ý nghĩ rằng tuổi già tới trễ hơn,
Nói chung, hai phần ba số người được thăm dò cho rằng 65 là “tuổi trung niên” hay thậm chí “trẻ”. Tuy nhiên, nhận xét này có lẽ hơi xa sự thật. Có thể 65 tuổi chưa phải là già nhưng cũng không còn là tuổi trung niên nữa là vì nhìn quanh đâu thấy ai sống tới 130 tuổi đâu.
Thực ra thì chữ già, cùng với ý nghĩa của nó là sự suy yếu,cũ kỹ, không nói lên đủ tất cả khía cạnh cuộc sống của con người sau tuổi trung niên. Và vì vậy ngôn ngữ ở đây đã không làm tròn bổn phận của nó và định nghĩa của tuổi già chỉ là tương đối chứ không thể chính xác được khi mà tuổi thọ trung bình của con người ngày càng tăng lên và đặc biệt là đối với những người khá giả, khỏe mạnh thì tuổi thọ của họ còn cao hơn những người bình thường khác. Và những người gọi là già theo ý nghĩa thông thường đó thật sự là nhóm người hết sức đa dạng: Người thì còn đang làm việc, người thì đã nghỉ hưu, có người vẫn còn đủ sức khoẻ để có thể tập thể dục mỗi ngày, nhưng một số người khác thì đang phải chịu đựng đau đớn do bệnh tật gây ra. Người thì đang đi du lịch vòng quanh thế giới, nhưng cũng có người lại chỉ thích ở nhà trông cháu. Thế nên, quả thật không có một từ chính xác nào để gọi nhóm người hỗn hợp này.
Tổ chức Liên Hiệp Quốc trước đây từng định nghĩa người già là những người 60 tuổi hoặc hơn. Định nghĩa này không phân biệt người đang sống tại Mỹ, Việt Nam hay một quốc gia châu Phi nào đó, mặc dù tuổi thọ ở mỗi quốc gia đó có sự khác biệt khá xa. Và định nghĩa trên cũng không dựa vào khả năng nhận thức hay sức khoẻ của mỗi cá nhân, là những thứ cũng có rất nhiều khác biệt giữa người này với người kia. Nếu cứ theo định nghĩa trên, mọi người đều sẽ trở thành người già ở tuổi 60. Cứ như thể ngày cuối cùng của tuổi 59 vừa trôi qua, và đột nhiên người ta trở thành một người hoàn toàn khác vào sáng hôm sau: người già.
Cũng có người đưa ra ý kiến nói rằng không nên định nghĩa tuổi già dựa trên số năm họ đã sống mà nên dựa trên tuổi thọ mà tính. Ví dụ, khi người ta được 60 hay 65 tuổi thì điều này không có nghĩa là người đó đã già, nhưng khi tuổi của họ đã đến mức là chỉ còn sống thêm được 15 năm hoặc ít hơn thì người đó có thể được coi là già. Bởi vì đây là lúc hầu như đa số bắt đầu tỏ ra có những dấu hiệu của lão hoá, và cũng là lúc khi mà phẩm chất cuộc sống cũng ngày một trở nên xấu hơn.
Trẻ và già là hai khái niệm hết sức tương đối. Có người có thể bị cho là già ở tuổi 56, 60 hoặc 75, và vì vậy nên lấy tuổi thọ làm điểm tham chiếu để xác định người đó trẻ hay già.
Lấy một ví dụ, ta hãy thử tưởng tượng một phụ nữ 60 tuổi ở Nhật Bản, nơi mà tuổi thọ của phụ nữ là 88, cao nhất thế giới; vậy người phụ nữ này không nên xếp vào nhóm người già cho đến khi 73 tuổi. Ngược lại, một phụ nữ tại Sierra Leone, quốc gia nơi có tuổi thọ của phụ nữ thấp nhất là 72 tuổi, thì 57 tuổi có thể được coi là già.
Nếu tính như vậy thì tuổi được gọi là già ở Mỹ đối với phụ nữ là 73 và đàn ông là 70.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để có thể biết được chính xác một người sẽ còn sống thêm được bao nhiêu năm nữa.
Nhưng tuổi gọi là già cũng lại có sự khác biệt rất xa giữa các cá nhân là vì nó còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ di truyền, chế độ ăn uống cho đến thói quen tập thể dục của những cá nhân đó, và ai hút thuốc, ai không, cũng như tình trạng kinh tế xã hội của họ. Nếu đem so sánh hai người cùng 70 tuổi và có nhiều khả năng một người nhìn trẻ hơn người kia, có thể là vì người trẻ hơn có cuộc sống chừng mực hơn, ăn uống điều độ hơn, hoặc thường xuyên tập thể dục và ngủ nghỉ đầy đủ hơn.
Nói như vậy để thấy rằng tuổi của mỗi cá nhân còn tuỳ thuộc vào “đặc tính” của cá nhân đó – như khả năng nhận thức, bệnh tật, quá trình sức khỏe và thậm chí trình độ học vấn. Với những người có trình độ học vấn cao thì thường có xu hướng không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên hơn, ăn uống điều độ hơn và thường xuyên kiểm tra sức khoẻ cá nhân – và do đó, sống thọ hơn, nghĩa là ngưỡng cửa tuổi già của họ đến trễ hơn so với những người khác.
Đại khái, người ta có đặt ra một phép tính mà một số công ty bảo hiểm nhân mạng sử dụng để ước lượng tuổi thọ cũng như sức khoẻ của khách hàng của họ dựa trên nhưng thói quen trong cuộc sống của người đó: ăn đầy đủ rau quả (cộng 3 tuổi); không tập thể dục (trừ 3 tuổi); áp huyết tốt (cộng 3 tuổi); sử dụng thuốc cấm và chất kích thích (trừ 8 tuổi). Như vậy ta thấy sự lựa chọn cá nhân trong các thói quen sinh hoạt đóng một vai trò quan trọng liên quan đến tuổi thọ của mỗi người.
Trong khi nhiều người trong chúng ta còn đang loay hoay tìm cách định nghĩa và sử dụng từ ngữ nào cho đúng để nói về tuổi già thì những nhà hoạch định chính sách của nước Mỹ đã có câu trả lời của họ từ lâu rồi: 65 tuổi là con số người ta sử dụng để phân định tuổi già. Và điều này đã được thống nhất trong các chính sách và chương trình phúc lợi dành cho tuổi nghỉ hưu: Người làm việc ở Mỹ đạt đủ điều kiện để được hưởng phúc lợi toàn phần cho chương trình An sinh Xã hội cũng như bảo hiểm sức khoẻ Medicare là những người từ 65 tuổi trở lên, và vì vậy, mặc dù con số 65 không mang bất kỳ ý nghĩa gì, nhưng trên thực tế, nó là con số đại diện cho tuổi nghỉ hưu, hay nói cách khác, tuổi để chấp nhận rằng mình già và muốn được nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, khi người ta lấy con số 65 để ấn định cho tuổi già thì ít nhiều gì đó cũng chỉ là một hành động tuỳ tiện là vì người ta đã không dựa trên một cơ sở sinh học nào cho sự ấn định này. Thực ra, nếu nói tới mục đích của việc hoạch định chính sách, con số 75 mang nhiều ý nghĩa hơn con số 65, và hơn nữa, có lợi cho ngân sách quốc gia hơn. Theo thống kê, 75 là tuổi khi người ta có nhiều khả năng mắc những căn bệnh mãn tính, hay còn gọi là bệnh già. Những người trong độ tuổi từ 65 đến 75 hiện nay vẫn có đủ sức khoẻ để hoạt động như những người ở độ tuổi trung niên.
Nếu có thể được thì một định nghĩa lý tưởng về tuổi già là phải nói lên được hết ý nghĩa của cái chặng đường cuối cùng kết thúc đó, hay ít ra là chặng đường đang tiến gần hơn tới cái điểm kết thúc đó. Với tất cả những ai cho rằng tuổi 65 là “trung niên” thì thực ra không hẳn là họ đang sống trong ảo tưởng, mà có lẽ họ chỉ không muốn bị từ chối cái quyền để được hoạch định những dự tính tương lai cho đoạn đời vẫn còn đang chờ họ ở phía trước, cho dù đoạn đời đó có thể ngắn hơn nhiều so với đoạn đời mà họ đã đi qua và nay đang bỏ lại ở phía sau lưng họ.
Khi người ta còn trẻ thì thông thường chẳng ai thèm nhắc hay nghĩ vể tuổi già vì nó còn ở quá xa tầm mắt. Nhưng chỉ vài cái chợp mắt thì cái tuổi gây nên nhiều sự bàn cãi đó đã ở ngay trước mặt. Và nhất là khi lâu lâu tình cờ thấy trên trang cáo phó một vài cái tên quen quen thì chắc hẳn sẽ làm người ta giật mình và bỗng nhận ra là mình già, và điều này không có gì là xấu cả. Như có người đã định nghĩa về tuổi một cách hết sức thú vị: Tuổi trung niên là lúc khi ta không phải lo sợ mỗi khi nhìn vào trang cáo phó vì biết rằng những người có tên trên trang đó là những người ta không quen biết. Và tuổi già là khi mình bắt đầu nhìn thấy tên của những người bạn quen biết xuất hiện trên trang cáo phó đó.
Thực ra thì già hay không không phải là điều quan trọng mà sống vui, sống khoẻ mới là điều ta nên cần quan tâm tới vì đó mới là phẩm chất đích thực của cuộc sống.
Huy Lâm