Tin Covid Canada

Thủ hiến Doug nghẹn ngào trong một buổi họp báo. Hình qua Zoom của Văn phòng Thủ hiến

Chuyện Mỗi Tuần lóng rày toàn tin bi quan, chán đời. Tỷ như câu chuyện tuần rồi với vụ Covid hoành hành ở xứ sở đông dân hạng nhì thế giới. Lời kể kèm những tấm hình đau lòng về những người bịnh và thân nhơn bò lê trước cổng bịnh viện và những giàn hỏa thiêu xác người cháy cả ngày đêm làm cho độc giả hết muốn đọc trong khi chính ở xóm nhà của KG, các bịnh viện đều báo động vì hết chỗ. 

Vậy nên tuần nầy, ông Đỗ Quân nhường trang cho Ký tui, biểu đi kiếm vài chuyện, cũng là thời sự, nhưng ít sầu thảm hơn, để giải khuây cho bạn đọc. Hai câu chuyện dưới đây đều thời sự cả, nhưng là đồ “lô”, nội địa, và bớt thảm hơn chút ít.

Dư vaccine rồi! (?)

Ai cũng biết rằng vaccine ở Canada ít lâu nay khan hiếm, mặc dầu Canada bị thế giới mắng mỏ vì đã giành mua – kể cả mua mão và mua mắc,  một số lượng thuốc chủng nhiều tới mức đủ chích cho số dân ít ỏi của mình – chừng 37 triệu người, vài lần.

Lý do khan thuốc, theo ông Thủ tướng Tí điệu và các giới chức (KG dị ứng từ “quan chức”, nghe thiếu dân chủ làm sao) là trục trặc trong sản xuất của các hãng, ưu tiên của các hãng cho quốc gia nơi họ đặt nhà máy sản xuất, và quyết định của anh bạn vàng đô con Huê kỳ là chừng nào dân Mỹ dư xài đã thì mới tới lượt bạn bè.

Cảnh sắp hàng chờ được chích ngừa ở Toronto. Ảnh chụp màn hình TV

Bởi vậy cho nên trong tam cá nguyệt đầu tiên của năm 2021, Canada lẹt đẹt trong bảng sắp hạng những nước có tỷ lệ dân chúng được chích ngừa cao – thực tế là nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ dân được chích ngừa thấp. 

Tình hình dịch bệnh ở Ontario và sự thiếu hụt vaccine đã tới mức ông Chủ tỉnh Ontario Doug Ford– người từ thái độ hầm hừ gầm ghè kiểu Đô Năm Trăm khi được bầu lên, phải “tự diễn biến” để trở thành “Premier Dad” (từ của  bà Amanda Galbraith, người sáng lập công ty quan hệ công chúng Navigator và cựu giám đốc truyền thông của Thị trưởng Toronto John Tory). Ổng chạy đôn chạy đáo lo kiếm vaccine cho dân (mặc dầu biết rằng chuyện đó là của Liên bang và cho tới nay, các công ty sản xuất vaccine chỉ mần việc với các chánh phủ cấp quốc gia). Ổng đòi xách xe tải chạy qua Michigan, đứng trước nhà chủ hãng Pfizer réo gào đòi thuốc để ổng chở về (mặc dầu biết rằng chánh quyền Đô Năm Trăm cấm Pfizer ‘ship’ thuốc cho Canada). Ổng còn vận động các tòa lãnh sự nhiều nước ở tỉnh bang để hỏi coi có dư thuốc không nữa cà (dĩ nhiên là câu trả lời phải là không, bởi các lãnh sự quán đâu phải phạc-ma-xi!). Tháng rồi, ổng đã gần rơi lệ khi…xin lỗi dân chúng tỉnh bang về quyết định – bị coi là trật lất, đóng cửa các sân chơi trẻ em ngoài trời và cho cảnh sát quyền chặn xe để hỏi đi đâu trong thời gian lockdown, một quyết định mà gần như tất cả các sở cảnh sát đều nhanh chóng lắc đầu, hổng có tui). Mới đây, ổng chỉ trích chánh phủ liên bang đã không chịu đóng cửa biên giới với Huê kỳ và cấm các chuyến bay quốc tế vô Canada vì chính các nơi khác đã mang Covid tới cho tỉnh của ổng. Ông nói với báo chí bữa thứ Bảy:  “…tui sẽ đóng cửa cái sân bay Pearson ngay lập tức… Tui sẽ đóng các cửa biên giới đường bộ chỉ cho những người thực sự cần thiết vô, bởi vì tôi sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để ngăn một biến thể kháng vaccine xâm nhập vào đất nước chúng ta và mang theo nó làn sóng (dịch) thứ tư…” (Điều cần nói thêm là ổng mở đầu câu phát ngôn lừng danh đó với điều kiện “Nếu tui có quyền”, và quyền đóng cửa phi trường Pearson cũng như của khẩu biên giới không phải là của ổng!)

Thiếu tới mức dân chúng – khỏi cần vận động, đã giành nhau từng chỗ, canh me từng phút trên mạng, để biết nơi đâu có chích vaccine. Hình ảnh người ở các khu được coi là điểm nóng – hot spot, tức là các khu vực có đông người yêu của Cô vít,- xách ghế ra ngồi từ bốn giờ sáng tại các điểm kêu bằng điểm chích lưu động (pop up clinic) để cố xí cho được một mũi chích nhỏ xíu xiu – với Pfizer chánh xác là 0.3 mi li lít sau khi đã pha với nước muối, 0,5 mili lít với Moderna và AstraZeneca) tràn ngập trên truyền hình, báo chí và mạng xã hội. 

Bởi khan hiếm cho nên khoảng cách giữa hai mũi chích được các hãng sản xuất khuyến cáo là hai tuần tới tối đa một tháng đã bị chánh quyền – qua tổ chức NACI (ủy ban cố vấn quốc gia về tiêm chủng), ra quyết định “giãn cách” ra gấp 8 lần, tức là cách nhau tới bốn tháng trời. (Quyết định nầy “gây tranh cãi”. Một số nhà chuyên môn y tế và dân chúng lên án, cho là đem dân ra thí nghiệm. Số khác, cũng gồm cả các chuyên viên y tế và dân chúng, hoan nghinh, cho là phải đạo).

Nhưng gió đã đổi chiều – ít ra là theo những thông tin mới…ở lúc nầy. 

Dân rành kỹ thuật lập các mạng, app giúp người không rành tìm nơi chích ngừa

Tuần rồi Liên bang đã hỉ hả khoe rằng công ty Pfizer vừa cam kết ngoài số lượng vaccine sẽ gởi sang Canada theo lịch trước đây, họ sẽ tăng thêm 4 triệu liều trong tháng 5, và thêm 2 triệu liều cho mỗi tháng 6 và 7. Hình như khả năng nầy có được là nhờ ông Biden – người mà phe phò Đô Năm Trăm đặt cho hỗn danh dựa trên phiên âm tiếng Việt là “ông/anh Bảy đờn”, đã xả lịnh cấm xuất vaccine sang Canada. Bữa thứ Sáu tuần rồi, bà Tổng trưởng bộ Mãi dịch Liên bang Anita Anand xác nhận “…kể từ ngày 3 tháng 5, nguồn cung cấp vaccine Pfizer-BioNTech của Canada sẽ đến từ địa điểm sản xuất của công ty nầy ở Kalamazoo, Michigan.”

Ông Thủ tướng Tí điệu nói chánh xác như vầy trong một cuộc họp báo: “Chỉ trong tháng tới, lượng thuốc này sẽ tăng khoảng gấp đôi số liều Pfizer mà chúng ta mong đợi ban đầu. Cộng chung lại, chỉ từ Pfizer chúng ta sẽ nhận được tám triệu liều vào tháng 5 và gần 12 triệu vào tháng 6.”

Moderna tuy hạ số lượng, nhưng cũng sẽ gởi 650 ngàn liều cho tháng 5 sau 650 liều vừa giao tới tuần trước. Cộng thêm vào đó là loại vaccine thứ ba Johnson & Johnson, 300 ngàn liều. Thứ nầy ngon lành, chỉ cần chích một cú thay vì hai như ba loại hiện có, là khỏe re. 

Như vậy là trong tháng 5 nầy sẽ có cỡ xấp xỉ 10 triệu liều vaccine, ít nhứt cũng đủ để có thêm 9 triệu người được chích ngừa thêm vào con số hơn 10 triệu người đã được chích xong, tức là 2/3 ba dân số Canada.

Vậy là các tỉnh bang đã hoan hỉ và nhanh chóng thay đổi lịch chích ngừa và nới rộng hạn tuổi “tới số” được chích ngừa. 

Số người được chích ngừa như vậy sẽ tăng lên, trẻ hơn. Thêm vô đó, rất có thể khoảng cách giữa hai lần chích sẽ được thâu ngắn lại chút ít. Bữa Thứ Năm tuần rồi, Ontario và Quebec ra thông báo cho hay tất cả những người trên 18 tuổi sẽ có thể lấy hẹn chích ngừa trước ngày 24 tháng 5! 

Cũng mừng đi! Nhưng cái mừng này cần phải được đặt bên cạnh nỗi lo: cho tới nay, số lượng những ca nhiễm mới được ghi nhận hàng ngày ở mọi tỉnh bang vẫn không thấy giảm bi nhiêu. Trong lúc đó, thần kinh và túi tiền của người dân đã đuối gần hết mức. Cọng thêm vào đó là nỗi lo “biến chủng” của con virus cồ rô na quỷ quyệt. Một tỷ lệ lớn, và ngày càng tăng, trong số ca bịnh trong nước hiện nay là do con virus “nâng cấp” B.1.17, B.1.351, P1 vân vân… xuất xứ từ Anh quốc, Ấn độ, Ba tây… (nó còn có cả biến chủng Cali nữa cà, với tên là CAL.20C)

Cái con siêu vi dịch vật nầy lại đang tung hoành ở khắp các lục địa, kể cả những chốn mà trước nay nó chưa từng có đất đứng.

Ông Tổng giám đốc của WHO (tổ chức y tế thế giới), người cho tới nay vẫn còn bị không ít người ghét vì cho là dám binh Tàu trong dịch Covid-19, nói  rằng trong khi một số quốc gia Tây phương đang hướng tới cuộc sống bình thường trở lại trong ít tuần nữa, thì bức tranh toàn cầu vẫn rất thảm khốc. Số ca nhiễm Covid-19 và số người chết vì Covid- đã liên tục tăng gần ba tháng nay “số ca nhiễm trong tuần vừa rồi nhiều gần bằng số ca nhiễm trong năm tháng đầu tiên của đại dịch.”

Tức là để “trở lại bình thường” hoặc gần như bình thường, cả thế giới phải được miễn dịch cọng đồng. Điều nầy khó, bởi cho tới nay, còn không ít quốc gia do nhiều lý do, trong đó lý do nghèo là chánh, chưa có vaccine, hoặc có rất ít vaccine. 

Bên cạnh đó là những người chống vaccine (nhưng không chịu ký giấy cam kết không vào bịnh viện khi mắc dịch). Đau lòng thay, con số nầy ở Huê kỳ khá đông, trên thế giới cũng không nhỏ. Họ là chỗ dựa của con siêu vi cồ rô na để sống và phát triển. 

Khoe giấy xác nhận bị dính Cô vi!

Hồi nào giờ, khi đi làm xét nghiệm, điều người ta sợ nhứt là kết quả dương tính (positive). Covid-19 cũng vậy. Khi được báo là bị dính Cô vi không có gì đáng vui hết.

Nhưng vậy mà cũng có những người Canada đã tìm cách để được chứng nhận dương tính với virus cồ rô na. Chuyện thiệt, không phải giỡn, 

Một ông / bà mần việc trong cơ quan Biên phòng Canada (Canadian Border Services/CBSA) vừa lên tiếng với hãng thông tấn Global News của Canada rằng trong tháng 4 rồi, ổng/bả thấy một hiện tượng lạ: trong tháng 4 vừa qua, mỗi ngày ổng/bả gặp từ hai tới năm người nhập cảnh xuất trình giấy chứng nhận dương tánh với Covid-19, trong khi trước đó con số nầy rất thấp, gần như không!

Bà Tổng trưởng bộ Tạo Mãi hoan hỉ: sắp có nhiều vaccine rồi

Vị nầy e ngại rằng có thể những tờ chứng chỉ mắc bịnh nầy có thể “có vấn đề”, và những người xài các tờ giấy đó có thể là một nguồn nhập cảng Covid-19 vào Canada!

Chuyện khá hy hữu, nhưng có lý

Số là ít lâu nay, chánh phủ Liên bang thêm vào quy định những người vào nước bằng đường hàng không phải sắp xếp trước để có nơi tự cách ly trong 14 ngày sau khi tới Canada. Nhưng từ tháng 2 năm nay, Canada tăng thêm điều kiện: họ phải qua một xét nghiệm Covid-19 ngay khi mới xuống, rồi đi thẳng vô các nơi tạm trú được chỉ định để nằm chơi 3 ngày chờ kết quả. Chi phí cư trú ba ngầy nầy do họ tự trả. Sau ba ngày nếu kết quả là âm tính, họ sẽ được cho về nơi mà họ đã sắp xếp trước khi bay ở Canada để tự cách ly trong 14 ngày nữa. 

Những nơi tạm trú có tên chánh thức là government approved accommodation, viết tắt là GAA, thường là các khách sạn gần phi trường, do đó, được kêu bằng cái tên phổ biến hơn, chánh xác hơn và ghê rợn hơn là Cô vít Ô-ten. Bên cạnh đó, họ còn phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính với Covid 19 của xét nghiệm được làm trước khi lên máy bay 72 giờ.

Ông Chander Gawri khoe bộ test kit Covid tại nhà được cấp cho tất cả
những người từ các nước khác tới trước khi lên xe về một Cô vít Ô ten.
Hình chụp tại Phi trường Pearson. Photo: REUTERS / Carlos Osorio

Nhiều người đã từng có kinh nghiệm ở các Cô vít Ô-ten đó kể rằng họ đã được hưởng một dịch vụ…dở chưa từng thấy. Phục vụ luộm thuộm, thực phẩm dở ẹt mà giá cả thì cắt cổ, từ hai tới ba ngàn đô trong ba ngày!

Trong quy định cập nhựt của Liên bang dành cho những người bay vô Canada còn có một điểm nữa: nếu họ xuất trình xét nghiệm Covid-19, được làm trước ngày bay 14 tới 90 ngày, với kết quả dương tính, họ sẽ được đi thẳng tới nơi ở Canada mà họ đã sắp xếp trước để tự cách ly 14 ngày. Lý do để miễn trừ, theo Bộ Y tế Canada là người đã bị Covid trong vòng ba tháng trước và đã hồi phục không còn là nguồn lây nhiễm cho người khác nữa.

Những tấm giấy kết quả xét nghiệm dương tính với Covid 19 bắt đầu tăng lên sau khi mạng xã hội và báo chí đưa tin về những lời than vãn của các nạn nhơn “Cô vít Ô-ten”. (Ngu gì mà phải bỏ bộn tiền, thời gian để nằm trong các khách sạn tệ hơn ô-ten đẳng cấp thế giới thứ ba đó?)

Làu bàu về các Cô vít Ô ten trên Twitter: Khách sạn Sheraton với giá trên 300 đô một đêm thiệt giống ở thế giới thứ ba. Món đồ ăn này được kêu với giá 50 đô lúc 4 giờ chiều, tới 10 giờ đêm mới giao tới.
Hình trên Twitter.

Khi được Thông tấn Global News liên lạc để xin bình luận về “phát hiện” của nhơn viên giấu tên kể trên, bà Anne Genier, phát ngôn nhơn của Bộ Y tế Canada xác nhận rằng từ ngày 22 tháng 2 đến ngày 28 tháng 4 năm 2021, có tổng cộng 331 người nhập cảnh đã xuất trình bằng chứng đã được xét nghiệm dương tính với Covid-19 và xét nghiệm đó được thực hiện trong khoảng thời gian từ 14 đến 90 ngày trước khi bay. 

Bà Genier cũng nói rằng người cung cấp thông tin y tế giả có thể bị phạt tới 5 ngàn đô theo luật Hàng không, nhưng việc kiểm tra coi giấy chứng nhận giả hay thiệt là job của nhơn viên CBSA.

Trong lúc đó, nhơn viên CBSA nói công việc đó hổng có dễ. “Không có tiêu chuẩn nào vì mẫu giấy kết quả xét nghiệm của các y viện, phòng xét nghiệm mỗi nơi mỗi khác”.  Họ chỉ có thể ráng kiểm tra tên, ngày tháng và kết quả test coi có sơ hở nào lộ liễu hay không, ngoài ra, mọi chuyện khác…bó tay! Thêm nữa, quyền phạt người khai gian là của cơ quan Y tế công cọng. 

Ông Colin Furness, một nhà dịch tễ học kiểm soát nhiễm trùng dạy tại tại Đại học Toronto, nói chuyện cho phép những người có kết quả xét nghiệm dương tính từ 14-90 ngày trước ngày bay được miễn ba ngày trong Covid Ô-ten là “khùng hết biết” (nguyên văn extremely foolish).

Ổng thầy này nói tất cả mọi người biết xài Photoshop đều có thể sửa chữa một văn bản để đổi thành họ đã bị Cô vít yêu trước đó. Bày ra miễn trừ nầy là “mời người ta làm chuyện đó”. Thầy Furness thêm rằng loại virus biến chủng chắc chắn có vẻ rất dễ tái lây nhiễm, vì vậy đừng có dại mà cho người từng mắc COVID được miễn trừ.”

Ổng đề nghị – cái đề nghị nầy nghe khá giống những gì Việt Nam đã và đang làm là tất cả những người nhập cảnh vào Canada phải lưu trú 14 ngày tại một cơ sở kiểm dịch, bất kể họ xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 nào tại sân bay.

Nhưng, biện pháp chặn dịch lý tưởng nhứt, theo ổng, là “ngưng việc đi lại” hoàn toàn, “giản dị như vậy thôi.”

Chỉ có công dân Canada và những người lao động thực sự cần thiết mới được phép bay vào đất nước này, sau đó phải chịu sự kiểm dịch bắt buộc 14 ngày tại một cơ sở được trông coi, kiểm soát.

Nghe có lý, bạn đọc nếu hưởng, mời vô trang public exposures (phơi nhiễm công cộng) của cơ quan phòng chống dịch bệnh CDC Canada để coi thông báo dặn dò hành khách các chuyến bay quốc tế vô Canada liệu mà lo thân vì ngồi trong các hàng ghế gần một trường hợp “người yêu của Cô vi.” 

Bảo đảm sẽ hết hồn.    

Ký Gà

Xem thêm

Nhận báo giá qua email