Thú đọc báo xuân của người Sài Gòn xưa

Người Sài Gòn thích báo xuân với nội dung giải trí nhẹ nhàng, mở mang kiến thức, học hỏi văn hóa bốn phương ngay từ những năm 1930 – 1940 và nói chung là những thập niên giữa thế kỷ 20 thì tại Sài Gòn đã có những tờ báo xuân rất nổi bật in ấn công phu, lộng lẫy…

Món ăn tinh thần không thể thiếu

Sài Gòn xưa tuy không là trung tâm của văn hóa, văn học nước ta nhưng lại chính là nơi xuất hiện sớm nhất của báo chí Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu sau khi người Pháp xâm chiếm và đô hộ nước ta thì Sài Gòn đã trở thành nơi xuất hiện những tờ báo (mà dân miền Nam quen gọi là nhật trình).
Xin kể sơ lược lại tờ báo đầu tiên là Gia Định báo ra đời từ ngày 01/04/1865 đặt dưới sự điều hành của một người Pháp tên là Ernest Potteaox rồi sau đó từ năm 1869 chuyển giao về cho ông Trương Vĩnh Ký, một học giả danh tiếng người Sài Gòn.

Tờ báo Việt Ngữ tiếp theo là Phan Yên báo do ông Diệp Văn Cương chủ biên. Tờ thứ ba là tờ Nông Cổ Mín Đàm ra đời năm 1901 do Lương Khắc Ninh chủ biên với sự cộng tác của các nhà báo của Sài Gòn thời bấy giờ là Gilpert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sách, Nguyễn Viên Kiều, Nguyễn Đông Trụ, Lê Văn Trung, Nguyễn Thành Phương… đặc biệt là ba tờ báo chuyên đề phụ nữ đầu tiên đó là tờ Nữ Giới Chung của bà Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tờ phụ nữ Tân Văn của Nguyễn Đức Nhuận, tờ Tân Khuê Phòng của Lê Thành Tường ra đời năm 1934.

Đó là những tờ báo xuất hiện sớm nhất ở Sài Gòn và ngay từ thời ấy những người chủ biên đã có ý thực hiện những đặc san chuyên đề về mùa xuân, gọi là báo xuân mang đặc trưng của báo Việt Nam, khác với cách làm báo của phương Tây thời ấy.

Bởi vậy ta có thể nói rằng làm báo xuân theo kiểu người Việt Nam thì tiêu biểu là báo xuân của người Sài Gòn. Vậy báo xuân của thời ấy (tức từ những thập niên 1930, 1940, 1950 và về sau nữa) gần như nhất quán trong đường lối, chủ trương của báo Việt ngữ tại Việt Nam và đặc biệt là Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.

Từ đó có riêng một phong cách làm báo và đọc báo của người Sài Gòn, cho nên nếu so sánh giữa báo xuân của Sài Gòn và các nơi khác ở Trung và Bắc Việt Nam thì thấy rõ nét đặc trưng của Sài Gòn không lẫn vào đâu được…

Nét đặc trưng của báo xuân của người Sài Gòn là gì?
Gồm những nét đặc trưng, tiêu biểu từ xa xưa mà cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại: Người Sài Gòn thích báo xuân với nội dung giải trí nhẹ nhàng, mở mang kiến thức, học hỏi văn hóa bốn phương trong ngay từ những năm 1930 – 1940 và nói chung là những thập niên giữa thế kỷ 20 thì tại Sài Gòn đã có những tờ báo xuân nổi bật in ấn công phu, lộng lẫy của những tờ báo tiêu biểu như Thành Chung, Tiếng Dội, Tin Điển, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, v.v… tổng cộng có lúc xuất hiện trên sạp báo khoảng hai mươi – ba mươi tờ báo xuân.

Ngay từ thời ấy những người chưa rõ lắm về phong cách báo xuân của Sài Gòn đã thắc mắc tự hỏi tại sao người Sài Gòn thích đọc quá nhiều báo xuân như vầy chỉ trong mấy ngày tết? Giải thích về điều này thì ta chỉ cần nghe một công chức hạng trung nói: Người Sài Gòn có thể được tiếng là những người thích đọc báo nhất trong cả nước. Họ đọc báo ngày (tức nhật trình) và cả các loại tạp chí, tuần báo và đọc rất nhiều nhưng vẫn không muốn bỏ sót những số báo đặc biệt gọi là báo xuân, dẫu rằng những ấn phẩm đặc biệt ấy có giá bán gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp bảy lần giá báo thường ngày, bởi một lẽ đơn giản là người Sài Gòn tin vào các báo và xem báo chí như là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Một công chức hạng trung hay hạng thấp nhất có thể, lương ba cọc ba đồng không dư giả nhưng thiếu cái gì thì được mà thiếu tờ báo hàng ngày thì nhất định không. Đặc biệt là báo xuân đối với họ, bên cạnh việc ăn uống, nhậu nhẹt và giải trí vui chơi khác thì đọc báo xuân là một cái thú rất hay và được duy trì từ đời này qua đời khác.

Hình thức của báo xuân vào những thập niên giữa thế kỷ 20 gây ấn tượng mạnh và độc đáo với những ảnh bìa thường là hình vẽ, thể hiện lại những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt tiêu biểu nhất và thường xuyên nhất là hình ảnh vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào những ngày đầu xuân.
Nếu có điều kiện thống kê lại thì từ 1930 cho đến 1960 ta có thể thấy rõ là hình ảnh chiến thắng của Quang Trung Nguyễn Huệ chiếm đa số trong ảnh bìa báo xuân, sau đó mới tới cảnh đẹp của đất nước. Còn ảnh bìa phụ nữ đẹp thì xuất hiện nhiều nhất vào thập niên bảy mươi trở về sau này.

Trên các trang báo xuân không thể thiếu những giai thoại về phong tục, tập quán, đặc biệt là giai thoại liên quan tới từng năm mà tờ báo xuân tiêu biểu cho năm ấy. Thí dụ như năm Ngọ thì dứt khoát trong nội dung báo xuân phải có những giai thoại về con ngựa và hầu như trong mười hai con giáp thì chưa có con nào mà báo xuân của người Sài Gòn không đề cập đến…

Báo chí Sài Gòn ngày xưa làm báo xuân như thế, cho nên được độc giả càng ngày càng thích thú. Có lẽ do cái truyền thống ấy, tức nội dung báo xuân lúc nào cũng có bài đề cao phong tục, tập quán của dân ta, những truyện vui, truyện giải trí khắp năm châu bốn biển nhất thiết không thể thiếu những giai thoại ngày tết kiểu như hai giai thoại vừa kể trên. Ngày nay nhìn những tờ báo xuân lộng lẫy với phương tiện in ấn tân kỳ, cùng những bài vở càng ngày càng đặc sắc và người đọc bây giờ có khác hơn ngày xưa nhưng tôi nghĩ rằng độc giả của ngày xưa chắt lọc hơn, tinh tế hơn và mãi mãi phong cách đọc báo xuân của người Sài Gòn vẫn không thay đổi…

Người Khăn Trắng

Xem thêm

Nhận báo giá qua email