Người ta nói thậm chí ngay cả những người mà ta không ưa nhất vẫn có một vài điểm tương đồng nào đó khiến ta có thể thích người đó. Có thật vậy không?
Kể từ khi trận đại dịch dịu bớt, nhiều người trong chúng ta đã trở lại làm việc ở sở hoặc tham gia nhiều hơn vào các cuộc họp mặt gia đình và bạn bè, và điều này cũng có nghĩa là chúng ta có nhiều cơ hội hơn để phải chạm mặt với những người mà ta không ưa. Tuy nhiên, ngay cả những người khiến ta cảm thấy khó chịu vẫn có những đức tính có thể thu phục được sự cảm mến từ người đối diện. Điều quan trọng là ta phải kiên nhẫn tìm ra phẩm chất của những đức tính đó, và một khi tìm ra rồi thì ta có thể học cách để thích người đó.
Thế giới chúng ta đang sống đây rất cần mọi người sống hoà hợp với nhau, đặc biệt là vào thời điểm đặc biệt như hiện nay sau khi đã phải chịu đựng quá nhiều biến động xã hội trong suốt mấy năm qua.
Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng khi chúng ta chia sẻ với nhau những điểm tương đồng – như có cùng những sở thích hay thói quen, sống trong cùng một khu phố hoặc có con cùng tuổi – thì điều đó có thể gắn kết chúng ta lại. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta có thể có nhiều điểm chung giống nhau, chúng ta vẫn có thể không thích một ai đó.
Kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy điều thực sự khiến ta thích một người và giúp gắn kết ta với người đó lại chính là sự chia sẻ trải nghiệm và cảm giác về việc hoặc điều gì đó mà cả hai có cùng sự quan tâm.
Các nhà tâm ly gọi đó là “cùng chia sẻ sự đồng cảm”. Chia sẻ sự đồng cảm có thể là những việc làm hết sức bình thường ta thấy diễn ra hằng ngày như cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích cùng với người bạn đồng nghiệp, hát chung một bài hát yêu thích cùng với anh chị em trong nhà trong khi đang đi chung xe, hoặc cười nắc nẻ về một câu diễu nào đó cùng với bạn bè trong lần đi xem một chương trình hài kịch.
Sự trải nghiệm về điều liên quan trong một thời điểm nhất định nào đó có tác động rất mạnh. Người trong cuộc có cảm giác như tim đang cùng đập một nhịp hoặc tâm trạng đang cùng trên một tần số.
Một cuộc nghiên cứu bởi giáo sư Elizabeth Pinel của Đại học Vermont cùng một số nhà tâm lý khác – được thực hiện với những người có những quan điểm khác nhau về chính trị và xã hội – thấy rằng việc cùng chia sẻ sự đồng cảm giúp cho người ta cảm thấy thích nhau hơn. Việc cùng chia sẻ cũng khiến người ta có nhiều khả năng giúp đỡ nhau hơn, nhường nhịn và rộng lượng hơn.
Một thí dụ điển hình là câu chuyện của bà Carla Madrigal. Bà Madrigal kể lại rằng bà hoàn toàn không thích người bạn đồng nghiệp tên Ben ngay từ phút đầu tiên chạm mặt ông này – do quan điểm “thiếu cởi mở” của ông ta và thói quen lấy báo của bà đọc mà không thèm hỏi trước. Trong nhiều tháng, họ có lời qua tiếng lại. Và mỗi lần như vậy thì bà Madrigal lại bước ra khỏi văn phòng tìm một chỗ yên lặng để có thời gian bình tĩnh lại.
Rồi một ngày ông Ben hỏi bà về cuốn sách yêu thích mà bà vẫn để ở một chỗ trang trọng trên bàn làm việc.Bà Madrigal cho ông mượn và khi trả lại ông nói với bà rằng ông rất thích cuốn sách. Bà ngạc nhiên hết sức vì không ngờ hai người họ lại có điểm tương đồng.
Điều quan trọng cần nói rõ ở đây là chúng ta không cần phải thích tất cả mọi người. Có những người ta nên tránh, đặc biệt nếu đó là những người khiến ta cảm thấy không an toàn về mặt tình cảm hoặc thể chất. Ngoài những trường hợp bất đắc dĩ nói trên, có rất nhiều cách rất khoa học ta có thể học để thích một người nào đó mà có thể lần gặp ban đầu ta đã tỏ ra không ưa họ.
Trước hết là nên đặt ra mục tiêu để tìm hiểu rõ hơn về người đó. Theo nhà tâm lý Kelly Rabenstein, hãy tìm một điểm nào đó mà ta thích và tập trung vào điểm đó. Người đó có tử tế, là cha mẹ tốt, hoặc là người thích giúp đỡ người khác không? Bắt đầu từ những điểm đó. Và mỗi khi ta cảm thấy bản thân bắt đầu bực mình, vậy hãy tập trung vào mục tiêu rằng ta đang còn trong thời gian tìm hiểu và nhắc nhở bản thân điểm mà ta thích về cá nhân đó. Và khi ta bắt đầu nhìn người đó bằng hình ảnh giống như mình rồi, thì điều đó sẽ khiến cho tình cảm của ta dịu lại và ta bắt đầu tìm được thêm nhiều điểm khác mà ta thích về họ.
Hoặc bắt đầu bằng sự đồng cảm. Có thể hành vi của người đó là do tinh thần bị căng thẳng hoặc thất vọng mà ta không biết. Ta sẽ cảm thấy gần gũi hơn với những người khác khi ta có được sự cảm thông với họ. Sự cảm thông cũng giúp ta cảm thấy ít bực bội và tức giận hơn.
Các nhà nghiên cứu khuyên rằng hãy chú ý tới cách mà ta đối xử với người kia. Bày tỏ sự cởi mở của mình. Nói chuyện một cách tử tế và quan sát ngôn ngữ cơ thể (body language) của ta. Đừng ngồi lê đôi mách – điều đó chỉ đưa đến tiêu cực. Nếu ta tìm thấy điều gì đó để khen ngợi một cách chân thành, hãy làm như vậy. Nếu đối xử với người khác một cách đứng đắn thì sẽ được đáp lại bằng những phản ứng tích cực. Và điều đó sẽ giúp cho ta cảm thấy ấm áp lên.
Những cuộc nói chuyện ngắn xảy ra một đôi khi sẽ không giúp được gì. Muốn tìm hiểu để biết rõ hơn về người kia thì cần phải dành nhiều thời gian để gặp gỡ nhau.
Sau khi vượt qua được cái phần dành thời gian để gặp gỡ, chẳng hạn như tại sở làm, hãy mời người đó đi chơi chung. Thường tâm lý con người ai cũng thích được người khác mời mọc bởi vì nó khiến người ta cảm thấy rằng mình được người khác quan tâm. Và khi nhận được sự quan tâm, người đó sẽ dành nhiều cảm tình với ta hơn, và ta đáp lại bằng biểu lộ thêm cảm tình với họ. Khoa tâm lý gọi hiện tượng đó là “sự đối ứng qua lại” (reciprocal).
Và hãy tìm cách tham gia những sinh hoạt để tạo tình thân ái. Bắt đầu với một sinh hoạt mà cả hai cùng thích. Dự một buổi nhạc hội hay đi coi một trận banh, hoặc chia nhau một món ăn.
Để có được khoảnh khắc “cùng chia sẻ sự đồng cảm”, hãy chọn một sinh hoạt nào đó mà cả hai cùng làm để đạt được mục tiêu chung. Chẳng hạn tham gia chung trong cùng một nhóm trong một trò chơi đố vui. Hoặc cùng nhau tình nguyện tham gia một chương trình làm việc thiện nguyện.
Và nếu tất cả những gợi ý trên đều thất bại, hãy thử một sinh hoạt nào đó khiến cả hai cùng cười. Ai lại không thích khi có người cùng chia sẻ với mình những tiếng cười sảng khoái? Và tiếng cười sảng khoái kích thích cơ thể tiết ra chất oxytocin, là một loại hormone tạo ra cảm giác hưng phấn.
Trở lại câu chuyện kể dang dở của bà Carla Madrigal. Sau khi người bạn đồng nghiệp trả lại cuốn sách cho bà, cả hai bắt đầu nói chuyện thường xuyên hơn – về những tác giả họ yêu thích, về sở thích chung là thích nuôi mèo, và sự hiểu biết của họ về công ty kỹ thuật nơi họ làm việc. Những câu chuyện họ trao đổi qua thời gian đã tạo cơ hội để liên kết tình cảm của hai người lại với nhau.
Ông Ben LeFebvre, nhà địa chất 75 tuổi, cho biết ông vẫn luôn thích bà Madrigal – theo lời ông thì “bà nhìn rất dễ thương” – và theo trí nhớ của ông thì ông có hỏi mượn tờ báo của bà chứ không tự tiện. Ông cũng cho biết nhờ quen được với bà đã giúp mở rộng thêm cánh cửa cuộc đời để ông được đón nhận lại niềm vui và ý nghĩa cuộc đời mà ông đã đánh mất từ nhiều năm trước.
Và bà Madrigal, một hoạ sĩ 78 tuổi, cho biết bà đã thay đổi quan điểm của bà về ông LeFebvre khi bà biết và hiểu con người ông hơn.
Nay, họ là đôi vợ chồng cưới nhau đã 28 năm và sống rất hạnh phúc.
Qua câu chuyện của họ, chúng ta học được bài học là tất cả mọi người đều có thể chung sống thuận hoà. Người ta chỉ cần bỏ chút thời gian để tìm hiểu lẫn nhau, và khi hiểu nhau rồi thì mọi hiểu lầm hay bất đồng đều có thể được giải quyết. Được vậy thì thế giới chúng ta đang sống đây sẽ biến thành một nơi chốn an bình, hạnh phúc. Mọi người sẽ là anh em của nhau, giống như câu ca dao: Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
Mong lắm thay!
Huy Lâm