Năm 2011, Uỷ ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) tuyên bố trao quyền tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2018 cho thành phố PyeongChang (Bình Xương), Nam Hàn, sau khi đánh bại hai thành phố khác là Munich (Đức) và Annecy (Pháp) ở vòng chung kết trong cuộc đấu thầu.
Đây là lần thứ nhì Nam Hàn được tổ chức Thế vận hội. Lần đầu là năm 1988 với Thế vận hội Mùa hè được tổ chức tại Hán Thành.
Về địa dư, PyeongChang nằm cách thủ đô Seoul (Hán Thành) 80 dặm về hướng đông và cách đường biên giới với Bắc Hàn khoảng 50 dặm về hướng nam. Mùa đông ở PyeongChang được mô tả là rất lạnh và nhiều tuyết, và do đó là địa điểm lý tưởng để chơi những môn thể thao mùa đông.
Thế vận hội Mùa đông PyeongChang được chính thức bắt đầu vào ngày Thứ Sáu 9/2 với lễ khai mạc long trọng. Tuy nhiên, đã có những trận thi đấu của hai bộ môn ném bi đá (curling) và nhảy xa (ski jump) diễn ra trong ngày Thứ Năm 8/2 trước đó.
Kế hoạch lúc ban đầu là lễ khai mạc và bế mạc sẽ được tổ chức ở Gangneung, một thành phố duyên hải cách PyeongChang 60 dặm đường bộ, nhưng các giới chức trong ban tổ chức sau đó đã quyết định để hai buổi lễ được tổ chức tại thành phố chính. Do đó, thay vì tu bổ lại vận động trường ở Gangneung, người ta đã cho xây một vận động trường mới ngay tại PyeongChang với 35,000 ghế ngồi. Còn riêng Gangneung sẽ là nơi tổ chức những cuộc tranh tài hai bộ môn chơi trong nhà là băng cầu (hockey) và ném bi đá.
Có lẽ vì phải xây dựng vận động trường mới và một số địa điểm cho các cuộc thi đấu nên chi phí xây dựng và chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông lần này dự đoán tốn khoảng $13 tỷ, là một con số khá lớn. Tuy nhiên, so với tổng số chi phí hơn $50 tỷ của Thế vận hội Sochi bốn năm trước thì có thể nói chi phí cho PyeongChang không là bao nhiêu.
Năm nay, nước Nga bị IOC cấm không cho tham dự vì dính vào vụ sử dụng thuốc cấm bị phanh phui vào năm ngoái và chỉ có một số rất ít lực sĩ Nga trong sạch là được tham dự, nhưng thi đấu dưới lá cờ của IOC. Do đó, trong số những phái đoàn lực sĩ hùng hậu sẽ không có Nga lần này. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều quốc gia gửi đi tham dự những phái đoàn hùng hậu như mọi khi, trong đó có thể kể đến Hoa Kỳ và Canada, hai trong số những quốc gia chơi rất giỏi những bộ môn thể thao mùa đông.
Theo trang mạng teamusa.org, Phái đoàn của Hoa Kỳ sẽ gửi 240 lực sĩ đi tham dự Thế vận hội 2018, trong đó có những khuôn mặt nổi bật như tay trượt tuyết nữ Lindsey Vonn (năm huy chương Thế vận hội) và tay trượt ván (snowboarder) Shaun White (hai huy chương vàng). Đây có thể là lần thi đấu cuối cùng của hai lực sĩ tên tuổi này tại Thế vận hội.
Phái đoàn Canada cũng hùng hậu không kém và sẽ gửi 221 lực sĩ tham dự và thi đấu tổng cộng 14 môn thể thao với dự đoán có thể thắng kỷ lục 33 huy chương kỳ này.
Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là phái đoàn Nam và Bắc Hàn đã đồng ý cùng đứng chung dưới một lá cờ “thống nhất” có nền trắng với hình bản đồ toàn vẹn lãnh thổ Đại Hàn mang màu xanh dương. Đây là lần đầu tiên từ 11 năm nay lực sĩ của hai bên sẽ đi diễn hành chung trong buổi lễ khai mạc, và hơn nữa, cùng thi đấu chung trong đội băng cầu nữ.
Đây có lẽ là phái đoàn hùng hậu nhất vì chỉ riêng Bắc Hàn cho biết là sẽ gửi khoảng 300 người gồm có đội biểu diễn nghệ thuật, nhà báo, lực sĩ và giới chức thể thao.
Hai quốc gia Đại Hàn này trước đây cũng đã từng hai lần thi đấu chung trong một đội tại các cuộc tranh tài thể thao quốc tế trong cùng năm 1991. Một lần là ở giải vô địch bóng bàn tại Chiba, Nhật Bản, mà đội nữ Đại Hàn đã thắng vô địch sau khi đánh bại đội Trung Quốc hùng mạnh; một lần khác là giải vô địch bóng đá thiếu niên tại Bồ Đào Nha và đội Đại Hàn đã vào được đến tứ kết.
Trong khoảng thời gian tương đối hoà thuận trong thập niên 2000, lực sĩ của hai bên đã đi diễn hành cùng nhau ở lễ khai mạc và bế mạc tại chín cuộc tranh tài thể thao quốc tế, trong đó có Thế vận hội Sydney 2000, nhưng không cùng thi đấu chung trong một đội. Lần cuối hai nước đi diễn hành chung là tại Á vận hội Mùa đông tại Trường Xuân (Changchun), Trung Quốc, năm 2007.
Kể từ năm 2002 đến nay, có tất cả 15 môn thể thao được tranh tài tại các Thế vận hội Mùa đông và trong mỗi môn thể thao lại chia ra nhiều thể loại tranh tài khác nhau như đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, nam nữ hỗn hợp v.v…
Năm nay, IOC lại đưa vào thêm sáu thể loại tranh tài mới gồm có: Trượt ván trên không (Snowboard Big Air) nam và nữ; trượt dốc núi đội quốc gia gồm bốn người (Alpine skiing Nations Team); trượt băng vận tốc số đông nam và nữ (Speed Skating Mass Start) – gồm tổng cộng 28 lực sĩ cùng tranh tài trong cuộc đua 16 vòng; ném bi đá nam nữ hỗn hợp (Curling Mixed Doubles).
Trong tất cả các cuộc tranh tài tại Thế vận hội Mùa đông, một số bộ môn được cho là sẽ có nhiều khán giả theo dõi nhất như:
* Trượt tuyết và trượt ván dốc núi (Alpine ski and slope snowboard) với những ngôi sao quen thuộc Lindsey Vonn và Jamie Anderson, và một ngôi sao đang lên Chloe Kim lần đầu tham dự Thế vận hội.
* Trượt băng nghệ thuật (Figure Skating) – là môn vẫn được yêu thích nhất tại các Thế vận hội Mùa đông, và lần này cũng sẽ không làm giới hâm mộ thất vọng. Trong khi khán giả thường chú ý nhiều tới các lực sĩ nữ, nhưng lần này cả nam lẫn nữ của Hoa Kỳ đều được dự đoán là sẽ nổi bật hơn hết. Tuy nhiên, tay trượt băng nghệ thuật nam Nathan Chen, lực sĩ duy nhất đến nay vẫn chưa thua cuộc thi nào, là đang chịu nhiều áp lực vì nếu không lấy được huy chương vàng thì có thể coi như thất bại.
* Bộ môn băng cầu nữ cũng được chú ý nhiều, đặc biệt nếu hai đội nữ Hoa Kỳ và Canada đụng nhau thì có thể coi là trận kỳ phùng địch thủ. Tại Thế vận hội Sochi 2014, đội nữ Canada đã thắng huy chương vàng sau khi hạ đội nữ Hoa Kỳ 3-2 trong trận chung kết chơi thêm giờ.
Tổng cộng có 259 huy chương được trao trong Thế vận hội lần này, trong đó bao gồm 102 huy chương vàng, là con số kỷ lục. Đặc biệt hơn nữa, huy chương vàng lần này được cân nặng 586 grams (hơn nửa ký), là huy chương Thế vận hội nặng nhất từ trước tới nay.
Thế vận hội Mùa đông PyeongChang được bắt đầu từ ngày 9 Tháng 2 kéo dài cho đến hết ngày 25 Tháng 2.
Huy Vũ