Hoa Thịnh Đốn: Tính đến ngày thứ hai 16 tháng 11, kết quả cuộc bầu cử tổng Hoa Kỳ được công bố là ông Joe Biden thắng với 306 phiếu cử tri đoàn.
Tuy nhiên tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa chấp nhận thua cuộc, cho là ông ta bị “ăn cắp” mất chức tổng thống và vẫn đưa đơn kiện tại các tiểu bang như Pensylvania, Georgia..
Trong khi đó tổng thống tân cử Biden đang bổ nhiệm những phụ tá cho ông tại tòa Bạch Ốc, cũng như điện thoại cho những nhà lãnh đạo đồng minh, mà theo những lời tường thuật của báo chí là tìm cách hàn gắn lại những sứt mẻ bang giao, đã gây ra từ thời tổng thống Trump trong 4 năm trước.
Nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia tây phương đang lo lắng là với tân chính quyền, liệu Hoa Kỳ còn tôn trọng những lời cam kết hay không?
Tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương, trong những ngày qua, tân tổng thống Biden đã điện đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in và Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, 3 nhà lãnh đạo Châu Á đã gọi điện thoại chúc mừng ông, bất chấp Tổng Thống Trump chưa công nhận thất cử.
Các giới chức Nhật cho biết trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Suga cảnh báo về “tình hình an ninh chung quanh khu vực đang ngày càng nghiêm trọng hơn”. Đáp lại, Tổng thống tân cử Joe Biden tái khẳng định “cam kết của Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản”, thực thi các trách vụ của Mỹ theo hiệp định an ninh đã ký cách đây nhiều thập niên, ban chuyển tiếp của ông Biden cho biết.
Tân tổng thống Biden xác nhận cam kết an ninh của Mỹ bao trùm quần đảo Senkakus, một quần đảo không người ở mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình.
Trong một cuộc điện đàm riêng với Tổng Thống Nam Hàn ,Moon Jae-in, ông Biden mô tả liên minh Mỹ-Hàn là “nền tảng của an ninh và thịnh vượng” trong khu vực, và ông cam kết sẽ hợp tác để giải quyết “những thách thức chung”, đặc biệt là vấn đề Bắc Hàn, và biến đổi khí hậu.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc, ông Biden được Thủ tướng Scott Morrison mời đi thăm Úc trong năm tới để đánh dấu 70 năm hiệp định an ninh Úc-Mỹ.
Trong cương vị phó tổng thống Mỹ dưới thời Obama, ông Biden đã bỏ nhiều công sức để cổ vũ cho Hoa Kỳ như một “cường quốc ở Thái Bình Dương.”
Ngay sau khi đắc cử, tổng thống Trump cũng rút khỏi Hiệp định Đối tác Liên Thái Bình Dương (TPP), đạt được sau 8 năm thương thuyết gay go và nhắm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế.
Sự rút lui của tổng thống Trump được xem là một thất bại nặng nề trong chính sách ngoại giao của Mỹ, đã mở đường cho Bắc Kinh vận động để đạt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không có Hoa Kỳ, với 14 quốc gia khác trong vùng có cả Việt Nam, vừa được ký kết hôm thứ ba 17 tháng 11 năm 2020.
Tổng thống Trump còn gây lo ngại cho các đồng minh ở Châu Á khi ông liên tục leo thang các tranh chấp thương mại với Trung Quốc, xích lại gần nhà độc tài Kim Jong Un của Nam Hàn, và công khai bàn tới khả năng Mỹ rút quân ra khỏi khu vực.
‘Theo lời ông Wu Shicun, người đứng đầu Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc, nhận định rằng ông Biden “sẽ có hướng tiếp cận khác với Tổng thống Donald Trump”.
“Ông Biden sẽ chú ý nhiều hơn tới vấn đề Biển Đông, nhưng các chính sách của ông cân bằng hơn và có tính kiềm chế hơn.”
Theo nhận định của ông Lu Xiang, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh thì “ ông Biden coi Trung Quốc là một nước cạnh tranh, trong khi ông Trump coi Trung Quốc là một đối thủ. Các quan hệ giữa hai nước cạnh tranh được dựa trên các quy định, luật lệ.”
Trong số những người có triển vọng được tân tổng thống Biden chọn giữ chức bộ trưởng quốc phòng là bà Michele Flournoy, từng là thứ trưởng quốc phòng về chính sách dưới thời cựu Tổng thống Obama. Bà là người chủ trương phải cứng rắn với Trung Quốc.
Trong bài viết của bà Flournoy trên tờ Foreign Affairs vào tháng Sáu vừa rồi, “Nếu quân đội Mỹ có khả năng đe dọa để đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu buôn của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ, thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới có thể suy nghĩ kỹ trước khi phát động phong tỏa hoặc xâm lược Đài Loan”.
Theo lời tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về Châu Á thì “Biển Đông đã trở thành một chiến trường quan trọng cho cuộc đối đầu chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nơi mà Hoa Kỳ có thể huy động các nước trong khu vực chống lại Bắc Kinh, và dùng các tuyên bố chủ quyền quá tham lam của Trung Quốc để tập hợp các đồng minh.”
Tờ South China Morning Post trích lời các chuyên gia nói một chính phủ Joe Biden có phần chắc cũng cứng rắn không kém chính quyền Donald Trump liên quan tới các bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh như vấn đề Biển Đông.
Chuyên gia về Đông Nam Á, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, nói rằng dưới quyền Tổng thống Biden, các nước trong khu vực sẽ ít bị áp lực hơn phải chọn phe giữa căng thẳng Mỹ-Trung.
Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ông Biden đã đả kích các hành động của Bắc Kinh ở Hong Kong, miêu tả chính sách của Trung Quốc đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương là “vô lương tâm”, và còn gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “côn đồ” trong một cuộc tranh luận với ứng cử viên Bernie Sanders hồi tháng Hai năm nay.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, thì mặc dù Mỹ không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng khoảng 208 tỷ Mỹ kim hàng hóa của Mỹ sẽ đi qua vùng biển đó. Vì vậy, việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Biển Đông đã làm dấy lên lo ngại về gián đoạn thương mại, trong khi các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh thường xuyên xâm phạm vùng biển của các bên tranh chấp khác.
Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CBS N trong chương trình Intelligence Matters vào tháng 9 vừa qua, ông Anthony Blinken, cố vấn chính sách đối ngoại chính cho ông Biden đã gọi Trung Quốc là “thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt từ một quốc gia khác về kinh tế, công nghệ, quân sự, thậm chí cả ngoại giao”.