Trại hè là một trong những sinh hoạt có truyền thống lâu đời ở Hoa Kỳ mà nhiều gia đình người Mỹ, thường là giới trung lưu, vẫn hay gửi con em của họ tới sống trong một vài tuần lễ của mùa hè để các em có cơ hội hoà đồng với cái thế giới bên ngoài gia đình, gặp gỡ làm quen với những người lạ cũng như học cách sống tự lập trong khi không có cha mẹ bên cạnh để trông chừng.
Trong hai năm đại dịch, sinh hoạt của trại hè phải tạm ngưng, nhưng mùa hè năm nay nhiều trại hè đã mở cửa hoạt động trở lại. Vậy nhân cơ hội này, ta hãy thử tìm hiểu đôi chút về lịch sử cũng như vai trò và ảnh hưởng của nó đối với đời sống của nhiều thiếu niên Mỹ trước khi chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành.
Mặc dù hạt giống đã được gieo trồng bởi một số nhà tư tưởng thích cuộc sống thiên nhiên như Henry David Thoreau, trại hè đầu tiên của Mỹ thực sự bắt đầu như là một hành động biểu tỏ sự đồng cảm của người công dân trong thời chiến. Đó là năm 1861, ngay sau khi nội chiến Hoa Kỳ nổ ra, ông Frederick Gunn, một nhà giáo và cũng là người theo chủ nghĩa bãi nô, lúc đó đang điều hành ngôi trường nội trú Gunnery tại Washington, Connecticutt, đã cho tổ chức một nhóm học sinh để sinh hoạt chung với nhau. Vào cuối học kỳ mùa xuân năm đó, trong nỗ lực thể hiện tình đoàn kết với quân đội miền Bắc, họ đã tổ chức một cuộc đi bộ 30 dặm từ trường tới bãi biển Welch’s Point ở Milford, Connecticutt. Tại đây họ cắm trại, ngủ ngoài trời và sống với thiên nhiên, đánh cá, săn bắn, cầu nguyện. Mục tiêu của cuộc cắm trại là để họ có được cái cảm giác gần gũi với cuộc sống của người lính ngoài mặt trận, nhưng rốt cuộc thiên nhiên lại mang đến cho họ nhiều niềm vui thích. Rời xa gia đình, phố thị, lạc vào rừng, tận hưởng một cuộc sống khác chân thực hơn – và đó cũng là những mục đích chính của trại hè.
Những cuộc đi bộ vào mùa xuân như nói trên vẫn được tiếp tục lâu sau khi tướng Robert E. Lee đầu hàng. Một số học trò đã tham gia cùng thầy giáo Gunn trong những ngày đầu sau đó đã thành lập một loạt những trại hè của thế hệ đầu tiên, mỗi trại hè được tổ chức trong tinh thần của trường Gunnery. Nếu có khác biệt thì đó là thay vì sống vài ngày trên bãi biển thì nay là tám hoặc mười tuần lễ sống trong rừng, ngủ trong lều hoặc chòi, bên cạnh một hồ nước tại Massachusetts, New Hampshire hoặc Maine, nơi mà các trại viên được dạy về văn hoá của thổ dân da đỏ, học cách đi bộ đường trường, nấu ăn trên lửa trại, chơi banh.
Keewaydin, một trại hè với sinh hoạt chính là chèo xuồng trong môi trường hoang dã ở tiểu bang Maine được thành lập bởi Gregg Clark, một cựu học sinh của trường Gunnery, vào năm 1893 – là một trong những trại hè đầu tiên đến nay vẫn còn hoạt động.
Một số trại hè khác được thành lập rất sớm gồm có trại Chocura bên bờ hồ Squam tại New Hampshire (1881) và trại Atwater dành cho các thiếu niên da đen tại North Brookfield, Massachusetts (1921). Một số trại hè dành cho các em gái bắt đầu được mở cửa khoảng đầu thập niên 1900. Nói chung, cho đến thập niên đầu của thế kỷ 20, có khoảng 100 trại hè đã được thành lập ở Mỹ. Mục đích được nêu ra của trại vào lúc đó cũng đã có thay đổi – từ đồng cảm thời chiến chuyển thành xây dựng tính cách cá nhân. Đa số dân chúng Mỹ đã di chuyển về sống ở thành thị, xa rời thiên nhiên. Cuộc sống của thanh thiếu niên hiện đại lúc đó là một cuộc sống nhạt nhòa, xuề xòa. Và mục đích của trại hè là nhằm khắc phục điều đó, tái tạo những người trẻ đô thị theo hình ảnh của những thế hệ tiên phong.
Vào thời điểm trước khi có thuốc kháng sinh và thuốc chủng ngừa, khu vực thành thị vào mùa hè thường là nơi mà những căn bệnh như sốt rét và dịch tả dễ lây lan. Đối với các bậc cha mẹ, trại hè không chỉ là nơi tới sinh hoạt và học hỏi kỹ năng sống mà còn là nơi lý tưởng có không khí trong lành và nước sạch. Đây cũng là thời điểm mà tổ chức YMCA, vốn đã tổ chức một số trại hè ngay từ đầu, mở rộng quy mô hoạt động của họ, rồi nhà thờ và những tổ chức tôn giáo khác cũng tổ chức trại hè của riêng họ – hầu hết được mô phỏng theo các trại hè cũ mà bản thân của những trại hè này cũng được mô phỏng theo triết lý của thầy giáo Gunn.
Ông giáo Frederick Gunn đã đặt nền móng cho kiểu kiến trúc đã trở nên quen thuộc với hàng triệu người từng ít nhất một lần tham gia vào các trại hè trong đời: những căn chòi gỗ sơn trắng dựng trên sườn đồi xanh, nhà ăn tập thể huyên náo và nhà tắm có vòi sen, có bệnh xá lo về y tế, căng tin bán kẹo bánh. Môi trường xung quanh rất yên tĩnh, mặt hồ là tấm gương phẳng lặng một màu đen lóng lánh vào lúc hoàng hôn, mùi gỗ mục trong rừng và mùi thơm của lá thông thoang thoảng trong gió. Cho đến năm 1970 đã có khoảng 10,000 trại hoạt động ở Mỹ, và bản thân trại đã trở thành một tổ chức, uốn nắn cho nhiều người trẻ trở nên những công dân tốt. Sinh hoạt của trại hè ăn sâu vào tâm trí người ta như một ký ức chung và là một phần quan trọng trong đời sống của thời tuổi trẻ.
Nói chung, trại hè của các tổ chức tôn giáo và của YMCA có giá tương đối phải chăng, nhưng hầu hết các trại hè tốt khác thì chi phí khá cao. Tuy nhiên, những gì các em nhận lại được từ trại hè là vô giá. Tất cả sinh hoạt tại các trại hè rất lành mạnh và mang tính cách rèn luyện – trượt nước, cưỡi ngựa, bắn cung – nhưng tuyệt vời hơn nữa là những thứ không bao giờ có thể mô tả được: cái cảm giác vắng lặng và tự do, được sống trong một vùng đất vượt ra khỏi sự canh chừng của cha mẹ, được để tự một mình phấn đấu, tự một mình vượt qua khó khăn, tự một mình giải quyết vấn đề của riêng mình. Các em được tập sống độc lập và tự học cách để trở thành một người trưởng thành. Nếu một người có thể biết cách đối phó khi gặp một tình huống bất ngờ, hiểu được trật tự và nề nếp của xã hội, biết cách xử thế với người lạ, nếu là một người có khả năng thích nghi với hoàn cảnh, thì hẳn đó là những bài học mà họ đã học được từ những khoảng thời gian được sống và sinh hoạt tại trại hè vậy.
Các trại hè tốt nhất cũng phải tự biết thay đổi để đáp ứng với điều kiện thị trường và nhu cầu của khách hàng, mà khách hàng ở đây là những cha mẹ có con em được gửi tới trại. Bởi vì nhiều em sẽ phản đối khi biết sẽ phải rời xa nhà tới tám tuần lễ, và bởi vì nhiều cha mẹ thích chiều theo ý kiến của con cái, và bởi vì chi phí cho tám tuần lễ trại hè cao ngất ngưởng nhiều gia đình không kham nổi, nên người ta tổ chức thêm nhiều trại hè chỉ kéo dài sáu, bốn, hai và thậm chí một tuần lễ – hầu như không đủ thời gian cho các em thích nghi với sinh hoạt tập thể, chứ chưa nói tới thời gian cần thiết để tập làm quen với cuộc sống tự lập.
Và mọi thứ khác cũng có nhiều thay đổi. Trước hết là với thức ăn của trại. Trước đây thức ăn không được xem là phần quan trọng, nó chỉ là một trong những phần phục vụ khác của trại hè, đừng quá dở thì đã được cho là đạt tiêu chuẩn, và đó cũng là thông điệp để cho trại sinh hiểu rằng thức ăn không phải để thưởng thức mà là nguồn năng lực cho người ta có đủ sức để làm việc. Nay thức ăn phải ngon miệng, nếu không may bị chê thì năm tới sẽ thiếu đi một trại sinh.
Rồi kia là hằng hà ảnh chụp, được các nhân viên của trại chụp mỗi ngày và tải lên trên mạng để cha mẹ nhìn ngắm mỗi đêm trước khi an tâm đi ngủ vì biết rằng con mình vẫn đang sinh hoạt vui vẻ với mọi người. Kéo dây, bơi lội, đuổi bắt – hầu như mọi động tác đều được ghi lại bằng hình ảnh. Và các giới chức điều hành trại cũng muốn làm vậy để chứng tỏ cho khách hàng của họ thấy rằng họ tận tâm hết mình phục vụ các trại viên.
Nói tóm lại, là cha mẹ thì ai không lo âu khi đem gửi con mình cho những người lạ không quen biết chăm sóc, dạy dỗ, và do đó để làm bớt đi nỗi lo âu đó, trại hè cần được canh tân cho phù hợp với thời đại – có kết nối vào mạng internet, được giám sát kỹ lưỡng, và có bác sĩ túc trực 24/24 – mục đích là để trại hè hoạt động giống như một xã hội thu nhỏ của nước Mỹ.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở những khía cạnh quan trọng, trại hè vẫn giữ nguyên những truyền thống cũ. Ở đó vẫn không phải là một căn nhà riêng tư của bất cứ ai. Vẫn không có cha mẹ đi theo. Vẫn là những người mới lạ gặp gỡ mỗi năm. Vẫn là những cánh rừng bao bọc chung quanh. Vẫn là một thế giới riêng biệt. Vẫn là từng nhóm nhỏ sống chung dưới một mái nhà, ngủ trên những chiếc giường tầng đơn sơ, chăn gối giản dị, không có tivi, ngủ sớm dậy sớm theo đúng thời khoá biểu, đêm thì tối đen như mực và bầu trời thì đầy sao. Trại hè vẫn là cơ hội tốt nhất để những người trẻ sống tách rời khỏi chiếc điện thoại thông minh và những thiết bị điện tử khác. Trại hè vẫn mang thiên nhiên gần lại với cuộc sống. Và sau hết, trại hè vẫn là một sinh hoạt cần thiết, nhất là đối với lớp người trẻ hiện nay đang sống trong một xã hội ngày càng đẩy cuộc sống của con người lệ thuộc nhiều hơn vào kỹ thuật, mặc dù thông minh tân tiến những cũng ngày càng lạnh lùng hơn khiến người ta lại càng trở nên vô cảm. Trại hè là nơi đưa người ta trở về với con người thật của mình.
Huy Lâm