Tiếp Tục Chuyện Vaccine: Chừng Nào Tới Lượt Bạn?

Những tin tức lạc quan về kết quả thử nghiệm lần lượt của các loại vaccine đến quá đúng lúc, nếu không nói là chút nữa thì trễ. Dịch Covid-19 càng ngày càng nặng ở hầu như mọi nơi, mọi nước, trong lúc khả năng kiên nhẫn, sức chịu đựng của con người cả về mặt tinh thần lẫn vật chất ngày càng mòn mỏi. 

Loại vaccine đầu tiên công bố kết quả và hiệu quả của giai đoạn thử nghiệm thứ ba của Pfizer và  BioNTech, với hiệu quả tạo kháng thể cao hơn 95%.

Đương nhiên là những quốc gia giàu nhất, phát triển nhất sẽ được hưởng thành quả này trước nhất. 

Hoa kỳ lạc quan rằng những người dân Mỹ đầu tiên sẽ được chích ngừa vaccine Covid-19 ngay cuối tháng này, rất có thể nhanh hơn, vào tuần lễ thứ ba của tháng 12. Các cố vấn khoa học của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tổ chức một cuộc họp công khai vào ngày 10 tháng 12 để xem xét yêu cầu cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer và quyết định có thể được đưa ra ngay sau đó.

Loại tủ đông lạnh đặc biệt dùng để giữ vaccine của Pfizer ở độ lạnh dưới -75 độ C

Nhưng nhanh hơn nữa, Anh quốc công bố thần dân của Nữ hoàng sẽ là những người đầu tiên trên thế giới (trừ dân Nga và dân Tàu) được nhận vaccine mRNA của hãng Pfizer. Tuyên bố của Anh chắc ăn hơn, bởi chính phủ Anh đã chuẩn nhận cho vaccine của Pfizer được phép đưa vào sử dụng trong khi FDA của Mỹ vẫn chưa chính thức đưa ra quyết định. Những liều vaccine của Pfizer đã về đến Anh quốc hôm 2 tháng 12. Lô vaccine này đã được đưa đến một địa điểm tập trung không được tiết lộ, và hiện đang được phân phối đến các trung tâm tiêm chủng tại các bệnh viện trên khắp nước. Đến ngày 9 tháng 12, những người Anh đầu tiên trong số 2,5 triệu người được ưu tiên đợt này bắt đầu xắn tay áo lên để được nhận cú chích của thế kỷ từ đầu tuần này.

Giáo sư Jonathan Van-Tam, Phó giám đốc y tế Vương quốc Anh, cho biết đợt tiêm chủng đầu tiên có thể ngăn ngừa tới 99% trường hợp phải vào bệnh viện và tử vong do Covid-19.

Các cơ quan quản lý của Anh cũng đang đánh giá một loại vaccine khác do các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển.

Canada cũng giàu – nằm trong G7, nhóm bảy cường quốc kinh tế của thế giới, lại còn đứng đầu nếu danh sách này được sắp theo thứ tự chữ cái (Canada, France, Germany, Italy, Japan, United Kingdom và United States). Thế nhưng quốc gia này lại tụt hậu. Theo một bài Op-eds trên CNN hôm 3 tháng 12, Canada là quốc gia không có trong danh sách những nước sẽ được nhận vaccine chống/phòng Covid-19 sớm nhất. 

Bài báo này, do một người viết từ Canada, nói rằng phải đến đầu mùa thu dân Canada mới được “tiếp cận” vaccine. 

Người viết bài Op-eds đó dựa trên phát biểu của ông Justin Trudeau trong cuộc họp báo hôm 27 tháng 11: “…chúng ta sẽ có thể có được đa số người Canada được chủng ngừa vào tháng 9 tới.”( Phó giám đốc cơ quan y tế công cộng quốc gia, Bác sĩ Howard Njoo đã cho rằng “tháng 12 có thể thực tế hơn.”

Hãng thông tấn Reuteurs còn đưa thêm một cái tin nhức nhối hơn cho dân Canada, những người đang xanh mặt trước những con số ngày càng một tăng của đợt dịch lần thứ hai, và có thể kết hợp luôn với đợt 3: Mexico sẽ nhận được vaccine trước Canada. Tin này do lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O’Toole đưa ra. 

Không phải vì cơ quan quản trị thuốc men và bộ Y tế Canada chậm lụt (hoặc quá kỹ) trong việc cho phép sử dụng thuốc. Y tế Canada đã cho hay họ sẽ ra quyết định ngay sau khi FDA có quyết định vì thủ tục cứu xét của hai nước không khác nhau bao nhiêu.

Mà cũng không phải vì Canada không có tiền, hoặc chậm lụt trong việc đặt hàng. Chính phủ Canada đã công bố từ lâu lắm rằng để lo cho dân chúng trong đại dịch Covid 19, Canada đã đặt mua trước với các công ty sản xuất vaccine có triển vọng nhất thế giới là Pfizer, Moderna và Astra Zeneca một số lượng khổng lồ vaccine, có thể chích cho toàn bộ dân Canada mỗi người vài ba lần nếu muốn.

Cũng không phải do Canada bị hớt tay trên như những chuyện đã xảy ra trong thời gian thế giới mới phát đại dịch, khi những chuyến hàng chở PPE mà Canada mua bị “cướp” ngay tại phi trường.  

Không cần phải đến bài báo của CNN, ở trong nước, ông Trudeau đã bị phe đối lập quay như dế về chuyện “đặt tiền trước, lấy hàng sau” này.

Ông Trudeau giải thích rằng Canada đã “không còn khả năng sản xuất vaccine trong nước nữa” và điều hợp lý là các quốc gia làm như vậy sẽ ưu tiên công dân của họ.

“Các quốc gia như Hoa Kỳ, Đức và Anh đều có các cơ sở dược phẩm trong nước, đó là lý do tại sao họ rõ ràng sẽ ưu tiên giúp đỡ công dân của mình trước.”

Dân biểu Michelle Rempel Garner, phà phê bình về y tế của Đảng Bảo thủ đối lập, đã thắc mắc tại sao Canada không cố gắng xin giấy phép sản xuất vaccine ở quốc gia này. Bà cũng lên án ông Trudeau đã nói dối về khả năng sản xuất vaccine của Canada, viện rằng hồi mùa xuân, liên  bang đã công bố việc đầu tư vào các cơ sở để sản xuất vaccine ở Saskatchewan và Montreal.

Một trong số đó là 44 triệu đô la (Canada) để nâng cấp cơ sở của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia ở Montreal, nơi ban đầu dự kiến sản xuất 250.000 liều vaccine mỗi tháng – cơ sở này vẫn chưa được xây dựng xong.

Andrew Casey, Giám đốc điều hành của BioteCanada, xác nhận điều ông Trudeau nói. Canada “không còn khả năng sản xuất vaccine trong nước nữa” vì tuy rằng Canada có sản xuất vaccine, nhưng công nghệ sản xuất các vaccine COVID-19 hàng đầu – như của Pfizer và Moderna, còn quá mới: “Đây là lần đầu tiên công nghệ này thực sự được áp dụng. Vì vậy, bạn phải xây dựng cơ sở để sản xuất trên quy mô lớn, đó là một thách thức.”

Đúng là có một nhà máy vaccine  ở Toronto (của công ty dược phẩm Sanofi) và một nhà máy ở Quebec (của GlaxoSmithKline), nhưng cả hai đều sản xuất loại vaccine dựa trên protein, như những loại vaccine ngừa cúm hàng năm.

Sean Marett, giám đốc kinh doanh và thương mại của BioNTech: “Sau khi được chấp thuận, chúng tôi sẽ xuất vaccine và vận chuyển. Chúng tôi đã sản xuất vaccine và số liều dành riêng cho Canada”

 

Thôi kệ nó đi, quốc gia này sớm muộn gì cũng đến lượt mình. Mà không phải chỉ có Pfizer và Moderna. Nhiều loại vaccine khác đang lần lượt xuất hiện. Việc vận chuyển, phân phối các loại này lại dễ dàng hơn. Ráng chờ một chút và ráng giữ các khuyến cáo của y tế: giữ khoảng cách xã hội, mang mặt nạ, đừng tụ họp, đừng đi ăn nhậu… vài tháng nữa.

 

 

 

Canada đã đặt mua bao nhiêu vaccine, của những nơi nào?

Tính đến cuối tháng 11, Canada đã đặt hàng gần 414 triệu liều vaccine cho quốc gia chỉ có 37,9 triệu dân.

Theo một phân tích dữ liệu do Đại học Duke tổng hợp, con số này đủ để tiêm chủng cho tất cả dân Canada mỗi người “hơn 5 lần”, đánh bại mọi quốc gia khác về số lượng đơn đặt hàng vaccine COVID-19 trên đầu người đã được xác nhận.

• BNT162 của Pfizer và BioNtech: Chính phủ liên bang đã đặt hàng tối thiểu 20 triệu liều.

• mRNA-1273 của Moderna: Canada đã “chốt” số lượng 20 triệu liều trong số 56 triệu liều mà Ottawa đặ hàng với Moderna và sẽ được giao vào năm tới. 

• Vaccine của Sanofi và GlaxoSmithKline: Canada này đã ký thỏa thuận đặt hàng 72 triệu liều.

• Vaccine của Johnson & Johnson: Canada đã đặt 38 triệu liều.

• NVX-CoV2373 của Novavax: Novovax đã đồng ý cung cấp cho Canada 76 triệu liều.

• AZD1222 của AstraZeneca AZD1222: Canada đã ký thỏa thuận mua tới 20 triệu liều.

• Vaccine “lô can” của Medicago: Chính phủ Canada đã đầu tư cho công ty Medicago ở Montreal Canada để phát triển và sản xuất vaccine chống Covid-19. Medicago sẽ cung cấp 76 triệu liều vaccine có gốc thực vật.

Tin giờ chót, các nhân vật quan trọng trong việc đem vaccine chống virus SARSCoV-2 đến cho dân Canada như Thủ Tướng Trudeau, Tướng Dany Fortin (chỉ huy chiến dịch phân phối vaccine trên toàn quốc), Y sĩ trưởng Y tế Công cộng Canada, Bác sĩ Theresa Tam, đều quả quyết dân Canada sẽ không phải chờ lâu lắm đâu, họ chỉ thận trọng thế thôi. Mọi chuyện đã sẵn sàng, từ mua tủ đông cực lạnh đến kế hoạch phân phối. Trong khi đó, Sean Marett, giám đốc kinh doanh và thương mại của BioNTech, công ty  hợp tác với Pfizer, nói với nhà báo Rosemary Barton của Thông tấn CBC hôm 6 tháng 12: “Chắc chắn từ các cuộc thảo luận mà chúng tôi đã có, Canada có thể sớm chấp thuận vaccine (của chúng tôi). Sau khi được chấp thuận, chúng tôi sẽ xuất vaccine và vận chuyển. Chúng tôi đã sản xuất vaccine và số liều dành riêng cho Canada.”

Nga bắt đầu chích vaccine “đại trà” 

Nga đã bắt đầu phân phối vaccine chống virus corona từ ngày 5 tháng 12. Đây là loại cần chích hai mũi, chỉ dành cho những người từ 18 đến 60 tuổi không mắc bệnh mãn tính hoặc cảm lạnh, và hiện không mang thai hoặc đang cho con bú. Mũi thứ hai phải được tiêm 21 ngày sau mũi tiêm thứ nhất.

Nỗ lực tiêm chủng diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo các viên chức bắt đầu tiêm chủng quy mô lớn chống lại virus, bất chấp sự chỉ trích rộng rãi của các nhà khoa học trên toàn thế giới về tính an toàn và hiệu quả của Sputnik V.

Nga chưa hoàn thành các nghiên cứu thêm về Sputnik V để chắc chắn vaccine này là an toàn và tuân thủ các quy trình khoa học.

Moscow cho hay đã có 5.000 bác sĩ, giáo viên, nhân viên xã hội và các nhóm có nguy cơ cao khác đã ghi tên chủng ngừa.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Nga đã ghi nhận hơn 2,4 triệu trường hợp nhiễm coronavirus và hơn 42.200 trường hợp tử vong.

Chích vaccine SputnikV ở Moscow.
Photo: Sergei Karpukhin/TASS via Getty Images

Trong cuộc họp báo gần nhất, bà Tổng trưởng Bộ Bộ Dịch vụ công và Tạo mãi Canada Anita Arnand cho hay chính phủ đã thỏa thuận với Moderna để có thêm 20 triệu liều vaccine nữa, nâng tổng số liều lên 40 triệu, sẽ được phân phối vào năm 2021. Bà Arnand nói FedEx Express Canada và Strategies Innomar sẽ đảm nhận “giải pháp tiếp vận vaccine COVID-19 từ đầu đến cuối.”

Cả hai công ty Pfizer và Moderna đều đã nộp hồ sơ xin cấp phép với Bộ Y tế Canada.

Ai sẽ được ưu tiên?

Sau chuyện xếp hàng ở bình diện quốc tế, đến chuyện xếp hàng ở trong nước. 

Như bất cứ những mặt hàng hiếm, không đủ cho tất cả những người muốn có, chuyện phân phối theo ưu tiên sẽ phải được tính tới, cho dù ở xứ tư bản hay xứ cộng sản.

Đại công ty Pfizer đã vừa cho hay do trục trặc sản xuất. Lượng hàng đầu tiên của họ sẽ bị giảm xuống  chỉ còn phân nửa số dự tính ban đầu. Thế là đã hiếm, lại càng thêm hiếm.

Các chiến lược tiêm chủng nhằm mục đích bảo vệ năng lực chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ trọng yếu khác cho hoạt động của xã hội. 

Hầu hết các cơ quan trách nhiệm y tế của các quốc gia đều đã đề ra thứ tự ưu tiên nhận vaccine, và hầu hết các các thứ tự ưu tiên trong các hướng dẫn, quy định này đều tương đồng. 

Bác sĩ Theresa Tam, Y sĩ trưởng Y tế Cộng đồng Canada
Ảnh cắt từ video một cuộc họp báo

Rất nhiều khía cạnh, nguyên tắc và tiêu chuẩn đã được xem xét để xác định thứ tự ưu tiên, như đạo đức, pháp lý, và thực dụng. Mỗi nguyên tắc lại liên quan đến nhiều chi tiết nhỏ nữa Như mức độ dễ bị tổn thương, gặp nguy hiểm, mức độ cần thiết và hữu ích cho xã hội và mức độ hiệu quả cũng như nguy hại của vaccine với người nhận.

Ở Mỹ, tổ chức National Academy of Sciences (NAS / Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia) đã đề xuất một khung bốn giai đoạn đặt những người có nguy cơ đặc biệt cao lên hàng đầu: nhân viên y tế, người đáp ứng đầu tiên, người lớn tuổi sống trong viện dưỡng lão và những người mắc bệnh đi kèm có nguy cơ liên quan đến nhiễm COVID-19 lớn hơn nhiều. Tiếp theo sẽ là các thầy cô giáo từ mẫu giáo đến 12, những nhân viên quan trọng ở những nơi có nguy cơ cao như phương tiện công cộng và những người có mức độ rủi ro vừa phải, cùng những người khác. Giai đoạn thứ ba bao gồm thanh niên và trẻ em, và những người lao động khác có nguy cơ gia tăng. Giai đoạn 4 là những người còn lại.

Dựa trên đề xuất này, Ủy ban Cố vấn về các Biện pháp Tiêm chủng (Advisory Committee on Immunization Practices /ACIP)  thuộc Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh (CDC) Hoa kỳ đưa ra một khung gồm 4 giai đoạn: 1a Nhân viên y tế và cư dân các cơ sở chăm sóc dài hạn; 1b Có thể thêm các nhân viên quan trọng ở những dịch vụ trọng yếu; 1c những người thành niên cò nguy cơ cao và ngưởi từ 65 trở lên (hai giai đoạn 1b và 1c có thể có trùng lấp) và 1d- giai đoạn cuối cùng là tất cả những người còn lại.

Sáu mươi lăm chưa phải là già

Ở Anh quốc, nơi vaccine đã được vận chuyển từ xưởng sản xuất của Bỉ đến một đầu mối trung tâm dể phân phối cho các trung tâm tiêm chủng ở các bệnh viện. Thứ tự ưu tiên cũng tương tự như ở Mỹ: 1. Người cư ngụ trong các nhà già và người chăm sóc cho họ, 2. Người từ 80 tuổi trở lên, nhân viên y tế và nhân viên xã hội, 3. Người từ 75 trở lên; 4. Người từ 70 tuổi trở lên và những người được coi là có nguy cơ mắc bệnh cao nhất; 5. Người từ 65 tuổi trở lên; 6. Người từ 16 đến 64 có bệnh tiềm ẩn; 7. Người từ 60 tuổi trở lên; 8. Người từ 55 tuổi trở lên; và ưu tiên cuối cùng là những người người từ 50 tuổi trở lên.

Đợt thuốc đầu tiên sẽ được dành cho các nhân viên và bệnh nhân trong các bệnh viện của cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service –NHS) và một số nhân viên chăm sóc cá nhân.  

Việc tiêm phòng cho nhân viên y tế, những người phản ứng đầu tiên và người lớn trong viện dưỡng lão có ý nghĩa tốt cả vì những nhóm đó có nguy cơ mắc bệnh và vì họ có nguy cơ cao truyền bệnh cho người khác. Nhưng có một lý do khác để bắt đầu với họ: tiếp vận. 

Hai loại vaccine có khả năng được chấp thuận đầu tiên ở Hoa Kỳ – mRNA-1273 của Moderna và BNT162 của Pfizer và BioNtech – đều đòi hỏi phải đượx giữ ở độ lạnh. mRNA-1273 có thể được bảo quản trong tủ đông thông thường nhưng BNT162 sẽ phải được vận chuyển bằng các “hộp lạnh” được chế tạo riêng có thể lưu trữ 1.000 đến 5.000 liều trong tối đa 10 ngày ở -94 độ F. (Lạnh hơn nhiệt độ trung bình ở Nam Cực.) Cần phải không để cho lãng phí một liều vaccine nào, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Việc ưu tiên phân phối đến các địa điểm được biết đến là có nguồn lực tốt như bệnh viện, trạm cứu hỏa và cảnh sát và viện dưỡng lão sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc giải quyết các điều kiện về kho lạnh.

Nhưng ngay cả việc triển khai giai đoạn đầu cũng đòi hỏi những lựa chọn khó khăn về phân phối. Con số người làm việc trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe, đáp ứng đầu tiên, người cao tuổi sống trong các viện dưỡng lão và các cơ sở dân cư khác quá lớn. Vẫn sẽ không đủ thuốc cho tất cả những người này trong những tuần đầu tiên sau khi vaccine được chấp nhận cho sử dụng.

Ưu tiên trong chích ngừa vaccine Covid-19 ở Hoa kỳ. Đồ họa của The Guardian dựa theo hướng dẫn của ACIP

 

Thứ tự ưu tiên tiêm ngừa Covid-19 ở Anh. Đồ họa của BBC

Trong cuốn phim giả tưởng Contagious (sản xuất năm 2011) vì không đủ vaccine chống virus MEV-1, người Mỹ đã dùng hình thức xổ số trên TV để phân phối từng đợt, dựa trên ngày sinh. Những người có cùng ngày sinh trúng số trong kỳ xổ số đó sẽ được nhận vaccine đợt đó.

Giải pháp này cũng hay, và đã được nhiều chuyên gia y tế ủng hộ, nhưng chỉ ở cấp địa phương và mức độ của các ưu tiên. Thí dụ như trong số các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, bệnh viện, Trạm cứu hỏa, đồn cảnh sát và viện dưỡng lão sẽ được rút thăm – tính theo số lượng cá nhân tại mỗi nơi. Sau đó, xổ số sẽ xác định thứ tự mà các địa điểm đó sẽ nhận được vắc xin.

Ở Canada, các ưu tiên chích ngừa cũng khá giống như ở Hoa kỳ và Anh quốc.

Một trong những người lao động thiết yếu

Tuy nhiên, mặc dù chỉ có 2 giai đoạn, hướng dẫn về thành phần dân số được ưu tiên chích ngừa của Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng (National Advisory Committee on Immunization/NACI) Canada phức tạp hơn khung ưu tiên ACPI của Mỹ. NACI đã cân nhắc thêm đến các khía cạnh bình đẳng, khả năng thực hiện được vả chấp nhận được liên quan đến sắc tộc và cộng đồng. 

 

Giai đoạn 1: 

Cư dân và nhân viên của các cơ sở sống tập trung chăm sóc người cao niên

Người từ 70 tuổi trở lên, bắt đầu với người từ 80 tuổi trở lên, sau đó giảm giới hạn độ tuổi theo từng bước 5 năm đến 70 tuổi khi có nguồn cung cấp

Nhân viên y tế (gồm tất cả những người làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân viên hỗ trợ cá nhân phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân)

Người lớn trong các cộng đồng bản địa nơi nhiễm trùng có thể gây ra những hậu quả nặng nề

Giai đoạn 2: 

Các nhân viên chăm sóc sức khỏe không nằm trong số ở giai đoạn 1

Cư dân và nhân viên của tất cả các cơ sở sống tập trung khác (như khu dành cho công nhân nhập cư, cơ sở cải huấn, nơi tạm trú cho người vô gia cư)

Những người lao động cần thiết

Thứ tự này cho thấy khả năng phải chờ của đại đa số người dân là khá lâu. Tuy nhiên, điều đáng lạc quan là bên cạnh ba loại vaccine đầu tiên vừa qua giai đoạn thử nghiệm thứ ba – mà hai loại khó chơi vì phải giữ lạnh, nhiều loại khác đang dần dần xuất hiện. Những loại sau này – theo các chuyên gia y tế, có hiệu quả không kém gì vaccine của Pfizer, Moderna và Astra Zeneca. Chẳng những thế, chúng lại dễ sản xuất hơn, dễ bảo quản hơn, và dễ vận chuyển phân phối hơn cũng như giá rẻ hơn, và rất có thể an toàn hơn. 

Chờ thêm một chút (miễn là giữ đúng các yêu cầu của cơ quan y tế công cộng và chính quyền địa phương về các biện pháp chống dịch để đừng dính Covid cho tới khi đến lượt mình, lại có điểm lợi. 

Nhiều người nhất là những người cho mình là khỏe mạnh (nhưng cũng sợ Covid) hiện đang chần chừ. Họ hoặc quá thận trọng, hoặc là … ngao du trên các mạng xã hội quá nhiều nên nhiễm các thuyết âm mưu về vaccine. Họ chờ xem những gì sẽ diễn ra với những người được chích ngừa trong đợt đầu tiên, những người cũng là tham dự viên của giai đoạn thử nghiệm thứ tư.

Một thành phần dân số bị bỏ quên?

Trong những cuộc thử nghiệm vaccine của các cơ sở phát triển và sản xuất, và cả trong các kế hoạch tiêm chủng của các nước vừa kể ở trên, có một thành phần dân số rất quan trọng không được nhắc đến: trẻ em. 

Thống kê Canada cho thấy cả nước có 8,1 triệu trẻ em và thanh thiếu niên, chiếm 1/5 dân số Canada. Chẳng lẽ chúng bị bỏ quên? 

Không, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên ở Canada, và cả thế giới, có thể phải đợi thêm ít lâu nữa vì cho đến nay trong các thử nghiệm lâm sàng thuốc chủng ngừa có mặt rất ít trẻ em.

Theo các chuyên gia miễn dịch học, lý do để không thể tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên trước khi một loại vaccine được thử nghiệm đặc biệt ở các trẻ em tình nguyện vì hệ thống miễn dịch của các em hoạt động tích cực hơn người lớn, trẻ em thường có phản ứng miễn dịch với vaccine mạnh hơn so với người lớn và hệ thống miễn dịch trưởng thành dần từ lúc sơ sinh qua thời thơ ấu và niên thiếu.

Đầu tuần này, Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, nói trong chương trình Meet the Press của hệ thống truyền hình NBC rằng có thể mất vài tháng nữa những người dưới 18 tuổi ở Hoa Kỳ mới có thể chích vaccine chống virus corona, nếu được các cơ quan quản lý chấp thuận.

Từ tháng 10, 2020, Pfizer đã mở rộng thử nghiệm thử nghiệm vaccine của họ với những người từ 12 tuổi trở lên, và mới đây, CEO của Moderna, ông Stephane Bancel, đã nói công ty dự định vào cuối năm nay sẽ thử nghiệm vaccine trên trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, sau đó là trên các trẻ nhỏ hơn vào năm 2021.

Bác sĩ Anne Pham-Huy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trẻ em ở Ottawa và là một thành viên của Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng nói hiện không có dữ liệu nhi khoa cho các loại vaccine bảo vệ chống lại COVID-19. Theo Bs. Anne Pham-Huy, hiện một số công ty ở Trung Quốc đã tiến hành các nghiên cứu vaccine virus corona cho trẻ em từ ba tuổi trở lên.

Bác sĩ Shannon MacDonald, một phó giáo sư tại khoa điều dưỡng tại Đại học Alberta, nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả vaccine, cho biết việc phải thử nghiệm vaccine trên người lớn trước trẻ em là việc không có gì lạ. “Trẻ em thường sẽ cần một công thức hơi khác hoặc liều lượng vaccine nhỏ hơn, vì vậy cần bảo đảm rằng vaccine an toàn và hiệu quả ở người lớn rồi mới chuyển sang thử nghiệm với trẻ em.”

Bs. Anne Pham-Huy cũng đồng ý như thế, xét về mặt hệ thống miễn nhiễm của chúng, trẻ em không phải là những “người lớn nhỏ”. 

Joanne Langley, một trong hai lãnh đạo của Covid 19 Vaccine Task Force (lực lượng đặc nhiệm vaccine của Canada) nói: “Mặc dù trẻ em không mắc các vấn đề nghiêm trọng về phổi như người lớn với COVID-19, nhưng chúng cũng bệnh quan trọng và vì vậy tôi nghĩ việc ngăn ngừa trẻ em khỏi bệnh cũng quan trọng như đối với người lớn.”

Bà Langley, cũng là một bác sĩ chuyên môn về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học Dalhousie ở Halifax, cho hay các công ty đang tiếp xúc với hệ thống Canadian Immunization Research Network để lên kế hoạch thử nghiệm ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Bà hy vọng rằng các thử nghiệm này sẽ bắt đầu vào năm 2021.

Bác sĩ Anne Pham-huy: “xét về mặt hệ thống miễn nhiễm của chúng,
trẻ em không phải là những “người lớn nhỏ”’. Photo: CBC

 

Đỗ Quân 

(tổng hợp từ CBC, BBC, CTV News…)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email