Sau khi các nơi công bố kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2022, hiệu trưởng một trường THPT đã nghỉ hưu nhận xét: “Phải chăng thi rớt tốt nghiệp bây giờ khó hơn là đậu?”.
Thi tốt nghiệp THPT rình rang, tốn kém để làm gì?
Hiệu trưởng này dẫn ra mấy ví dụ để nói lên việc học hành như thế mà vẫn đậu tốt nghiệp. Ông kể: “Nhớ năm đầu tiên trường mình là một trường THPT bán công, học sinh lớp 12 chỉ đậu 68%, sang năm thứ 2 được 73%, vậy là đã thấy vui quá luôn! Đến năm 2010 lên được 92%, ui cha mừng quá là mừng!”.
Hiện nay, khi việc xét tốt nghiệp bao gồm cả điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình các môn trong học bạ lớp 12, thì kết quả tốt nghiệp bỗng tăng cao mạnh mẽ, hơn cả… “bão” giá!
Các trường THPT giờ chỉ hơn thua nhau ở chỗ học sinh có đậu tốt nghiệp 100% hay không! Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 99%, 100% là căn cứ để nhận danh hiệu thi đua (tập thể lao động tiên tiến hay tập thể lao động xuất sắc). Chính vì thế, cuộc đua “làm đẹp” học bạ ngày càng… khốc liệt. Một số học sinh giỏi cạnh tranh điểm cao mong vào trường “hot”, học sinh kém cũng được tích cực nâng điểm. Bởi điểm học bạ càng cao thì chỉ cần học sinh không bị điểm liệt (nhỏ hơn hoặc bằng 1 điểm) khi thi tốt nghiệp THPT là đương nhiên đậu.
Một nhà giáo nhận xét: Không thi thì có trường dạy không ra gì nhưng thi như vầy thì trường nào cũng như nhau! Mùa thi năm nay 2022, có nơi gần 2.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ một em rớt. Địa phương này có 7/8 trường học sinh đậu 100%. Chỉ riêng khoản tiền chi cho việc coi thi chấm thi, đã mất hơn sáu trăm triệu đồng chỉ để chọn ra 1 em rớt!!!
Những con số cần làm rõ
Từ bảng chênh lệch thứ hạng giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và năm 2022 cho thấy, có nơi tăng giảm không đáng kể nhưng có nơi tăng hơn 30 bậc.
Việc so sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình các môn học ở học bạ lớp 12, các năm trước cũng đã làm nhưng rồi… để đó. Năm nay tiếp tục có sự chênh lệch, thậm chí rất sâu ở một số địa phương. Rõ ràng hơn, có nơi điểm học bạ thì “đội sổ” mà điểm thi lại vọt lên. Nếu không đánh giá nghiêm cẩn thì việc “làm đẹp” học bạ e rằng sẽ tiếp tục diễn ra với mức ngày càng tệ hơn.
Điểm thi càng cao,
càng lo – có bình thường?
Sau khi các nơi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thì sau đó là xét tuyển vào đại học, nhất là ở các trường chất lượng cao, trường “hot”.
Cân nhắc chọn trường là việc làm hàng năm. Mỗi học sinh sẽ chọn trường theo thứ tự ưa thích nhưng tình trạng trượt lựa chọn cho dù điểm cao, bị coi là bất bình thường.
Tự chủ đại học nhưng thiếu sự định hướng, giám sát. Quản lý giáo dục không theo kịp tự chủ. Vì thế ngành giáo dục lâm vào tình trạng «mạnh ai nấy làm”.
Không biết bao giờ có những kỳ thi ổn định, cạnh tranh tích cực, những bài thi năng lực, sáng tạo cho kỳ thi đại học? Làm sao để đánh giá trung thực quá trình học hành ở THPT là? Bao giờ tốt nghiệp đại học sẽ có việc làm đúng ngành và cử nhân sống tốt với việc làm đó? Bao giờ một số học sinh THPT sẵn sàng theo học trường nghề? Bao giờ giá trị “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” lại tỏa sáng?
Những điều trên vẫn đọng lại, nhiều năm rồi vẫn còn bỏ ngỏ nên sau kỳ thi vốn bình thường lại gây nhiều bất thường, khiến niềm tin vào kỳ thi tốt nghiệp THPT bị giảm sút. Giáo dục khi nặng nề chuyện khoa cử thì đổi mới giáo dục mãi bóng lộn những tính từ…!
Sau những đề án ngoại ngữ hàng chục nghìn tỉ đồng, tiếng Anh lại… thụt lùi
Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2021, môn tiếng Anh gây sốc vì tạo “cơn mưa” điểm 10. Năm nay «thôi mưa», tức là ngược lại, đội sổ, có đến già nửa thí sinh điểm dưới trung bình. Sau những đề án ngoại ngữ tiêu tốn hàng chục nghìn tỉ đồng, chất lượng dạy môn này chẳng thay đổi là bao. Chương trình lớp 10 năm học 2022-2023, môn tiếng Anh có 9 bộ sách giáo khoa, thầy cô được hướng dẫn ròng rã, nhưng câu chuyện bên lề vẫn… cứ đợi rồi thời gian trả lời.
Ngoài ra, trình độ học sinh ở các vùng cũng khác nhau, học sinh ở miền núi, vùng xa (chiếm phần đông) học tiếng Anh không bằng vùng thành thị, đồng bằng.
Những năm trước, môn tiếng Anh có tỷ lệ học sinh dưới trung bình (dưới 5) ở mức cao. Còn bây giờ, môn này có điểm học bạ chênh điểm thi 2,12 điểm, điểm liệt tăng 4 lần so với năm học 2021!
Giám đốc CDC về hưu,
vui gì mà tiệc tùng ầm ĩ?
Về hưu là “chuyện thường ngày ở huyện”. Ngày nào tháng nào cũng có người về hưu. Nhiều người lên đến những chức vụ cao, thậm chí rất cao khi về hưu cũng lặng lẽ bởi về hưu là chuyện bình thường.
Thế nhưng bữa tiệc chia tay Giám đốc CDC Quảng Ninh nghỉ hưu lại gây xôn xao dư luận.
Cuối tháng 7, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh trao quyết định nghỉ hưu cho Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (CDC Quảng Ninh), đồng thời là Chủ nhiệm “CLB Giám đốc CDC miền Bắc”.
Thế là từ trước đó, loạt chuỗi sự kiện “Tiệc tri ân”; “Lễ chia tay”; “Đêm giao lưu”… đã diễn ra dành riêng cho giám đốc này.
Trên trang facebook cá nhân, ông Ninh Văn Chủ cũng đăng hình ảnh các buổi tiệc kèm theo dòng status: “Từ ngày mai không làm cũng có lương, không phải chỉ đạo ai và cũng không bị ai chỉ đạo (ngoài vợ) cuộc đời sang trang mới”.
Chỉ tính từ đầu tháng 6/2022 đến nay, ông Chủ đã có không dưới 3 bữa tiệc chia tay hoành tráng trước khi nhận quyết định nghỉ hưu. Vậy mà ông cho rằng đó mới chỉ là “nháp”!
Đầu tiên là bữa tiệc nội bộ cùng cán bộ, nhân viên CDC Quảng Ninh cùng lãnh đạo Sở Y tế; bữa tiệc khác tập trung tại khách sạn nổi tiếng sang trọng ở TP Hạ Long có hàng trăm khách đến tham dự, chúc mừng, trong đó có nhiều đối tác của CDC Quảng Ninh.
Đặc biệt, một bữa tiệc xa hoa được tổ chức riêng tại một du thuyền trên vịnh Hạ Long với sự góp mặt của những thành viên CLB Giám đốc CDC miền Bắc.
Số khách mời đến tiệc tri ân của ông Ninh Văn Chủ có lãnh đạo tỉnh và giám đốc các Cty đối tác quan trọng của CDC Quảng Ninh.
Ông Chủ cho rằng ông có 2 niềm vui lớn là 2 năm chống dịch an toàn và CDC Quảng Ninh đứng đầu là ông, không dính dấp đến vụ Việt Á bán kit test giá cao.
Đúng là ông thoát được “quả bom Việt Á” là mừng nhưng ngay tại Quảng Ninh đồng nghiệp và cấp trên của ông cũng vừa bị kỷ luật. CDC thị xã Đông Triều và ông Bí thư – Chủ tịch thị xã (nay là Phó Chủ tịch tỉnh) dính líu đến Việt Á và bị kỷ luật.
Ông Ninh Văn Chủ được Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh trao quyết định ghi nhận những đóng góp trong sự nghiệp phát triển của ngành y tế tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực y tế dự phòng. Đó là niềm vui của người thầy thuốc. Nhưng cũng còn rất nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành với nhiều đóng góp cho ngành y trong nước và cả thế giới, khi về hưu họ im lặng dù không đánh trống gõ mõ, nhưng người dân vẫn nhớ những đóng góp của họ.
Có thể ông làm thế để được mọi người ghi nhớ. Cũng có thể ông có nhiều mối liên hệ cần cảm ơn hay được họ cảm ơn nên làm thế. Hoặc giả ông muốn khi “hạ cánh an toàn” tri ân mọi người đã đồng hành cùng ông.
Ông làm gì chắc là có lý do, không ai vứt ra cả đống tiền chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”.
Dù sao ông Ninh Văn Chủ cũng có lời phân trần: “Tại CDC Quảng Ninh đợt này có 3 người về hưu. Trong đó có tôi và một nữ Phó Giám đốc trung tâm về hưu trong tháng 7, người còn lại về hưu vào tháng 8 nên mọi người bàn nhau đợi để tổ chức liên hoan chia tay một thể… Toàn bộ sự việc chỉ có như thế, không phải tôi tổ chức hay mọi người tự về để tổ chức chia tay tôi về hưu mà là tiện chuyến công tác, biết tôi sắp về hưu thì cho chạy chữ trên bảng màn hình LED”
Nhà công hay “nhà ông”
Khu nhà “công vụ” gồm 12 căn, mỗi căn rộng 126,8 m2 được xây dựng vào năm 1991. Bắt đầu từ năm 1994 cho cán bộ từ huyện lên tỉnh làm việc thuê để có chỗ ở.
Hiện nay, có 1 căn là nơi làm việc của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, 1 căn cán bộ thuê đang công tác, 10 căn cho cán bộ thuê nay đã nghỉ hưu tức là không đủ điều kiện để tiếp tục được thuê nữa nhưng lại chây ỳ, không chịu trả nhà.
Té ra mỗi căn nhà công vụ này có giá không dưới 5 tỉ đồng; và giá cho thuê từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.
Vào năm 2016, khi vấn đề này bị đưa ra thì 10 cán bộ hưu trí trên mới đề nghị chuyển đổi công năng để có thể tiếp tục được thuê hoặc mua với “giá hợp lý” chứ nhất định không trả.
Sự việc trở nên lằng nhằng. Sở Xây dựng trình lên tỉnh xuôi theo nhưng nhiều ý kiến không đồng tình bán. Tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần ra lệnh thu hồi nhưng không thành. Tỉnh ủy muốn bán nhà luôn, song không được các cấp trung ương đồng ý…
Nhà công vụ dành cho cán bộ đương chức. Thế nhưng, khi đã hết làm việc, nghỉ hưu rồi mà các cán bộ vẫn muốn “ôm” luôn thì lấy đâu ra nhà cho các công chức đang làm việc sau đó có chỗ ở?
Danh tính 10 cán bộ về hưu là ai đều không được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Tiền Giang cung cấp.
Khi phóng viên đến Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang để hỏi xin danh sách 10 cán bộ hưu trí này thì được một lãnh đạo đề nghị “cho photocopy thẻ nhà báo và viết nội dung cần tìm hiểu sẽ trả lời sau”.
Tiếp đến, trong buổi họp báo do tỉnh Tiền Giang tổ chức, Chánh Văn phòng UB tỉnh Tiền Giang là ông Lý Hoàng Chiêu trả lời: “Sẽ trả lời sau trong thời gian sớm nhất”.
Ông Hà Thiện Ý, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cho biết: «Do các cô, chú nguyên là lãnh đạo của tỉnh, có nhiều cống hiến và có những khó khăn khác nhau nên chưa trả lại nhà. Đồng chí Chủ tịch tỉnh cũng đã hứa sẽ kiên quyết giải quyết vấn đề này theo quy định của pháp luật. Vì vậy, hiện tôi chưa thể cung cấp danh sách theo đề nghị. Rất mong anh chia sẻ và thông cảm, chờ kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng» – (nguyên văn).
Tương tự, tại Hà nội, Bộ Xây dựng nhiều lần thông báo 12 cựu quan chức được yêu cầu trả lại nhà công vụ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy), tuy nhiên họ vẫn chưa chịu trả nhà.
12 cựu quan chức thuộc các cơ quan trung ương gồm: 2 cựu phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; 1 cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương; 3 cựu phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; 1 cựu phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 1 cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 1 cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 1 cựu thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, 1 cựu tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), 1 cựu tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Đây là một dạng «tham nhũng biệt thự công và nhà công vụ», bị coi là hành động chiếm đoạt tài sản của nhà nước khi rất nhiều cán bộ cấp cao về nghỉ hưu nhưng không trả, mà muốn chiếm căn nhà trên trời rơi xuống. Lý ra phải truy tố trách nhiệm hình sự chứ không chỉ vận động hay đề nghị suông mới đúng!
San Hà (tổng hợp)