Thớt me

Tôi thấy người đàn ông đó qua đường đã gần một tháng rồi. Trời giông mưa gì anh cũng chạy xe, chở đằng sau chiếc giỏ đan bằng sắt đựng nhiều tấm thớt nặng nề. Muốn mua cũng khó mà gọi kịp.

Lần này tôi đón đầu, gọi lớn:

– Thớt, thớt dừng lại đi.

Anh chàng ngả người ra phía sau vừa hãm xe lại, bước xuống dựng chiếc xe gắn máy cũ kỹ lên và hỏi:

– Bác mua thớt phải không?

Anh ta cười cười mời khách nhưng gương mặt lộ vẻ mệt mỏi.

Ngày trước có nhiều loại thớt thuộc về danh mộc thật chắc và bền như cây sao, cây dầu, cây mít… Các tiệm ăn Tàu xài thớt tốt. Mỗi cái thớt để chặt thịt là cả một khúc cây đồ sộ dày cả thước người ôm không xuể. Người chủ tiệm phải đứng trên bục cao giơ cây dao bén ngót ra chặt vịt quay, gà quay. Họ múa dao nhanh và đều để cắt xá xíu đỏ au thơm mùi ngũ vị hương hoặc phát ra âm thanh ròn rã khi xắt miếng bì của heo quay. Nhất là vào lúc gần Tết, các tiệm vịt heo quay ở Chợ Lớn, Chợ Cũ khua dao ầm ĩ, người đứng coi hay mua thịt cứ trông họ vừa chặt miếng thịt ngọt sớt, vừa liếc dao vào cây dùi sắt nghe rờn rợn và hấp dẫn người mua dữ lắm.

Bây giờ, các sạp thịt ngoài chợ vẫn phải dùng những tấm thớt gỗ dày cả gang tay, chứ không thể chặt xương, chặt thịt bằng thớt nhựa được, sẽ bị “tưng”. Các loại thớt mỏng chỉ dùng cho gia đình thôi.

Tuy nhiên thớt mắc tiền bây giờ, ít ai xài. Họ chỉ dùng các loại thớt cây rẻ tiền vài ba trăm ngàn để chặt thịt trong các quán bán heo quay, cơm gà quay. Hà tiện hơn thì dùng thớt mỏng không quá một trăm ngàn. 

Lâu nay ít thấy ai bán thớt gỗ cả. Có lẽ giá cây cối lóng rày thật mắc. Người ta có đốn cây là để bán cho tiệm xẻ thành gỗ, nhất là gỗ quý chế tạo ra các hàng cao cấp như tượng, bàn ghế… Với lại bây giờ bà nội trợ có nhiều chọn lựa khi ngoài chợ xuất hiện thớt bằng nhựa, thủy tinh hay gỗ ép… mặc dù những loại thớt này tuy nhẹ nhưng dùng lâu dễ bị thâm mặt và bị cho là độc hại hơn thớt gỗ.

Tôi ngắm chồng thớt xếp ngay ngắn ttong chiếc giỏ sắt to và hỏi:

– Anh bán bao nhiêu một cái thớt. Loại gỗ gì đó?

Anh bán thớt chỉ tay vào giỏ sắt, nói:

– Thớt có loại mỏng loại dầy. Tấm nhỏ bảy chục ngàn, tấm dầy tám mươi đến hơn một trăm ngàn. Thớt me bác chắc biết là xài bền chắc hơn các loại thớt khác rất nhiều. Bác cầm thử. Đúng thớt me này nặng lắm.

Rồi anh cầm tấm thớt tròn hơi mỏng và rộng bằng nửa cái sàng gạo chừng ba tấc bề ngang đưa cho tôi. Tôi ngắm tấm thớt bằng cái mặt đàn kìm mà ông thầy tôi gọi là đàn nguyệt. Gỗ thoạt tiên được mang sấy cho hết nhựa, xẻ miếng, phơi nắng cho khỏi mốc rồi mới bào gọt.Nó tròn và được bào láng trơn tru còn thơm mùi gỗ mới. Cái thớt me tròn dẹp, anh ta còn cẩn thận chừa lại một ít vỏ sần sủi khi bào láng chung quanh, thậm chí còn gắn vào đấy một cuống lá xanh tươi để người ta trông thấy biết ngay là thớt me thật.

Tôi xem kỹ chiếc thớt:

– Phải chi anh phơi cho khô hẳn rồi hãy xẻ thì tốt hơn, chứ thớt này còn tươi nên nặng quá, khó cầm. Dường như khúc cây này bị sâu ở giữa hay sao mà nó bị tét một chút, ruột lại đen sì. 

Anh ta nói

– Bị tét một chút thôi mới có giá đó. Không hề chi đâu. Mỗi tấm thớt này xài cho đến năm sau cũng còn tốt.

Tôi cười nói:

– Giờ này là gần giữa năm Sửu, xài tới năm Dần hay năm Mão thì anh quay lại để đổi tấm khác cho tôi.

Anh vui vẻ trả lời:

– Bác nói chơi chớ xài hoài cũng không hao mòn bao nhiêu, ngoại trừ bác muốn bửa nó ra để làm củi thì thôi.

Tôi gặng: 

– Có thật chắc không?

Anh ta dặn:

– Bác để vài ngày rồi hãy xài. Khi thớt khô hẳn, bác lấy cái muỗng lớn gõ thử vào mặt coi. Nó kêu tiếng thanh trong vắt, chứ không đục như cây gỗ mít làm tượng đâu. Thớt me tốt lắm vì để chặt thịt, làm cá, làm heo… không ra dăm nhiều như thớt khác.

Đúng vậy, thớt gỗ thiên nhiên thường được coi là tốt hơn các loại nguyên liệu nhân tạo. Thế nhưng gỗ tốt thì thớt mới tốt. Đâu phải cứ gỗ nào cũng làm thớt được mà phải vừa chắc vừa dẻo. Bằng không khi băm chặt, gỗ rất dễ ra dăm, ra mùn tạo cảm giác không sạch sẽ. 

Miền Bắc thích thớt gỗ xoan đào, gỗ nghiến lâu năm rất bền. Miền Nam chuộng thớt me vì gỗ rất dai và chắc, “bần dòn, ổi dẻo, me dai”. Thứ đến mới là gỗ xà cừ, gỗ cao su đều không sợ bị co. Dân miền Nam xuất cảnh hoặc Việt kiều về thăm nhà khi đi, thế nào trong hành lý mang theo không thể thiếu cái thớt me quen thuộc. 

Tôi nói:

– Thớt me có kỵ thịt gì không, dường như nó đại kỵ rắn hổ. Ông bà mình xưa không ai chặt thịt rắn trên thớt me cả. Sợ kỵ mà chết đó.

– Điều này tôi không biết nhưng nếu người ta đã kiêng vậy thì mình cũng đừng dùng nó chặt thịt rắn cho chắc ăn.

Tôi gật đầu:

– Anh bán bao nhiêu

– Bác cho chín mươi lăm ngàn thôi. Cái thớt này cũng lớn đó bác.

Bán được hàng nên anh ta tỏ vẻ vui chuyện:

– Vợ tôi cũng theo nghề bán thớt me ở Bình Dương, ở chợ Thủ nữa đó bác.

Tôi ngạc nhiên:

– Vậy cả hai đều làm nghề bán thớt mà sống được sao.

Anh ta ờ một tiếng rồi nói:

– Đâu phải. Tại nhà tôi mới đốn cây me nên xẻ gỗ ra mà bán thớt chứ trước đây vợ tôi đi bán bún chả giò, tôi làm công nhân cho các trại nuôi heo ở Thủ Đức.

Tôi tò mò:

– Nhưng tại sao đốn cây me đi. Hay là anh có quen với người ở công ty cây xanh. Vừa rồi ở thành phố có giông to gió lớn như bão tố, nhiều nhánh cây bị ngã đổ nên nhân thể người ta đốn luôn. Cành làm củi, thân cưa làm thớt bán.

Anh ta đính chính ngay:

– Không đâu, các loại cây đổ đó, hễ mé nhánh nhỏ, người ta mới làm củi còn khúc to cả thân lớn thì bán cả cho các xưởng mộc xẻ gỗ bán. Cây me nầy của tôi nguyên không phải cố ý đốn để xẻ thớt đâu.

Tôi hỏi:

– Lạ không? Vậy thì sao có thớt!

Anh ta bảo

– Me phải dễ có đâu. Vốn tôi mua nhà ở xã Ngũ Châu, trước nhà bên cạnh rào thuộc đất của tôi có sẵn cây me lớn rồi. Sáng nào bọn con nít cũng tụ tập lại để chọi trái me rớt xuống mà ăn. Bà chủ nhà bên cạnh muốn mua cây me của tôi lắm. Bà có đứa con thất nghiệp, suốt ngày nhậu nhẹt hết tiền lại trộm đồ đạc của hàng xóm đem bán để uống rượu. Anh ta ngứa tay ngứa chân bảo cây me mọc choán đường đi nên phải chặt bỏ. Anh ta kiếm chuyện gây gổ hoài khi thì nhánh me che ngang đường lúc thì tàng cây me che hết nắng qua nhà anh ta rồi lại đòi tôi bán cây me. Tất nhiên là bán như cho không nên tôi từ chối.

Tôi tiếc cây me lớn không chặt, cứ để đó. Nhưng tình cảnh gia đình bắt buộc tôi phải gọi người ở trại mộc Thủ Đức lên đốn cây, bán cái thân đến gốc cho ông ta được mười mấy triệu đóng tiền cho thằng con tôi đang học. Nó đòi mua cái máy vi tính. Thời này đám thanh niên đi học đứa nào cũng cần một cái cả, không mua cho nó thì cũng khổ nên tiền bán cây me dành mua một cái máy cho nó. Dư lại khúc nào được thì xẻ thành thớt đem bán. Kiếm cả tiền củi và thớt cũng được vài triệu nữa để con nó đóng học phí. Vì thế mà hai vợ chồng tôi đi bán củi và thớt me đó bác.

Tôi bật phì cười. Tất cả những người bán hàng đều quảng cáo như đinh đóng cột thớt làm từ một cây me nào đó do chính họ đốn, chứ không bao giờ lấy mối đâu đó. Dù có bán hàng hết năm này sang năm khác, vẫn không bao giờ hết được những cây me đặc biệt của riêng họ. Thậm chí như anh chàng này, còn có cả một câu chuyện đời dông dài về đám thớt me nữa chứ. 

Thật ra thời nay cách quảng cáo như vậy cũng chẳng thừa vì hàm ý đây là hàng “sạch”, có nguồn gốc rõ ràng chứ không phải hàng làm dối trá từ gỗ đầu thừa đuôi thẹo, hóa chất tạo màu, tạo chất bóng. Dùng vài lần, phai màu, phai bóng lộ rõ mặt gỗ xấu xám xịt hoặc thớt xuất xứ Trung quốc. 

Mấy người phụ nữ đi chợ về cũng ghé xem. Họ lựa tấm này, lấy tấm nọ. Lúc thì chê bào không láng lúc thì bảo mỏng quá. Có người nhao nhao nói bà con lúc nào cũng phải lo việc chợ búa dao thớt bếp núc cho tinh tươm thì gia đạo mới tốt đẹp. Nay có anh bán thớt me đến đây dễ mua, khỏi phải khệ nệ mang cái thớt nặng từ chợ về mỏi rã cả tay chân.

Anh bán thớt hào hứng rao lớn:

– Bà con lựa đi. Thớt mỏng giá mỏng, thớt dầy thì giá dầy. 

Một bà xem xét cẩn thận mấy tấm thớt:

– Có dễ bị nứt không đấy?

– Thớt me là số một mà, xài cả năm không hề nứt hay hao mòn gì hết.

Thớt Thái lan từng tung hoành vì vẻ ngoài đẹp đẽ nhưng khi dùng, mới bộc lộ nhược điểm là mỏng, dễ nứt. Vì thế sau một thời gian, thớt gỗ VN chẳng những dần dần quay lại thị trường mà còn xuất khẩu ra ngoại quốc. Nhờ vậy làng thớt gỗ Lái Thiêu đang hồi sinh và thớt gỗ lại thấy có mặt khắp ngõ hẻm phố nhà.

Duy Thức

Xem thêm

Nhận báo giá qua email