Tình người thời ly loạn

Mọi thứ rồi sẽ đi qua chỉ còn tình người ở lại

Một người đàn bà – gọi là cô thì đúng hơn bởi nhìn khuôn mặt hãy còn trẻ lắm. Dáng người hơi lớn con thuộc loại da vàng, nhưng có chỗ lạ là mắt xanh, tóc vàng. Dân buôn bán mánh mung Chợ Cồn Ðà Nẵng quen miệng gán cho nàng cái tên nghe hay hay: “Cúc Trắng”. Thực ra mặt mày da dẻ nàng có trắng trẻo gì đâu, dân bụi mà. Hình hài lúc nào cũng lem luốc, đôi chân không bao giờ rời đôi dép râu, chiếc áo trây-di nhà binh dày cộm bó sát người dường như chưa bao giờ giặt. Ban ngày, thoáng nhìn ai cũng thừa biết trong con người nàng đang có sẵn hai dòng máu, “Mỹ lai chánh hiệu” chứ còn gì nữa. Ðang ngồi trên vai nàng là một chú bé chừng bốn tuổi đang khóc mếu máo gọi mẹ, tay chân dính đầy bùn đất. Nàng vừa chạy vừa càu nhàu: “Ðêm hôm thanh vắng có muốn sống, có khôn thì câm cái miệng lại nghe con, tự nhiên tau lại lãnh cục nợ”. Hớt hải, dớn dát, lật đật chạy theo sau nàng là mẹ chú bé, dáng gầy ốm, đôi mắt hốc hác, thở hổn hển, mồ hôi ướt đẫm cả người.

– Chị tốt bụng quá, suốt đời mẹ con em không bao giờ quên ơn chị. Không có chị, chắc mẹ con em chết cả dưới đó rồi. Nam mô,… Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát! Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát!

– Ơn với nghĩa gì, đàn bà mình với nhau mà! Ðang mặc cả với tụi ghe cá quen chờ trời sáng mua chịu vài giỏ gánh ra lộ đón xe đò về Ðà Nẵng giao mối, đâu ngờ gặp cảnh nầy. Trời sinh ra làm chi cái tụi chó má ác quá, rồi đây có ngày ông Trời sẽ vật chúng nó chết thê thảm cả lũ. Thôi ráng lên, chỉ còn hai con dốc ngắn nữa là tới đỉnh Lăng Cô, mình kiếm cái chi lót bụng rồi sẽ tính.

Lên tới đỉnh rồi, thằng nhỏ nóng ran, có lẽ nó bị cảm lạnh. Mở vội cái ghim móc chai dầu gió xanh trong túi áo, người mẹ vội vã xoa bóp khắp người con, vừa xoa vừa hôn, lát sau nó nở một nụ cười thật dễ thương, dường như có phép lạ. Mỗi người cầm một khúc bánh mì nguội ngồi xổm trên tảng đá nhai ngấu nghiến vì đói. Ðêm hè trên đỉnh Lăng Cô, trăng mỏng dính thật buồn. Lắc nhẹ vai mẹ thằng bé, nàng hỏi nhỏ:

– Bị bể lần nầy là lần thứ mấy rồi, nói thiệt đi! Khi nãy nghe súng nổ dưới bãi, thấy bọn da bò nó rượt, tui cũng khiếp. Hình như hai cái “tắc-xi” mới vừa ra khơi đón “tàu mẹ” đã bị hốt sạch, có lẽ nhờ phước đức ba đời ăn ở hiền lành cho nên mẹ con em thoát nạn.

– Mới lần thứ nhất chị ơi, đến chết cũng không dám liều lần thứ hai. Chị là ân nhân lớn, chị đẻ ra mẹ con em lần thứ hai đó.

– Thôi đi, đừng lắm lời. À mà tên gì, gia cảnh bây giờ ra sao, nói hết đi để liệu tui có thể giúp chút nào được không, nếu không tui cũng kiếm cách vẽ bày cho.

– Thưa chị, em tên Liên, còn cháu đây là Sinh. Em có căn nhà nhỏ ở gần chợ Phú Nhuận Sài gòn, vốn là nhà giáo dạy học một trường tại đó. Chồng em là Bảo, thiếu úy trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, mới ra trường Võ Bị Ðà Lạt được một năm thì ngày 30 tháng 4 oan nghiệt ập tới. Ảnh  bị gọi đi “học tập cải tạo” ở tận ngoài Bắc. Em bị đuổi không cho dạy, hoàn cảnh bụng mang dạ chửa, sinh con trong cô đơn một mình, bà con họ hàng đều gặp cảnh khốn khổ vì đời sống dưới chế độ mới, không nhờ vả được ai hết. Trời sinh voi sinh cỏ, một mình thân cò lặn lội, vừa lo tìm cái ăn cái mặc nuôi con, vừa bới xách quà cáp đi thăm nuôi chồng. Hên quá, nhờ có ông chú chồng ngoài Bắc về làm lớn bảo lãnh, hai năm sau chồng em được thả về. Tưởng là lúc nầy sống chết có nhau, nào ngờ chồng em bỏ đi trước, lấy cớ vợ yếu con thơ đi chung nguy hiểm lắm. Em nhớ mãi lời ảnh âu yếm ôm mẹ con em dặn dò trong đêm mưa gió trước khi lên đường: “Trời Phật thương thì vợ chồng mình sẽ sớm có ngày đoàn tụ. Ráng làm ăn nuôi con, đừng lo gì cho anh mà khổ cái tâm”. Nhớ cái ngày được tin ảnh tới đảo, rồi tới Mỹ bình an, biết nói sao hết nỗi vui mừng của mẹ con em lúc đó.

– Sao không ráng đợi nhận được giấy tờ bảo lãnh cho chắc ăn hơn, dại dột chi dữ rứa?

– Biết chờ đến bao giờ hở chị? Nửa năm rồi không tin tức, cũng không có đồng nào gởi về, em lo quá! Không kiếm cách liều mạng đi sớm thì sợ ảnh có người khác, đàn ông mà chị. Nghe mấy chị bạn khuyên mùa nầy muốn “vượt” thì cứ ra Lăng Cô là êm nhất, em nghe lời. Vội vã bán tháo bán đổ gần hết đồ đạt trong nhà, gom góp thêm chút đỉnh mấy năm làm ăn dành dụm đem cúng hết một lần cho ông chủ tàu rồi, sau chuyến đi dã tràng nầy bây giờ kể như tay trắng. Thiệt tình nói chị thương, hồi Má em còn sống, mẹ con em nhờ lắm, bây giờ bà chết rồi, tài sản bị tịch thu hết, hương khói nhờ từ đường lo, đành chịu bất hiếu vậy!

– Thì cứ coi tui đây nè! Từng tuổi nầy vẫn chưa có đàn ông, nên không biết đàn ông họ muốn gì, mà nếu có ông nào muốn gần giở trò loạng quạng tui cũng đá, tui học lõm được “tụi bụi mấy pha nghệ lắm”. Hì hì!… Lớn lên nghe người ta nói má bỏ tui vô chùa giao cho các ni cô nuôi từ hồi mới mở mắt. Học chữ học nghĩa được vài năm, chưa được tám tuổi tui bỏ trốn ra ngoài đi bụi đời tự lập có nhờ ai đâu! Nhiều người bảo tui mò tới mấy cái vũ trường nào có đông lính Mỹ ra vào mà tìm mẹ. Tui nghe lời xúi dại cứ đi, đến nơi nào cũng nghe toàn những cái tên Ngọc, Ðào, Hồng, Yến, Ánh, Tuyết, Nguyệt, Hương…, biết mẹ mình là ai, mà nếu có bằng chứng chưa chắc được nhìn nhận. Hồi tui mới mười mấy tuổi, ghét nhất là cái tụi choai choai ở Chợ Cồn Ðà Nẵng mỗi lần gặp tui cứ giễu vọng cổ, mà cũng lạ thật, ghét thì ghét nhưng cũng muốn nghe, còn khoái nữa. Nầy, để mừng mẹ con em thoát nạn tui vọng cổ lại cho vui à nghen:

– “Ơ… Ờ cái nầy anh Hải anh Hai, anh lỡ rớt tú tài thì mau lo đi trung sĩ, để em ở nhà… em ở nhà đành rước Mỹ nuôi con. Mai sau yên chuyện nước non, ngày về thêm được… ngày về thêm được đứa Mỹ con cho anh bồng”. Thật là mỉa mai chua chát. Tại sao ai cũng có mẹ, có cha, dù là cha hờ mẹ tạm, còn tui đây thì bơ vơ. Có khi giận ngầm ứa nước mắt. Tui hận đời lắm! Ðời tui như vậy đó, nên hễ thấy người hoạn nạn thì thương, mà lỡ thương rồi thì thí cả cái thân, lo giúp đỡ hết sức mình.

Liên gượng cười vỗ tay khen hay, còn khen luôn cả cái tính hài hước của ân nhân. Nhưng trên gương mặt thì không dấu được cử chỉ quá xúc động trước những lời nói chân thật chí tình của “cô Mỹ Lai” đã cứu mẹ con mình thoát hiểm nguy gang tấc trong đêm tối vừa qua. Im lặng giây lát, Liên tiếp lời:

– Bây giờ mình tính sao đây hả chị? Mặt trời lên cao rồi, người ở đâu mà càng lúc càng đông, xe dưới đèo lên càng nhiều, ngồi đây lâu sợ không ổn, đi cả hơn tuần lễ rồi, không còn đồng nào dính túi, làm sao mẹ con em sống tới ngày trở về Sài Gòn được, chẳng biết nhà cửa có còn không? Em lo quá! Bây giờ chỉ còn chiếc nhẫn nầy đây, em van xin chị vui lòng cầm lấy cứu mẹ con em.

Vừa cầm chiếc nhẫn cho Liên an tâm, thình lình có tiếng gọi lớn sau lưng: “Cúc Trắng, Cúc Trắng, làm gì ở đây hả? Ở đâu cũng gặp mầy, bụi vừa thôi chứ”! Ðó là tiếng anh tài xế xe đò quốc doanh lộ trình Huế – Ðà Nẵng quen thuộc. Bất ngờ được nghe tên của ân nhân mình là Cúc Trắng, Liên cảm thấy lòng vui vui, quên đi phần nào nỗi đoạn trường trong đêm đen vừa rồi.

– Tau đi bãi chọn cá cho vựa mối, không ngờ hôm nay động trời ghe chài trốn hết, đếch có con nào đành về không, làm ơn cho tau với mẹ con con nhỏ nầy về Ðà Nẵng nghe. Ô kê!

– Ðược, lẹ lên, sắp tới giờ xuống đèo rồi, nghe nói cầu Nam Ô mới bị sập vì “lũ trái mùa” đêm qua, sáng nay công chánh lẫn công binh thi đua làm cầu tạm, không biết bao giờ xong.

Mà đúng như vậy! Ðến nơi mới thấy từng đoàn xe lớn có, nhỏ có, xe chạy bằng xăng có, bằng than có, cứ nối đuôi sắp hàng chờ qua cầu dưới cái nắng hè nóng như thiêu đốt. Lúc đó, nếu có kẻ nào tinh mắt một chút cũng biết ngoài những hành khách bình thường chờ, còn có cả dân buôn hàng chạy hàng lậu chờ, dân mánh mung chờ, dân vượt biên láo liên chờ, đủ loại dân chờ. Mãi cho tới trời sẫm tối, mẹ con Liên mới theo chân Cúc Trắng về tới bến xe Chợ Cồn Ðà Nẵng.

– Ngồi tạm nơi hông phòng vé nầy đi, mẹ con em đừng có lo, ráng chịu đói thêm chút nữa. Ðợi “chị đi ăn mày” một lát trở về là tha hồ mà ăn, đêm còn dài từ từ sẽ tính – Cúc Trắng nói như ra lệnh.

Cúc Trắng từ xưng tui đến xưng chị bất ngờ, Liên cảm thấy như được truyền hơi ấm đầy tình thương. Giỏi thiệt, chưa đầy 15 phút, Cúc Trắng đem về một rá cơm lớn với hai hộp nhựa đồ ăn đầy thịt cá nóng hổi, có đủ đũa, muỗng, đặt biệt có mấy lon lớn trà đá nữa, hình như của nhà hàng quen biết nào gần đó mới cho. Cả ba cùng chụm đầu vào ăn uống no nê. Ðúng là rừng nào cọp nấy.

Ðêm về khuya gió lành lạnh, có lẽ vì quá mệt mỏi nên hai mẹ con Liên ôm nhau ngủ thiếp đi tại chỗ lúc nào không hay. Ðến khi nghe tiếng động cơ của xe khách tài 1 chuẩn bị khởi hành liền thức giấc, Liên ngạc nhiên thấy tấm mền mỏng phủ kín hai mẹ con tự lúc nào, còn Cúc Trắng thì ngồi dựa vách phòng vé gật gù. Quá xúc động Liên ôm chầm lấy nàng, nghẹn ngào không thốt nên lời.

– Mẹ con hãy đến cái vòi nước đàng kia rửa mặt đi, có “mắc” thì lại cái nhà công cộng gần đó “trút” tạm rồi mau trở lại gặp chị nghe.

Mẹ con Liên riu ríu nghe lời.

* * *

Chiếc nhẫn của Liên trao hồi sáng hôm qua vẫn còn nằm trong hai lớp áo mà Cúc Trắng không nỡ bán. Nàng hối thúc mẹ con Liên theo mình đi nhanh về hướng ga xe lửa ở đường Ðào Duy Từ. Một quyết định quá táo bạo, bởi vì suốt đêm đó Liên cứ đinh ninh trong bụng là sáng nay sẽ được về Sài Gòn bằng xe đò. Biết người thọ ơn đang lo, Cúc Trắng vỗ ngọt:

– Ðừng có lo, chị tính kỹ rồi. Bây giờ mình chỉ còn cách đi xe lửa cho chắc ăn, vì hồi bốn giờ sáng chị được tin mấy ổng phòng vé cho biết là cầu cống quốc lộ 1 đoạn Quảng Ngãi – Bình Ðịnh đang bị hư hại nhiều lắm, lỡ nằm đường nằm xá lấy gì mà ăn. Ði xe lửa thì lúc nào người cũng đông nghẹt, dễ chui hơn, tiền đâu mua vé chợ đen. Lẹ lẹ chân lên một chút kẻo họ đóng cổng, được biết chỉ còn một chuyến “suốt” tối nay thôi, nếu không đi được phải chờ đến tối mai. Ðưa thằng Sinh đây chị cõng cho. Khi nãy vừa rời chỗ ở phòng vé bến xe, em có thấy mấy thằng công an lù lù tới ngay đó không? Thật hú hồn.

– Trăm sự vạn sự mẹ con em nhờ chị, mẹ con em ngu ngơ quá! Mai mốt về được tới nơi tới chốn rồi, mẹ con em biết lấy gì đền đáp công ơn trời biển của chị.

– Lại khách sáo nữa, chị cấm không được nói như vậy nữa, ơn với nghĩa gì, tình người với nhau cả mà, hình như kiếp trước chị có mắc nợ mẹ con em nhiều lắm đó!

Còn cách ga xe lửa cả trăm trước vẫn nghe tiếng ồn như ong vỡ tổ. Cả ba vừa lọt qua cổng ga xe lửa, đã thấy ngay trước dãy quày bán vé có đến hàng ngàn người đang sắp hàng ngồi chờ, chỗ thì hàng ba hàng tư, chỗ thì hàng sáu hàng bảy, mạnh ai nấy dành chỗ trước. Ðủ thứ giọng nói, đủ tiếng văng tục, gây gổ, át cả tiếng loa từ máy phóng thanh gần đó. Con nít thì đùa giỡn la hét, ỉa đái bừa bãi vô tư. Có những gia đình hình như bám trụ tại chỗ từ nửa đêm còn đang ngái ngủ, mền rách chiếu manh lót vứt lung tung. Mặt trời lên mới hơn cây sào mà đầu cổ áo quần ai nấy cũng đều bết bát mồ hôi, cái mùi ẩm ướt của mồ hôi pha trộn với bụi bặm lẫn thức ăn thiu thúi vung vãi khắp nơi, khiến nhiều người muốn ói. Thỉnh thoảng có người kêu cấp cứu mà chẳng thấy “bạn dân” nào tới cứu. Mẹ con Liên như cái đuôi bám theo sau Cúc Trắng, không rời nửa bước. Lách qua đám đông nhốn nháo, Cúc Trắng đẩy mẹ con Liên chui lọt qua hàng rào sau sân ga, nàng chui tiếp theo sau, hên quá không gặp tên bảo vệ nào lúc đó. Nhanh như chớp, Cúc Trắng nắm tay mẹ con Liên chạy nhanh tới chỗ xe nước mía quen gần đó rồi làm bộ vù vờ như bà chủ mới dọn hàng chờ khách. Cô chủ cũng quá quen cảnh nầy nên cứ làm ngơ, thế là họ chiếm được vị trí thuận lợi qua mắt bảo vệ để nằm chờ kiếm nơi “nhảy tàu”.

Biết rất rõ có một khoảng đường sắt về hướng nam cách nhà ga chừng vài trăm trước, hai bên toàn là nhà dân lao động nghèo ở san sát, tôn lá tồi tàn, nên xe lửa qua đó thường chạy rất chậm. Nhờ cái thế thuận lợi nầy, cho nên dân buôn lậu thường hay “canh me” tại đó để đi chui, công an lẫn bảo vệ cũng không đủ lực lượng để dàn trải đối phó, nhất là về đêm. Còn rất nhiều cơm nguội và thức ăn còn lại tối qua, Cúc Trắng bảo mẹ con Liên ăn cho hết lấy sức mà chịu qua đêm, hoặc nếu rủi gặp tình huống bất trắc còn có sức mà đối phó.

Mới 8 giờ tối mà người ở đâu cứ lần lượt xuất hiện hai bên đoạn đường nầy nhiều quá, ít nhất cũng vài trăm mạng, đáng khâm phục là mỗi người như một bóng ma, khi ẩn khi hiện, nhất cử nhất động như đã từng trải qua nhiều “khóa huấn luyện nghiệp vụ” điêu luyện lắm. Kê sát miệng vào tai Liên, Cúc Trắng nói:

– Em nghe gì không? Có tiếng còi tàu suốt. Gần tới giờ “nhảy” rồi, đưa thằng Sinh đây cho chị. Nhớ nắm cái đai nịt bụng của chị cho chắc, bảo gì làm nấy, càng nhanh gọn, càng may mắn, nghe rõ không?

Thằng nhỏ Sinh lanh thiệt, nó hất tay mẹ nhảy gọn lên lưng Cúc Trắng, hai tay quàng chặt cổ nàng. Tim Liên đập thình thịch, nhịp đập của tim Liên lúc nầy có khác chi hồi hai mẹ con trốn chui trốn nhủi trong lùm sậy cao quá đầu khi nghe nhiều loạt súng máy nổ chát chúa ngoài bải biển Lăng Cô trước khi gặp Cúc Trắng hai đêm vừa rồi. Tiếng động cơ xình xịch của xe lửa càng lúc càng gần, “những bóng ma” ẩn hiện trong đêm xuất hiện càng lúc càng đông, mấy cái bóng đèn mờ như ma trơi gần đó bỗng vụt tắt như báo trước có sự đồng lõa. Giờ đã điểm, thế là từng tốp – từng tốp “người cõi âm” đua nhau nhảy. Thấy Liên hơi chậm, Cúc Trắng xoay người ra sau xốc mạnh nách Liên đẩy gọn lên trước trong cái nháy mắt, một bước rồi hai bước bám cửa tàu chạy theo, Cúc Trắng và “cục nợ” trên lưng cũng hoàn tất pha nhảy tàu vô cùng ngoạn mục. Không ai dạy ai mà tất cả cùng nhảy rất ư là gọn, ngoạn mục không khác gì tài tử đóng phim cao bồi của Mỹ. Hiện trường được trả lại không khí im lìm về đêm. Thoáng chốc, hàng chục toa xe lửa, khách cũ khách mới kẻ đứng người ngồi đông vô số kể. Thở phào nhẹ nhõm người, Liên ôm lưng Cúc Trắng mừng mừng tủi tủi, còn thằng Sinh thì cứ ngây thơ cười sặc sụa, mặt mày phè phỡn, không khác gì nó vừa thắng cuộc sau một trò chơi cút bắt với lũ nhóc đầy hứng thú. Thật khó kiếm trên toa tàu nầy lúc đó có những hành khách xách va-li hay giỏ lớn, ai nấy cũng gọn nhẹ một túi da hoặc vải nằm gọn trước bụng, hai bàn tay khư khư bảo vệ “lá bùa hộ mạng” ấy.

Lên được xe lửa rồi chưa phải là xong. Cúc Trắng trao con cho Liên và dặn nhỏ: “Ðừng đứng yên một chỗ nghen, cứ chui tới chui lui trong toa nầy thôi, đừng dại dột qua toa khác, bắt chước người ta mà lẩn cho khéo. Chị cần đi nắm tình hình, lợi dụng mánh mung kiếm chút gì dự trữ cho ba cái bụng gần hai ngày đường đó, chị sẽ trở lại ngay đừng có lo”. Cái con Cúc Trắng nầy hay thiệt. Chưa đầy mười lăm phút, không biết xôi nếp đậu đen ở đâu mà nó đem đến cho mẹ con Liên một bịch thật lớn gói trong hai lớp lá chuối ước chừng năm người ăn cũng không hết, lại thêm cái bánh bao cho thằng nhỏ nữa. Mẹ con Liên mừng húm như bắt được vàng. Ðoàn tàu chạy qua thị trấn Phước Tường, dân địa phương ví von là thị trấn Ðèn Dầu, bởi vì cả tháng rồi không hề thấy ánh sáng điện không biết tại lý do gì. Bấy giờ mọi người gần như nghẹt thở, không phải không có không khí để thở mà có tin “báo động dây chuyền” là sắp bị xét vé. Nhưng đó chỉ là tin đồn nhảm của những kẻ yếu vía. Tàu chạy qua ga Bình Nhai rồi tới các ga chính Kỳ Lam, Tam Kỳ, Bồng Sơn, Châu Ổ thì ôi thôi – không phải hàng trăm mà có đến hàng ngàn dân chui, họ nhảy cũng khá can đảm, điệu nghệ có khác gì ở ga Ðà Nẵng đâu. Bấy giờ có lẽ hầu hết mấy chục toa tàu đều có số lượng hành khách chật ních, đông còn hơn nem cối. Ðến gần nửa đêm, bọn kiểm vé bắt đầu phân công đi làm ăn. Ðược cái là bọn ngu đi tới đâu cũng sừng sỏ thị oai lắm mồm lắm mép tới đó, cho nên đa số dân chui trổ tài lanh lẹ tránh né kịp thời.

Cái tình người của Cúc Trắng đối với mẹ con Liên lúc nầy như hình với bóng, không biết diễn tả làm sao cho hết được bằng lời. Nghe lời nhắc khẽ của Cúc Trắng đang ngồi xổm dưới chân, hai mẹ con Liên ôm nhau đứng xớ rớ, hồi hộp đi tới đi lui, chui lên lủi xuống, bỗng có tiếng gọi lớn sau lưng:

– Ê chị kia, không có vé phải không?

Liên giật nẩy người nhưng tỉnh lại ngay khi nhìn thấy người vừa gọi mình là một anh bộ đội trẻ nói giọng Bắc, anh ta vừa nói vừa cười:

– Nầy, cho chị cái vé, của bạn tôi đó, cầm đi! Bế cháu lại ngồi gần đây. “Nẹ nẹ nên” (lẹ lẹ lên).

Dường như có chỉ thị ngầm của Sở Hỏa Xa là bộ đội đi tàu được miễn xét vé, vì thế nên cũng không hiếm “bộ đội giả” đi đứng ngang tàng như chỗ không người. Lúc đó Liên vừa mừng vừa ngờ ngợ tưởng là anh nầy giỡn chơi, không ngờ anh ta đặt ngay cái vé tàu màu vàng vào tay mình kèm theo lời xã giao:

– Chị có con dại, cẩn thận “nà hơn” (là hơn). Thằng nhỏ nầy dễ thương ghê!

Ðoàn tàu lao đi vùn vụt, lâu lâu lại được tin có người khóc rống khi bị tống xuống ga. Lúc chuẩn bị xuống ga Sơn Tịnh, anh bộ đội kia còn dúi vào tay Liên một cái vé nữa: “Cho chị “nuôn” (luôn), rồi cúi xuống vo vo cái đầu thằng nhỏ. Bỗng anh ta nhăn mặt như khỉ ăn ớt, có lẽ ngửi nhằm cái mùi nừng nực, hôi hôi, thiu thiu từ phần dưới người của Liên trong hơn một tuần bụi đời thoát ra. Liên chờ tới khi anh ta ôm túi hành trang (100% hàng lậu) vẫy tay bước xuống tàu, liền nhoẻn một nụ cười thật tươi rồi thì thầm: “Tới dân ở rừng ra mà cũng chê mình thúi quá”! Kể từ đầu hôm, Cúc Trắng nằm im dưới băng nên biết hết những gì anh bộ đội kia nói với Liên, sau đó nàng lên tiếng:

– Ôi chao! Con má non nầy coi bộ mà hết sẩy, chị chào thua nghe!

– Không phải đâu chị ơi, cơ may mà! Ðây chị coi, hai cái “lá bùa hộ mạng” của chị em mình đây, chị cầm một cái, còn em một cái, yên tâm như bàn thạch rồi chị hả?

Bọn kiểm soát vé đến nơi, Liên tỉnh bơ cầm sẵn vé trên tay, không thấy nó nói gì. Thấy thằng nào cũng nhét tiền đầy túi trên túi dưới. Thái độ thằng nào cũng hung hãn, mặt lạnh như đồng, nhưng chúng làm sao bắt được hết cả một xe lửa có đến hơn chín mươi phần trăm là dân đi chui, dân mánh mung, dân buôn lậu, chỗ nào cũng chật ních người với người. Già trẻ, lớn bé, nam nữ đều trông ná ná nhau trong dáng vẻ dạn dày lì lợm như bùn với đất. Không ai rủ ai, họ cứ thả ga ăn uống chuyện trò ồn ào như nhóm chợ, ăn xong rồi ngủ xả xì thoải mái như ở nhà mình. Cửa hông tàu lúc nào cũng mở (nếu đóng sẽ có khối người chết ngạt), những ai đứng ngồi gần đó lớ quớ có khi vô phúc lãnh đủ, tha hồ mà chửi thề cho hả giận.

* * *

Ánh trăng hạ tuần như run rẩy chiếu vào các toa xe theo nhịp lắc lư, Liên khom người xuống xem Cúc Trắng còn thức hay ngủ, thì ra ân nhân của mình đang ngáy. Từ tận đáy lòng, Liên không ngờ những gì đã xảy ra đối với mẹ con mình trong những năm qua tưởng như không phải là chuyện có thật. Nhưng đó chính là đời sống bình thường của mấy mươi triệu con người Việt Nam mình. Mới đầu tưởng là đáng sợ, không thể sống nổi, nhưng rồi con người vứt ở đâu cũng sống. Thì ra bên ngoài khung cửa chở che suốt thời thơ ấu cho đến ngày dấn thân vào đời vẫn còn có những con người ngập lòng tử tế, thiết tha ấp ủ tình người. Lòng tử tế đó trên cõi đời nầy lắm khi đến thật bất ngờ như mình đang đón nhận trong hiện tại. Lại cũng có lúc cứ nhắm mắt mà mường tượng ra như là một ân huệ đến từ Ðấng Tối Cao, có thể rưới tràn bất cứ nơi nào không ai biết trước qua những dạng cảnh tầm thường nhất. Có khi tai bay họa gởi cũng đi theo đường hướng đó. Gốc là một nhà giáo chân chính, cái triết lý đó của Liên xem ra khá vững.

Một người đàn ông tuổi trung niên ở đâu chui chui tới chỗ thằng Sinh, Liên giật mình đưa tâm hồn trở về với hiện tại. Anh chàng nầy ỉ ôi tiếng Nghệ Tĩnh:

– Xê xê một chụt cho chụ ngồi vợi (xê xê một chút cho chú ngồi với).

– Không được, chỗ của bộ đội đi đái nhờ tôi giữ đó.

Anh ta thụt lại miệng lầu bầu chửi thề:

– Ðồ cại con mụ cọp cại mợi xuộng rừng (đồ cái con mụ cọp cái mới xuống rừng).

Một số hành khách lạ từ đâu xuất hiện, có lẽ họ từ các toa khác tràn qua, hình như đa số là cán bộ, bộ đội đi công tác. Có người chưa quen cảnh chen chúc xô bồ nầy nên lộ vẻ khó chịu khi nghe dân buôn nói chuyện trịch thượng, công khai chửi rủa tục tằn, nhất là khi vô đề tài bị bắt hàng lậu và bị nạp hối lộ gần như công khai. Khó mà phân biệt được cảnh người nọ bắt người kia, kẻ chửi lớn, người chửi thầm, khích động gây hỗn độn. Trời trở gió đông, đêm càng khuya tiếng ồn càng thưa dần. Bỗng:

– Ê, chị kia, ngáy gì mà to thế nàm thao (làm sao) người ta ngủ được?

Liên cự nự:

– Có ngủ đâu mà ngáy!

– Ðừng giở trò ngụy đấy nhé! Thế chứ ai ngáy tồ tồ đấy!

– Ðịt mẹ! Bộ đội câm cái mồm cho người ta ngủ, muốn gì sáng ra nói chuyện (đó là tiếng dằn mặt, bất cần đời từ dưới gầm ghế chui lên của Cúc Trắng, nàng ngủ ngáy nhưng rất tỉnh).

Cả đám “phe ta” nhao nhao phản đối cái tên bộ đội hống hách, bên vực “gà nhà”. Mấy tên bộ đội ngồi gần a dua kia cũng co vòi, yếu thế. Lúc nầy, những tiếng xình xịch đều đặn của con tàu đang lao về phía trước như là mệnh lệnh ngầm cưỡng bách mọi người phải tuân thủ, trả lại sự im lặng cho nhau.

Trời sáng dần, trăng lưỡi liềm hạ tuần còn treo lơ lửng mờ nhạt. Quang cảnh ồn ào náo nhiệt lại bắt đầu. Lúc nầy, hành khách trong mấy chục toa tàu rộn ràng toàn chuyện ăn uống, ỉa đái, chuyện mánh mung buôn lậu, lồng trong vô số những tiếng chửi xiên chửi xéo bọn đầu trâu mặt ngựa, bọn chuyên nghề bóc lột, hà hiếp dân đen v.v… đối với lớp người mới đang hồ hởi trong chiến thắng bỗng trở thành đề tài chính. Thế rồi nào là những chuyện tiếu lâm, chuyện cổ tích, ca dao tục ngữ tân thời không rõ xuất xứ từ đâu cứ bung ra, khi lén lút, lúc công khai, vừa chọc cười, vừa tế nhị khó có ai dám bắt bẻ hành tội được ai, dù là kẻ đó đang có chức có quyền trong tay. Nực cười nhất là một con vẹt điện tử bằng nhựa nhỏ xíu trong túi áo của một cụ già chừng tám mươi, râu tóc bạc phơ. Mỗi khi cụ lôi nó ra tức thì cái miệng nó la: “Ð… má tụi bây, Ð… má tụi bây, một bầy chó chết, một bầy chó chết, kẻ ngu ăn không hết, người khôn đếch có mà ăn. Hỡi người đâu nghe chăng, hãy căng nó ra mà đánh, hãy căng nó ra mà đánh”. Mỗi lần được nghe như thế, cả toa tàu ai nấy đều cười bò lăn bò càn. Cái lạ là “những chiếc nón cối, những đôi dép râu” cũng cười, cười tỉnh bơ như dân Hà Nội. Có người tò mò hỏi ông mua con vẹt đó ở đâu, ông bình thản cho biết: “Thiếu gì ở các chợ trời dọc bờ sông Hàn, Ðà Nẵng”.

Ðoàn tàu qua cầu Ðà Rằng, chẳng bao lâu tới ga Nha Trang, trời tối dần. Bổn cũ trong đêm qua bắt đầu soạn lại, nhưng lần nầy có thêm một “vở kịch ngắn”, chủ đề rất bài bản do Cúc Trắng tình cờ thủ vai chính, còn mẹ con Liên là khán giả ở “trên hàng ghế danh dự”. Qua từng khúc ánh sáng của những ngọn đèn bên ngoài rọi vào, Cúc Trắng cảm thấy mình có vẻ ngon lành lắm. Nàng cố ý nhìn chăm chăm vào mặt tên cán bộ gốc Bắc đang ngồi gần có cái túi đeo vai bằng da nặng trịch mà hắn ta cứ khư khư ôm trước bụng:

– Khi chiều em thấy rất rõ cái túi xách của đồng chí đẹp quá, chắc hàng Liên Xô hả? Cho em rờ chút được không?

Hắn ta bĩu môi:

– Không phải đâu, hàng Mỹ đấy, sờ đi! Hàng đế quốc tư bản xịn hơn Liên Xô, năm nghìn bạc đấy!

À thì ra đúng tẩy cha nầy thích chơi “đồ phồn vinh giả tạo” của Mẽo. Cúc Trắng “gài mìn” liền:

– Ðố đồng chí biết em là người gì?

 Làm bộ suy nghĩ giây lát:

– Khi chiều để ý thấy cô có vẻ giống Mỹ lai, bởi vì cô có đôi mắt xanh và mái tóc vàng, đúng không?

– Phục lăn đồng chí sáng mắt sáng dạ. Mai mốt hổng chừng em đi Mỹ, ba má em rước đó! Nay mai chi đây ổng bả qua lo thủ tục. Bộ đồng chí không biết chuyện con lai được ưu tiên đi Mỹ sao?

– Biết chứ, hay thế à!…

Kể từ đó Cúc Trắng cứ ngồi nghe đồng chí cán bộ tán tỉnh lung tung, hết tán lại “thành thật khai báo” hết về lý lịch, về quá khứ của mình. Nào là hồi nhỏ hắn đi chăn trâu, đi ở đợ, làm mướn, có biệt tài thổi sáo rất hay. Lớn lên đi theo cách mạng rồi thành cán bộ gộc. Những lời biện bạch tự khai đó dần dần thay tiếng xưng hô anh anh, em em ngọt như mía mưng róc vỏ. Cúc Trắng đóng kịch rất khéo, cũng a dua thật tài tình.

Ðêm về khuya, Cúc Trắng giả vờ buồn ngủ, ngáp dài thường thượt, rồi buông người xuống sàn tàu. Tên cán bộ cũng ngồi bệt xuống ôm vội vai nàng:

– Em có duyên quá trời, có chịu làm… có chịu làm em gái anh rồi chúng mình dắt nhau đi Mỹ không? Anh có tiền nhiều lắm, anh sẽ lo cho em tất cả.

– Bộ anh không sợ đế quốc à, đế quốc dữ như chằn!

– Thôi đi, đừng dạy đời, tội nghiệp anh! Chỗ anh em mình với nhau, anh nói thật! “Ðế quốc là bạn – Cách mạng là thù”, em biết chưa? Châm ngôn nằm lòng của tụi anh đó”! Anh đã sáng con mắt từ ngày đặt chân vào Nam. Anh đi theo Bác rồi theo Ðảng từ khi còn là một chú nhóc, hy sinh cho cách mạng tất cả mấy chục năm mà có được gì đâu! Làm cán bộ như anh chỉ là hạng hèn. Dân Ðảng cũng có đủ loại, đủ hạng, chia năm xẻ bảy, nếu không biết khéo léo cúi lòn, có khi bị đì cho tới chết. Bây giờ với mớ tuổi đời còn lại, nếu không học nghề “mánh” do đời dạy thì chẳng còn chút tương lai. Em coi đây nè! (hắn nắm tay Cúc Trắng đặt lên cái túi trước bụng, nói rất nhỏ) Chỉ cần đi chuyến hàng nầy trót lọt, mà trót lọt là cầm chắc, mấy chục chuyến rồi có ai dám xét hỏi anh đâu! Chỉ một chuyến nầy thôi cũng hơn một đời làm cán bộ của anh.

– Có gì ở trỏng mà quý vậy anh? Thuốc nhuộm hả? Em nghe nói thuốc nhuộm ngoài Hà Nội đem vào Sài Gòn bán chạy lắm!

– Anh khen em thông minh đấy! Nhưng thứ nầy còn quý hơn thuốc nhuộm gấp trăm lần.

– Trắng hay đen vậy anh?

Tên cán bộ ngạc nhiên, cười gượng:

– Em sành đời quá! Vậy đố em biết dân ghiền ưa trắng hay ưa đen? Ủa, mà em đâu phải là tay dân buôn…?

– Tiền ở đâu có mà buôn, cũng tại muốn tò mò biết cho vui vậy mà!

Cúc Trắng rất ghét hạng người chuyên nghề buôn bán thuốc phiện, cần sa ma túy như tên cán bộ Cộng sản kia, nó là thứ ăn cơm của dân mà đi hại dân. Nàng nghĩ thầm trong bụng cái câu nói của rất nhiều người mà nàng đã nghe: “Bạo phát thì bạo tàn”. Trước sau gì thằng nầy cũng ở tù mọt gông, nếu không cũng bị tụi giang hồ thanh toán. Tiếng nói thì thầm của tên cán bộ cắt đứt dòng suy nghĩ của nàng:

– Em suy nghĩ kỹ chưa? Làm sao cho anh đi với! Anh thề xin hứa là làm bất cứ việc gì nếu được em cho anh đi Mỹ với em. Hồi nào ba má ở Mỹ về, em thưa với ba, má giúp anh. Ðây, địa chỉ của anh nè, cất đi!

Tên cán bộ vừa lôi cái bóp da dày cộm trong túi áo ra để lấy tấm cạc ghi địa chỉ trao cho Cúc Trắng, bỗng hắn giật nẩy người la lớn: “Cướp, Cướp”. Hắn quay lưng rượt theo cái bóng đen vừa mới chôm rất lẹ cái túi hàng lậu trước bụng hắn, cái túi hàng mà hắn vừa khoe với Cúc Trắng là giá trị hơn một đời làm cán bộ của hắn. Tên cướp nầy hay thật, dường như nó theo dõi rất kỹ câu chuyện của tên cán bộ với Cúc Trắng ngay từ khi mới vào đề. Có lẽ nó dùng kéo cắt đứt gọn sợi dây da đeo cái túi lúc nào trước khi ra tay hành động mà nạn nhân đâu có hay. Trong không khí hỗn độn ồn ào đó, tình cờ Cúc Trắng lượm được cái bóp da của tên “cán bộ mê Mỹ” ngay chỗ nàng nằm rồi nhanh nhẹn đút vào túi áo trây-di bên trong cất kỹ. Từ đó không dám ngủ, nàng ráng mở đôi mắt thật lớn để nghe có tin tức gì về tên cán bộ kia, mong sao sớm gặp lại hắn ta để cho lại cái bóp nhưng đành thất vọng. Ở dưới băng ghế, Cúc Trắng ngoi đầu lên kê miệng vào tai Liên nói rất nhỏ vừa đủ hai người nghe: “Tội nghiệp anh ta quá! Làm sao chị gặp lại anh ta để cho lại cái bóp, hồi nãy anh ta hấp tấp chạy theo tên cướp nên bỏ quên lại”. Từ tiếng “hắn ta” đổi thành “anh ta”, chứng tỏ cái tình người của Cúc Trắng ở đâu cũng có và trong huống cảnh nào cũng vậy thôi.

* * *

Bóng trăng treo hạ tuần tỏa ánh sáng mờ mờ ảo ảo như dẫn đường cho đoàn tàu xành xạch tiến. Vì quá mệt mỏi trong cuộc hành trình trên ngàn cây số cho nên mọi người đều chìm dần trong giấc ngủ. Dư luận xì xào về vụ cướp vừa rồi cũng không còn nghe ai nhắc tới nữa. Lúc nầy không còn phân biệt được ai với ai – màu da, chủng tộc, hình vóc, quá khứ, hiện tại, hy vọng, tị hiềm, thù hận hay thương yêu, tất cả đều cùng chung số phận. Nếu lúc đó thình lình cả đoàn tàu lao đầu xuống vực thẳm – cũng không có gì thay đổi vào buổi sáng hôm sau – mặt trời vẫn từ từ lên cao, báo hiệu một ngày mới bắt đầu.

Không còn bị cán bộ khuấy rầy nữa, Cúc Trắng tìm chỗ duỗi chân đánh thẳng một giấc tới sáng. Chợt nghe tiếng còi tàu báo tới ga Sóng Thần, gần tới Sài Gòn rồi mà tin tức nạn nhân đêm qua vẫn biệt tăm. Lúc nầy nàng cảm thấy thương hại tên cán bộ kia hơn đáng ghét, bởi vì hắn cũng là con người bình thường, một tấm thân trần tục, chỉ đáng trách bởi cái tâm của hắn luôn đục ngầu bả kim tiền, lúc nào cũng lồ lộ tánh khoe khoan khoác lác. Rõ ràng là “cái miệng nó liệng cái thân của hắn”. Chờ cho tới khi đoàn tàu ngừng hẳn tại ga xe lửa SàiGòn, Cúc Trắng và mẹ con Liên là ba hành khách xuống sau cùng. Cúc Trắng bảo Liên nắm tay thằng Sinh, cả ba hết đứng lại ngồi, nấn ná chần chờ để thăm dò tin tức tên cán bộ kia, hy vọng gặp hắn để cho lại cái bóp nhưng cuối cùng vẫn biệt tăm, họ đành lủi thủi đi về hướng cổng ga. Còn lại mớ xôi nếp đậu đen, cả ba người ngồi bệch bên thùng rác là nơi ít người qua lại đem ra ăn. Trong khi đang ăn, họ bàng hoàng nghe tin giật gân: “Ðêm qua có một cán bộ té tàu chết ngoài Rừng Lá, công an đang điều tra xác minh lý lịch của nạn nhân”. Cúc Trắng quả quyết nắm tay Liên:

– Thế là đúng rồi, không còn nghi ngờ tìm hiểu gì nữa. Chị cầm chắc là tên cán bộ tán tỉnh chị hồi khuya đã bị tụi bộ đội cướp cái túi xách, rồi giết đạp xuống tàu rồi.

Bấy giờ Cúc Trắng đem cái bóp ra đưa cho Liên xem, cả hai đều ngơ ngác thấy trong đó toàn đô-la Mỹ, giấy 100, 50 rất nhiều, có lẫn lộn số ít giấy 20, 10 đồng. Cúc Trắng bảo Liên xem có tấm cạc ghi địa chỉ nạn nhân trong đó không, lạ thay tìm mãi vẫn không thấy. Không biết phải giải quyết làm sao với số tiền khá lớn nầy, Cúc Trắng đành nhắm mắt bốc vội ý chừng hơn một nửa nhét vào túi áo Liên, còn lại nàng cho vào túi áo mình. Liên giẫy nẫy móc ra:

– Em không dám đâu, chị cho em nhiều quá!

 Cúc Trắng chận tay Liên lại:

– Coi chừng có người thấy. Mình ở hiền gặp lành, chị có linh cảm đây là của Trời cho chị và mẹ con em. Làm sao biết được thân nhân của họ ở đâu để đến nhà trao, mà dẫu có biết chị cũng không dám, làm ơn mắc oán, không chừng liên lụy tới thân. Chị phải sống! Còn nữa, đây chiếc nhẫn – em đưa chị hồi còn ngồi trên đỉnh Lăng Cô, nhớ không? Ðưa ngón tay đây chị đeo vào cho kẻo làm mất uổng lắm!

Cúc Trắng muốn nói thêm về điều gì đó với Liên nhưng cứ mãi ngập ngừng, cuối cùng nàng quyết định dứt khoát để Liên bớt ngỡ ngàng về món tiền khá lớn trong túi áo:

– Em có biết hai anh thương binh, cả hai đều cụt hai chân thường hay lê lết bán vé số tại đường Phan Ðình Phùng gần chợ Phú Nhuận không?

– Dạ biết, em gặp hoài!

– Em lấy bớt vài tờ đô trăm, hoặc nhiều hơn nữa bao nhiêu tùy em rồi chia làm hai, gấp nhỏ lại, thay mặt chị đưa cho hai anh ấy nghe. Nhớ làm thinh nhét vào túi áo các ảnh rồi đi thật nhanh, đừng để ai thấy. Bây giờ chị cần lên Cô Nhi Viện Gò Vấp, trẻ mồ côi ở đó khổ lắm (vỗ vỗ số tiền trong túi áo), chưa vội về Ðà Nẵng đâu. Cuộc đời của chị thì ở đâu cũng là nhà – bởi từ khi mở mắt chào đời cho đến bây giờ chị đâu có nhà. Có dịp nào trở ra Ðà Nẵng, nhớ đến Chợ Cồn hỏi thăm con Cúc Trắng thì ai cũng biết. Bây giờ chị em mình chia tay, tạm biệt nghe! Ðón xích lô máy về Phú Nhuận cho an toàn, đừng đi xích lô đạp nguy hiểm lắm. Trước hết xem cái nhà còn hay mất, chị nghi lắm. Nếu mất đừng có tiếc, của đi thay người. Chúc mẹ con em luôn gặp nhiều may mắn, sớm có cơ hội gặp lại chồng em trên đất Mỹ.

Cúc Trắng khom người xuống hôn vội vã lên tóc, lên mặt thằng Sinh rồi xoay qua ôm Liên, hai chị em bạn đường mắt mũi sụt sùi, còn thằng Sinh thì khóc rống lên ôm chân Cúc Trắng, dù là đứa bé nhưng nó biết thương người cưu mang mẹ con nó trong “cơn lốc đời” mấy ngày vừa qua.

Cúc Trắng ơi!

Nàng vẫn đi vào con đường cũ,

Bóng mãi còn vương dưới nắng dài.

Áo rách nách, vai đời vẫn bụi,

Hương lòng ngan ngát ấm tình người.

Bảo Tâm

Kỷ niệm đẹp về một chuyến đi xa mùa hè năm xưa

Xem thêm

Nhận báo giá qua email