Tiên học lễ

SGCN
Một dạo, khẩu hiệu được treo trong các lớp học là: Học, học nữa, học mãi; Mỗi ngày đến trường là một niềm vui; Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức…
Sau một thời gian chỉ lấy việc học làm đầu mà kết quả cũng chẳng được bao nhiêu ngoài các thành tích báo cáo trên giấy tờ. Học sinh ngày càng hỗn hào quá. Cuối cùng, nhiều trường lại đổi khẩu hiệu thành: Tiên học lễ, hậu học văn. Câu này được dán trên tường mỗi lớp học trước kia. Về sau, dù rất nhiều khẩu hiệu mới mẻ xuất hiện nhưng xem chừng không câu nào hay hơn, đúng hơn. Vì thế, mấy chục năm sau, câu khẩu hiệu cũ mèm lại vững bền quay lại.
Nghề giáo từng có thời… hoàng kim. Được thiên hạ kính trọng gọi là quan giáo, ông giáo, bà giáo, thầy giáo, cô giáo, sư phụ… Được xã hội coi trọng, đồng lương lại đủ nuôi gia đình và được nghỉ hè dài ngày so với kỳ nghỉ thường niên có giới hạn của những nghề khác. Các em bé bậc tiểu học khi được hỏi về ước mơ tương lai, đa số trả lời là muốn làm thầy, cô giáo. Sinh viên đại học sư phạm lại được miễn học phí. Một số sinh viên nghèo vào ngành sư phạm cũng vì lý do này.
Nhưng sau năm 1975 thì khác rồi, Sư Phạm được nhắc tới qua câu: Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, qua loa Sư Phạm hoặc Chuột chạy cùng sào mới vào Sư Phạm. Trong quá khứ, chỉ đôi ba lần điểm đậu vào Sư Phạm lấy cao, còn thường rất thấp, thậm chí có những năm điểm đậu lấy thấp nhất, chỉ là điểm sàn vừa đủ đậu. Khi sĩ tử không còn biết trường nào để thi vào, chuột chạy cùng sào mới đành vào Sư Phạm thôi thì cũng được mang tiếng đậu vào học trường đại học, lại là một ngành học cao quý. Vì “đầu vào” như thế, thử hỏi làm sao “đầu ra” khá nổi. Và “đầu ra” như thế thì sản phẩm cuối cùng là chất lượng học sinh có thể hiểu ngay thế nào.
Sau một thời gian, lạm phát sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm. Chắc Sư Phạm là một ngành dễ dạy, dễ học nên đâu đâu cũng mở. Người ta tính vào năm 2020, sẽ dư ra khoảng bảy mươi ngàn giáo viên tiểu học và trung học. Kết quả đương nhiên là sinh viên ra trường không có việc làm. Nhiều người miền Bắc phải đi xin việc ở miền núi, hoặc vào các vùng xa xôi ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều thầy ít thợ. Nếu may ra tìm một chỗ đứng trên bục giảng dù bạc bẽo, lương thấp mấy cũng còn hơn thất nghiệp. Thậm chí có cô giáo sinh tiếc mấy năm đi học, đành xin dạy… không lương để khỏi quên kiến thức. Nhiều giáo sinh ra trường không xin được việc làm, đành xoay ra đủ thứ việc trông xe, phụ hồ… là các nghề tạm bợ của thời sinh viên. Ngay cả đi xin việc cũng không dám đưa bằng Sư Phạm ra vì chẳng ai muốn thuê một giáo viên bằng cấp đàng hoàng đi làm các công việc lao động giản đơn.
Trong thực tế, Sư Phạm được coi là nghề vất vả. Giáo viên bù đầu bù cổ vì các loại sổ sách, giáo án, các cuộc thi ngoài lề được tổ chức liên miên: Hội thi Nét đẹp phấn trắng, thi văn nghệ, thi giáo viên dạy giỏi, thi giáo viên chủ nhiệm giòi, thi học sinh giòi, thi tiếng Anh giỏi, thi môn Toán giỏi, thi phòng cháy chữa cháy, thi bảo vệ môi trường… Tiền quỹ lớp, giúp đồng bào bão lụt… cũng qua tay giáo viên thu từng em. Để tỏ sự khéo léo, giáo viên mầm non còn phải thi làm đồ dùng dạy học cho dù sẵn quỹ để mua học cụ bên ngoài hay không. Giáo viên vắt óc tìm cho ra “sáng kiến kinh nghiệm” để nộp lên cho dù không hiểu kinh nghiệm đâu ra mỗi năm đều đặn phải có. Khó mà điểm hết các cuộc thi tổ chức quanh năm suốt tháng khiến giáo viên trở nên kiệt sức. Các lớp “chuyên môn”, “bồi dưỡng nghiệp vụ” mở ra thường xuyên, cứ đến hè là mở mặc dù bồi dưỡng kệ bồi dưỡng, giáo viên về lớp dạy sao tùy ý. Quy định mỗi năm giáo viên phải “dạy tốt” và “dự giờ” năm, bảy tiết để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng thực chất các giờ “dạy tốt” thì ai cũng biết là diễn sâu và cũng chẳng ai đi dự giờ cho mất thời gian, mà thường làm đúng thủ tục bằng cách tự ý sáng tác vào quyển Sổ Dự Giờ sao cho đủ theo yêu cầu.
Công việc rất cực nhưng lương giáo viên thấp tới nỗi có thầy giáo không dám lập gia đình vì nhắm thấy không thể nuôi gia đình. Một số giáo viên có thể kiếm thêm bằng cách dạy thêm nhưng công việc này chỉ có thể làm ở khu trung tâm thành phố nơi đa số phụ huynh có thể đóng học phí. Ra tới ven đô hay ngoại thành, giáo viên đã không thể dạy thêm nói gì xuống đến miền quê. Cũng đừng tưởng dạy thêm dễ ăn. Công việc ấy bị bao nhiêu người dòm ngó. Nhà trường và hàng xóm nhăm nhe việc dạy thêm bị coi là bất hợp pháp, phụ huynh đóng học phí hàng tháng sốt ruột xem con học hành thế nào và lũ trẻ trong lớp học thêm vì có đóng tiền nên có quyền phá phách, nghịch ngợm hơn ở trường.
Phần lớn đành phải bằng lòng với số lương ít ỏi, nếu không, giáo viên kiếm thêm bằng vô số cách: bỏ mối yogurt, bán hàng online, chăn gà nuôi lợn, thả cá trồng rau… Đây là một nghề đặc biệt mà người dạy phải luôn luôn giữ gìn hình ảnh bên ngoài, ăn mặc, cử chỉ, ngôn ngữ chỉn chu nên thiếu hụt cách mấy, cũng chẳng ai dám ra ngồi bệt ngoài chợ bán rau bán thịt, cân thiếu cân thừa, nói thách, trả giá…
Những chuyện tiêu cực liên quan đến ngành sư phạm như chạy điểm, chạy trường, mua bằng, đổi tình lấy điểm… khiến hình ảnh thầy giáo đã không còn thần tượng như xưa. Tinh thần tôn sư trọng đạo hiển nhiên không còn tồn tại ở thời buổi bây giờ.
Ngày xưa vừa con cái trong nhà đông, vừa kính trọng thầy cô nên chuyện học trò bị thầy cô đánh vào mông, khẽ vào tay, nhéo tai, đứng úp mặt vào tường, quỳ gối… là chuyện bình thường. Hễ hư, không thuộc bài, nói chuyện riêng trong giờ học… là bị phạt. Ở những lớp nhỏ, giáo viên có khi vẫn dùng những hình phạt ấy cũng như phụ huynh dùng đến ở nhà.
Nay, thầy cô sợ học trò, sợ luôn cả phụ huynh. Do mỗi gia đình chỉ có một hay hai con nên đó là con trời, chứ không phải con nít bình thường. Trẻ con được bao bọc nuông chiều nên không một ai, từ ông bà, thầy cô… được “nói nặng”. Nhiều trẻ trở nên hư vì đã không được phạt đúng cách. Thành thử trẻ không coi ai ra gì.
Tại Quảng Bình, nữ sinh lớp 11 đã túm tóc đánh cô giáo vì bị ghi tên trong sổ đầu bài. Ở Hải Phòng, do giáo viên phạt học sinh nói chuyện riêng trong lớp, phụ huynh đến tận lớp dùng mũ bảo hiểm và dép đập vào đầu và tát giáo viên đến phải vào bệnh viện. Nếu phụ huynh không can thiệp thì đứa trẻ đã có cách phản ứng. Một học sinh lớp 9 ở Ninh Bình đã nhảy lầu tự tử khi bị giáo viên tịch thu điện thoại.
Nhưng thường thì phụ huynh phản ứng ngay. Ở Thanh Hóa, một giáo viên lớp 7 véo tai học sinh vì không làm bài tập, phụ huynh vào trường tìm cô dọa giết. Tại Hải Phòng, một học sinh không mặc đồng phục và nói chuyện riêng trong lớp nên bị cô giáo khẽ tay, người nhà bèn kéo đến tát cô giáo. Tại Phú Thọ, vì lỗi làm mất trật tự, một giáo viên tiểu học đã cẩn thận không dám đụng chạm đến học sinh mà chỉ bắt học sinh đứng. Thế nhưng sau đó phụ huynh đã tố cáo cô giáo với hiệu trưởng, bắt cô làm bản tường trình vì con họ cả đêm đau chân không ngủ được.
Mấy hôm nay ngành giáo dục lại rộn ràng về việc một luật sư tập sự bắt cô giáo quỳ gối trước mặt bốn mươi phút vì cô giáo đã bắt con ông quỳ. Nghe nhân chứng thuật lại cái cảnh lấy “mắt đền mắt, răng đền răng” mà phát sợ. Cô giáo mới nghỉ hộ sản bị đám phụ huynh ồ ạt tấn công, ông hiệu trưởng chẳng những không bênh vực nhân viên dưới quyền mà tìm cách bỏ đi tránh mặt. Chưa hết, ngay mấy hôm sau lại xảy ra tiếp vụ một nam sinh lớp 8 nhục mạ và nhào vào bóp cổ cô giáo vì cô đã nhắc nhở một nữ sinh, chắc là bồ của nam sinh nọ, làm bài môn khác trong giờ của cô.
Đó là lớp nhỏ nha. Tới lớp lớn như cấp 3 thì càng e ngại vì học sinh đâu cần về mách cha mẹ mà chúng tự xử luôn. Tới đại học thì khiếp vía. Ở đại học Nông Lâm, một nam sinh viên tạt nguyên chậu acid vào mặt giảng viên vì phải thi lại nhiều lần môn Anh văn của giáo viên ấy!
Giáo viên phải dạy sao cho học sinh vừa học hành giỏi giang vừa tính tình ngoan ngoãn. Phụ huynh nào cũng nói câu mở miệng Trăm sự nhờ thầy cô. Nếu học sinh giỏi được coi là bổn phận đương nhiên của giáo viên. Học sinh dở đổ toàn bộ lỗi cho giáo viên. Một lớp học thường mấy chục học sinh vượt quá sĩ số trung bình. Giáo viên quay cuồng với đủ thứ công việc và lúc nào cũng nơm nớp sợ vạ từ trên trời rơi xuống lúc nào không biết. Chương trình dạy học luôn đổi mới vắt chân lên mà đuổi, các hoạt động bên lề và áp lực từ phía phụ huynh luôn căng thẳng. Dễ dãi thì trẻ con lờn, nghiêm khắc thì bị phụ huynh đe nẹt. Một cử chỉ lời nói của thầy cô trong nháy mắt bị phóng lên mạng cho cả tỉ anh hùng bàn phím tha hồ comment loạn xạ, và trong phút chốc, giáo viên thành kẻ tội đồ bị mang ra chịu kỷ luật.
Ông Mai- giáo viên tiểu học- rụt rè truyền kinh nghiệm:
– Mình phải lo thân mình trước. Mũ ni che tai. Sợ đụng tới quý tử lắm. Thôi thì học sinh hư thì cha mẹ học sinh chịu hậu quả. Giáo viên có đụng vào bị thưa gởi, bị ăn đòn không ai bênh vực. Sau đó còn mặt mũi nào đứng trước lớp. Bỏ nghề thành thất nghiệp. Ngoài dạy học còn biết làm gì khác
Để giữ an toàn cho bản thân mình, tốt hơn hết giáo viên mặc kệ học sinh. Biếng học ráng chịu, hư hỏng ráng chịu. phụ huynh đổ trách nhiệm cho nhà trường thì chung chung nhưng tai họa đổ xuống đầu cá nhân thì thực sự. Câu Tiên học lễ dán trên tường muộn rồi!
SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email