Đắt quá!
Mọi thứ đều lên giá!
Chóng cả mặt với giá cả!
Từ hai năm nay, những tiếng than đó không còn là chỉ đến từ những bà nội trợ. Đặc biệt là khi trận đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc trong khi nhân loại đã chấp nhận chịu thua nó. (Có người sẽ cãi “đâu có thua” nhưng rõ ràng khi phải chấp nhận sống chung với địch thủ thì không phải là thua thì còn là gì nữa? Cứ hỏi ông Tổng thống Zelenskyy của xứ Ukraine xem có đúng không!)
Mà đắt thật. Một bó rau spinach – gọi là bó chứ chỉ vừa đúng bằng nắm tay, chắc cân chưa đến 150 grams, bán ở cái chợ dành cho dân lao động Food Basics, với giá $2.49, cái giá của một cân Anh rau muống, thứ rau vương giả, hồi…2018!
Thống kê Canada cho hay so với thời điểm này năm ngoái, giá trái cây tươi tăng 11,8%, trứng 15,8% và các loại bánh dùng bột mì 13,8%. Hơn phân nửa số người Canada trả lời cuộc thăm dò của Viện Angus Reid xác nhận họ gặp khó khăn với giá sinh hoạt.
Khi giá cả đã lên tới mức khủng khiếp như thế, mà thu nhập, lương lậu lại không nhúc nhích, trong khi lạm phát vọt lên đến trên 8% thì nhất định là người ta bắt buộc phải cố kéo cho dãn cái đồng tiền kiếm được. Việc này tiếng Anh gọi là “stretching the dollar”, và cách kéo cho nó ra trong những điều kiện như thế chỉ còn là phải tìm đến những nơi mà giá cả được cho là phải rẻ, hay ít ra, phải chăng, cho những thứ họ không thể thiếu.
Một trong những nơi đó là các cửa hàng mà người Việt ở Canada quen gọi là “tiệm một đồng”, tên dùng chung cho những cửa hàng bán đủ mọi thứ hiện nay đã gần tới mức cái gì cũng có, tuy vẫn còn thiếu rau và thịt, ngoài cửa hay trên bảng hiệu có chữ hoặc dấu $.
Mặc dù chẳng còn món gì trong các cửa hiệu này nay còn ở mức giá một đô la, nhưng “tiệm một đồng” đã chết tên, nếu không muốn dùng tiếng Anh: dollar store.
Sylvain Charlebois, giám đốc Agri-Food Analytics Lab (phòng thí nghiệm phân tích thực phẩm nông nghiệp) tại Đại học Dalhousie, tin rằng: “Khi lạm phát giá cả thực phẩm trở thành một vấn đề, chúng tôi tin rằng các cửa hàng một đô la sẽ có thêm nhiều người đến hơn vì ai cũng đang tìm nơi có giá rẻ hơn”.
Bailey Parnell, người điều hành tổ chức phi lợi nhuận #SafeSocial và nghiên cứu tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần, cho biết trên TikTok và Instagram việc đăng các post chỉ cho nhau chỉ nhau “do-it yourself” (khéo tay làm lấy) dùng các món hàng mua được ở tiệm một đồng đã trở thành phong trào đông đảo.
Trên mạng Instagram, hơn 27.000 post có hashtag “dollaramafinds” (những thứ tìm ra ở dollarama). Trên facebook Canada có nhiều nhóm (group) chuyên trị các cửa hàng dollarama với hơn 100 ngàn thành viên. Bà Parnell cho biết những người trẻ đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao có thể là động lực thúc đẩy xu hướng này, đăng tải về việc “làm (được) nhiều thứ hơn với ít (tiền) hơn” như một cách để kết nối với những người khác trong cùng hoàn cảnh. Bà Parnell nói “Phần lớn những người tạo nên các xu hướng truyền thông xã hội tích cực phần lớn là Gen Z (thế hệ còn được gọi là zoomers, những người ra đời từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) và có thể cả một số Gen Y (còn gọi là millenial, những người ra đời trong khoảng từ 1981 đến 1996) – và đây là thế hệ đã làm việc lâu hơn với đồng lương thấp hơn bao giờ hết.”
Theo một cuộc khảo sát năm 2019, tức là trước đại dịch, gần 90% người Canada được hỏi đã nói rằng Dollarama là một cửa hàng giảm giá mà họ thường xuyên lui tới. Thực phẩm và đồ uống và chăm sóc gia đình là hai danh mục sản phẩm mà giá cả là yếu tố cân nhắc mua hàng đầu đối với hơn 50% người trả lời khảo sát.
Dollar Store With More
Dollar Store With More là chuỗi cửa hàng mang tên Dollar lớn hàng thứ 2 ở Canada.
Chỉ mới ra đời tại Merritt, BC, vào mùa xuân năm 1998, đến nay Dollar Store With More lớn nhanh như thổi vào đầu thập niên 2000, chẳng những thế, nó còn mở rộng sang tận Hoa kỳ. Đến năm 2004, nó đã phát triển lên 175 cửa hàng ở khắp 10 tỉnh bang của Canada và 23 ở Hoa Kỳ.
Russ Meszaros và Sherry Meszaros đã mở cửa tiệm một đồng Dollar Store With More đầu tiên ở, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm thực tế có được khi làm việc tại một cửa hàng tạp hóa lớn ở miền Tây Canada. Ông Russ muốn đem đến cho khách hàng một loại tiệm một đồng bớt luộm thuộm, có hàng hóa tốt hơn, sáng sủa hơn, sạch sẽ hơn và hấp dẫn hơn cho khách hàng. Trong vòng vài tuần, thêm một cửa hàng thứ hai của công ty được khai trương ở Kelowna, BC. Những cửa hàng này đã thành công đến mức họ ngay lập tức bắt đầu nhượng quyền thương hiệu cho loại cửa hàng này.
Việc mở rộng chuỗi cửa hàng được thúc đẩy bởi sự kết hợp của phí nhượng quyền thương mại thấp (15.000 đô la Canada) và nhiều lựa chọn sản phẩm, bao gồm cả những sản phẩm có giá trên 1 đô la, mà công ty tuyên bố là một phần khiến nó trở thành “khái niệm cao cấp hơn”.
Chuỗi cửa hàng này hiện được coi là cửa hàng đô la được nhượng quyền lớn nhất ở Canada.
Dollar Tree
Mặc dù trong tên có chữ dollar, nhưng Dollar Tree thực ra không phải là một tiệm một đồng mà là một chuỗi cửa hàng đa giá. Và gốc của nó không phải ở Canada vì nó có trụ sở chính tại Chesapeake, Virginia.
Công ty Dollar Tree hiện đang điều hành 15.115 cửa hàng trên khắp 48 tiểu bang của Hoa Kỳ và Canada. Các cửa hàng Dollar Tree ở Canada bán các mặt hàng từ 1,50 đô la Canada trở xuống.
Dollar Tree chỉ mới nhảy vào Canada từ năm 2010, khi họ mua lại Dollar Giant, một chuỗi cửa hàng dollar ở Canada, và trở thành sở hữu chủ của 85 cửa hàng bán lẻ ở các tỉnh British Columbia, Alberta, Saskatchewan và Ontario. Các cửa hàng này là những địa điểm bán lẻ đầu tiên bên ngoài Hoa Kỳ do Dollar Tree điều hành.
Với khoảng 30 địa điểm bán lẻ nằm ở British Columbia, Dollar Tree trở thành chuỗi cửa hàng đô la lớn thứ hai ở BC.
Đến nay, Dollar Tree trở thành nhà điều hành cửa hàng đô la lớn thứ tư của Canada với 227 cửa hàng trên khắp nước, đông đảo nhất là ở miền Tây Canada và Ontario.
Khác với các của hàng dollar khác, Dollar Tree còn có bán thực phẩm đông lạnh và các mặt hàng từ sữa như sữa, trứng, bánh pizza, kem, frozen dinner (bữa tối đông lạnh) và các loại bánh nướng.
Đội ngũ kinh doanh hàng hóa của Dollar Tree Canada đặt tại Mississauga, Ontario, trong khi văn phòng công ty của nó vẫn ở Burnaby ở Greater Vancouver.
A Buck or Two
Bạn đọc có thể thắc mắc tại sao lại đưa A Buck or Two vào đây trong khi cái tên của nó không có dấu $?
Có đấy, công ty này có tên cũ là A$1 or 2, họ đổi tên và dùng chữ thay vì số với chữ buck – tiếng lóng để chỉ dollar.
Công ty là một chuỗi cửa hàng bán lẻ đặc sản thuộc sở hữu và điều hành của Canada bán đồ dùng tiệc tùng, thiệp và giấy gói quà, bánh kẹo, đồ dùng học tập & văn phòng, đồ chơi và đồ thủ công, các mặt hàng theo mùa, đồ gia dụng, ngũ kim và các mặt hàng thiết yếu khác.
A Buck or Two mở từ năm 1988, hầu hết hàng hóa có giá từ $2 trở xuống, bao gồm cả hàng hóa mới (thường là hàng nhập cảng, thỉnh thoảng có hàng made in Canada) và hàng closeouts – mua lại từ các cửa hàng, công ty đóng cửa hay sập tiệm.
A Buck or Two, trụ sở chính ở Vaughan (Ontario), hiện có 47 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó 20 ở Ontario, Ontario.
Bên cạnh các chuỗi cửa hàng này còn có hàng chục cửa hàng độc lập, cũng có chữ dollar trên bảng hiệu của họ, nhưng tở chức và trình bày rất tiểu thủ công và các mặt hàng không nhiều, không đồng nhất về mặt phẩm chất và giá cả.
Mà có rẻ thật không?
Trước đây, từng có thời không ít người đã lấm la lấm lét khi bước vào và bước ra khỏi dollar store. Họ sợ bị người quen trông thấy, sợ bị đánh giá là “thành phần xài đồ một đồng.”
Thêm và đó là thành kiến “đồ rởm của Ba Tàu”.
Thế nhưng nay, lợi ích, sự thuận tiện, và nỗi xót ruột đã xóa đi ít nhiều những thành kiến này. thứ nhất vì người ta nhận ra rằng suy nghĩ kiểu này rõ ràng là “snobbish”, và “thì đã sao?”. Nhất là khi lương thì không tăng và lạm phát đang phi mã, cộng thêm vào đó là tâm lý thực dụng.
Chuyện đi mua hàng ở dollar store giờ đã trở thành…xu hướng.
Thế nên chỉ dẫn cho bạn cách mua sắm và nên mua sắm như thế nào ở tiệm một đồng là chuyện múa rìu quá mắt thợ.
Nhưng cứ thử xem các vị học giả có học thiệt chỉ dẫn như thế nào.
Markus Giesler, giáo sư tại Trường Kinh doanh Schulich thuộc Đại học York, cảnh cáo rằng các kỹ thuật tiếp thị và bố trí cửa hàng có thể góp phần tạo ra cảm tưởng hàng hóa ở đây là rẻ nhất rồi, trong khi nó có thể không phải luôn luôn như vậy.
Ông Giesler nói: “Như cái tên đã nói lên, mọi thứ ở đây dường như đều là một đô la….Dù rằng không phải thế…Cách hàng hóa được trình bày cho khách hàng đã được thiết kế để khiến chúng ta mua nhiều hơn những gì chúng ta thực sự cần. Nói cho ngay, đó cũng là cái bẫy mà nhiều người tiêu dùng rơi vào. Có cả chính tôi trong số đó.»
Nhiều tờ báo, đài TV đã tiến hành những cuộc khảo sát để tìm hiểu xem giá cả ở các dollar store có rẻ thật không – dĩ nhiên cuộc khảo sát chính xác nhất là của chính bạn thực hiện nếu bạn có thời giờ.
Chương trình Marketplace của thông tấn CBC đã làm một cuộc khảo sát. Họ so sánh giá cả những mặt hàng của Dollarama với Walmart, so sánh luôn giá ở Dollarama với giá ở Dollar Tree.
Do các cửa hàng này bán các mặt hàng mà họ dùng để so sánh với những kích cỡ, trọng lượng khác nhau, nhà báo đã chia giá cả xuống thành giá đơn vị để so sánh.
Kết quả so sánh 17 mặt hàng, họ nhận thấy giá đơn vị ở Dollar Tree tương đương hay cao hơn giá ở Dollarama và cao hơn cả ở Walmart!
Thí dụ như cereal hiệu Fruit Loops: giá Walmart là $1,16/100gram, ở Dollar Tree là 1,44/100gr và ở Dollarama là $0.87/100gr
Fruit Loops nằm trong số 7 sản phẩm đắt hơn (so sánh giá đơn vị) tại Dollar Tree gồm Froot Loops, Pringles, KitKat, Whiskas Perfect Portion (thức ăn cho mèo), kẹo Starburst, kem đánh răng Colgate và kem đánh răng Crest 3D White.
Dollar Tree thắng ở vài mặt hàng: Smarties (ở mức 75 gram so với 45 gram) và sữa tắm Lever 2000 có giá tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh của nó.
Hai mặt hàng phổ biến dành cho trẻ em – xe Hot Wheels và hộp đựng bột nặn Play-Doh – đều đắt hơn một chút ở cả hai cửa tiệm một đồng so với ở Walmart.
Đặc biệt, có một mặt hàng ở Dollarama và Dollar Store rẻ đến bất ngờ: bộ thử thai (pregnancy test kit). Món hàng này ở Walmart nắn đến 8 đô la, trong khi ở hai tiệm một đồng chỉ có 1,25 đô. Cần biết là bộ kit này được Bộ Y tế Canada chuẩn nhận và cấp giấy phép căn cứ trên độ hiệu nghiệm và an toàn.
Phải biết so sánh
Theo Giáo sư Giesler, ngoài so sánh giá cả, người mua hàng còn phải biết, và cần so sánh kích thước/cỡ của các món hàng.
Ông lưu ý rằng các cửa hàng đô la có một chiến thuật phổ biến: chỉ bán có một loại sản phẩm – thí dụ như một nhãn hiệu kem đánh răng, khiến việc so sánh khi mua hàng (comparison shopping) tại các tiệm này trở nên khó khăn.
Ông Giesler cũng nhắc thêm rằng các cửa hàng đô la thường không bán bất cứ thứ gì với giá 1 đô la nữa và thường được đặt một cách chiến lược ở các khu phố mà cư dân có thu nhập thấp hơn, có nhiều người mới đến Canada hơn. Ông gọi khách hàng mục tiêu của các cửa tiệm một đồng là “những người tiêu dùng yếu thế, những gia đình có thu nhập thấp hơn và những gia đình thực sự cần từng xu và cần từng đô la.” Thông điệp mà các cửa tiệm một đồng gửi đến cho thành phần này là “Chúng tôi làm cho khả năng chi trả và giấc mơ Canada thành hiện thực. «
Một ông thầy khác, Giáo sư Mark Lee thuộc Trường Quản lý Ted Rogers của Đại học Ryerson thì nhận định rằng khi chúng ta bước vào một dollar store, chúng ta không thực sự nghĩ đến tính toán mà “nghĩ nhiều hơn về (khái niệm) một đồng”. Điều này khiến người mua nghĩ và tin rằng mình sẽ không phải tốn kém nhiều. Nhưng kết cuộc là người đi mua hàng thường tiêu nhiều hơn đã định khi bước vào một dollar store và hiếm khi rời khỏi cửa hàng chỉ với một món hàng trên tay.
Tuy nhiên, các chuyên gia này xác nhận vẫn còn có những điều người tiêu dùng có thể làm để bảo đảm cho mình mua được món hời tại các dollar store, như so sánh giá cả (price) và kích cỡ (size).
“Bất cứ khi nào bạn có thể, hãy so sánh và đối chiếu ngay cả khi không có gì để so sánh trên chính kệ hàng trong lối đi”, Giesler nói và cho thấy rằng các app so sánh giá có thể hữu ích.
Tiệm 5 đồng?
Như đã nói trước ở trên, các tiệm một đồng ở Canada nay đã không còn cái gì một đồng nữa hết.
Nói cho chính xác, cái nhãn một đồng (và dưới một đồng) ở các cửa hiệu tên là một đồng đã biến mất từ cuối thập niên đầu của thiên niên kỷ, khi Dollarama đưa thêm vào các sản phẩm ở mức giá 1,25 đô la, 1,50 đô la và 2 đô la.
Quả thật, với những khách hàng bình thường, có thu nhập thấp, việc bước vào một tiệm một đồng có một sự yên tâm hết sức, “chỉ có một đồng thôi mà.”
Đúng vậy thật. Vài năm trước, hầu như người khách bước vào một cửa hàng Dollarama thấy cái nhãn giá xanh xanh $1.25 nằm trên đến 99% các món hàng. Nhưng chính “cái gì cũng $1.25” đó đã khiến cho khách hàng mất cảnh giác. Họ thấy, và lấy thêm một vài món khác, nghĩ rằng mình sẽ cần sau này, hoặc thấy chúng rẻ hơn so với những chỗ khác, mặc dù đó là những món mà họ không định sẵn trong đầu để đi mua. Thậm chí kể cả một hai món “thế nào chẳng có lúc cần đến” (và chẳng biết lúc nào mới đến lúc đó) vì “chỉ có $1.25!”
Willy Shih, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết các tiệm một đồng có thể đưa ra mức giá thấp vì họ sử dụng các cửa hàng có diện tích nhỏ, lối đi chật chội và ít nhân viên.
Thay vì khuyến khích khách hàng dành nhiều thời gian ở cửa hàng như các loại cửa hàng khác, họ hướng đến việc khiến khách hàng ra vào cửa hàng một cách nhanh chóng, kể cả những người không có nhiều tiền để chi tiêu. Ông nói: “Nó thực sự đang nhắm đến một thị trường kém giàu có hơn và họ cố gắng phục vụ điều đó bằng sự tiện lợi và nhu yếu phẩm hàng ngày.”
Nhưng điều đó không có nghĩa là các cửa hàng đô la chỉ thu hút những người có thu nhập thấp.” Giáo sư Shih kể rằng có một lần khi ông đến một tiệm một đồng, ông thấy một khách hàng mua thiệp chúc mừng, “và khi người khách đó rời cửa hàng, ông/bà ta bước vào một chiếc Cadillac Eldorado”.
Dollarama Canada cho biết mặc dù biến thể Omicron của virus coronavirus mới gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của họ trong đợt mua sắm mùa lễ, nhưng nhìn chung, hoạt động kinh doanh của họ vẫn tương đối tốt. Năm 2021 họ đạt doanh thu 1,22 tỷ đô la, tăng từ 1,1 tỷ đô la của năm trước, và lợi nhuận hàng tam cá nguyệt là 220 triệu đô la, tăng từ 173 triệu đô la một năm trước.
Neil Rossy, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Dollarama, kể công rằng đây là thành quả đạt được “trong khi lèo lái (con tàu công ty) qua những con nước cao thấp – tác động của đại dịch, trên các nhà bán lẻ và cách mua sắm của người tiêu dùng, trong bối cảnh áp lực của chuỗi cung ứng và lạm phát.”
Trong năm năm gần đây, Dollarama đã mở thêm hàng năm mỗi năm từ 60 đến 70 cửa hiệu (hèn chi chỗ nào cũng thấy họ). Mục tiêu của họ là đạt được con số 2.000 cửa hiệu trên toàn quốc vào năm 2031.
Hiện nay, $1.25 là giá tối thiểu ở các cửa hiệu Dollarama Canada, và tỷ lệ các mặt hàng có giá này so với những mặt hàng khác trong cửa hiệu này chỉ còn là chưa đến 50%. Trong khi đó, mặt hàng có giá cao nhất ở đây là $4 và công ty đang chuẩn bị bán thêm những mặt hàng có giá đến 5 đô la.
Công ty Dollarama giải thích chuyện phải có thêm những mặt hàng giá cao là để “cho phép công ty duy trì và mở rộng mục sản phẩm đa dạng và giá trị hấp dẫn của mình.”
Theo Doug Stephens, người sáng lập công ty tư vấn Retail Prophet, chuyện bán thêm nhiều mặt hàng và có thêm các sản phẩm giá cao hơn, thậm chí mạo hiểm bước sang các mặt hàng quần áo và máy gia dụng nhỏ là xu hướng của các tiệm một đồng. “Câu hỏi trong đầu các nhà điều hành cửa hàng đô la là làm thế nào để bạn tiếp tục phát triển nếu bạn đang đặt giới hạn cho mức giá cao nhất của mình?”.
Stephens giải thích rằng bước đi mới của Dollarama là một đáp ứng với việc người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm các sản phẩm rẻ hơn, đồng thời ông cũng nhận thấy rằng vẫn không có nhiều đối thủ cạnh tranh về giá với các cửa hàng đô la. Stephens nói giá ở các tiệm một đồng “vẫn rẻ một cách đáng kể”.
Ông Stephens nói thêm rằng điều này đã cho thấy mức chênh lệch về thu nhập và giàu nghèo trong xã hội đang ngày càng đẩy thêm nhiều người Canada đến các tiệm một đồng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của họ. “Điều đó đã tạo điều kiện cho các dollar store tiến đến các mặt hàng cao giá hơn.”
Lars Perner, phụ tá giáo sư tiếp thị lâm sàng tại Đại học Nam California, cho biết lạm phát cũng gây áp lực lên các công ty kinh doanh cửa hàng đô la, khiến họ tăng giá trên 1 đô la và cắt giảm quy mô mặt hàng họ bán: “Chín mươi chín xu (ngày xưa) từng mua được nhiều hơn so với ngày nay.”
Chẳng cần phải có bằng đại học mới biết được điều đó.
Đỗ Quân (tổng hợp)