Lý Anh
Thế vận hội Mùa Đông 2018 (2018 Olympic Winter Game) tổ chức tại PyeongChang, Đại Hàn, từ 09 đến 25/02/2018, diễn ra vào lúc tình hình Bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng. Do các vụ thử vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. một số nước Châu Âu tuyên bố không cử đoàn lực sĩ nước họ đến tham dự. Riêng Hoa Kỳ, đầu tháng 12/2017, khi trả lời phỏng vấn của ký giả Fox News, bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng, xuất phát từ an ninh, Hoa Kỳ chưa biết có cử lực sĩ đến tham dự hay không? Tuy nhiên, sau đó không lâu, bà Sarah Huckabee Sanders, Thư ký Báo chí Tòa Bạch ốc, cho truyền thông biết, Hoa Kỳ sẽ tham dự.
Bước sang năm 2018, trong buổi nói chuyện đầu năm, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un nói sẽ cử đoàn lực sĩ Bắc Hàn đến tham dự, mọi ngưởi “tạm thời” thở phào! Đặc biệt, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in ngày 04/01, Hoa Kỳ và Đại Hàn thỏa thuận sẽ không tập trận trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa Đông, nếu Bắc Hàn không có hành động khiêu khích … Mọi người mới nghĩ rằng, Thế vận hội Mùa đông 2018 sẽ diễn ra tốt đẹp.
Bán đảo Triều Tiên trước
Thế vận hội Mùa đông 2018
Ngày 20/09/2017, Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in cho biết, Bình Nhưỡng đang làm hết sức mình đảm bảo an ninh tại Thế vận hội Mùa đông 2018 giữa căng thẳng ngày càng tăng về các vụ thử vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Ngày hôm sau, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Pháp Laura Flessel-Colovic cho biết, lực sĩ Pháp sẽ tẩy chay các trận đấu trừ khi an ninh được bảo đảm. Ngày 22/09/2017, Áo và Đức cũng tuyên bố còn xem xét có tham dự Thế vận hội Mùa đông hay không. Karl Stoss, người đứng đầu Uỷ ban Thế vận hội Áo, nói rằng: “Nếu tình hình tồi tệ hơn và các lực sĩ không được bảo đảm an toàn, chúng tôi sẽ không tới PyeongChang”. Kế đó, một vài nước Châu Âu khác cũng phát biểu tương tự …
Từ 05 đến 09/12/2017, Ông Jeffrey Feltman, phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách chính trị, cùng 2 người nửa đã đi thăm Bắc Hàn. Đến Bình Nhưỡng, ông Feltman gặp Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho tại nhà hội nghị Vạn Thọ Đài. Sau đó cùng thứ trưởng Ngoại giao Pak Myong Guk hội đàm về quan hệ hợp tác giữa Bắc Hàn và Liên Hiệp Quốc cũng như tình hình Bán đảo Triều Tiên … Khi hội đàm, ông Feltman nói: “Liên Hiệp Quốc vô cùng quan tâm đến tình hình Bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng. Căn cứ vào hiến chương Liên Hiệp Quốc, chúng tôi sẵn sàng làm những việc có thể khiến tình hình hòn đảo này bớt căng thẳng …”.
Một số nhà bình luận thời sự Châu Á khi bàn về chuyến đi Bắc Hàn của phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Feltman đã nói: Hiện nay nhiều người trên thế giới muốn biết rõ Hoa Kỳ và Bắc Hàn có xảy ra chiến tranh không? Một học giả giảng dạy tại Đại học chính trị Đài Bắc cho rằng: Xét về lý tính, Hoa Kỳ và Bắc Hàn không đánh nhau. Nếu chiến tranh bùng nổ, xung quanh Bán đảo Triều Tiên, ít nhất có tới bốn năm chục triệu người tử vong, vô số người bị thương và chịu ảnh hưởng của phóng xạ. Toàn bộ Đông Bắc Á sẽ tan hoang … Theo ông biết, Bắc Hàn đã mời phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Feltman đến thăm Bình Nhưỡng bày tỏ ý muốn của họ ngồi vào bàn đàm phán với Hoa Kỳ, không phải bùng nổ chiến tranh.
Trong một cuộc hội nghị quốc tế, Ngoại trưởng Nga Sergey Viktorovich Lavro từng nói với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Wayne Tillerson, Bắc Hàn muốn đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ, hy vọng Hoa Thịnh Đốn đảm bảo an toàn cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert nêu rõ: “Trước khi Bắc Hàn hủy bỏ chương trình phát triển nguyên tử, không bao giờ đàm phán”.
Ngày 29/11, Bắc Hàn phóng thử thành công hỏa tiễn đạn đạo Hwasong-15 đạt độ cao quỹ đạo 4.000 km, bay khoảng 992 km, ngay hôm đó và ngày 30/11, TT Hoa Kỳ Donald Trump và TT Đại Hàn Moon Jae-in đã nói chuyện với nhau qua điện thoại 2 lần bàn về “tiếp tục trừng phạt Bắc Hàn cho đến khi nước này từ bỏ chương trình phát triển nguyên tử”. Một giới chức Bộ Ngoại giao Đại Hàn tiết lộ: Lần thứ nhất, sau khi Bắc Hàn thử hỏa tiễn đạn đạo Hwasong-15 không lâu, hai vị Tổng thống điệm đàm với nhau. Do hai bên chưa nắm rõ tình hình vụ thử, chỉ nói chuyện một lúc. Cuộc điện đàm lần thứ 2 vào ngày 30/11, hai vị nói chuyện khoảng một tiếng đồng hồ. Đây là cuộc điện đàm lần thứ 7, cũng lả lần nói chuyện lâu nhất.
Đầu tháng 12/2017, Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in từng nói, ông muốn các cuộc tập trận có thể được hoãn lại để cố gắng khuyến khích Bắc Hàn không thực hiện những hành động làm gián đoạn Thế vận hội Mùa đông 2018. Ông Moon nói với ký giả đài truyền hình NBC, Hoa Kỳ, rằng: “Các buổi tập trận có thể được hoãn lại nếu Bình Nhưỡng dừng các cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo trước Thế vận hội Mùa đông diễn ra ở PyeongChang từ ngày 09 đến 25/02/2018”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đáp lại rằng, Hoa Kỳ không có kế hoạch hủy bỏ các cuộc tập trận vốn có sự tham gia 300.000 quân đội Đại Hàn và 17.000 lính Mỹ.
Trong bài phát biểu đầu năm ngày 01/01/2018, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un chính thức thông báo Bắc Hàn sẽ tham gia Thế vận hội Mùa Đông 2018. Ông ta cho biết Bắc Hàn đã lên kế hoạch mở cuộc đàm phán với nước láng giềng Đại Hàn ở Hán Thành về việc đăng ký tham gia Thế vận hội Mùa đông tại PyeongChang. Kim nói: “Sự kiện thể thao mùa đông được tổ chức ở Đại Hàn là dịp tốt cho đất nước. Chúng tôi hy vọng Thế vận hội Mùa đông thành công. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước khác nhau theo trình tự, trong đó có danh sách đoàn lực sĩ đến PyeongChang tham dự”.
Ngày 04/01, Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng thống Đại Hàn lại nói chuyện với nhau qua điện thoại. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Moon Jae-in đề nghị “Hoa Kỳ và Đại Hàn hoãn tập trận chung nếu Bắc Hàn không có thêm hành động khiêu khích nào”. Ông Moon cho rằng “Như vậy sẽ giúp Thế vận hội thành công”. Tổng thống Hoa Kỳ đã đồng ý và hy vọng các cuộc đối thoại giữa Nam và Bắc Hàn đạt kết quả tốt, đồng thời cho biết, ông sẽ cử một phái đoàn cấp cao trong đó có các thành viên gia đình ông, tới dự Thế vận hội PyeongChang 2018. Nghe được tin này, mọi người mới thở phào và tin rằng: Thế vận hội 2018 ở PyeongChang sẽ thành công tốt đẹp.
Vài nét về Thế vận hội Mùa đông 2018
Theo thông tin từ Ủy ban Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, Đại Hàn đã chi hơn 12 nghìn tỉ Won (theo hối đoái ngày 06/01, 1 Won đổi được 0.00094 Mỹ kim ) để xây dựng, chỉnh trang đường xá, cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội. Các địa điểm thi đấu gồm Công viên Phoenix Snow, Công viên Alpensia Olympic, Trung tâm Olympic Sliding, Trung tâm Jeongseon Alpine, Trung tâm Younpyong Alpine, Sân vận động PyeongChang Olympic…
Theo thông báo của Ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2018, hiện nay có 83 nước ghi tên cử lực sĩ đến tham dư, trong đó không có lực sỹ của Cộng hòa Nga. Nguyên nhân vì Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) đã ra lệnh cấm nước này tham dự. Tuy nhiên, một số lực sĩ Nga nếu chứng minh đầy đủ không phạm sai lầm có thể ghi tên tranh tài đọ sức dưới là cờ của IOC.
Thông báo trừng phạt Nga được IOC phát đi từ cuộc họp ngày 05/12/2017 tại Thụy Sỹ. Chủ tịch IOC Thomas Bach cùng các cộng sự ra quyết định này sau khi đọc báo cáo điều tra của cựu Tổng thống Thụy Sỹ Samuel Schmid.
Dù Nga nhiều lần phủ nhận việc cho lực sĩ nước họ sử dụng doping dưới sự bảo trợ của nhà nước, báo cáo của Schmid tìm ra những bằng chứng cho thấy Nga đã thao túng có hệ thống đối với các quy định chống doping và quản lý các lực sĩ. Bản báo cáo càng làm rõ cáo buộc chính phủ Nga đã tham gia vào quá trình gian lận của thể thao nước này tại Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014.
Chủ tịch IOC Thomas Bach nói: “Đây là cuộc tấn công chưa từng có vào tính toàn vẹn của Thế vận hội và thể thao. Báo cáo này có thể chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài và là chất xúc tác để xây dựng một hệ thống phòng chống doping hiệu quả hơn”.
Những nước tham dự lần đầu tiên là Ecuador, Eritrea, Kosovo, Malaysia, Nigeria và Singapore.
Một trong những điểm nổi bật của Thế vận hội Mùa đông 2018 tại Pyeongchang là việc ứng dụng các công nghệ cao. Thế vận hội Mùa đông 2018 sẽ đi vào lịch sử trở thành thế vận hội đầu tiên sử dụng công nghệ mạng 5G. Mạng 5G được phủ sóng từ sân bay cho đến trung tâm báo chí, các địa điểm thi đấu của Thế vận hội. Công nghệ này không chỉ cho phép người sử dụng truy cập mạng với tốc độ mau lẹ, còn có thể chụp hình không gian 3 chiều hay trải nghiệm thực tế ảo… Ngoài ra, khán giả có thể theo dõi trực tiếp phần thi đấu của các lực sĩ một cách sống động. Ví dụ như camera được gắn vào người các lực sĩ thi trượt tuyết truyền hình ảnh trực tiếp để khán giả có cảm giác như đang ở ngay trên đường trượt.
Chương trình lễ khai và bế mạc, diễn ra trong hai ngày 05/02 và 25/02 tại sân vận động Pyeongchang Olympic đã được hoàn thiện. Song Seung Whan, người đã sáng tạo nên chương trình Nanta show, là đạo diễn của hai buổi lễ quan trọng này. Song Seung Whan đã khiến chương trình Nanta show vượt qua biên giới Đại Hàn, trở thành chương trình được yêu thích trên khắp thế giới. Nanta show là chương trình biểu diễn không lời kết hợp giữa âm nhạc, hài kịch, trình diễn nấu ăn, nghệ thuật Samulnori truyền thống Đại Hàn ra mắt tại Hán Thành vào năm 1997, tiếp đó được giới thiệu với khán giả quốc tế lần đầu tiên tại Liên hoan Edinburgh Festival Fringe. Nanta show là chương trình nghệ thuật Châu Á đầu tiên được biểu diễn trên sân khấu Broadway (Mỹ) vào năm 2004.
Trước ngày khai mạc 09/02, hình ảnh hai linh vật của Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 là hổ trắng Soohorang và gấu mặt trăng Bandabi xuất hiện ở khắp mọi nơi. Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ Thế vận hội, Đại Hàn đã tận dụng cơ hội này để quảng bá văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực… đến với du khách quốc tế. Nhiều chương trình biểu diễn K-Pop, nghệ thuật truyền thống, đương đại, đường phố… đã được xây dựng, kết nối với du khách.
Những việc cuối cùng cho Thế vận hội Mùa đông 2018 đang được gấp rút hoàn thành.Theo thông tin từ Ủy ban Thế vận hội Mùa đông 2018 ở PyeongChang, khoảng 16.000 tình nguyện viên đã được tuyển chọn từ các nước trên khắp thế giới sẽ tham gia phục vụ thế vận hội. Tính đến nay, trong đợt 1, số vé đã bán ra là 1.070.000 vé, trong đó 70% số vé bán ở trong nước, 30% ở nước ngoài. Vé đợt 2 đang được bán ở Đâi Hàn và ngoại quốc …
Lý Anh