Tiếng xe lửa lúc năm giờ sáng…

Chập chờn mãi vẫn không ngủ được, nhà không lạnh vì máy sưởi vẫn chạy ù ù, và có ai đâu mà điều chỉnh lại nhiệt độ trong nhà? Vậy là mình không khoẻ. Đúng rồi, chiều nay đi làm về, đi tắm ra, ngồi xem tivi đã thấy ớn lạnh như bị cảm; nhưng làm biếng đi sấy tóc, lại ngồi nhâm nhi chai rượu sake của bạn cho để ăn tết. Mới đó mà đã năm hết tết đến. Tôi chán câu này của người lớn, không ngờ nay chính mình đã nói ra câu ấy với vách tường. Thế là ngồi nhớ gương mặt người cho quà, cô em trong hãng lên giọng thầy đờn thật thấy ghét! “Không lẽ cả năm mà em cũng không cho sư phụ được chai rượu đón giao thừa, nhưng mình em thì đâu dám vô tiệm rượu. Hên sao hôm qua, thấy ông xã em mua mấy chai rượu về nhà để chuẩn bị ăn tết Cô vít – là không đi đâu hết. Em mượn hoa cúng anh một chai. Thôi thì năm nay ăn tết chay tại nhà cho nó lành nha anh trai. Buồn quá thì qua nhà em, nhậu với ông xã em cho vui, tụi em ở nhà. Anh đừng đi đâu, nhất là đừng ra quán mùa này nguy hiểm…”

Lạ lùng cho những lời quan tâm thường dễ nghe thì người ta lại hay nói những lời bỏ mặc, lời cảm ơn thật lòng lại khó nói hơn bông đùa trong đời sống hôm nay, cứ nửa thật nửa đùa để là thật khi muốn thật, là đùa khi muốn đùa. Nên câu trả lời của tôi cũng vô nghĩa làm sao ấy, “Cuối năm rồi. Hôm nay làm mấy tiếng nữa là sang năm mới mới gặp lại. Em đờn vô lỗ tai anh cả năm chưa đủ sao? Anh còn nhớ năm ngoái em cũng chúc anh, “Sang năm hết cô đơn, đừng uống nhiều quá, đừng xài ngẫu hứng là hết tiền đóng thuế nhà cuối năm, đừng ra quán vì cô vít đã xuất hiện và lan tràn trong thành phố…” Thì năm nay anh không cô đơn mà cô vít. Chết thằng bạn nhậu nên uống gấp đôi vì còn có một mình. Không xài ngẫu hứng thì bị tin tặc chôm thẻ… Anh đã nói là đờn gẩy tai trâu mà thầy đờn không biết mệt, cuối năm còn lên dây quá là đứt nha em gái. Anh bảo đảm là chai rượu này không thọ tới giao thừa vì chiều nay là anh xử đẹp nó rồi! Chúc em và gia đình bình an trong năm mới…”

Nghĩ lại những gì mình đã nói ra với người có lòng thật nhạt nhẽo, chẳng thể hiện được lòng biết ơn về sự quan tâm mà cứ bông đùa. Tôi cố ngủ một chút vì sáng ra phải đi xa khi nghe tiếng xe lửa xa xa báo hiệu đã năm giờ sáng. (Nhà tôi không cần đồng hồ báo thức để đi làm vì chuyến xe lửa đều đặn lúc năm giờ sáng mỗi ngày không quá ồn nhưng đủ để thức giấc). Không biết là thói quen, hay là đồng hồ sinh học trong người vì chưa có ngày nào xe lửa không chạy bên kia ngọn đồi mà nhà tôi bên đây, lại còn cách ngọn đồi thêm một con suối. Có bạn ở tiểu bang xa đến chơi nhà nên anh ngủ qua đêm. Sáng ra anh khen cái tuyệt tình cốc của tôi nhỏ gọn nhưng có không gian hữu tình, nằm trong khu nhà yên tĩnh; chỉ thất một điểm là về sáng, lúc ngủ ngon giấc nhất thì lại có tiếng xe lửa xa xa, không quá ồn nhưng đủ để đánh thức giấc mơ về sáng… Hay bọn mình đã già?”

Tôi trả lời bạn xa, “Coi như ông đúng hết vì tôi cũng không rõ, không xác định được thức giấc mỗi ngày lúc năm giờ sáng là do tiếng xe lửa xa xa hay do mình đã già. Nhưng vào những ngày nghỉ lễ, hôm cuối tuần, tôi yêu những chuyến xe lửa về sáng vì nó đã đưa tôi về quê xa thăm nhà, ăn tết. Chỉ đáng tiếc là khi thức dậy, sự tiếc nuối những giấc mơ về sáng mới là thật trong cái lạnh đầu đông bên ngoài không bằng cái lạnh đầu bạc trong tâm với tứ bề cô quạnh quá! Cứ thấy mấy đầu ngón tay, mấy đầu ngón chân trần ngồi xem tin tức trên tivi lạnh buốt là nhớ đã đến tết quê nhà. Lòng buồn theo năm tháng không về, ngồi bấm đốt ngón tay đã bao người thân lìa trần nhưng không được nhìn mặt lần cuối…”

“…”

Đêm qua chập chờn khó ngủ vì nụ cười cô em trong hãng, cô ấy có tính khí giống tôi là điều ai cũng biết. Điều riêng tôi biết vẫn tôi biết riêng tôi là điều tôi còn không biết là điều gì thì ai biết!

 Tiếng xe lửa lúc năm giờ làm tôi thức giấc. Cố nhớ giấc mơ trong cõi chập chờn đêm qua thì lại nhớ ra ông Nguyễn Như Núi mãi tận bên Úc châu. Truyện ông viết thường rất ngắn nên người đọc nhớ được lâu, như tôi đang nhớ đến câu chuyện của những giấc mơ về sáng, “Đêm, đang ngủ, hắn chợt nghe ai đó đọc thoảng qua tai một bài thơ tuyệt hay. Hắn vội vã bật ngọn đèn ngủ, với tay lấy xấp giấy và cây bút, chép ngay bài thơ ấy. Xong, hắn tắt đèn, ngủ lại. Sáng dậy, nhìn lại trang giấy, hắn giật mình thấy chỉ có một bãi nước bọt.”

Tôi kính trọng ông Núi như núi vì ông hiểu nhà thơ hơn cả những nhà thơ ở cạnh nhà thờ/ (chỉ để) nhà thơ tắt thở nhà thờ rung chuông. Tội lắm. Nhưng tôi chỉ là nhà tù giam giữ tâm hồn tôi cho đến khi nhà tù bị xập, không biết tâm hồn bị chết đè hay lại siêu thoát mới thương thay. Nhưng dù sao tôi cũng cảm ơn giấc mơ về sáng hôm nay, vì tôi đã khám phá ra điều tôi biết riêng tôi là điều gì? 

Đã nhiều năm anh em làm việc chung, ngoài cái tính nết không biết sợ, không biết im miệng sống qua ngày nuôi con của em tôi làm cho tôi thấm thía lời nhạc “triệu người quen có mấy người thân” trong cõi ta bà này; trong cái thành phố luôn thiếu người làm chứ đâu thiếu việc làm thì đâu cần phải xu nịnh để giữ việc làm, đi bằng đầu gối để thăng chức. Điều lặng lẽ trong tôi không hiểu vì sao khi nhìn em tôi cười, dù cười để giấu những dòng lệ rơi như nhạc của Lê Hựu Hà thì tôi vẫn thấy ấm áp trong lòng. Tôi cảm nhận được hạnh phúc là có thật trên đời. Nhiều lần tôi tự hỏi, nhưng câu trả lời vẫn là quên đi, đừng vấp một mô đá hai lần trên đường trần ngắn ngủi còn chưa qua mà đã đầy thương tích. Nhưng nay tôi đã rõ được điều tới tôi còn không biết thì ai biết, đó là nụ cười sake – chúc mừng năm mới. Nụ cười đưa tôi vào giấc mơ về sáng chập chờn bay. Một nụ cười hiền nhưng tinh nghịch lắm. Nụ cười đưa tôi về một vùng quê xưa cũ khi mùa thu đã bay đi và gió heo may đã về, nhưng người đi bên tôi ngày ấy gọi là gió chướng. Gió chướng như anh, theo em về quê chi để khi gió chướng lại về, chỉ còn lại em như cọng lau gầy ngoài bờ sông vắng, bâng khuâng anh biệt xứ góc biển chân trời… Hôm ấy em cười để giấu những giọt lệ rơi, nhưng lệ vẫn rơi để nhớ cọng lau gầy.

Phải rồi. Tết tới ở quê xưa, hoa vượt ra khỏi những kiot bán hoa trên đường Nguyễn Huệ. Cả Sài gòn rực hoa khắp nẻo quanh co bàn cờ. Tôi đi bên em mà quên đi không khí tết đang tràn lan vì còn mê kể cho em nghe chuyện tôi hồi nhỏ với những hàng me ở Sài gòn. Em cũng líu lo dưới quê em, ghe hoa nườm nượp sông những ngày giáp tết vì hoa đem xuân đem lộc đến mọi nhà để đón tết nên hoa rời những cánh đồng hoa để theo người về phố; năm nay người trên phố theo hoa về quê thì nhớ đừng đi biệt cho “lan huệ sầu ai lan huệ héo”, làm tôi nhớ hoài nụ cười “trong héo ngoài tươi.”

Em luyên thuyên một chiều giáp tết không đi chợ hoa với bạn bè như xuân trước mà cũng không đi một mình như hồi mới lên thành phố. Em kể chuyện lên thành, em kể chuyện dưới quê: Hoa được thồ trên xe đạp thồ, công kênh trên những chiếc xe lôi, gánh hoa làm đẹp cả đường làng vì những cô gái quê xinh tươi, duyên dáng. Hoa theo xe vận tải lớn về thành phố để những ngày giáp tết tạo nên cả phố phường hoa, mọi nhà trong hẻm nhỏ hay ngoài lộ lớn đều nở hoa. Hoa trang hoàng lối đi, hoa làm đẹp trước ngõ, cái đầu hẻm quanh năm rác rưởi vào khu nhà trọ của sinh viên, đầu cầu thang lên căn phòng trọ quanh năm ám khói nấu ăn của những người vô gia cư cũng rực hoa đón xuân về. Hoa đánh thức sân nhà thường rêu phong với mấy cây cổ thụ từ thời tây, từ đời ông bà, hoa vào nhà làm sáng mấy bức vách quanh năm u uẩn… Đâu cũng là hoa làm mùa xuân rực rỡ, đâu cũng là xuân với hương hoa khắp nơi. Người ta chọn hoa cho ngày tết theo cái tên của mỗi loài hoa mang ý nghĩa riêng. Đầu năm đón lộc vào nhà thì lộc là một trong ngũ phúc: Phúc-Lộc-Thọ-Khang-Ninh. Ngày đầu xuân đi hái lộc đầu năm là kỷ niệm khó quên của tình nhân đã nhiều thế hệ và trở thành phong tục đẹp của dân tộc mình… 

Em líu lo làm rụng nụ cười khi gió chướng đã về quê xa và anh thì đúng như em linh cảm trước đã biền biệt góc biển chân trời. Đã bao năm rồi em nhỉ? Việc đón lộc vào nhà nói lên ước mơ của gia chủ nên người chọn Mai-Lan-Cúc-Trúc; người chọn bộ Tam đa: Sung-Phát tài-Sống đời, hoặc những loại cây có cùng bộ như Vạn niên tùng-Thiên tuế, bộ Tứ Linh: Đa-Sung-Sanh-Si… Em con nhà vườn trồng cây ăn trái, trồng hoa bán tết nên em rành rẽ về hoa từ cách gieo trồng đến hoa theo bộ, trái cũng theo bộ như hoa. Không biết em còn nhớ anh chọn bộ: Chôm-vừa-đủ-xài (chôm chôm, dừa, đu đủ, xoài) mà tiếng người miền tây em nói nghe đã tai, em cười tan trong nắng nụ hoa dĩ vãng… 

Đã bao mùa xuân trở lại, bao giấc mơ về sáng thấy em cười, mơ giữa ban ngày với nụ cười “tuy xa mà gẩn tuy gần mà xa” nơi anh làm việc. Làm anh biết được điều chính anh còn không biết thì ai biết khi thấy bản sao của nụ cười hoa dĩ vãng mang hương sắc ngậm ngùi. Khi nhớ lại lần về quê em chơi dịp tết. Trong căn nhà vườn khép nép bên sông, trên bàn thờ gia tiên trang nghiêm của nhà em rực vàng hoa vạn thọ, thoang thoảng mùi hương anh còn nhớ. Trong phòng khách rực rỡ mai, đào, cúc, trúc. Những cánh thiệp xuân be bé xinh xinh mang ước nguyện tân niên: An Khang Thịnh Vượng, Tân Niên Vạn Phúc, Phúc Lộc Thọ… Cây tắc trĩu quả còn đại kiết không em? Những khung cửa sổ nhà em với những bình hoa hồng, hoa sống đời, hoa lan, hoa cát tường. Bên hiên nhà có hoa trạng nguyên, hoa cúc, thược dược, hải đường… cứ nhìn theo bước em đi. Anh nhớ mãi nhà em đón tết, cứ như một vườn hoa khi bước ra sân với những chậu bonsai thuộc bộ Tam đa hoặc Tứ linh được cắt tỉa kỹ lưỡng trước tết. Những cây mai chiếu thủy điệu đàng trong gió xuân mơn man, những cánh hoa nhỏ xíu, trắng xinh ngại ngần nên chỉ nhìn xuống cái gốc ngộ nghĩnh của nó. Những cây cần thăng xanh mướt, những cây hoa trang bonsai bé tí có bộ rễ lạ kỳ và đầu cành là những chùm hoa li ti kể chuyện…

Hoa nở nhà em, hoa dưới quê em như cả vườn xuân, cả trời xuân quê cũ, nhưng anh chỉ mang được về thành hoa nắng để sánh bước rong chơi, mang theo đời dạt trôi mỗi nụ cười em từ độ… Nay xuân lại về trên vùng tuyết rơi chứ không có nắng vỡ. Tạ ơn trên vẫn cho anh thấy được bản sao của nụ cười dĩ vãng đã xa, cọng lau gầy ngoài bờ sông vắng nơi quê cũ vẫn chập chùng trong những giấc mơ về sáng… Chúc bình an cho nhau.

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email