TIỀN TÍP

Tháng năm đã về. Mother’s Day cũng đã qua. Với nhiều người ngày đặc biệt đó họ sẽ thể hiện tình cảm và lòng tri ân đối với người đã bụng mang dạ chửa sinh thành nuôi nấng họ. Nói đến ngày Mother’s Day sẽ đồng nghĩa với những bữa tiệc linh đình, những món quà xa xỉ, những lần đưa mẹ đến chỗ nọ, chỗ kia. (Để) rồi những đãi đằng xa xỉ ấy mỗi năm lại về một lần đều ít nhiều có liên quan đến tiền típ.  

Vâng. Với bà con người Việt mình chuyện tiền típ không mới mẻ gì. Chẳng phải vì khá đông trong chúng ta làm nghề nails, một cái nghề được phép đụng chạm vào da thịt người khác (a career with a license to touch people – Như theo cách nói đùa của không ít người) nên những đồng tiền típ đối với họ không xa lạ gì cho lắm; thậm chí khái niệm tiền típ chúng ta đã biết đến trước khi gồng gánh những “canh rau muống”, những “cà giầm tương” đến xứ người; ngược lại ngay từ bên nhà chúng ta quen gọi đó là tiền bo.

Quả thế, không sai, người Pháp đặt chân lên đất Việt và nhiều cậu ấm của các gia đình khá giả đi du học ngoại quốc trở về. Họ đem theo những thói quen lịch sự học hỏi được khi sống ở nước ngoài, đó là gởi chút “tiền uống nước” cho người chạy bàn – Trong tiếng Pháp đó là pourboire được bà con mình Việt hóa là buộc-boa – tức là tiền để uống nước. Nhắc thêm, chuyện biếu chút quà bày tỏ thiện chí và lòng biết ơn kiểu đó trong văn hóa Việt vốn từng xuất hiện thông qua những dạng tiền “phong bao”, tiền cò, xong nó khác hẳn với tiền típ hay tiền buộc-boa của người Tây vì khi nhận những khoản tiền buộc-boa này vị trí của người nhận sẽ khác hẳn trong các mối quan hệ nấc thang xã hội!

Nói thì nói vậy, tiền típ hiện diện như một phần quan trọng trong đời sống của khá đông người Việt, nhất là với các bạn làm việc trong các tiệm nails (vốn bận rộn lam lũ với cuộc sống xô bồ). Rồi không ai rõ từ khi nào, những đồng tiền típ ấy trở thành thước đo tiêu chuẩn kỹ năng tay nghề của người xách giỏ đi làm nails. Tức càng nhận được nhiều tiền típ càng là người giỏi tay nghề hơn, đáng được nể nang hơn. Về mặt này quả nhiên không phải không có lý, dù khái niệm “ngửa tay nhận tiền típ” (theo cách nói của một số người) gẫm kỹ thấy nó phản ánh khá trung thực những giá trị văn hóa công bằng. Bởi không phải tự nhiên người ta bỏ tiền ra dúi vào tay anh rồi bảo: It’s for you! Anh phải làm tốt, người ta phải thực sự hài lòng họ mới cho anh tiền típ chứ.

Thực ra tiền típ là cách khá phổ thông khi người sử dụng một dịch vụ bày tỏ thái độ quý trọng công sức của người đi làm vì họ đánh giá tốt các dịch vụ họ sử dụng. Ở đây chúng ta thấy tiền típ được trao ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Như một công thức chung, tiền típ là khoản tiền nhỏ (tuy nhiên vẫn có khách cho khá sang, thậm chí khá ngông) dúi tiền vào tay người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho họ.

Một người khách đi cắt tóc. Một gia đình ghé tiệm phở ngày chủ nhật sau khi đi lễ nhà thờ. Một chị Mỹ trắng biếu anh thợ cắt cỏ sân nhà chị hai tuần một lần một ít tiền. Một người đàn ông đến tiệm tẩm quất mát-xa do một người Đại Hàn làm chủ khá đều đặn. Một người đàn ông Lào đem cái áo vét đi sửa biếu cô thợ may cũng là người đồng hương chút tiền uống nước. Ba cô bạn thân rủ nhau đi làm móng chân lúc ra về không quên để lại khoản tiền típ cho mấy chị thợ nail ngoài tuổi năm mươi làm móng chân cho họ. Một cô giáo tiểu học gởi người đàn ông gốc Mễ thay vỏ xe ít tiền uống nước. Một cậu bé choai choai biếu người đàn ông giao bánh pizza mấy đồng tiền lẻ khi anh ta giao bánh. Một gã đàn ông đeo kính đen ngồi tại sòng bạc (lúc vận đỏ) dúi vào tay cô gái bưng rượu vài con chíp (lát nữa cô sẽ đổi lấy tiền mặt). Thậm chí có người đổ xăng thỉnh thoảng vẫn nói với cô nhân viên tính tiền câu: Keep the change với khoản tiền thối vài đồng bạc lẻ… 

Đó là bức tranh của đời sống văn minh trên đất người có liên quan đến tiền típ. Nhìn chung, để thể hiện thái độ trân quý những dịch vụ họ sử dụng, khách không ngại bỏ ra ít tiền biếu người đi làm đã bỏ công phục vụ họ. Tất nhiên không phải ai cũng cho tiền típ giống nhau. Một số cho tiền típ theo công thức 15% trên hóa đơn của dịch vụ. Một số xài sang, làm bộ móng chân 25 đồng nhưng cho tiền típ tới 50 đồng (tuy trường hợp này có phần hiếm). Một số khác không cho tiền típ, họ bước ra khỏi tiệm tay không (sau khi trả đúng số tiền trong hóa đơn) vì không quen với văn hóa cho tiền típ. Một số xài kỹ nên chuyện cho tiền típ là chuyện lãng phí những đồng tiền họ vốn đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được.

Một số (do thói quen) cho tiền típ như một hành động mang tính tự động, hiển nhiên. Hồi nhỏ được cha mẹ dắt đi ăn, đến những nơi mang tính phục vụ bưng bê, họ thấy người lớn cho người phục vụ tiền típ. Rồi chứng kiến cảnh ấy nhiều lần họ trở thành quen thuộc. Từ đó họ cho tiền típ như một thói quen, một phản xạ có điều kiện không cần đến những đắn đo cân nhắc xem dịch vụ họ nhận có xứng đáng được cho tiền típ. Theo họ, khá đơn giản, người phục vụ chỉ cần đừng làm gì sai quấy quá đáng, đừng quá tệ; nhiêu đó thôi đủ để họ nghiễm nhiên được hưởng khoản tiền típ ấy.

Tại Mỹ, khá đông người sống bằng nghề phục vụ (đa số chủ yếu) trông cậy vào khoản tiền típ họ nhận được. Đặc biệt tại những nơi típ hậu như mấy nhà hàng lớn, sang trọng, tiền típ sẽ cao gấp chục lần tiền lương. Tất nhiên để lọt vào được những chỗ này họ phải có ngoại hình khá, biết đẩy đưa cười cợt, phải tinh tươm sạch sẽ, phải chỉn chu áo quần; như thế họ mới được nhận vào làm những chỗ này.

Một số can tâm “sống với lũ” lăn lộn chốn ăn chơi xa hoa đàng điếm nơi tiền típ rót ra không biết tiếc từ các ông chủ lớn hoặc những đại gia có thói quen sử dụng các mỹ nhân hoặc các dịch vụ tươi mát trong thói quen ăn chơi hoặc giao dịch làm ăm; người đẹp sẽ ăn mặc hở hang, lả lơi cười cợt, liếc mắt lúng liếng, thậm chí phải uống được rượu bia, tửu lượng càng cao càng tốt. 

Còn trong những quán bar, người pha rượu thỉnh thoảng vẫn được khách típ cho một cốc rượu. Họ có thể không uống, nhưng vẫn ghi hóa đơn đưa cho nhân viên quản lý hoặc nhân viên đứng quầy trả tiền mặt cho họ. Nhiều cô gái ăn mặc hở hang, múa cột, bán nghệ chứ không bán thân, sẵn sàng vén vớ (loại bám chặt vào đùi, vế) để các thượng khách “máu đang nóng” kẹp tiền vào mép vớ hay nhét vào chiếc coọc-xê cô gái đang mặc với ánh mắt biết ơn da diết.

Với những đồng tiền típ trong sạch hơn tại những tiệm nails, tiệm tóc, yếu tố tâm lý đối với tiền típ của nhóm người làm nghề này đôi khi được diễn nôm theo cách hiểu khá đặc biệt. Tức cùng xách giỏ đi làm như nhau, người nhận được típ hậu thường tự đánh giá mình là người cao cơ, tài ba hơn. Họ lý luận: Không giỏi như vậy, ai đời người ta lại cho mình tiền một cách bất ưng vô cớ. Thực ra điều này không hoàn toàn đúng 100% như thế. Ngược lại, nói về tiền típ là nói đến một thế giới khá li kỳ, đầy những hiện tượng lạ, giải mã đầy đủ cặn kẽ sẽ không dễ chút nào.

Vâng. Cùng một ngày đẹp trời như nhau, chị B. đi làm gặp toàn khách kẹo. Trong khi chị D. làm móng cho khách nào cũng được típ hậu. Trong bối cảnh đó, làm sao chị B. tránh khỏi những đắn đo suy nghĩ. Chị sẽ nghĩ: Chắc mình phải làm sai điều gì đó nên người ta mới không cho mình tiền típ hậu như họ típ chị D. hay chị T. Rồi chị sẽ buồn: Bộ mình có khuôn mặt hãm tài chăng? Hay vì tiếng Anh của mình sử dụng quá nhiều động từ “to quơ” nên người ta không có thiện cảm. Còn chị T. chẳng hạn, tiếng Anh nói như gió. Khách lâu lâu ồ lên cười. Rồi chị biết đùa cợt thân tình. Lát nữa khách cho típ rất khá. Chị B. nhất định khó tránh tủi thân: Mình dốt tiếng Anh nên típ ít!

Cứ thế, con người vốn dễ mặc cảm với nhiều thứ hoàn toàn chẳng ăn nhập gì đến hành xử của họ vì đó chỉ là kết quả tần số hên xui xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên, không có chủ ý cố tình sắp đặt nào. Nếu đúng như thế, những đồng tiền típ đôi khi được trao ra không phải vì dịch vụ xuất sắc, phải thật tốt, song chỉ cần chấp nhận được nghiễm nhiên sẽ có típ. Song vì mặc cảm tự ti, nhiều người coi tiền típ là thước đo chất lượng dịch vụ họ cung cấp cho khách.

Tạm không bàn cãi mối liên hệ giữa phẩm chất phục vụ và lượng tiền típ được khách giúi vào tay thợ. Tức, nếu khách thấy thợ quan tâm săn sóc, họ cảm thấy hài lòng thoải mái, khoản tiền típ có khả năng sẽ cao hơn. Tất nhiên đây chỉ là mối liên hệ (correlation) chứ không phải định luật nhân-quả (cái nọ là nguyên nhân dẫn đến cái kia – kiểu: Hễ săn sóc tốt là ô-tô-ma-tíc có tiền típ).

Thực ra phục vụ tốt và típ hậu không hẳn 100% là một định luật. Đơn giản, không lạ gì với nhiều thợ nails, nhiều bà khách nhìn rất bình dân (thậm chí trông khá nghèo hèn), nhưng tới chừng họ trả tiền mới té ngửa, cho tới 30 đồng tiền T luôn. Có nơi chị em gọi tiền típ là tiền T, tiền cò. Còn không ít lần tưởng khách sộp vì cái vía bề ngoài trông có vẻ là người có của, xài sang, típ rộng, vậy mà tới chừng làm xong típ cho có 5 đô-la. Có người làm cái chân giá 70 Mỹ kim cho típ có 5 đồng, thậm chí không có típ nữa. 

Thành ra chuyện nhận tiền típ có vẻ vừa hên xui (tình cờ ngẫu nhiên) vừa có phần khoa học, đặc biệt là khoa học tâm lý, tức nếu biết cách làm khách vui lòng, khoản tiền típ sẽ theo đó mà tăng lên. Tuy nhiên nếu bữa nào gặp hên, gặp khách từng sống bằng nghề dịch vụ trông chờ tiền típ trong quá khứ (thông thường họ sẽ cho típ rộng hơn vì họ hiểu cuộc sống của người đi làm dựa vào đồng tiền típ rất mong gặp khách sộp) nên khoản típ sẽ nhỉnh hơn. 

Tâm lý chung, gặp một cô tiếp viên vui vẻ ân cần, miệng mồm nhanh nhảu, ăn nói lễ phép duyên dáng, thấy khách thích ăn giá, đĩa giá vừa vơi bớt chút đỉnh cô vội châm thêm. Rồi rót thêm nước, rồi vồn vã hỏi thăm khách ăn có ngon miệng, rồi miếng chanh, miếng ớt… cứ thế thái độ niềm nở mau mắn ấy sẽ khiến người đi ăn phở rộng tay cho típ hơn. Còn gặp khách từng là người chạy bàn, nay đời sống khấm khá hơn, mỗi lần đi ăn họ lại nhớ đến những ngày hàn vi của mình và rộng tay cho tiền bo hơn. 

Tất nhiên không phải bất cứ ai cũng sẽ rộng rãi cho típ nhiều hơn khi nhận được dịch vụ tốt. Khoản tiền típ đã được họ ấn định theo ngân quỹ (budget) trước đó. Nên thấy người chạy bàn vui vẻ họ sẽ cảm ơn. Tuy nhiên một số sẵn lòng rộng típ một chút trước thái độ phục vụ khiến họ hài lòng, ăn uống thoải mái. Ngoài ra có người típ rộng mỗi khi đi ăn bất luận chất lượng dịch vụ ra sao. Nếu không vui, lần sau họ không đến nữa. Còn chuyện cho típ họ vẫn cho, trừ phi họ phật ý, bực mình hết cỡ trước thái độ quá đáng của người phục vụ.

Tóm lại, nếu không quá quắt lắm, tiền típ đôi khi gần như là chuyện hên xui.

Vâng. Để rồi tháng năm lại về. Mother’s Day cuối cùng cũng đã qua đi. Cuộc sống lại trở về nhịp điệu bình thường của muôn thuở. Dù là tiền bo, tiền típ, hay tiền buộc-boa, gẫm kỹ lại, đó là một thế giới khá xô bồ, song đây cũng chính là một bàn đạp để nhiều người kiếm tiền nuôi con cái ăn học thành tài, nên người. 

Chợt tự hỏi, không biết đã có bao nhiêu bác sĩ, dược sĩ, luật sư, nha sĩ, kỹ sư người Việt mình nhờ những đồng tiền típ cha mẹ kiếm được mà ăn học thành tài, rạng danh, nên cơ nên nghiệp? Nếu đã nói như thế, đồng tiền típ cũng như bao đồng tiền khác (có hai mặt xấu tốt) gẫm lại vẫn là điều để chúng ta ghi nhớ, mang ơn; đặc biệt những đồng tiền típ ấy từng giúp họ ổn định cuộc sống, góp phần mở ra những cánh cửa bước vào một thế giới tương lai tốt đẹp hơn, đúng không thưa quý vị.       

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email