Cuộc sống đang yên lành thì cơn bão Covid-19 ập tới làm cho mọi hoạt động xã hội, kinh tế đình trệ. Trong đó có giới thuê mướn bất động sản, thuê kho bãi, thuê nhà, căn hộ, mặt bằng…
Khi thành phố bị phong tỏa, trường học, hãng xưởng, công ty, cửa hàng, phòng thể dục… nhất tề ngừng hoạt động. Khách hàng trả lại mặt bằng đã thuê làm văn phòng, siêu thị, nhà hàng, phòng trọ… Các thương xá, chợ, các dãy phố chuyên quán xá, tiệm quần áo… đóng cửa luôn. Ban ngày vắng hoe, đêm đến tối đen chẳng bù đèn đuốc sáng rực, tiếng nhạc xập xình, xe cộ “như nêm”… hồi trước dịch.
Nay, nguyên tắc 5K chỉ rút lại còn 2K là khẩu trang và khử khuẩn. Dân chúng nên đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi công cộng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay dung dịch khử khuẩn.
Tình hình thuê mướn mặt bằng dần ấm lại dù vẫn nhiều mắc mứu. Hàng quán xá khó kiếm người giúp việc vì sau cơn đại dịch càn quét, đa số dân nhập cư hồi hương và vẫn e dè việc quay lại thành phố đầy chông chênh. Lạm phát ba tháng đầu năm tăng 0,81% so với năm trước do giá lương thực, xăng dầu, gas tăng chóng mặt… Nhất là giá xăng dầu mới tăng tới hơn 2.600 đồng/lít, đắt chưa từng có. Từ đầu năm đến nay, xăng đã tăng 12 lần, và giảm 3 lần cho có.
Lạm phát khiến giá thuê mặt bằng cao hoặc cố lắm thì giữ nguyên chứ khó giảm. Ai nấy lo thắt chặt hầu bao nên dù giảm giá thuê mướn cũng khó kiếm được khách tấp nập như trước.
Tình trạng ế ẩm có thể gặp khắp nơi. Tại chợ búa, thương xá, dễ nhận thấy khá nhiều gian hàng đóng cửa, chủ tìm cách sang lại vì không chịu nổi thuế má và giá thuê. Khu Thương xá Đại Quang Minh ở quận 5 tăng giá thuê 200% khiến tiểu thương kêu như bọng.
Bà Xinh mới xây căn nhà ba tầng lầu gần trung tâm thành phố, mỗi tầng rộng 20m2. Cho thuê 7,5 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước. Khách thuê thường là nhân viên, tư chức… Dù lầu còn bỏ trống nhưng bà không hạ tiền thuê vì sợ giá kéo xuống luôn trong khi nhà mới xây, khách thuê thường ở phá nên dễ xuống cấp mà mọi chi phí sửa chữa đều cao.
Bà Cúc có căn hộ ở tầng trệt cho ông Việt kiều thuê mở cửa hàng rượu với giá 2 ngàn đô/tháng, gia đình dọn về quận 7 thuê căn nhà rộng thênh thang mười hai triệu. Số tiền dôi ra đủ cho bà sống thảnh thơi với vợ chồng con trai. Giờ người thuê trả nhà và đợi mãi chưa thấy khach mới. Tương tự, ông hưu trí gom góp hết lương bổng dành dụm cả đời dịp may mua được căn nhà mặt tiền ngang 2 mét, sâu 12 mét ngay giữa khu phố buôn bán máy tính sầm uất. Ông cho người thuê bán phụ kiện điện thoại
Phần chủ cho thuê cũng hồi hộp, bực mình. Có căn hộ cho thuê cũng xót của, phải giao hẹn với với người thuê đừng đóng đinh vào tường. Lại đêm khuya, giữa trưa, người thuê điện thoại kêu cống ngẹt, bóng đèn hư sửa gấp. Nếu hai bên không thuận thảo thì kết quả là… một bãi chiến trường. Khi người thuê dọn đi thì lắm khi để lại tan hoang, rác rưởi, bẩn thỉu…
Khu vực cho thuê nhà ở đông nhất là chung quanh khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp… Đất ngoại thành, ven đô còn rộng nên chủ nhà cứ xây thành dãy khoảng năm bảy phòng, mỗi phòng mười mét vuông cho hai người thuê giá khoảng triệu rưởi một tháng chưa kể tiền điện nước.
Ông Thi ở Nhà Bè có dãy nhà trọ 20 phòng cho công nhân thuê. Ông vẫn giữ giá cũ 1,7 triệu đồng vì vẫn còn phòng dư. Nhóm công nhân năm ngoái ăn mì gói từ thiện cầm hơi, ùn ùn về quê tránh dịch, đã kiếm được việc làm tuy ít tiền nhưng yên ổn không còn muốn đi xa. Ông cắn răng trả lãi vay ngân hàng tiền mượn xây nhà trọ vì cũng phải trông chừng lợi tức của công nhân chứ tăng vô tội vạ thì ai thuê phòng của ông nữa.
Nhà thuê vô số giá từ cao cấp đến bình dân. Gọn nhất như mấy căn nhà kiểu xưa dài và rộng ở quận 1 hoặc quận Bình Tân dành cho hàng rong, xích lô, ba gác, thợ hồ, vé số… ngủ qua đêm. Cứ qua cổng trả 15, 20 ngàn là họ có thể đặt lưng xuống tấm chiếu trải trên nền. Hàng trăm người nằm xếp cá hộp san sát nhau ngủ một đêm sáng dậy tiếp tục quang gánh rong ruổi ngoài đường. Mỗi ngày chủ trọ thu bạc triệu còn hơn khách sạn trung bình giá ba trăm ngàn cong lưng thuế má khai báo… Gần khu thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp đông đúc, người nghèo nhập cư chỉ cần chỗ ngả lưng, tắm táp qua ngày để mai làm việc ngay. Nếu mất thời giờ lặn lội về các huyện cũng chỗ ngủ tương tự nhưng giá chỉ vài ngàn đồng.
Cũng rẻ và tiện lợi là thuê võng. Gần chợ đầu mối, bến xe là các quán mắc mấy chục chiếc võng san sát nhau cho thuê giá 15 đến 20 ngàn một đêm, lại được tắm giặt, vệ sinh, sạc điện thoại nên nhiều người chọn đây làm chỗ nghỉ lưng cuối ngày. Nhờ vậy, mỗi tháng họ dư thêm một ít gửi về quê
Rẻ mạt nhất là các hàng cà phê vỉa hè góc phố, đầu xa lộ… khách bỏ tiền mua ly cà phê mười hai ngàn đồng là có thể co chân lên ghế nhựa êm ái, ngoẹo đầu đánh một giấc đến sáng. Khi bình minh ló dạng, hàng cà phê đêm dẹp tiệm nhường chỗ cho hàng quán ban ngày thì lúc đó khách mới phải cuốn gói. Không có nơi nào ngủ rẻ hơn, và thành phần ngủ hàng cà phê ấy không phải chỉ dân giang hồ mà có cả đám thiếu niên tuổi teen đi chơi qua đêm.
Khách ngoại quốc dần trở lại khiến ngành du lịch khấp khởi mừng.
Thế nhưng giá thuê chỗ tăng dần nên mặt bằng đổi chủ thuê liên tục. Tháng trước mới thấy cửa tiệm massage, tháng sau đã thấy trương tấm bảng cà phê. Cửa hàng tiện lợi trang hoàng quầy kệ đẹp mắt thế mà chỉ ba tháng đã dọn mất, thay bằng quán nhậu “lẩu và nướng”. Quán nhậu sau một tuần khuyến mãi và kêu gọi người quen tới khai trương thì vắng như chùa Bà Đanh.
Anh Thiệp thuê căn nhà ở Đakao để mở quán ăn với giá 40 triệu một tháng. Từ sau Covid, thực khách ngày càng heo hút, chủ nhà đòi tăng giá lên hai ngàn rưỡi. Anh Thiệp kêu trời, đành chịu mất khách quen mà tìm chỗ khác ở con đường nhỏ hơn, giá thuê rẻ hơn. Tại khu trung tâm hay các con đường lớn, hàng quán đổi chủ rất nhanh. Báo đăng quảng cáo một tiệm kem rất ngon nhưng quay trở lại lần thứ hai tiệm kem đã mất tích không biết dọn đi đâu. Một tiệm phở khác nằm trên đường An Dương Vương, khách quen đi theo tới lần đổi chỗ thứ ba thì bỏ vì mỗi lần đổi chỗ càng xa hơn một chút.
Buôn bán nhiều nhưng mặt tiền chỉ có giới hạn và cao giá quá nên nhiều chủ quán rút vào hẻm, nhất là những shop bán hàng online không cần chưng bày ngoài phố, không cần phòng ốc rộng rãi. Trong một ngõ hẻm rộng chưa được 3 mét, cô chủ thuê gian phòng rộng chừng 15m2 làm chỗ chế biến chả giò. Shipper xếp hàng dài dài chờ nhận hàng.
Đi qua các con hẻm dễ dàng nhận thấy treo đầy các tấm bảng văn phòng công ty, khách sạn bốn năm tầng, nhà hàng, quán trà lịch sự… Ngay cả shop quần áo, tiệm massage, cửa hàng thực phẩm cũng phải lui vào hẻm.
Anh Thạch lúc đang đi làm nhưng đã tính chuyện hưởng nhàn bằng cách lo mua một mảnh đất vuông vức 100 mét vuông cách xa quốc lộ xe tải chạy tấp nập, nằm sâu qua nhiều bãi đất trống trong một quận ven. Theo bản đồ quy hoạch của công ty địa ốc thì vị trí mảnh đất này nằm ở ngã ba. Xế tay trái sẽ là siêu thị, xế tay phải sẽ là công viên. Anh nhẩm tính, phây phây cho ngoại quốc thuê mở văn phòng đại diện, vừa giá cao vừa sạch sẽ. Gửi tiền ngân hàng lãi suất thấp, đầu tư chứng khoán hay vàng dễ lên cơn đau tim chết bất đắc kỳ tử lắm. Chi bằng cứ cho thuê nhà lấy tiền mỗi tháng còn lợi nào hơn, nếu không cho ngoại quốc thì cho Việt kiều thuê… Chỉ có điều hơn hai chục năm qua, quận sắp lên thành phố nhưng khu đất này vẫn trống vắng, chỉ có vài căn nhà giữa đồng không mông quạnh, chiều chiều đàn bò đến gặm cỏ. Giờ đã về hưu nhưng giấc mơ ngồi rung đùi thu tiền nhà không biết chừng nào thành hiện thực.
Quanh các trường đại học thường có nhà cho sinh viên thuê. Nhà ở đường Mạc Đỉnh Chi, Đinh Tiên Hoàng gần trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho sinh viên ngoại quốc học khoa tiếng Việt thuê. Lại thêm cái lợi cho con em trong nhà thực tập tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn… với sinh viên trọ học. Bà Loan ở chung cư Chương Dương – cách trường đại học Sư phạm và đại học Sài Gòn một cây số, nhờ ở tầng cao nhất nên bà tranh thủ trổ mái ăn gian được rầm thượng cho ba cô sinh viên thuê, nhờ vậy thêm vào tiền chợ.
Những con đường quanh khu vực Tây ba lô như Đỗ Quang Đẩu, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện- quận 1-, nhà mặt tiền mở hoặc cho thuê cửa tiệm, nhà mặt trong cho Tây thuê ở. Khu vực này hoàn toàn không còn chỗ nào gọi là lề đường. Vỉa hè chỗ này bày bán tranh lưu niệm, chỗ nọ bày vài bộ bàn ghế bán nước, chỗ kia quán nhậu, xe cơm tấm, bánh cuốn… Còn khu vực đường Tự Do, Độc Lập, Bác Ái, Dân Chủ… quận Tân Phú thì cho Tây da đen Phi châu thuê. Chủ một vạt đất hình tam giác ở góc đường rộng khoảng một mét vuông cũng thu lợi vài triệu một tháng nhờ cho một xe trà sữa đứng. Không phải xe nước sâm thì xe bánh mì, xe nước mía đều thu lợi trên tấc đất tấc vàng đúng nghĩa đen.
Một lô chợ ở quận 1 bị giải tỏa. Không còn nhà lồng chợ, không còn lề đường để buôn bán. Tiểu thương tìm thuê chỗ quanh quất khu chợ cũ để mưu sinh bằng cách chung nhau thuê một mặt bằng. Năm hàng thịt thuê một gian nhà. Hai hàng rau mướn một chân cầu thang nhà nghỉ. Chủ nhà trong ngách cho ba người để ba thau xôi, chè, khoai luộc trước cửa nhà chỉ bán trong vòng điểm tâm buổi sáng với giá ba triệu một thau…
Ông hàng cá trước ngồi bên hông nhà người ta chỉ trả 30 ngàn/ngày. Nay dẹp chợ cóc trong hẻm, méo mặt phải thuê cửa ra vào của cái bếp ngang 1 mét với giá 80 ngàn.
Một loạt các cây cầu: Cầu Mống, cầu Nguyễn Tri Phương, Nguyễn văn Cừ… phóng từ quận 1 sang quận 8 nối liền đô thị qua ven đô. Bộ mặt đô thị mở rộng khiến giá thuê nhà, thuê chỗ ở quận 8 bên kia cầu cũng tăng lên.
Sửa chữa quần áo trước kia nằm trong cửa tiệm đàng hoàng, nay nhảy ra ngoài vỉa hè. Thay khóa, lên lai, sửa áo, bóp ống chỉ vài chục ngàn một lần làm sao chịu nổi tiền thuê bạc triệu một tháng.
Người đi thuê thường bị ép đủ mặt. Trường hợp phổ biến nhất là sau khi ký hợp đồng một năm, người thuê bỏ tiền lót lại nền nhà, sơn phết, trang trí nội thất… mất một thời gian đầu chịu lỗ để tìm khách, đến khi ổn định thì vửa lúc hết hạn thuê, chủ nhà tăng giá thuê hoặc đòi lại chỗ để lại mở đúng mặt hàng kinh doanh ấy. Coi như cướp khách, cướp công người thuê. Thế là lại mất công tìm địa điểm khác bắt đầu lại, dời chỗ hoài đương nhiên mất khách. Những hợp đồng cho thuê ngắn hạn thường bấp bênh như vậy. Và vì sợ vật giá leo thang nên chủ nhà ít khi chịu ký hợp đồng dài hạn.
Buôn bán không phải dễ, nào vốn liếng, nhân công, mặt hàng… không kể nắng mưa, đắt ế nên nhiều người mong có căn nhà nơi thị tứ, cứ cho thuê là tiền bỏ túi nhẹ nhàng nhất. Mê nhất là cho thuê mở văn phòng, cửa hàng trưng bày sản phẩm, tiệm thuốc tây… Vừa sạch sẽ lại chỉ mở cửa trong giờ hành chánh.
Năm ngoái, sau thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, một cửa hàng bán điện thoại trả nhà vì xin giảm tiền thuê mặt bằng nhưng không được như ý. Rốt cuộc nghe ông chủ nhà kêu trời: “Nhà em mới xây dựng đẹp đẽ khang trang, cho TGDĐ thuê giờ lấy lại không khác một đống hoang tàn. Họ đập bỏ cầu thang kiên cố, đập bỏ toilet, cắt tường nhà, cắt ống nước sạch, nước thải toilet trên lầu xuống, hệ thống điện cũng không còn một dây. Họ cắt dầm, hạ cốt nền nhà, nói chung không còn gì để diễn tả được”.
Thành phố đông dân quá. Cư dân sinh sôi, dân các tỉnh, dân các nước tụ tập về nhập cư… Người ở tạm, người chưa có đủ tiền mua nhà phải đi thuê. Quán xá, cửa hàng, văn phòng… mở ra tấp nập. Đường ngang ngõ dọc đua nhau mở ra như bàn cờ. Bởi vậy niềm mơ ước của nhiều người là cắt đường, giải tỏa sao mà một buổi sáng thức dậy thấy nhà mình lòi ra mặt tiền. Khi đó chỉ cần cho thuê là sống khỏe, khỏi đầu tắt mặt tối ngược xuôi kiếm sống cho mệt!
SGCN