Thiên tình sử Taj Mahal

Chu Nguyễn

Lăng Tẩm có tên là Taj Mahal ở Agra, Ấn độ vào năm 1983 được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) liệt vào hạng mục bảo tồn văn hóa truyền thống nhân loại và coi nó là “viên trân châu của nghệ thuật Hồi giáo ở Ấn độ và một trong những kiệt phẩm của di sản văn hóa thế giới được nhiều người ngưỡng mộ nhất” (“the jewel of Muslim art in India and one of the universally admired masterpieces of the world’s heritage”) và mới đây nó được xếp vào một trong bảy kỳ quan mới của thế giới ( one of the Seven Wonders of the World.)
Taj Mahal trở thành bất tử nhờ kiến trúc quy mô và mỹ lệ. Nhưng do đâu nó được xây dựng tới mức tận thiện tận mỹ này? Chính là nhờ tình yêu thắm thiết và chung thủy giữa một bậc đế vương và một hoàng hậu tuyệt sắc.
Nửa năm sau khi hoàng hậu từ giã cõi đời, thi hài của bà được mang từ Burhanpur về thành phố Agra, phía nam Delhi, nơi được coi như kinh đô của đế chế Mughal.

Tại Agra, cách hoàng cung chừng hơn một dặm, từ xưa vốn có một vườn ngự uyển bên cạnh một dòng sông nhỏ, nay được chọn để xây lăng tẩm cho hoàng hậu. Vào năm 1631, thi hài của hoàng hậu Mumtaz Mahal được quàn tạm tại một kiến trúc nhỏ tại hoa viên và lăng tẩm bắt đầu xây dựng thực thụ vào 1632. Trong hai mươi hai năm, không kể hàng trăm ngàn dân chúng lo việc chuyên chở, đã có tới 20000 công nhân chuyên kiến trúc từ Ấn độ, Ba Tư, Đế chế Otttoman và Âu châu được gọi tới góp phần xây dựng Taj Mahal.
Khu lăng tẩm trải dài 42 mẫu (17 hếc ta) và tốn phí cho công trình khoảng 32 triệu Rupees. Vị trí của lăng tẩm gần thủ phủ Agra, ở bờ tây nam của sông Yamuna. Nhiều tài liệu cho rằng kiến trúc sư Ustad Ahmad Lahori, gốc Ba tư là tác giả công trình này.
Tại sao có tên là Taj Mahal?
Cái tên gọi này có lẽ xuất hiện trong thế kỷ XVII và do cách gọi tắt tên hoàng hậu Mumtaz Mahal mà có. Cũng có sách cho rằng Taj Mahal chỉ có nghĩa là “Crown Palace” hay “hoàng cung” mà thôi .

Taj Mahal được các kiến trức sư trên toàn thế giới đánh giá rất cao và có người cho rằng khó có trúc nào trên hoàn vũ sánh kịp. Kiến trúc thuần bằng cẩm thạch trắng nên tạo cho nó màu sắc huy hoàng và biến đổi khó tả. Tùy theo lúc nào trong ngày, hình ảnh Taj Mahal lay động thực đẹp như thiên cung, nhất là lúc đêm trăng tròn hay có sương mù hoặc vào lúc bình minh hay hoàng hôn.
Tầng hầm được dành chứa linh cữu của hoàng hậu và sau này cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của quốc vương Shah Jahan.
Lăng tẩm được xây dựng với sự hòa hợp của nhiều nền kiến trúc đặc sắc khác nhau ở khu Nam và Trung Á trong các thế kỷ XVI và XVII nhưng lại phối hợp một cách kỳ diệu tạo thành một tập thể mỹ thuật thống nhất từ ngoài vào trong, từ đáy của lăng tẩm tới các tháp, các vòm cong, cho tới các loại hoa văn và các loại đá quý như đá mã não và thạch anh dùng để điểm tô cho công trình. Nơi đây còn là hình ảnh và phản ánh giáo lý Hồi giáo vào lúc thịnh thời.
Nó lại có bối cảnh là dòng sông và phụ cảnh là khu vườn rộng có những hồ nước phân cách, phản chiếu kiến trúc trong bóng nước và trên mây trời thực là không bút nào tả xiết.

Mở đầu là một chuyện tình đẹp như thơ

Vào năm 1607 tại Agra, phía bắc Ấn là nơi thống trị của một đế chế nổi tiếng, đế chế Mughal (the Mughal Empire) và do đại đế Jahangir (1569-1627) trị vì. Bên cạnh hoàng cung có Meena Bazaar, một nơi mua sắm của hoàng gia. Meena Bazaar chỉ dành riêng cho các vương phi, các phụ nữ quý tộc, các cung tần mỹ nữ trong thâm cung có cơ hội mua sắm những món đồ cần thiết và quý giá nhất, từ xiêm y, phấn son tới ngọc ngà châu báu. Nơi này cấm nam nhân lai vãng, ai bị bắt quả tang có thể bị trừng phạt rất nặng như chặt chân tay.
Tuy nhiên, trong một năm cũng có mấy dịp lễ hội, lúc đó Meena Bazaar mở cửa cho khách thập phương vào mua bán hay vui chơi.
Vào những ngày như thế thì mọi người, bất kể là thuộc hoàng gia, quý phái hay bình dân, nam hay nữ có thể tới đây. Đây cũng là dịp nam thanh nữ tú có cơ hội gặp gỡ. Các chàng có thể kín đáo chiêm ngưỡng chân dung giai nhân và ngỏ lòng bằng những vần thơ trữ tình hay những điệu đàn quyến rũ mà không hề bị trách phạt.

Các cô gái tới dự chợ phiên Meena ngày thường sống kín cổng cao tường, có thể là trong gấm vóc nơi lầu cao gác tía nhưng chẳng khác gì kẻ bị giam lỏng. Chỉ có dịp lễ hội, họ mới có thể tung tăng trong thế giới bên ngoài. Họ có thể trở thành những nàng bán hàng, các món hàng mỹ phẩm, đá quý, tơ lụa từ năm châu bốn biển đổ về và hy vọng nhờ đó tìm được người ưng ý.
Vì thế những ngày hội này là những dịp nô nức ngựa xe, tưng bừng náo nhiệt với biết bao cuộc vui kéo dài suốt ngày.
Trong dịp trăm họ vui chơi, Hoàng đế cũng có thể tới chợ phiên và hòa mình với thiên hạ chứ không tỏ ra mình là đấng chí tôn xa cách dân chúng như bình thường.

Vào một dịp lễ hội đặc biệt của Meena Bazaar vào năm 1607, cô gái bán tơ lụa và các hạt đá quý là một khuôn mặt mới. Nàng có tên là Arjumand Baru Begam. Arjumand là một cô gái chưa đầy đôi tám xuân xanh. Cho dù tấm dung nhan ngà ngọc được che bằng tấm mạng mỏng, cũng khó giấu được làn da trắng như tuyết, môi đỏ như son, hàm răng ngọc, nhất là đôi mắt trong như nước hồ thu nổi bật bên cạnh chiếc mũi xinh xắn được đóng khung trong khuôn mặt thanh tú với mái tóc huyền dày và mịn. Cô gái xinh đẹp này lại không phải là một phụ nữ bình thướng. Nàng là tiểu thư của Asaf Khan, vị tể tướng đương triều đầy uy quyền. Vương tôn công tử ai biết Arjumand là tiểu thư của tể tướng, dù cảm nhận nàng đẹp, ăn nói có duyên và tiếng cười như ngọc rơi trên mâm vàng, nhưng đành biết thân phận, đứng xa nhìn trộm chứ không dám ngỏ lời ong bướm. Cũng vì thế nên giai nhân đành đợi kẻ tài trai khí phách hơn đời.

Chàng hào hoa đầy khí phách này là hoàng tử đẹp trai Khurram (hay Qurram). Chàng là hoàng tử thứ năm của đức vua Jahangir, vị vua thứ tư trị vì đế chế Mughal.

Vào một ngày đẹp trời, vị hoàng tử mới 16 tuổi (sinh 1592) nhưng văn võ toàn tài này đã tới thăm Meena Bazaar. Tuy là con người thích nghệ thuật và am tường văn chương, âm nhạc và hội họa nhưng cũng là chàng trai có trái tim sắt, từng ngắm những cảnh tù nhân bị tra tấn trong thiên lao và cái chết của những kẻ bị thắt cổ trên giảo đài mà không hề chớp mắt.

Nhưng đúng là “anh hùng nan quá mỹ nhân quan” nghĩa là “người anh hùng khó qua nổi ải mỹ nhân”, Hoàng tử Khurram đã rơi vào lưới tình.
Chuyện kể lại sau cả buổi xênh xang áo mũ, dạo chơi các cửa hàng ở Meena Bazaar với đoàn tùy tùng tiền hô hậu ủng, hoàng tử trẻ đang lúc thất vọng khi chẳng tìm ra một dáng giai nhân nào vừa mắt, và vào lúc đã muốn quay lại cung điện thì bị tiếng sét ái tình. Chàng ngừng trước cửa hàng tơ lụa của tiểu thư Arjumand. Cho dù nhan sắc nàng không phô bày trọn vẹn trước cặp mắt quen với mỹ thuật của Khurram nhưng cái dáng thon thon, cái vẻ đẹp dù mới chỉ như hoa hàm tiếu cũng hứa hẹn khi xuân về sẽ mãn khai với tất cả vẻ rực rỡ của một loại hoa vương giả. Thế là chàng giả bộ mua hàng để nghe tiếng chim oanh hót trong hoa và ngửi hương thơm ngào ngạt từ cô gái quý tộc, đã duyên dáng lại lịch thiệp, đã yểu điệu lại đoan trang.

Trong giây lát Khurram như tê dại, nhìn nàng không chớp mắt. Rồi không nói một lờ, chàng rút từ tay áo ra mười ngàn rupees để mua một viên đá hiếm nhỏ bé không mấy giá trị. Sau đó chàng lẳng lặng quay về cung mang theo viên đá và trái tim nặng trĩu bởi hình ảnh giai nhân.
Vào ngày hôm sau, Khurram vốn dược phụ vương yêu quý vì thông minh tài trí và can đảm vô song, đã ngỏ tâm sự của mình với đức vua Jahangir. Đây là một việc làm khác thường vì ngày ấy nhân vật hoàng gia không mấy khi lấy vợ vì tình yêu không thôi mà phần đông vì lợi ích cho vương triều. Nhưng hoàng tử Khurram phá lệ muốn xin cưới tiểu thư Arjumand Banu. Bất ngờ nhà vua Jahangir nhớ lại chuyện riêng, ông cũng đã nặng lòng yêu thương vương phi Nur Jahan nên mới tuyển nàng vào cung. Thế là nhà vua gật đầu và mỉm cười.
Được biết, Arjumand trưởng thành trong phòng the kín cổng cao tường của tể tướng Asaf Khan vào năm 1593. Nàng được giáo dục rất thận trọng theo đạo Hồi, được nghiền ngẫm di thư của Đức Tiên Tri. Lớn lên nàng lại được thụ hưởng giáo dục của cha và nhất là chịu ảnh hưởng của người dì có tên là Nur Jahan, một vương phi được quốc vương sủng ái.
Một năm sau cuộc thỉnh cầu được chấp thuận, hoàng tử Khurram theo đúng xếp đặt của hoàng gia, đã lập gia đình nhưng không phải với Arjumand Banu Begam mà với Quandari Begam, một nàng công chúa Ba tư.

Vào thuở ấy, như đã nói hôn nhân của hoàng tộc thường đặt trên điều kiện chính trị và của cải hơn là tình yêu. Cuộc hôn nhân giữa hoàng tử Khurram với công chúa Ba tư cũng không ngoại lệ. Nhưng ngay cả ngày đón dâu, lòng chàng trai không để ở tân nhân sẽ cùng mình động phòng hoa chúc mà dõi theo người cũ, nàng Arjumand cách biệt mấy tầng cung điện, lâu đài. Chàng mong có ngày được cầm bàn tay nàng nhưng không phải chàng muốn là được. Nên nhớ vào thuở ấy, người ta tin vào các nhà chiêm tinh gia trong việc chọn ngày cưới hỏi. Các chiêm tinh gia cho rằng cuộc hôn nhân của Khurram và Arjumand chỉ bền vững và con đàn cháu đống nếu hoãn ngày cưới lại năm năm. Trong thời gian này theo tục lệ, hoàng tử có thể tha hồ mà tuyển thê thiếp hầu hạ. Nhưng dù có đủ mùi son phấn nơi khuê phòng, lòng chàng chỉ tưởng nhớ tới một hình bóng ở bên ngoài cung điện.

Năm năm trở thành thời gian thử thách cho cả hai. Họ không hề được phép nhìn nhau một lần nên những kẻ yêu nhau nôn nóng như “đứng đống lửa như ngồi đống than.”

Năm năm dài đằng đẵng vì “một ngày không thấy nhau đã dài bằng ba thu” rồi còn gì.
Nhưng rồi cuối cùng ngày vui cũng đến. Đó là ngày 27 tháng ba, 1612. Lúc này chàng trai đã trở thành một hiệp sĩ tài ba và anh tuấn, còn nàng đúng vào lúc hoa xuân nở viên mãn chờ cơn mưa móc.

Đám cưới được tổ chức linh đình theo tập tục hoàng gia và Hồi giáo. Toàn dân được chia sẻ niềm vui, được dịp mở hội hoa đăng và ăn mừng suốt tháng vì vua Jahangir là vị hoàng đế phóng khoáng, biết hưởng thụ, thích săn bắn, chuộng men nồng và nhan sắc giai nhân, còn lúc nhàn rỗi thì đức vua chỉ muốn xem cảnh hành hình tù nhân như nguồn vui khác lạ.
Nhà vua hứng chí vì kén được con dâu tài sắc nên đặc biệt tặng phong cho Arjumand cái tên Mumtaz Mahal hay “Người được hoàng cung kén chọn.”

Sau đám cưới hoàng tử Khurram ngày đêm ở bên cạnh Mumtaz Mahal. Nàng thực đẹp và mẫu mực đển nỗi các thi sĩ trong hoàng gia ca tụng nhan sắc của nàng bằng những so sánh tuyệt vời: khi nàng xuất hiện thì trăng mờ đi, sao phải ẩn sau mây vì thiếu vẻ sáng. Chẳng khác người đẹp trong Cung oán ngâm khúc của ta:
Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn,
Lửng lưng trời nhạn ngần ngơ sa,
Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây thi mất vía Hằng nga giật
mình!

Hơn nữa, Mumtaz Mahal lại cực kỳ thông minh và trí tuệ nên chẳng bao lâu trở thành cố vấn cho ông hoàng nhiều tham vọng.
Công nương Mumtaz Mahal là bậc khuynh quốc khuynh thành và lại cực kỳ thông minh và trí tuệ nên chẳng bao lâu, nàng trở thành cố vấn cho chàng trong nhiều mưu tính quan trọng về sự nghiệp.
Công nương tỏ ra giàu lòng nhân đạo, thường bố thì cho kẻ nghèo và không từ chối công việc từ thiện nào. Nàng lại khéo xã giao nên hoàng thân quốc thích, trong triều ngoài ngõ đều ngưỡng mộ và tán tụng.

Hoàng tử Khurram là một người tham vọng và thừa thủ đoạn. Mặc dù chỉ là một trong số năm người con của quốc vương Jahangir nhưng ông muốn nối ngôi cha. Lại nhờ được ngươi vợ “đắc nhân tâm” nên hoàng tử có nhiều hậu thuẫn và dù sử không ghi rõ nhưng truyền thuyết cho rằng Khurram đã lần lượt sát hại bốn anh em khác, để lên ngôi cửu ngũ sau khi quốc vương Jahangir qua đời.
Kể từ 04 tháng 02 năm 1628, Khurram trở thành quốc vương Shah Jahan của đế chế Mughal và Mumtaz Mahal trở thành hoàng hậu.
Trước khi làm vua, Khurran và Mumtaz Mahal đã sống 16 năm hạnh phúc chia sẻ khó khăn và hưởng thụ vinh hoa phú quý. Nàng đã sinh ông hoàng được 13 công chúa và hoàng tử.

Vào năm 1630 hoàng hậu hoài thai lần thứ 14.

Shah Jahan là ông vua giỏi hơn tiên vương, đã mở mang cương vực, phát triển kinh tế khiến trăm họ no ấm. Tuy nhiên, nhà vua lại hiếu chiến nên thường đánh đông dẹp bắc và trong các cuộc viễn chinh thường mang theo hoàng hậu vì tình nghĩa phu thê keo sơn gắn bó và cũng vì hoàng hậu là cố vấn của ông.

Năm 1630, vua Shah Jahan phải đối đầu với một kẻ thù lợi hại. Kẻ thù này là Khan Jahan Lodi, kẻ phản nghịch đã chiêu binh mãi mã và tạo được một binh đoàn hùng hậu uy hiếp vương triều.

Vào cuối xuân năm 1631, vua mang đại quân tới Burhanpur. Shah Jahan cho dựng trại ngoài thành và một hành cung nhỏ để cho hoàng hậu chờ giờ sinh nở. Trận chiến đang khốc liệt nhưng cũng là lúc Shah Jahan ngóng tin lâm bồn của hoàng hậu ở hành cung phía sau. Nhà vua lo lắng cho sức khỏe hoàng hậu nên bồn chồn không yên và đã gửi tới ba cận thần về thăm dò tin tức hoàng hậu. Có những tin tốt, như hoàng hậu đã sinh ra một bé gái khỏe mạnh và đang nghỉ ngơi nhưng cũng có tin xấu hoàng hậu mất sức vì băng huyết. Cho tới gần sáng nhà vua nhận được tin hoàng hậu lâm nguy nên từ mặt trận vội vã về hành cung để thăm hoàng hậu. Hoàng hậu khóc trong bàn tay quân vương và trối trăng những lời cuối cùng. Nàng chỉ có hai nguyện cầu mong quân vương hứa hẹn.

Shah Jahan ôm hoàng hậu trong tay và nhận lời và hỏi người yêu rằng ao ước những gì. Hoàng hậu cho biết vua phải hứa đừng sinh thêm con nữa dù lấy ai sau này mặc lòng, và niềm ao ước thứ hai là xin quân vương xây cho mình một lăng tẩm tráng lệ làm nơi an nghỉ cuối cùng. Nhà vua gạt nước mắt và nhận lời. Đêm đó hoàng hậu bình yên nhắm mắt ra đi.
Nhưng trong lòng quân vương, kẻ ở lại không thể tránh cơn dông bão:
Duyên trăm năm đứt đoạn,
Tình một thuở còn vương!
Cái chết của hoàng hậu trở thành một đòn đau đối với đức vua Shah Jahan. Nhà vua biến đổi hẳn, không còn tha thiết cuộc đời nữa kể cả quyền hành lẫn chinh chiến.
Nhà vua giam mình trong mật thất chín ngày đêm, không ăn uống. Đâu còn thói quen ăn cao lương mỹ vị, hưởng thụ ân ái với phi tần, mỹ nữ nữa. Vua cũng chẳng màng xem các cuộc vui hào hứng như đấu voi bên bờ sông. Tất cả hình như không còn sức thu hút đức vua nữa. Nguồn sống hình như đã cạn kiệt trong trái tim Shah Jahal. Cận thần chỉ nghe thấy tiếng rên rỉ xen lẫn tiếng thở dài từ trong phòng phát ra. Ai cũng lo lắng cho sức khỏe của đức vua vì chỉ sợ quân vương không chịu nổi sự mất mát to lớn nhất trong đời mình.

Ngày thứ 9 Shah Jahal xuất hiện như một người khác. Mái tóc đức vua đã trắng xóa, lưng còng đi, người như thu nhỏ lại. Nhưng nổi bật hơn cả là tính tình. Tính tình ông hoàn toàn đổi khác. Ông than đời đáng chán và muốn bỏ ngai vàng ra đi lưu lạc giang hồ.

Trong những ngày trở lại ngai vàng sau khi hoàng hậu qua đời, Shah Jahal đã ra lệnh cho toàn dân để tang hoàng hậu. Bản thân ông bỏ đồ gấm vóc và mang đồ trắng. Thế là quần thần, dân chúng bắt chước theo và từ thành thị đến thôn quê nơi nào cũng là màu tang. Không ai dám vi phạm lệnh của đức vua về tang lễ và không hẳn vì sợ hình phạt nặng nề mà vì yêu mến hoàng hậu nhân từ của họ.
Nhà vua chung thủy với người bạc mệnh cho tới khi băng hà vào năm 1666.

Chu Nguyễn

Xem thêm

Nhận báo giá qua email