Cái vụ chánh biến trong hàng ngũ của đảng Bảo thủ tỉnh bang Ontario (Progressive Consevative, kêu tắt là PC, giống y như chữ tắt của hệ thống tạp hóa/thực phẩm President’s Choice) đã kết thúc. Một kết thúc khá lạ mà ngay cả tới một số người không nhỏ trong đảng nầy cũng…hết hồn.
Sau cuộc bỏ phiếu, ông anh hai của cố thị trưởng ồn ào Rob Ford được cử làm thủ lãnh của đảng. Và đó là lý do của câu hỏi KG đặt nằm ở đầu chuyện cuối tuần nầy.
Nhà báo Jen Ferson của tạp chí cấp quốc gia Mcleans viết rằng “Hội nghị của Đảng Progressive Conservative đá văng ông Patrick Brown với lý do chuyện đời tư của ổng sẽ phá hủy cơ may của đảng trong cuộc bầu cử sắp tới. Họ thay thế ổng bằng một người mà hồ sơ (cá nhân) cũng dầy gần bằng và lộ liễu hơn hồ sơ của ổng (Brown).
Ông Ferson dẫn chứng nhận định của mình bằng cách nhắc lại rằng hồi cơn sốt Rob Ford đang hoành hành ở Toronto (năm 2013), tờ the Globe and Mail đã công bố một tường trình trong đó có chỗ gán rằng Doug Ford từng bán hashish (nhựa cần sa) nhiều năm hồi thập niên 1980 (The Globe and Mail, May 25, 2013).
Năm 2014, người cha của một đứa bé mắc chứng tự kỷ khiếu nại với ủy viên đạo đức của thành phố về phát biểu của Ford rằng chương trình chăm sóc thanh thiếu niên tự kỷ tại the Griffin Centre ở Etobicoke đã “làm hỏng cộng đồng” và cho rằng các cô cậu thanh thiếu niên đó là những tay tội phạm. Ông Ford khi bị đòi xin lỗi đã nói, “Ổng có thể xuống địa ngục tôi cũng chẳng thèm quan tâm.” (Toronto Star, July 4, 2014).
Chuyện qua từ cả tuần rồi, nhưng cần nhắc lại chút chút ở đây, để cho có đầu có đuôi, giúp bà con dễ theo dõi.
Nhắc lại là có 4 ứng cử viên vị trí thủ lãnh đảng, ba bà, một ông. (Nhiều người ít chú ý tới chuyện đảng phái thường lẫn lộn giữa hai vị trí thủ lãnh (leader) và chủ tịch (president) của một chánh đảng. Ông thủ lãnh là người ngon lành hơn, vì là người dẫn đường cho đảng, Ông nầy có thể trở thành Thủ hiến, Thủ tướng nếu đảng giành được chánh quyền qua bầu cử. Ông chủ tịch chỉ là ông xếp nội bộ, lo chuyện hành chánh quản trị).
Trong thời đại của nữ giới nầy, đặc biệt là với hai bà ứng cử viên sáng giá Christine Elliott và Caroline Mulroney, người ta chắc mẻm rằng thế nào PC cũng có một thủ lãnh nữ.
Người được cho là có đường nhứt để dẫn đường cho đảng PC là bà Christine Elliott, vợ góa của cố tổng trưởng tài chánh liên bang Jim Flaherty. Bả là một chánh khách có kinh nghiệm, từng là dân biểu tỉnh bang, từng là phó thủ lãnh đảng nhiều năm, từng tranh chức thủ lãnh với ông thủ lãnh trẻ xui xẻo (mới đây, chớ hồi đó còn hên) Patrick Brown.
Bà Elliott đã thắng ứng cử viên nữ tương đối sáng giá Caroline Mulroney, một học giả, con của cựu Thủ tướng Brian Mulroney. Vậy nhưng bà Elliotte đã thua Doug Ford.
Màn bầu cử được một bình luận gia của một tờ báo tiếng Anh thiên hữu ví như một vụ shopping, và sau khi shopping, PC mua được một chiếc (truck hiệu) Ford!
Có hai lý do đưa tới màn thắng của ông Ford.
Lý do thứ nhứt là cách bầu cử của đảng PC.
Bà con chắc nhớ bữa thứ Bảy tuần rồi, vào cái lúc mà theo lịch thì phải công bố tên người thắng, ban tuyển cử đã mời những người ngóng mỏ ngồi chờ ở đó đi về, mai tính?
Lý do là bà Elliott đã thắng cả số phiếu cử tri lẫn số đơn vị bầu cử.
Mỗi đảng viên có 1 phiếu bầu, nhưng mỗi đơn vị bầu cử có một số điểm. Tối đa là 100 điểm, và đơn vị nào ít đảng viên hơn, thì điểm thấp hơn.
Vậy nên vì cái kiểu tính điểm của PC, cho nên ông Doug Ford, mặc dầu thấp hơn bà Elliott cả số phiếu của từng đảng viên, lẫn số đơn vị bầu cử, đã thắng vì số điểm nhiều hơn!
Kiểu bầu cử nầy giống như kiểu phiếu cử tri đoàn (electoral college) bên Huê kỳ, nhưng cái khác ở đây là bà Elliott đã thắng cả phiếu cử tri đoàn lẫn phiếu phổ thông mà vẫn thua vì ông Ford nhiều điểm hơn!
Và thêm một yếu tố nữa: nhơn vật về hạng chót, bà Tanya Granic Allen sau khi biết mình vô vọng đã đề nghị các ủng hộ viên của mình dồn phiếu cho Doug Ford, dẫn tới kết quả của Ford ở vòng bỏ phiếu thứ thứ ba, vòng cuối.
Nhưng có lẽ cái lý do chánh yếu ở đây là đảng PC cần có một thủ lãnh đủ hung hãn để ủi sập đảng Liberal và bà đương kim Thủ hiến Kathleen Wynne trong kỳ bầu cử tháng 7 nầy. Và các nhân vận chủ chốt trong đảng PC thấy bà Elliott không làm được chuyện đó.
Sau khi kết quả được công bố, bà Elliott đã không chịu chấp nhận thua. Để rồi một ngày sau đó, sau cuộc họp khá lâu với Ford ở một địa điểm bí mật tại Toronto, bả đồng ý chấp nhận hy sanh vì đại cuộc.
Một nhơn vật lớn của PC – ông Mike Harris (mà dân Ontario – và độc giả Thời Báo, không thể nào quên cái hỗn danh Thần đao đại hiệp, tác giả cuộc cách mạng lương tri, thủ hiến Ontario hai nhiệm kỳ 1995 tới 2002), đã khuyên bà Elliott và những đồng chí khác bất mãn với cuộc bầu cử hãy ngừng tranh chấp.
Ổng nói rằng mục tiêu number one cho lợi ích của Ontario (nghĩa là lợi ích của đảng PC) là làm bất kỳ thứ gì chúng ta làm được để đánh bại đảng Libertal của Kathleen Wynne. Để làm được chuyện đó, chúng ta phải đoàn kết. Christine Elliott có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách làm cho việc chọn Doug Ford là nhứt trí.”
Xong! Quyền lợi của đảng là trước hết, các bà không thắng nổi Wynne đâu, Ford làm được, để ảnh làm đi.
Vậy là cái nhơn vật mà mới hồi cuối tháng trước chỉ dám ôm giấc mơ thắng được John Tory để làm thị trưởng Toronto nay đang xả hết tốc lực (như một chiếc xe truck Ford) lao vô cuộc vận động để đánh bại bà Thủ hiến đương nhiệm Kathleen Wynne của tỉnh bang lớn nhứt, giàu nhứt nước. Chiếc truck đó dẫn đầu (được đẩy tới bằng thì trúng hơn) một chánh đảng quan trọng của tỉnh bang.
Nhơn vật đó bị không ít người cười ngạo, bị giới thông tấn chọc quê. Nhơn vật đó khi bị hỏi thành tích chỉ khoe được rằng hồi làm nghị viên đã nỗ lực cắt giảm chi tiêu của tòa Thị chánh, và trong cuộc tranh luận lần thứ nhứt đã ú ớ khi được hỏi nếu làm thủ hiến sẽ cắt chương trình nào của tỉnh bang trước hết.
Có người đặt câu hỏi rằng liệu ông Doug Ford có thắng nổi bà Wynne không đó.
Câu trả lời là …dám lắm. Như không ai có thể ngờ được cái ông con nít 75 tuổi nhuộm vàng hoe lúc nào cũng khoe khoang và chỉ khoái nghe khen, vô ngồi ở Bạch ốc để quậy tung cả thế giới. Ổng ngồi đó được một năm rồi, và ngày càng quậy hung.
Lý giải những hiện tượng nầy của thế giới, những nhà bình luận chánh trị cho rằng đây là thời đại của sự thay đổi. Theo ông Frank Graves, chủ tịch công ty thăm dò nghiên cứu EKOS Research, nay đang là thời đại của chánh trị dân túy, đẻ ra bởi một thời kỳ trì trệ kinh tế và sự thất vọng của người dân khi các chánh sách của giới lãnh đạo – thuộc thành phần ưu tú, vẫn để lại một số lớn dân chúng đói nghèo và bi quan về tương lai kinh tế.
Chẳng những chỉ có những người dân cảm thấy mình bị thiệt thòi và thiếu quan tâm. Nhiều người khác cũng đã thấy chán Liberal rồi. Chánh quyền Tự Do đã ngồi quá lâu, tới 15 năm, tính từ ông thủ hiến Pinocchio Dalton McGunty tới bà Kathleen Wynne.
Doug Ford đang có được sự ủng hộ khá lớn của cử tri trong vùng Đại đô thị Toronto – những cử tri thuộc thành phần da trắng bình dân trong cái gọi là Ford Nation, ngày trước đã ủng hộ cậu em Rob hết mình.
Ông ta cũng chứng tỏ là hết sức nhanh nhạy. Như mọi chánh khách khác ngày nay, ổng biết rõ rằng phiếu của dân sắc tộc cũng quan trọng lắm. Ngay trước cuộc bỏ phiếu chọn lãnh tụ, sau khi đi một vòng các thành phố trong tỉnh bang để vận động, ổng đã tìm đến với các cộng đồng thiểu số da màu và di dân – trước hết là trong vùng Etobicoke, quê nhà của ổng.
Tại đó, ổng hứa – rất ngọt: sẽ đưa Ontario trở lại thịnh vượng, sẽ làm sạch đảng PC, sẽ giảm thuế tới mức người có thâu nhập dưới 30 ngàn/ năm khỏi phải đóng xu nào, sẽ vực dậy khu vực sản xuất, sẽ có chương trình gia cư rẻ tiền, và sẽ kết thúc triều đại làm mất công ăn việc làm của bà Wynne.
Những lời hứa, mặc dù được một người mới chỉ có kinh nghiệm của một nghị viên thành phố, mới nghe là thấy “đã” rồi.
Cộng đồng Việt cũng là một cộng đồng thiểu số, da màu. Chờ coi chừng nào ổng ghé, và nói cái gì khi ghé.
Không còn gì thê thảm hơn
Nhà văn Đỗ Khiêm, còn ký tên tắt là Đỗ Kh., là người có tài biến những chuyện buồn thành vui bằng những lời bàn hoặc khúc quẹo bất ngờ. Những tiểu phẩm của ông trên trang facebook cá nhân rất có duyên. Đặc biệt, ổng rất nhạy với những tin tức chánh trị nóng, và thường thêm vô những chi tiết ít người biết là có liên quan.
Trang facebook của ông bữa 13 tháng 3 có một tiểu phẩm hết sức hấp dẫn, đọc như một kịch bản phim.
KG tạm giấu cái tựa, bà con đọc và đoán thử coi ổng viết về chuyện thời sự gì và nhơn vật nào nghen:
Cái va ly rơi bốp xuống đường băng. Nó là loại Rimowa Đức quốc cứng bằng nhôm màu bạc, tức là Mercedes Benz của các loại hành lý và rất chắc chắn. Từ độ cao mấy thước của chuyên cơ rơi xuống, khi dựng nó lên trở lại, bánh xe bên dưới vẫn còn chuyển động. Nó quay quay chầm chậm rồi ngưng hẳn lại, như trong 1 xen phim cao bồi Viễn Tây, kiểu cảnh cận bánh xe ngựa lật ngược của 1 gia đình da trắng mới vừa bị da đỏ tàn sát và lột tóc trên đầu.
Người đàn ông vuốt lại mái tóc bạc bồng bềnh của ông (còn nguyên vẹn) và đang đẩy va ly ra hướng cổng phi trường thì cái cặp da ném với theo rơi bịch sau lưng ông xém trúng. Ông lẳng lặng gom nhặp lại giấy tờ cá nhân tung tóe, 1 cái ảnh vợ con khổ 5×7 trong 1 cái khung viền vàng. Không có tập hồ sơ nào mang dấu “Tối Mật”, họ đã giữ lại hết. Ông cười khảy, giữ lại để mang về cho Jared xem thì hắn cũng đâu có được phép đọc!
Phi cảng tối om, chỉ có 3 cái đèn mù mờ ở 1 trạm gác. Người lính Phi Châu hờ hững nhìn ông đi ra không nói gì. Giờ mới chỉ 4 giờ sáng, chưa có hàng quán nào bên trong mở cửa, ông đi về hướng phố, tựa người vào cái tay cầm va ly và điểu khiển nó tránh những vũng nước trên mặt đường nhựa không được phẳng. Loại va ly 4 bánh này rất tiện, bánh quay 360 độ và chỉ cần đẩy nhẹ, không phải kéo phía sau như va ly 2 bánh.
Trời còn âm u mát. Vài kilômét nữa mới vào đến phố nhưng người đàn ông không có vội. Từ giờ phút này trở đi thì ông rảnh rỗi, đi đâu mà vội, bước chân ông gần như tung tăng. “Đéo mẹ cái thằng đần”, ông nhún nhảy mũi giày như trong 1 vũ điệu Charleston tưởng tượng.
Bà con có đoán được chuyện gì và người đàn ông đó là ai không?
Nếu chưa, để KG gà cho vài chi tiết hữu ích: một là “Jared”, hai là “mớ tóc bạc” và ba là “Thằng đần.”
Ra rồi phải hông? Ngay chóc! “Jared” là tên cậu rể quý của Châm. “Mái tóc bạc” là cái đầu của Ngoại trưởng Huê Kỳ Rex Tillerson, người vừa khởi hành chuyến “công tác” qua 5 nước châu Phi bữa 12 tháng 3. Và “thằng đần” là từ tiếng Việt dịch chữ “the moron”, cái danh hiệu mà Rex được cho là đã có lần dùng để chỉ ông chủ Nhà trắng.
Nhà văn Đỗ Khiêm đang tả cảnh ông Tillerson bị đá đít khỏi máy bay ở một phi trường hẻo lánh nào đó tại Phi châu sau khi bị Đô Nam Châm “fired” trúng vô cái ngày 13 xui xẻo lúc ổng đang ở cái Lục địa Đen …đủi.
Cái tựa tiểu phẩm mà KG giấu đi là “Rex đã đi rồi…”
Tính theo báo chí Mỹ, những tờ báo ghi sổ các hành động của Châm rất tỉ mỷ, Rex Tillerson là ca tử/thương vong thứ 20 của hành pháp Trump và là nhơn vật thứ 4 bị sa thải (Mười sáu trự kia chịu hổng xiết nên tự động xin thôi, hoặc bị đuổi nhưng được tử tế cho mang tư cách “từ chức.”)
Điều đáng nói trong vụ Rex bị sa thải là ổng, và một cấp dưới trung thành với ổng ở Bộ Ngại giao, đã thẳng thắn vạch mặt trò giả nhơn giả nghĩa của anh Châm.
Châm thông báo chuyện ông Tillerson ra đi bằng một cái tweet (nghề của ảnh, bởi tiếng Anh viết của ảnh chỉ được bi nhiêu đó – twitter giới hạn 140 từ, trước khi bắt đầu sai chánh tả, văn phạm tùm lum).
Trong cú tweet đó, ảnh thông báo việc thay Rex bằng Mike (Mike Pompeo, Giám đốc XỊA) và viết “Cám ơn Rex Tillerson về các đóng góp lớn.”
Cú tweet đó được Châm bắn đi và mãi tới ba giờ đồng hồ sau, ông Tillerson mới đọc được, sau giới thông tấn và bao nhiêu người có tài khoản twitter.
Chính Rex xác nhận rằng ba tiếng đồng hồ sau khi gởi cú tweet tới hơn 49 triệu người, Châm mới gọi cho ổng để trực tiếp báo chuyện cho nghỉ việc.
Nhiều người đã bình luận rằng cái cách đuổi ông Tillerson quá hèn. Như trong trường hợp sa thải ông James Comey, Giám đốc FBI hồi năm ngoái, Châm đã không dám nhìn thẳng mặt người mình đuổi việc khi sa thải người nầy. (Mặc dầu ảnh vẫn tự hào trước nay với lời phán đầy quyền uy “You’re fired!”đã được coi là nhãn cầu chứng Châm trong show truyền hình The Apprentice hồi xưa).
Không biết sau vụ Rex Tillerson, còn bao nhiêu người sẽ ra đi – hoặc bị đuổi, hoặc chịu hết nổi cái thân phận khuyển mã trong bộ sậu của Bạch ốc, nơi chẳng có ai ngoài Châm và gia đình Châm là quan trọng nhứt.
Như đã nói ông Rex Tillerson đã có một thuộc cấp ngon lành, dũng cảm.
Trước cả khi ông Rex ra mi cờ rô tuyên bố mình trở về làm dân (Tui nay sẽ về làm dân thường, một người Mỹ tự hào, tự hào về cơ hội mình đã có để phục vụ đất nước tôi), sau khi bị fired, người thuộc cấp đó, ông Steve Goldstein, phát ngôn nhơn của Bộ Ngoại giao Huê kỳ đã công bố một thông cáo rất có đẳng cấp. Nội dung thông báo là lời tố cáo Châm ba xạo! Goldstein còn ngon hơn nữa, gởi thẳng cái statement đó tới các cơ quan thông tấn.
Thông cáo có đoạn như vầy: “Ông toàn ý ở lại (chức vụ) vì đã có được những tiến triển quan trọng trong an ninh quốc gia. Ông sẽ nhớ những đồng nghiệp ở Bộ Ngoại Giao và các ngoại trưởng các nước mà ông đã làm việc trên khắp thế giới.
Ông Ngoại trưởng đã không nói chuyện với Tổng thống và không hề biết lý do (việc sa thải)…”
Sau khi tung ra thông cáo nầy, Goldstein vui vẻ xách cặp, bưng cái thùng giấy trong có vài món đồ cá nhơn dọn dẹp từ văn phòng, theo thầy ra …vỉa hè Hoa thạnh đốn.
Người đàn em trung thành, và dũng cảm của cựu ngoại trưởng Tillerson nói với báo chí về chuyện mình bị sa thải: “I am a big boy!”
Ký Gà