Thời đại “Đem cha bỏ chợ!”

“Đem con bỏ chợ” hay “bỏ trước cổng chùa” là việc bình thường trong xã hội còn nghèo đói và lạc hậu khiến kẻ sinh thành không đủ khả năng nuôi dưỡng giọt máu của mình hoặc bị áp lực gia đình, xã hội vốn “trọng nam khinh nữ”, coi“tứ đức tam tòng” là khuôn vàng thước ngọc, tỏ ra vô cùng nghiêm khắc đối với nữ giới “khôn ba năm dại một giờ” và “cả nể cho nên sự dở dang!”
Bước sang thời đại mới, tới cuộc cách mạng 4.0, hiện tượng “đem cha bỏ chợ” dần dần trở thành sự thực đe dọa những mối dây thiêng liêng ràng buộc các phần tử gia đình…Nguyên nhân? Cũng vì hoàn cảnh “cái khó bó cái khôn,” bản năng ích kỷ trỗi dậy, khiến đôi ba kẻ làm con rơi vào bế tắc, đành đem cha mẹ già trở thành vô dụng và gánh nặng cho gia đình…giao cho xã hội trông nom nếu có thể!
Biện pháp trên xã hội ngày nay chấp nhận vì là giải pháp hữu lý, hợp pháp. Đạo đức cũng thông cảm.
Ngay từ thuở xa xưa, người già bước vào tuổi suy yếu thể chất, lẫn cẫn tinh thần, lại gặp con cái nghèo túng khó lòng chăm nom nên ở những nước từng có nền đạo lý nghiêm minh như Nhật bản, xưa cũng có tục lệ nhuốm chất huyền thoại là con cái cõng người già hoặc cha hoặc mẹ lên núi cao, hoang vu và bỏ đó để gửi lại tạo hóa cái mà tạo hóa đã sinh ra. Tục lệ xa xưa này tiếng Nhật gọi là Ubasute (姥捨て, “bỏ mẹ già”, cũng gọi là obasute hay oyasute 親捨て “bỏ cha mẹ”) ngày nay không còn nữa, vì có bàn tay xã hội nhúng vào, bảo vệ giới cao niên và sẵn sàng giúp đỡ lớp già yếu không nơi nương tựa.
Nhưng xã hội liệu có thể cưu mang, bảo vệ nổi tất cả các trường hợp bước qua giai đoạn “sinh” tiến dần vào thời kỳ lão-bệnh rồi tử hay không?
Câu chuyện một cụ bà 88 tuổi ở huyện Chợ gạo bị dâu, con đẻ đòn roi mới đây xảy ra ở Việt nam khiến nhiều người chau mày thở dài. Nhưng bi hài hơn cả là chuyện xảy ra ở Mỹ, nơi người già được coi như săn sóc chu đáo nhất, bảo vệ chặt chẽ nhất. Thế mà một cậu con trai đã tìm cách tống khứ ông già bị chứng Alzheimer ra khỏi nhà bằng một biện pháp tinh ma và bi hài khó tưởng tượng!
Câu chuyện xảy ra vào một buổi sáng tháng 11, 2015. Thời tiết còn lạnh lẽo thế mà người dân Anh gặp một lão niên ăn vận đàng hoàng, lang thang ngoài đường ở Hereford, cách London, 150 dặm về phía tây bắc. Cảnh sát ban đầu cho rằng chắc hẳn ông già này từ một viện dưỡng lão lọt ra và quên đường về nên lập tức hỏi han để dẫn nạn nhân về nơi an dưỡng.
Chỉ thấy cụ ông, tỏ ra đàng hoàng và hiền lành, nhưng bị chứng alzheimer nên chỉ ngồi ngẩn ra không rả lời rõ ràng. Gặng hỏi thì chỉ đáp “Roger Curry” bằng giọng Mỹ. Cảnh sát Anh bế tắc vì không hiểu nhân vật này là ai và Roger Curry có phải là cái tên một người hay không, dù họ đã tìm đủ cách, dù dùng cả biện pháp xét nghiệm DNA, dò hỏi các viện dưỡng lão và trích lục camera trong vùng tìm hình bóng khách lạ, nhưng vẫn không tìm ra tung tích con người không mời mà đến.
Thời gian trôi qua, cuối cùng cảnh sát nhờ báo, đài truyền hình giúp tìm nguồn gốc khách lạ và hình ảnh kẻ lạc đường được đưa lên internet. Nào ngờ, họ may mắn khi bức chân dung “lữ khách không nhà” lọt vào mắt một công dân Mỹ.

Roger Curry, bệnh nhân Alzheimer bị bỏ rơi nơi đất khách

Công dân này là một phụ nữ ở mãi Calfornia, sau khi xem hình ảnh lữ khách đã nhận ra quen quen với hình ảnh một bạn học cũ cũng có tên Roger Curry trong một tập kỷ yếu 1958 của trường Edmonds phía bắc Seattle. Dĩ nhiên hình ảnh cậu học sinh ngày ấy chỉ hao hao vời kẻ thất lạc ở Anh nhưng bà ta đã báo tin này cho cảnh sát Anh. Thì ra lữ khách bí mật có tên là Earl Roger Curry ở Whittier, Calif, có gia đình và hai con trường thành chứ không phải kẻ tứ cố vô thân.
Tại sao cụ ông Roger Curry lại lạc lõng ở Anh. Cuộc điều tra cho thấy, người con trai kẻ thất lạc, Kevin Curry và bà vợ Mary Curry, là “thủ phạm” gây ra vụ này. Có lẽ họ không tìm ra đường xoay xở nuôi dưỡng một kẻ cần săn sóc trọn ngày đêm với khoản chi phí không nhỏ, nơi ở lại chật chội, thu nhập quá ít ỏi mà gửi vào nhà già ở Mỹ thủ tục cũng không giản dị. Có lẽ nghĩ thế nên họ mang cụ Roger đi du lịch Âu châu và bỏ cụ tại Anh rồi rút về Mỹ. Hy vọng nước Anh thịnh vượng, chẳng hẹp lượng gì đưa thêm một người già vào một nhà già nào đó và nuôi dưỡng cụ cho tới hơi thở cuối cùng. Kế hoạch vừa khôn vừa ngoan đáo để!
Bi kịch trong chuyện này ở chỗ: Roger Curry từng làm trong không quân Mỹ và sau đó làm y tá tại một bệnh viện nên tiền hưu không nhỏ. Ấy là không kể các phụ cấp tiền già khác. Phải chăng cậu con trai trưởng nghĩ tới món lợi từ tiền hưu bổng của cha già và muốn độc chiếm nên tống ông cụ sang Ấu châu nên mới “đem cha bỏ chợ” ? Cuộc điều tra cho thấy bà Mary Curry bị Parkinson không đáng trách nhưng cậu con trai khỏe mạnh sao lại dùng mưu gian kế xảo như thế? Cũng may cuộc điều tra giúp hồi hương cho Roger Curry được thực hiện suôn sẻ và chính quyền California, giữ thể diện, đã đứng ra lo cho người công dân tốt của mình trở lại nơi chôn rau cắt rốn để chờ ngày mãn hạn làm người.
Thời đại duy vật, con cái nỡ lòng bỏ bê cha mẹ là điều khó hiểu và gây ưu tư cho kẻ quan tâm! Nếu có hoàn cảnh, thì nên cố gắng báo đáp công đức sinh thành về nhiều mặt căn bản. Nếu không đủ điều kiện, thì đừng quên tỏ ra thực tình săn sóc về tinh thần và lo lắng chu đáo về an sinh, vì giới cao niên cần được quan tâm, thông cảm và an ủi hơn là muốn hưởng cao lương mỹ vị…
Một câu chuyện thực vô cùng cảm động về lòng cha mẹ thương yêu con cái: Đôi vợ chồng trẻ Hampson ở Hamilton, sinh được một trai một gái nhưng hai bé này ngay thuở sơ sinh đã mắc bệnh hiểm nghèo và lần lượt phải thay gan cấp kỳ để bảo toàn mạng sống. Tìm đâu những lá gan thích hợp trong thời gian quá ngắn? Người mẹ, rồi người cha không hề ngần ngại nhường gan cho con bất chấp nguy hiểm đến bản thân. Lòng hy sinh như trời cao biển rộng của hai đấng sinh thành đã mang lại hạnh phúc tràn đầy cho gia đình Hampson
Khi đôi vợ chồng trẻ Lynn và Jason Hampson lần đầu tiên trông thấy có chút ánh vàng trong mắt của cậu con bốn tháng tuổi vào mùa đông 2008, họ không quan tâm nhiều. Cặp vợ chồng trẻ này cho rằng trẻ thơ khi đang phát triển đôi khi có dấu hiệu như chứng vàng da (jaundice) và trị liệu không mấy phức tạp có gì phải lo lắng. Nhưng màu vàng lan rộng. Vào cuối tuần toàn thân bé Logan có sắc vàng và bụng bé phình ra như chứa nước.
Thử máu cho thấy gan của Logan có vấn đề nhưng y bác sĩ trị liệu cho bé không hiểu tại sao bé lại bị chứng bệnh bí mật này. Bé lập tức được chuyển từ một bệnh viện ở Hamilton lên khu 6A của bệnh viện Nhi đồng (SickKids) ở Toronto. Lúc đó vợ chồng Hampson lần đầu mới biết khu này và bốn năm sau thì ra vào gần như ngôi nhà thứ hai của họ.
Trong khi bác sĩ điều trị dùng các xét nghiệm tối tân để định bệnh của Logan, thì người mẹ, Lynn, quanh quẩn tại bệnh viện trông coi con, còn người cha, Jason, tiếp tục làm việc tại công ty xe lửa “CN Rail” suốt ngày và chỉ đêm mới trở về nhà ngủ.
Sau khi trị liệu vài tuần, thử nghiệm lại cho thấy kết quả bình thường nên sau ba tuần Logan được cho về nhà. Cậu bé bình phục dần và căn bệnh hình như biến mất một cách bí mật chẳng khác lúc nó xuất hiện. Nỗi lo vơi đi và chìm vào dĩ vãng.
Một năm sau, vào tháng một, 2009, Logan lại có dấu hiệu không khỏe. Tuy bề ngoài như không có gì trầm trọng nhưng đứa bé hiếu động trước đây, thì lúc đó thường ngồi bất động mắt đảo quanh phòng. Dấu hiệu có thể coi đó là bình thường đối với người ngoài cuộc. Nhưng với người cha thì linh cảm thấy hồi còi báo động đã vang lên.Logan lại được đưa tới khu 6A của SickKids, bệnh tình lúc bớt lúc tăng. Vào tháng ba, bụng cậu bé phình to như chứa nước. Bác sĩ điều trị hết sức tìm hiểu bệnh căn. Cứ vài ngày một lần bé lại được thử nghiệm đủ thứ xem có triệu chứng gì lạ xuất hiện nơi cơ thể bệnh nhi hay không. Lynn ngoài việc săn sóc giấc ngủ và miếng ăn cho con trai, đã dành thì giờ còn lại lên Internet tìm hiểu bệnh tình của đứa con đầu lòng. Nỗi kinh hoàng trong tâm tư người mẹ tăng dần khi nhận được thông tin bệnh nhi có thể bị chứng di truyền Niemann-Pick và trẻ có thể chết ở tuổi lên ba.
Tuy nhiên y bác sĩ điều trị cho Logan không khẳng định căn bệnh và như Yaron Avitzur, một chuyên viên khoa vị-tràng-học (gastroenterology) của bệnh viện nhi đồng trong nhóm điều trị cho biết: “Đôi khi trong khoa bệnh nhi, chúng tôi gặp những căn bệnh chưa từng được mô tả đầy đủ.”
Nhưng cuối cùng tất cả đều nhận định căn bệnh bí mật xảy ra cho Logan rõ ràng là đáng lo ngại.
Rồi bệnh viện nhi báo cho cha mẹ Logan biết: “Cậu bé 18 tháng tuổi này cần phải thay gan gấp.”
Chương trình thay gan quy mô nhất Canada của bệnh viện nhi (SickKids) Toronto
Chương trình thay gan ở Bệnh viện nhi đồng Toronto được thành lập năm 1986, mỗi năm thay gan cho từ 12 tới 20 trường hợp. Thời gian chờ đợi để có gan thích hợp lấy từ một nhà hảo tâm tử vong kéo dài từ một tháng tới ba năm. Thế mà việc thay gan là tối cần và rất gấp khó lòng để cho cơ thể một trẻ gan hư phải mỏi mòn trong chờ đợi.
Nhưng không có bác sĩ nào giục cha mẹ hiến gan cho con dù biết mức thích hợp giữa gan của cha mẹ và con cái rất cao.
Việc thay gan không có nhiều nguy hiểm dù là một vụ đại phẫu thuật.
Ngay khi ý tưởng thay gan vừa lòe sáng, Lynn tình nguyện hiến gan cho con ngay. Người mẹ nghĩ rằng, mình đã đưa Logan vào cõi đời này thì bệnh tình của bé do chính mình chịu trách nhiệm. Bà cả quyết: “Tôi đã gây nguy cơ cho nó thì tôi có bổn phận chữa trị cho nó.”

Mẹ cho con trai lá gan để bảo vệ mạng sống

Hai tuần kế tiếp, Lynn phải trải qua nhiều lần xét nghiệm xem máu có hợp không, có đầy đủ sức khỏe và tinh thần để chịu cuộc giải phẫu không và lá gan của Lynn có hoàn toàn thích hợp với gan của Logan và việc chia đôi nó, mẹ một phần, con một phần, có gây tổn hại cho người mẹ hay không.
Kết quả xét nghiệm tất cả đều tốt và bác sĩ cho phép thực hiện. Đêm trước khi phẫu thuật Lynn trằn trọc trong căn phòng nhỏ ở 6A bên cạnh bé Logan giãy giụa. Vào lúc ba giờ sáng Lynn cho con lên xe đẩy quanh tới phòng giải trí của trẻ cho tới lúc mặt trời ửng hồng trên kính cửa sổ. Rồi Lynn trao con cho y tá và lẳng lặng qua đường tới bệnh viện Toronto General Hospital và bình tĩnh lên bàn mổ cho dù trong tâm nỗi lo lắng nhất quy vào một chữ Logan.
Tại đây nhóm phẫu thuật đã cắt một lá gan của người mẹ, gói ghém trong một dung dịch và mang sang bệnh viện nhi. Tại đó một nhóm chuyên viên phẫu thuật khác trên bản mổ đã lấy gan hư của bé thơ và thay bằng gan lành mạnh của người mẹ.
Trong phòng đợi, kẻ hồi hộp nhất là Jason. Jason cố xua đuổi ám ảnh là anh có thể mất cùng một lúc hai kẻ anh yêu dấu nhất đời là Lynn và Logan.
Một tuần sau khi Logan có một lá gan mới và một cuộc đời mới, bé thơ mỗi ngày biểu hiện sinh lực thêm dồi dào. Lynn cũng dần hồi phục sau lần mổ. Gia đình sum họp trong tiếng cười, không khí ấm cúng và ánh mắt hân hoan.
Có điều làm cho giới y học đau đầu là dù Logan đã bình phục nhưng căn bệnh bí mật vẫn không ai tìm ra nguyên nhân phát bệnh và bệnh viện Nhi đồng Toronto đã gửi mẫu máu của bệnh nhi tới các trung tâm y học hàng đầu trên thế giới để cùng tìm hiểu nhưng kết quả vẫn mù mờ.. Sau hàng chục xét nghiệm, yếu tố di truyền của căn bệnh bị loại trừ. Vài tháng sau vợ chồng trẻ hỏi giới chuyên môn về sản khoa rằng họ có nên có đứa con thứ hai hay không, thì tất cả đều trả lời “yên chí lớn!”
Đến lần Alyson Hampson…
Vào ngày 25 tháng năm, 2011, Alyson Hampson cất tiếng khóc chào đời. Alyson một bé thơ có mắt to xanh và tóc vàng hoe trông chẳng khác một con búp-bê ngộ nghĩnh. Mặc dầu ra đời hơi sớm một chút nhưng sức khỏe của cô bé hoàn hảo. Tuy nhiên trong đầu người cha, Jason vẫn bị ám ảnh bởi chuyện cũ.
Vào tháng 11, khi bé mới được sáu tháng, một lần Alyson hơi bị sốt, Lynn và Jason đưa con tới bệnh viện ở Hamilton và y bác sĩ tại đây cho biết đường hồ hấp bé bị nhiễm siêu vi. Có gì lo đâu! Đó là một chứng bệnh thường gặp ở trẻ thơ nhất là cuối tuần cơn sốt giảm hẳn. Trong lúc gia đình đang chuẩn bị về nhà, Jason nhìn vào mắt bé gái. Một dấu hiệu kinh hoàng nhất đập vào mắt người cha vì có một chút màu vàng xuất hiện.
Lynn không tin. Họ bật hết đèn trong phòng đồng thời mở tung màn cửa để ánh dương quang tràn vào để nhìn cho rõ đôi mắt mở to của Alyson. Thực không hay chỉ ảo giác?
Rõ ràng là dấu hiệu đáng ngại và bác sĩ bắt tay vào việc chẩn đoán. Xét nghiệm gan của Alyson có kết quả như sau: enzymes trong gan tăng cao và cao hơn nữa lúc ban ngày, đó là một dấu hiệu thường thấy ở bệnh gan. Sự thực phũ phàng đã xuất hiện. Căn bệnh kỳ lạ trước đây tấn công Logan bây giờ lại nhắm vào em gái của bé là Alyson.
Bệnh tình của Alyson chẳng khác căn bệnh trước đây của Logan nhưng ở dạng nặng hơn. Nội trong ba ngày Alyson đã làm đủ xét nghiệm trước đây Logan đã phải làm.Trong khi sức khỏe của người anh mỗi lúc một cải thiện thì kiện khang của cô em càng lúc càng tệ hại. Vào ngày 12 tháng 12, các bác sĩ điều trị cho cô bé, cho gia đình biết một tin mà họ đã dự đoán từ trước rằng Alyson cũng như Logan cần thay gan gấp.
Giờ đây vai trò của cha mẹ đảo ngược. Một người chỉ có thể cho gan một lần mà thôi. Jason không ngần ngại xin nhường nửa buồng gan cho con.

Cha cho con gái lá gan để tiếp tục cuộc đời

Đến lượt Jason phải trải cho những cuộc xét nghiệm xem có đủ điểu kiện sức khỏe, máu, gan để cho con hay không. Họ phải hành động nhanh vì sắc vàng ở Alyson từ con mắt đã lan ra toàn thân. Bé không chịu ăn và phải dùng ống đưa thực phẩm thông qua thực quản xuống dạ dầy, và phải truyền máu. Tấm thân nhỏ bé của bé giờ đây chỉ còn thấy cái bụng chương phình. Jason tội nghiệp con vì trông bụng con chẳng khác đã nuốt trọn một trái dưa hấu.
Vào cuối tháng 12, trong khi người ta chuẩn bị cho việc giải phẫu, các bác sĩ biết rằng tính mạng cô bé khó kéo dài nếu không thay gan gấp. Bé thơ quá nhỏ, cha mẹ mới chỉ nghe tiếng cười của con vài lần và trong tương lai gần có thể không bao giờ còn được nghe lại âm thanh thân thương ấy nữa..
Tháng mười hai dần dần trôi qua như một cơn ác mộng. Trong khi Alyson và Lynn ở 6A, Logan và Jason chuyển sang ở khu Ronald McDonald ở bên cạnh, một nơi tạm trú cho người có thân nhân phải trị liệu chứng bệnh nặng.
Tai họa lại xảy ra. Hai ngày trước Lễ Giáng sinh, Jason bị nhiễm virus Norwalk nên không thể thực hiện được việc giải phẫu vì y bác sĩ phải cách ly anh để chờ lúc anh ta bình phục mới thực hiện phẫu thuật. Nếu Jason sức khỏe không đủ hay gan của anh có vấn đề thì cơ may tìm ra người hiến gan khác rất mong manh. Anh nằm trên giường và khắc khoải từng ngày trong khi biết rằng con gái mình đang chờ chết.
Vào 26 tháng 12, Jason đã bình phục và tới bệnh viện, nơi đây họ cùng nhau đón một Giáng sinh muộn màng và đầy lo âu
Jason nhớ lại được đẩy tới phòng phẫu thuật và đưa lên bàn mổ và rồi anh bất tỉnh. Đến lúc tỉnh dậy thì ý tưởng đầu tiên xuất hiện trong đầu anh: Bé Alyson ra sao rồi? Nó khỏe chưa?
Hai tuần sau, vào ngày 9 tháng hai, Alyson được đưa ra khỏi khu săn sóc đặc biệt ICU (Intensive-Care Unit) và trở lại khu 6A. Sau lần giải phẫu, bé cũng có chút rắc rối về phổi nhưng không sao. Tại đây, trong khu quen thuộc, Lynn cuối cùng đã nghe lại tiếng cười khúc khích khe khẽ của con gái.
Các bác sĩ tại bệnh viên nhi đồng đã thực hiện rất nhiều cuộc thay tạng phủ cho bệnh nhi nhưng chưa bao giờ gặp một trường hợp đặc biệt như trường hợp gia đình Hampson, vì độc đáo ở chỗ cả hai cha mẹ đều tình nguyện hiến gan cho con và đều thành công trong việc hai lần cho con cái mạng sống.
Bs. Yaron Avitzur nhận xét: “Có nguy cơ và thử thách cho người cho. Thường người hiến không có quyết định ngay. Thế mà ông bà Hampson không hề ngần ngại làm việc này thực là đáng phục.”
Giờ đây Alyson đã bò được và chập chững muốn đi. Còn Logan thì bô bố suốt ngày và thấy khách lạ thường vén áo cho người ta xem vết sẹo ở bụng và khoe: “Gan của mẹ cho đấy!”
Chu Nguyễn
(Theo Reader’s Digest
số tháng 12, 2012)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email