M
óc túi tiền của người khỏe mạnh đã tởm. “Ăn” tiền của bệnh nhân nghèo còn đáng kinh tởm hơn.
Chuyện tồi tệ đó đã xảy ra ở nơi khó ai ngờ tới là một bệnh viện trên 100 năm tuổi, là bệnh viện đầu tiên của ngành y cả nước được xếp hạng Bệnh Viện Đặc Biệt (năm 2006). Mà thương hiệu ấy là không gì khác ngoài sự đảm bảo bệnh nhân được điều trị và chăm sóc tốt nhất nước.
Phi vụ làm ăn bất nhẫn ấy đã được thực hiện bởi không chỉ một phó giám đốc và nguyên trưởng phòng, phó trưởng phòng tài chính của bệnh viện mà còn chính giám đốc bệnh viện, là một trong những bậc thầy tôn kính của nhiều thế hệ đào tạo thầy thuốc của Bộ môn Gây mê Hồi sức Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Y – Dược Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Người giám đốc ấy chính là Nguyễn Quốc Anh, 62 tuổi, từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng trường Cao đẳng y tế Bạch Mai; Phó trưởng khoa Y – Dược trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó trưởng Bộ môn Gây mê hồi sức đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Bạch Mai. Từng là một bác sĩ có học hàm học vị đến phó giáo sư – tiến sĩ y học, từng được phong Anh hùng Lao động (2015), từng được phong danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (2014), từng được vinh danh là một trong những “Nhà lãnh đạo giỏi” của cả nước (năm 2015)… và hàng loạt những danh hiệu, phần thưởng cao quí khác.
Bệnh viện Bạch Mai hoạt động theo cách tự chủ tài chính. Giám đốc Quốc Anh muốn phát triển khoa ngoại nên thành lập một số khoa như Phẫu thuật thần kinh; Chấn thương chỉnh hình và Cột sống.
Biết chủ trương này của bệnh viện, Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch Công ty BMS đến gặp ông Quốc Anh, mời chào cung cấp loại robot Rosa dành cho phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng; loại robot Mako giá 44 tỷ đồng. Cho rằng thủ tục của Bộ Y tế phức tạp, thay vì bán thì Tuấn thương thảo bệnh viện để liên doanh. Mục đích ký liên doanh, liên kết với BMS để Bạch Mai thu hút được nhiều bệnh nhân hơn, tăng thêm lợi tức cho bác sĩ và bệnh viện.
Từ tháng 1/2017, hai bên ký kết trang bị hai loại robot phẫu thuật nói trên. Lúc đó, mặc dù BMS chưa nhập máy nhưng để hợp thức hóa, Công ty thẩm định giá VFS vẫn làm trái quy định là phát hành chứng thư trước.
Giá robot Rosa chỉ có 7,4 tỷ đồng nhưng Giám đốc Tuấn thỏa thuận với ông Quốc Anh nâng lên thành 39 tỷ đồng.
Mỗi bệnh nhân khi phẫu thuật bằng robot chỉ tốn hơn 6,6 triệu đồng nhưng Bệnh viện Bạch Mai và BMS đã thu hơn 23 triệu đồng.
Từ tháng 2/2017 đến tháng 5/2020, bệnh viện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh bằng robot này, thu gần 23 tỷ đồng. Bệnh viện trả cho BMS liên quan 551 ca bệnh. Tổng số tiền Tuấn và công ty nhận lố của 551 bệnh nhân là trên 9 tỷ đồng, hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca.
Tuấn khai nhiều lần biếu tiền, USD trị giá hơn 300 triệu đồng cho Giám đốc Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, cho Phó giám đốc Hiền mỗi lần 50 triệu đồng, tổng cộng 150 triệu đồng (phù hợp với lời khai của bị can Hiền); biếu Trưởng phòng tài chính kế toán kiêm Kế toán trưởng Trịnh Thị Thuận vào các dịp lễ, tết hoặc khi chuyển chứng từ thanh toán, mỗi lần 5 hoặc 10 triệu đồng.
Giám đốc BMS khai việc chi tiền cho Quốc Anh, Hiền và Thuận là để duy trì mối quan hệ, “ngoại giao” với lãnh đạo bệnh viện.
Thay vì mỗi một ca phẫu thuật sọ não bằng Robot Rosa, bệnh nhân chỉ phải trả hơn 6,6 triệu đồng thì trong cơn hoảng loạn để chống chọi với bệnh tật xảy ra đối với bộ phận quan trọng nhất của cơ thể là sọ não, và trong hoàn cảnh không còn sự lựa chọn nào khác cho tình huống “thập tử nhất sinh”, họ buộc phải trả hơn 23 triệu đồng.
Ma lực nào đã khiến Nguyễn Quốc Anh và đồng bọn nhẫn tâm bất chấp cả lời thề Hippocrates thiêng liêng mà bất cứ sinh viên y khoa Việt Nam nào cũng từng đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp?
Đấy cũng không hẳn đã là toàn bộ sự thật của câu chuyện Robot Rosa ở bệnh viện này. Bởi hệ thống robot không chỉ được dùng để phẫu thuật sọ não.
Bằng chứng là vào ngày 1-3-2017, chính Nguyễn Quốc Anh trong lễ Khai trương sử dụng và Hội thảo ứng dụng hệ thống Robot trong phẫu thuật khớp và phẫu thuật thần kinh tại bệnh viện, đã công bố một số loại bệnh lý được chỉ định phẫu thuật bằng Robot tại Bệnh viện Bạch Mai, gồm: Thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật nội soi bệnh lý não thất, bệnh thần kinh chức năng…
Hệ thống Robot phẫu thuật MAKO và ROSA cho phép các bác sĩ phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác cao, hiệu quả, an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục. Đấy là một trong những thành tựu của thế giới, ghi nhân sự tiến bộ về thiết bị y tế.
Thành tựu ấy, thay vì thành một ân phúc cho người bệnh ở Việt Nam, thì khi vào tay của Nguyễn Quốc Anh và đồng bọn bỗng chốc hóa thành “máy chém” lạnh lùng và tàn nhẫn.
Ranh giới giữa thiện lương và độc ác ngẫm chẳng tày gang trong lấp lánh ánh kim tiền.
Và điều ấy thực sự là một tội ác!
Công an bảo kê đường dây cá độ 2000 tỷ đồng
Chuyện không có gì lạ trong cái xã hội là công quyền không để bảo vệ người dân mà để bảo kê cho tệ nạn xã hội. Điều đáng nói ở đây là do không có thẩm quyền nên cán bộ công an “chuyển giao” việc bảo kê sang người cấp cao hơn trong Bộ Công an và môi giới hối lộ 38 tỉ đồng
Hai cán bộ công an làm “cầu nối” bảo kê đường dây cá độ 2.000 tỉ đồng
Trần Xuân Linh (SN 1979) Trần Quang Việt (SN 1986) từng là cán bộ công an làm việc ở trung tâm phục hồi dữ liệu chứng cứ điện tử, sau đổi thành Phòng phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an C50 và cùng hầu tòa về tội “Môi giới hối lộ”.
Năm 2011, Nguyễn Minh Đạt (SN 1985, ngụ Quận 7, TPHCM) quen biết với Sư Tổng (quốc tịch Đài Loan, không rõ lai lịch).
Tổng giới thiệu Đạt với A Phong, A Kiệt là những người tổ chức cá cược trực tuyến tại Việt Nam trên trang M88 là đường dây đánh bạc qua mạng với số tiền hàng ngàn tỉ đồng, máy chủ đặt ở nước ngoài. A Phong, A Kiệt hướng dẫn Đạt cách tổ chức và đánh cá cược trên trang M88, giao cho Đạt tạo tài khoản ngân hàng đại diện của trang M88 nhận tiền từ người chơi chuyển vào. Đạt được hưởng hoa hồng từ 0,4 -0,7% tổng số tiền thu được từ việc đánh bạc.
Chỉ thời gian ngắn, đường dây này vươn “tay” từ TPHCM ra nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Hàng ngàn người chơi với số tiền cá độ lên đến khoảng 2.000 tỉ đồng.
Muốn qua mặt cơ quan có thẩm quyền, A Phong, A Kiệt yêu cầu Đạt tìm công an bảo kê để giải quyết, giúp đỡ để các tài khoản đại diện cho trang M88 nhận tiền từ những người cá cược không bị phong tỏa, nếu bị phong tỏa thì được báo trước để rút tiền và đường link vào trang M88 không bị chặn. Mức phí bảo kê là 60.000 USD/tháng do A Phong, A Kiệt chi trả.
Đạt liên lạc với Linh để đặt vấn đề bảo kê đường dây đánh bạc. Do Linh không có thẩm quyền nên đã trao đổi với ông Võ Tuấn Dũng, lúc đó là trưởng phòng tham mưu Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đến tháng 12/2015, giữ chức Phó Cục trưởng. Ông này nhận lời. Từ đó, các bên bắt đầu giao dịch qua Linh.
Linh thông báo cho Đạt biết kết quả. Theo sự hướng dẫn của ông Dũng, Linh sử dụng nickname trên Telegram là Mr Hello để liên hệ, trao đổi với một nickname là Philip Nguyen. Linh đã đưa cho Philip Nguyen số điện thoại của Linh đã đăng ký tài khoản Viber để Philip Nguyen liên lạc và nhận tiền của Đạt.
Từ tháng 12/2014 đến tháng 6/2018, Đạt đã chuyển cho Linh tiền để bảo kê đường dây cá độ trực tuyến quy mô «khủng» M88gin.com. Sau đó, Linh chuyển tiền tổng cộng hơn 38 tỉ đồng cho ông Dũng thông qua Philip Nguyen.
Hai bên giao nhận tiền qua thẻ và tài khoản ngân hàng. Linh được Philip Nguyen giao quản lý 5 thẻ ATM mang tên Nguyễn Trọng Hán, Nguyễn Cảnh Trường, Võ Đại Khoa, Nguyễn Thị Lan, Trần Thị Hường mở tại một ngân hàng có chi nhánh ở Hà Tĩnh.
Sau khi Đạt chuyển tiền vào 5 tài khoản trên, Linh trực tiếp đi rút hoặc thuê đồng nghiệp là Trần Quang Việt đeo khẩu trang, tìm đến 30 cây ATM vắng vẻ khác nhau rút tiền. Số tiền trong thẻ rất lớn, rút trong thời gian dài mà không rút ở ngân hàng. Sau đó, Linh chuyển lại phần lớn số tiền trên cho Dũng.
Việt biết rõ đây là số tiền bất chính, nhưng vẫn rút và đưa cho Linh 15,7 tỉ đồng, còn Linh trực tiếp rút 6,2 tỉ đồng. Sau khi cầm được tiền, Linh đã để lại 1,5% (tương đương 570 triệu đồng) để cùng Nguyễn Quang Việt hưởng lợi, trong đó Linh lấy 412 triệu đồng và Việt hưởng 157 triệu đồng, còn số tiền 37,4 tỉ đồng Linh đã giao cho Philip Nguyen để chuyển cho ông Dũng
4/5/2018, ông Dũng bị đột tử tại phòng làm việc nên sau đó không lấy được lời khai.
Từ khi Linh nhận lời giúp Đạt, hoạt động tổ chức đánh bạc bất hợp pháp trên mạng M88 đã diễn ra “bình thường” trong một thời gian dài từ năm 2014 đến tháng 7/2018 mới bị triệt phá.
Đạt còn khai vào ngày 26/9/2017 có giao trực tiếp cho Trần Xuân Linh 1,5 tỉ đồng tại sảnh chờ một bệnh viện ở Hà Nội nhưng không có chứng minh.
Phá rừng
Tự do mua bán chặt phá 1,4 ha đất rừng để xây mộ tại khu vực Nghĩa địa Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
“Xẻ thịt” 1,4ha rừng xây mộ trái phép cho thân nhân “đại gia”
Các ngôi mộ trái phép nằm trên diện tích khoảng 1,4 ha đất rừng được giao cho một người ở địa phương trồng rừng sản xuất.
Thời gian gần đây, đất đang được phân lô để bán, cùng với hàng chục ngôi mộ trên những lô đất rộng từ vài chục đến vài trăm mét vuông vừa mới xây, tại khu vực Nghĩa địa Bồng Sơn còn xuất hiện tình trạng mua bán đất rừng để xây mộ trái phép. Cụ thể, đất rừng tại nơi này được rao bán công khai với giá từ 900.000 đồng đến vài triệu đồng/m2. Vì diện tích lớn, giá đất lại khá cao nên phần lớn người mua những lô đất này để xây mộ cho thân nhân chủ yếu là các “đại gia” ở địa phương.
Trong vai người cần mua đất để di dời mồ mả cho người thân, qua người dân địa phương giới thiệu, khách gặp ông Trần Quang Minh, khoảng 60 tuổi, làm nghề bốc mộ tại khu vực nghĩa địa Bồng Sơn. Chỉ tay về những ngôi mộ vừa được xây dựng ở phía Đông khu nghĩa địa, tôi đặt vấn đề muốn mua một lô đất rộng tương tự để di dời mồ mả cho ông bà về nơi này. Ông Minh nói khu vực này đã được bán hết, chỉ còn ở phía Tây nghĩa địa Bồng Sơn. Tại nơi này, nhiều lô đất lớn đã được san ủi bằng phẳng, trong đó lô lớn nhất rộng khoảng 200 m2, được bán với giá 180 triệu đồng, tức 900.000 đồng/m2.
Khi được hỏi về việc mua bán đất hợp pháp thế nào thì ông Minh trấn an: “Em yên tâm, anh sẽ viết giấy bán cho em. Còn việc xây mộ thì đương nhiên phải thông qua Ban Quản lý nghĩa địa Bồng Sơn. Tiền bán đất tôi phải chi cho nhiều người, chứ tôi có được bao nhiêu đâu”. Nói xong, ông Minh gọi điện cho ông Nguyễn Văn Triên, Trưởng Ban Quản lý nghĩa địa Bồng Sơn, bật loa ngoài để cho tôi cùng nghe và trao đổi.
Qua điện thoại, ông Triên “khuyến khích” tôi: “Anh cứ yên tâm mua đất rồi xây mộ đi. Đó là đất tư của người dân, nằm giáp ranh với nghĩa địa chứ không phải đất của nghĩa địa đâu. Đất này mình du di cho bà con để mai táng. Yên trí mà xây đi, không sao đâu. Hồi nào có di dời mộ thì nói anh Minh làm cho, vì ảnh cũng làm nghề bốc mộ”. Khi tôi đặt vấn đề muốn gặp trực tiếp để làm thủ tục mua đất xây mộ thì ông Triên từ chối, nói rằng cứ làm việc với ông Minh.
Trong khi bên trong nghĩa địa Bồng Sơn, theo quy định, mỗi ngôi mộ chỉ có diện tích 6 m2 thì xung quanh nơi này, nhiều lô đất rộng từ 50 m2 đến hàng trăm mét vuông đã được bán cho người khá giả để xây mộ, với giá từ 900.000 đồng đến vài triệu đồng/m2. Việc mua bán thanh toán bằng tiền mặt, không có chứng từ.
Ông N.V.T (ngụ phường Bồng Sơn) mua lô đất 25 m2 nằm ở phía Đông nghĩa địa Bồng Sơn vào năm 2020, để chôn cất 2 người thân của gia đình. “Để mua được lô đất này, gia đình tôi phải “lót tay” cho người của Ban Quản lý nghĩa địa Bồng Sơn 75 triệu đồng. Làm xong việc đó thì gia đình cứ thế mà xây, chẳng ai hỏi han hay ngăn cản gì cả” – ông T. tiết lộ.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch phường Bồng Sơn, thừa nhận những ngôi mộ có diện tích lớn tại khu vực nghĩa địa Bồng Sơn đều được xây trái phép trên đất lâm nghiệp. Ông giãi bày thêm: «Việc cán bộ Ban Quản lý nghĩa địa Bồng Sơn có liên quan đến chuyện mua bán đất để xây mộ trái phép hay không, nói thật tôi mới vừa được điều động sang giữ chức chủ tịch phường không lâu nên chưa nắm được». Ông Sơn nói sẽ xác minh để giải quyết.
Còn ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch thị xã Hoài Nhơn thì cho biết không hề hay biết gì về việc mua bán đất lâm nghiệp cũng như xây dựng mộ trái phép tại khu vực nghĩa địa Bồng Sơn.
Tóm lại mồ mả hoành tráng cứ ngang nhiên xây chình ình trên đất rừng mà hỏi tới thì chính quyền địa phương không ai biết!
San Hà (tổng hợp)