THE PIT

Mùa phiếu 2020 đã qua, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn ở lại. Nhớ lại, nó từng là một phần của những chương trình nghị sự quan trọng của mùa phiếu, giờ nó hẳn nhiên vẫn là mối lo cho người thắng cuộc bởi những gì được thực hiện vẫn chỉ mang tính đối phó, xem ra mọi nỗ lực chế ngự vẫn chỉ những khó khăn vì đâu phải ai cũng là người tự giác, hiểu chuyện, tham gia xây dựng phòng chống. Còn vắc-xin thì… để đó nói sau đi.

Khi Tạp chí Business Insider cho chạy một bài báo với cái tít: A nurse in a strained El Paso hospital says the sickest COVID-19 patients are put in a doctor-less room called ‘the pit’ where they are given 3 chances to be revived before workers let them die. Một cái tít rợn người. Những bệnh nhân nhiễm Covid-19 biến chứng nặng được đưa vào khu vực cấm “The Pit” chỉ có được ba cơ hội hô hấp nhân tạo, nếu không qua khỏi sẽ bỏ mặc phó thác cho ý Trời!

Và người ta nhìn nhau, liệu đây có phải là một sự thật.

Không mấy khó khăn để bạn đọc có thể tìm ra câu trả lời cho mình. Với tình hình các ca nhiễm biến chứng quá tải, lực lượng y bác sĩ quá mỏng, phân tích đánh giá sơ bộ thật nhanh cho thấy người ta không thể cứu những ca bệnh cơ hội phục hồi thấp, đứng trước nguy cơ vô phương cứu vãn. Ở đây không hề có chuyện nhẫn tâm hay độc ác. Mọi cái đơn giản trần trụi vì đây là một sự đầu hàng thực tế quá đỗi hiển nhiên không cần bàn cãi. Thẳm sâu trong đáy trái tim, con người luôn mang trong tâm mình ít nhiều tánh thiện. Song điều đó không có nghĩa người ta có thể làm được nhiều thứ, có thể phổ độ, có thể cứu người; người ta chỉ có thể làm được những gì trong khả năng cho phép.   

Khu vực cấm ấy, tên gọi đáng sợ của nó – The Pit – thực ra chính là khu vực rình rập bởi thần chết. Bệnh nhân được đưa vào đó chính là những nạn nhân đang chờ chết. Cơ hội cứu sống của họ gần như mong manh, nếu không nói là gần như zero! Bác sĩ sẽ không đến với họ nếu họ là bệnh nhiên được đưa vào khu vực The Pit này. Các y tá cho biết con bệnh giai đoàn này chỉ được cứu sau ba lần hô hấp nhân tạo, sau đó là mặc cho số phận, mặc cho Ý Trời, số mạng của họ giao cho hên xui, sống hay chết còn phải coi xem họ đã đến ngày tận mạng.

Không thể hình dung ra được. Thân phận con người, Hóa công tạo ra vốn dĩ được coi là bình đẳng – All men are created equal – ngồi ngẫm kỹ lại, khái niệm ấy sao bỗng mỉa mai đến độ ngậm ngùi. Trên thực tế không phải như thế. Mạng người nghèo và mạng kẻ thấp cổ bé miệng, mạng những kẻ bị lãng quên bên lề cuộc sống; kẻ bất hạnh như họ thường lâm cảnh bị đẩy vào The Pit khi vô phúc nhiễm phải Covoid-19. Còn mạng của người giàu, người có quyền lực, người trong tay nắm kè kè túi bạc họ sẽ được chạy chữa một cách tử tế, họ sẽ được cứu sống bằng mọi giá.  

Cái phòng The Pit tử thần ấy ở đâu? Theo bài báo, nó thuộc về trường ĐH University Medical Center of El Paso, một điểm nóng của Tiểu bang Texas trước sự tấn công của Covid-19, cái nôi của những hệ tư tưởng chống lại khoa học, chống lại các biện pháp ngăn ngừa lây lan Covid-19, khá đơn giản, vì theo họ Covid-19 chính là chủ trương do Đảng Dân chủ tung ra với mục tiêu ăn cắp kết quả mùa phiếu 2020. Đáng buồn hơn là ngạc nhiên, chẳng thấy ai rảnh rỗi để hỏi nhau một câu: Chống lại khoa học chỉ vì các tư tưởng chính trị liệu có khôn ngoan lắm không khi đối đầu với Covid-19?

Trong tâm lý học có khái niệm optimistic bias – Tức thiên vị lạc quan có chọn lựa – diễn nôm ngôn ngữ bình dân, nó xảy ra khi một cá nhân có thói quen tin rằng điều nguy hiểm chỉ xảy ra với người khác chứ không xảy ra với họ. Ví dụ mình cũng hút thuốc như bao người khác nhưng họ mới là người bị ung thư phổi. Hoặc cũng là đệ tử lưu linh nhưng người khác mới xơ gan còn mình thì mổ ra lá gan đỏ au như chôm chôm Vĩnh Long. Vận vào bối cảnh đại dịch Covid-19, gần như các cử tri Đỏ thường có suy nghĩ ấy, họ cổ xúy cứ mở cửa tự do như bình thường, Covid-19 cũng vậy thôi, ai xui xẻo thì dính, sống chết có số, hơi đâu ở đó lo chuyện ‘xa bao tử’, đóng cửa kinh tế, không có thu nhập, chết đói nhăn răng trước chứ không phải chết vì… Covid-19.

Khổ. Nếu đã nói vậy, lý lẽ hợp lý như thế mấy người cãi lại được. Với người đặt nặng việc có thờ có thiêng, có kiêng có lành, mọi chuyện sẽ sòng phẳng minh bạch hơn; kiêng cữ sẽ đồng nghĩa với tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn. Song một số đông lại nghĩ khác. Họ thấy nhiều người nhiễm Covid-19, dương tính ầm ầm, thế mà sau đó vẫn khỏe như văm, vẫn đi làm, vẫn tươi cười dệnh dạng; rõ ràng là Covid-19 là chiêu bài câu phiếu, là chuyện bé xé ra to, là thổi phồng, là rung cây nhát khỉ…

Để rồi cuối cùng chuyện The Pit là có thật. Một nữ y tá tên là Lawanna Rivers đã đến những điểm nóng (nơi Covid-19 xảy ra với tần số cao) để phục vụ. Khi đến khoa cấp cứu của bệnh viện trường ĐH University Medical Center of El Paso, người ta bảo thẳng với chị về khu vực The Pit tử thần đó. Chị không ngờ đó là chuyện có thật. Tới khi một bệnh nhân chảy máu quá nhiều, chị gọi bác sĩ, người ta bảo thẳng với chị các bác sĩ không bao giờ bước vào khu vực đó. Ngày đầu tiên đi làm người ta bảo thẳng: Ai đưa vào trong đó lúc khiêng ra đều nằm trong bọc ni-lon. Chị kể lại (nguyên văn): My first day at orientation, I was told that whatever patients go into the pit, they only come out in a body bag. Quá rõ ràng, đó là phòng chờ chết. Chỉ đến khi chứng kiến trực tiếp chị mới tin đó là chuyện có thật.

Với nhiều người trong chúng ta đây là chuyện nghe thấy chứ không nhìn thấy. Đặc biệt với nhiều người mang tư tưởng cử tri Đỏ, sẵn có những thành khiến không mặn mà gì với các khuyến cáo của khoa học, họ càng có thêm động lực khẳng định chẳng có gì đáng nói khiến cho câu chuyện trở nên ầm ỹ. Họ đinh ninh đấy chỉ là những cái tin nhắng nhít vấy vá, thổi phồng, phóng đại, một công cụ Phe Dân chủ mượn để lung lạc dòng dân, gây ra những hoảng loạn giả tạo không cần thiết!

Bán tín bán nghi, Đài truyền hình địa phương KFOX 14 lao vào điều tra kiểm chứng những gì chị Lawanna Rivers nói tại đoạn video clip trên facebook xem có phải chuyện ‘người thật, việc thật’. Họ không tìm ra những chi tiết xác thực, song đã ghi nhận tình trạng khó khăn, mệt mỏi, kiệt sức về mặt tinh thần của các y tá là có thực (difficult, physical and emotional toll) đối với các y tá.  

Nữ y tá Lawanna Rivers

Theo chị Lawanna Rivers người từng làm việc tại năm bệnh viện khác nhau đối phó với đại dịch Covid-19, trung tâm cấp cứu tại bệnh viện trường ĐH University Medical Center of El Paso là nơi nguy hiểm cho bệnh nhân Covid-19 nhiều nhất. Là thành phố lớn thứ 6 của Texas, sát biên giới Mỹ-Mễ, phát triển kinh tế không quá tệ, tại sao nơi đây tỷ lệ nhiễm Covid-19 gần đây trở thành điểm nóng trên bản đồ của tiểu bang Lone Star. Chuyện gì đã xảy ra? Phải chăng khâu giáo dục phổ quát về kiến thức Covid-19 không được quan tâm tiến hành đúng mức? Người dân quá chủ quan? Họ trả một giá đắt vì thái độ xem nhẹ của mình? Các giới chức địa phương có phần nào trách nhiệm? Ai là người có lỗi trong việc này? Tư tưởng đảng phái có những ảnh hưởng nào… 

Điểm lại những ổ dịch bệnh lớn thời đại dịch Covid-19, người ta nhanh chóng nhận ra nạn nhân của nó đa số là người nghèo. Nếu khâu tuyên truyền cho rằng Covid-19 là tin vịt, là tin ảo, là công cụ do Đảng Dân chủ mượn bàn tay khoa học để lũng đoạn sân khấu chính trị xã hội Mỹ (điều này) sẽ gây hại (và chỉ gây hại) cho tầng lớp dân chúng nghèo. Khi họ không biết hoặc không tin Covid-19 nguy hiểm, họ sẽ không đề phòng nó đúng mức. Ta biết, vốn dĩ họ không có điều kiện sinh hoạt thuận lợi như người giàu, sống chật chội, đầu tư chăm sóc sức khỏe phòng chống thấp hơn, bảo hiểm y tế lỏng lẻo, tiền nong eo hẹp, khi nhiễm Covid-19 họ nghiễm nhiên sẽ là người bị đẩy vào tình cảnh hên thì sống, xui thì chết, quyền được chăm sóc của họ gần như bị lãng quên nhanh chóng.

Đài truyền hình KFOX 14 không tìm ra những chi tiết ủng hộ lời nói của nữ y tá Lawanna Rivers, dư luận cũng không thể kiểm chứng được cụ thể. Có nhiều kẽ hở xảy ra… Tại sao, bởi khi phóng viên tiếp cận với điểm nóng, nào ai biết họ đã gặp gỡ ai, trò chuyện với ai, hoặc bệnh viện đã có những chuẩn bị đối phó nào sau khi những clip videos của chị Lawanna Rivers được tung lên mạng. Khả năng các nhân viên được dặn dò kỹ trước đó có thể đã xảy ra. Nhiều người thích yên ổn chọn cho mình cách tránh né đi cho lành, chẳng nên rước họa vào thân, họ đã quá thừa mứa những nỗi lo cần phải xử lý rồi. Dây vào truyền thông, ký giả, hại não lắm!

Cứ thế, những cái tin bên thì bảo có thật, bên thì bảo không kiểm chứng được liên tục giằng co, đó là một phần của bức tranh sinh hoạt chính trị tại Mỹ. Phát ngôn viên Ryan Mielke của Bệnh viện ĐH University Medical Center of El Paso nơi chị Lawanna Rivers hiện đang làm việc là cho Đài truyền hình KFOX 14 biết (nguyên văn): watching the video, while we cannot fully verify the events expressed, we empathize and sympathize with the difficult, physical and emotional toll that this pandemic takes on thousands of healthcare workers here and throughout our country. Vâng. Đó là một phát biểu không giúp ích gì nhiều cho việc xác minh tính chuẩn xác của câu chuyện. Cuối cùng nó trở thành một thông điệp kiểu muốn hiểu sao thì hiểu. Tuy nhiên người này đã khẳng định hàng ngàn nhân viên y tế cả nước Mỹ đang đối phó với những sức ép mệt mỏi đáng sợ…

Vẫn theo chị Lawanna Rivers (nguyên văn): I have never experienced, and have no words, for what I just experienced in El Paso, Texas. If those doctors there would aggressively treat those patients from the beginning, a lot more would make it; nếu các bác sĩ nhiệt tình cứu những ca bệnh một cách nhiệt tình ngay từ lúc đầu, khả năng nhiều người được cứu là chuyện hoàn toàn khả thi. Song theo chị họ đã không làm tốt công việc đó ngay từ lúc đầu.

Một số cho rằng chị đã bất mãn nên mới có những clip video này. Khi chị nói (nguyên văn): The doctors don’t even step foot in those COVID rooms to see those patients… We as nurses, it’s OK for us to be exposed, but you as doctors, you don’t even come in there. You can’t get exposed, but we can and y’all are making all the money; người ta có lý do để nghĩ chị vì bức xúc cá nhân nên đã mượn các phương tiện mạng xã hội để xả cơn bực bội nhiều hơn là lo lắng cho các bệnh nhân.

Để rồi câu chuyện The Pit sàng qua sàng lại vẫn là một bí ẩn…

Vâng. Tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay tại Mỹ không ai dám nói trước điều gì sẽ xảy ra. Ít nhất nó vẫn thống thị, vẫn là hiện thân của tử thần, điều này ai cũng rõ. Có điều những tiếng nói cất lên như của chị Lawanna Rivers liệu có mấy người nghe, chúng có nên được lắng nghe, tìm hiểu kỹ hơn, thay vì chỉ điều tra sơ xài qua loa, rồi cuối cùng là chìm xuồng, là lãng quên nhanh chóng.

Bệnh viện ĐH University Medical Center of El Paso

Bất luận chuyện này hư thực đúng sai ra sao, một điều chắc chắn tình trạng những The Pit trên đất Mỹ có thật là khả dĩ. Thậm chí còn bao nhiêu The Pit vô hình nữa không ai nói đến, chúng hiện diện nhưng mọi người chỉ cúi đầu câm lặng. Họ có quá nhiều thứ để lo. Còn chuyện những The Pit họ chứng kiến, cụ thể hay chỉ là những hình thức mập mờ kiểu nghĩ sao cũng được họ chỉ có thể tự an ủi lương tâm: Nghèo thì bao giờ cũng thế, chẳng trách gì ai được.

Vâng. Lễ Tạ ơn đã qua. Noel rồi sẽ đến. Covid-19 vẫn nghênh ngang với lưỡi hái tử thần trong tay. Bác sĩ có người tốt, lăn xả để cứu người; có người nghĩ đến bản thân họ và người thân của họ nhiều hơn. Nói chung lòng thiện là một hệ quang phổ, nơi đó tâm tình phổ độ chúng sanh không bắt buộc bác sĩ nào cũng phải có. 

Còn người dân, nếu như họ ý thức nhiều hơn về sự nguy hiểm của Covid-19, ít nhất họ sẽ giúp mình không là nạn nhân của những The Pit như lời chị Lawanna Rivers đã kể. 

Ai sẽ giúp họ? 

Chính quyền? 

Hay cứ để mặc họ tự xoay sở đi… 

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email