“THỊT NỘI”, “THỊT NGOẠI”

SGCN
“Thịt ngoại” hay “thịt nhập” là cách nói đơn giản để chỉ các loại thịt có nguồn gốc nhập cảng từ nước ngoài, không phải “thịt nội”là thịt gia cầm, gia súc nuôi và giết mổ trong nước.
Giá súc nuôi trong nước không ít. Đồng cỏ trên cao nguyên dành cho các trang trại bò sữa bò thịt. Trước kia, người ta nuôi trâu bò bằng cách thả rông, tận dụng đồng cỏ quanh nhà mỗi năm mới bán được một lứa, nhưng nay, nông dân biết xây chuồng, vỗ béo nên một năm xuất chuồng hai lứa bò.
Thịt trâu và bò luôn gây nhiều bàn cãi. Người mua được hướng dẫn cách phân biệt hai loại thịt này. Đại khái thịt bò màu đỏ, mỡ vàng trong khi thịt trâu trông sậm hơn và mỡ trắng… Thịt bò được coi là có giá trị hơn nên các sạp thịt ưa để lẫn thịt trâu vào, thậm chí cả lợn sề nhuộm phẩm màu mà ngay cả các bà nội trợ hàng ngày đi chợ cũng khó phân biệt. Gần đây bỗng dưng người ta lại chuộng thịt trâu như một thứ đặc sản mới lạ khiến trâu không cần giả dạng bò nữa.
Thịt heo được ưa chuộng hơn hết vì dễ chế biến và dễ ăn. Trong chợ nhỏ có một sạp thịt bò thì phải đến sáu, bảy hàng thịt heo nằm rải rác từ đầu đến cuối chợ. Mặc dù ngành y tế khuyến cáo mọi người không nên ăn nhiều thịt đỏ nhưng thịt heo vẫn được tiêu thụ với số lượng lớn.
Bà Lan, nội trợ cho biết:
-Tết vừa qua, gia đình tôi có ba người đã ăn hết năm ký thịt heo!
Đó là chỉ tính riêng nồi thịt kho mấy bận để đó để gia đình và đãi khách cuốn rau sống bánh tráng. Ngoài ra còn thịt luộc, giò nấu măng, giò chả, thủ ngâm dấm… Món nào cũng cần đến thịt heo. Một lượng thịt khổng lồ được tiêu thụ trong dịp Tết. Xưa kia ngày thường ăn uống thanh đạm, chỉ đến lễ lạt mới có thịt thà. Mặc dù ngày nay bữa cơm ngày thường không thiếu thốn nhưng theo thói quen, vào ngày Tết, người ta vẫn ăn rất nhiều thịt.
Thực khách còn dần dần biết đến thịt dê nuôi ở Ninh Thuận, thịt đà điểu Tây Ninh, cá sấu miền Tây…Ngoài ra còn gia cầm. Các trang trại mở rộng nuôi gà tuy thỉnh thoảng vẫn khốn khổ vì dịch cúm gia cầm không kém dịch tai xanh của heo và lở mồm long móng của trâu bò. Mỗi lần cơn dịch nổi lên, người dân sợ hãi, và để yên tâm, tránh xa không dám ăn thịt một thời gian khiến ngành chăn nuôi lao đao. Vịt chạy đồng dần dần vào ao chuồng nuôi công nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu ăn thịt của con người thì nhảy lên bàn ăn còn nhiều món đặc biệt như lợn rừng thuần hóa thành lợn nhà, hươu nai nhờ bê giả dạng. Thịt heo biến thành thịt bò, đà điểu và cả nhím… Riêng con lợn ỉ lại được nhiều người ngoại quốc, nhất là người Mỹ không ăn thịt mà ưa chuộng nuôi như một loại thú cảnh, không ở bẩn chút nào mà rất sạch sẽ. VN nhiều sông hồ và bờ biển kéo dài nên tôm cá dồi dào mặc dù người sành ăn vẫn phân biệt con cá lóc tự nhiên thơm ngon hơn cá nuôi, ếch đồng thịt không bã như ếch công nghiệp…
Mặc dù trong nước khá đầy đủ nhưng VN vẫn chi hàng ngàn tỷ đồng để nhập cảng khá nhiều các loại thịt.
Trước kia thịt cá sấu và đà điểu được nhập cảng về cho số ít quán ăn đặc sản. Sau này trong nước có nuôi đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và còn xuất sang TQ. Dĩ nhiên như mọi hàng hóa bán sang đó theo dạng tiểu ngạch, thương lái khi thì đổ xô mua làm nông dân ào ào đào ao hối hả nuôi, khi ngưng ngang xương khiến cá sấu ế nhệ.Thậm chí tết vừa qua, thịt cá sấu và ngay cả nguyên con cá sấu sống nhăn được bày bán bên vệ đường Hà Nội. Nhiều người mua về nấu nướng vì cho rằng thịt cá sấu cũng ngon như bò mà giá tương đương thì tội gì không dùng thử loại thịt lạ này đổi món cỗ Tết.
Dân thành phố từ lâu chuộng bò Mỹ, bò Úc, trâu Ấn Độ bán trong siêu thị vì chất lượng hơn hẳn. Sau này chẳng những thịt bò nhập cảng từ Úc mà còn nhập nguyên con bò về VN mới đưa vào lò mổ cho tươi.
Bà Lan nói:
-Những loại thịt này mềm hơn bò VN vốn ăn dai nhách.
Từ các nhà hàng, trâu bò nhập khẩu dần đi vào bữa cơm gia đình người dân. Giá bò Mỹ, Úc khoảng ba trăm đến năm trăm ngàn một ký, bò VN hai trăm rưỡi. Thịt ngoại quốc chẳng những chất lượng cao hơn về vị giác mà trên cả, còn được tin tưởng về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm
Khuynh hướng của người giàu phải ăn uống những loại thực phẩm đắt tiền, nhập từ nước ngoài để chứng tỏ đẳng cấp. Báo cáo của Boston Consulting Group dự đoán năm 2012 VN có 12 triệu người giàu thì đến năm 2020 sẽ là 33 triệu. Với tâm lý của người Việt sính ngoại cứ hàng ngoại là tốt, hàng nội là xấu nên nhiều loại thịt gắn mác nước ngoài đẩy lên giá trên trời. Đơn cử loại thịt bò Kobe của Nhật. Thực chất con bò được massage, uống rượu sake và nghe nhạc giao hưởng này có giá ngàn đô và không sẵn để dễ mua. Thế nhưng vài hàng phở và quán ăn trung bình vẫn chưng ngang nhiên tấm bảng thịt bò Kobe và thực khách ngầm hiểu không phải Kobe thật đâu mà chỉ muốn ám chỉ thịt bò ngon lắm thôi.
Đó là thịt đi theo đường nhập cảng chính thức bán trong siêu thị hoặc qua công ty lớn chuyên cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng lớn hay hàng xách tay…dành cho giới trung lưu, thượng lưu. Còn có loại thịt nhập dành cho căng tin công nhân, quán ăn, quán nhậu bình dân vỉa hè…và do giá rẻ nên ùn ùn kéo vào nghiễm nhiên ngồi chễm chệ vào mâm cơm của đa số người dân.
Đó là gia súc, gia cầm thải, nội tạng hư thối được nhập lén lút vào VN hoặc nhập chính thức làm thức ăn trong chăn nuôi, phân bón… Từ đó, thịt trâu đông lạnh Ấn Độ tẩy màu để biến thành thịt bò. Gà thải Hàn quốc chứa đầy chất kháng sinhtới nỗi khó mà bán sống nên người ta đem ướp gia vị rồi quay giòn. Thiên hạ kìn kìn xếp hàng mua không xuể vì con gà thải sau khi đem quay, ăn giòn giòn dai dai đúng hợpkhẩu vị người Việt. Gà thải TQ cũng vậy, đáng lẽ chế biến thành thức ăn chăn nuôi với giá rẻ mạt hoặc các trang trại chi thêm tiền để tiêu hủy dùm thì nó được lén đưa vào VN để biến thành gà thịt giá cao. Nói chi các phụ phẩm như chân trâu bò, đồ lòng…đã bốc mùi nhập lậu từ TQ ngang nhiên tiến vào bàn nhậu của người Việt làm món ăn khoái khẩu.
Thịt bò cứ nghe nói nhập từ Úc, Canada tưởng quá tin cậy ai ngờ kiểm tramới hay lô hàngmười mấy tấn đã quá hạnhai năm. Nếu không phát giác kịp thời thì bán thẳng ra thị trường chứ đâu có mang thiêu hủy ngoài bãi rác. Hàng tấn thịt bẩn từ Brazil, Úc, Mỹ và Ấn chứa trong kho hàng quá hạn có trời mới biết là thực phẩm cho cá sấu như lời khai hayđẩy qua cho người. Thịt gà, đồ lòng TQ hằng ngày qua biên giới không hề có kiểm dịch. Thảo nào hay xảy ra các vụ ngộ độc tập thể hàng chục, hàng trăm người ở các bữa ăn công nghiệp tại xí nghiệp, trường học.
Hàng phế phẩm từ các nước cứ tuồn vào VN bán lẫn lộn chẳng ai phân biệt nổi vì đâu phải nằm ngoài chợ búa, vỉa hè mà đóng bao dán nhãn công ty này xí nghiệp nọ hợp pháp đàng hoàng ai dám nghi ngờ. Một số nhà hàng khi mới mở tuyên bố thịt gà, thịt bò lấy chính gốc từ Mỹ, từ Hàn. Nhưng như vậy vậy giá thành rất cao nên sau một thời gian, họ từ từ chuyển sang gà, bò VN nhưng tuyên bố nấu nướng theo “công nghệ” Mỹ hoặc Hàn…
Thịt nội sau thời gian dài quá tai tiếng bằng chất tạo nạc gây ung thư, thuốc kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích, thuốc an thần, lai tạo giống để đạt sản lượng cao nhất thì nay đang tìm cách trở về… nguồn bằng phương thức nông nghiệp hữu cơ.
Người Việt bắt đầu nhận thấy hiểm họa từ thịt bẩn cả “ngoại” lẫn “nội”. Bây giờ người dân không cần năng suất, bề ngoài láng đẹp mà cần truy tìm gốc gác nuôi trồng bằng thức ăn, phân bón từ thiên nhiên, không qua sản phẩm hóa học nào. Thế là hàng loạt cửa hàng, quầy hàng đặc biệt ra đời. Nào là gạo hữu cơ, rau green, sữa organic, gà đồi, dê núi…Chỉ có điều loại hàng cao cấp kén túi tiền ấy khó đáp ứng nhu cầu số đông.
Bà nội trợ nói:
-Phân biệt hàng sạch hàng bẩn quá dễ nhưng hàng sạch đắt gấp mấy hàng bình thường thì ai với tới.
Thế là một phong trào diễn ra ở thành phố khi người ta đua nhau trồng đủ các loại rau quả trên sân thượng và balcon nhỏ hẹp,nhằm chắc chắn thực phẩm nuốt vào bụng đều sạch. Ồ ạt rộ lên trồng cây trên đất hay trong nước, nuôi gà chuồng, cá hồ… Đổ vào đó rất nhiều tiền bạc và công sức nhưng rõ ràng nhà nước không thể khuyến cáo dân mở rộng phong trào tự cung tự cấp như thời bao cấp được, khi nhà nhà biến thành nơi trồng rau nuôi gà lem nhem. Heo mệt hơn khi nhớ thủa người ta từng một thời nuôi heo trong nhà tắm, phòng vệ sinh! Gà quê, gạo quê, thịt quê… là những thức quà thường xuyên được gửi lên thành phố cho người thân và bây giờ trở thành mặt hàng online quen thuộc lúc nào không biết.
Thịt nhập bị khui ra thịt bẩn khiến người tiêu dùng đâm e ngại. Để vượt đường xa, đi bằng tàu biển, máy bay vạn dặm dài ngày đến VN chắc là như hoa quả, cũng phải tẩm ướp vào đó bao nhiêu hóa chất để kềm thực phẩm lâu hỏng. Chẳng thà quay về hàng VN bảo đảm tươi tốt mổ khuya hôm nào mang ra chợ bán liền sáng hôm ấy. Đó là lý do thịt lậu vẫn tràn lan ở các chợ to nhỏ chứ đâu phải ai cũng thuận tiện vào siêu thị bất cứ lúc nào.
Vả lại hàng siêu thị chưa chắc sạch khi từng vỡ lở ra vụ một công ty chuyên vận chuyển rau sạch cho siêu thị. Công ty này thu mua rau bẩn của nông dân, đóng mác tên công ty của mình vào rồi giao siêu thị để ăn cao tiền chênh lệch.
Có điều muốn ta về ta tắm ao ta cũng không xong khi báo chí luôn đưa cảnh mổ gia súc dưới sàn nhà dơ dáy, rồi thịt heo bị tiêm thuốc an thần tạo màu đỏ thắm tươi dẻo, chất tạo nạc, bò ươn bôi hóa chất thành thịt tươi roi rói tới ruồi nhặng cũng tránh xa, tôm bơm rau câu cho nặng ký, cá ướp u rê để từ sáng tới chiều mang vẫn đỏ au…
Thật ra thịt VN cũng có chăn nuôi sạch, giết mổ sạch nhưng trong thế phải cạnh tranh với hàng WTO, TPP thì đành ngậm ngùi biến đâu mất và người VN vẫn loay hoay với thịt nội, thịt ngoại. Chẳng biết chọn ăn thứ nào hay là ăn thứ nào cũng vậy thôi!
SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email