Trình Độ Tới Đâu?

Để hỏi thăm học vấn của một người, giờ thì người ta quen dùng chũ “trình độ” thay cho “văn bằng”. Mọi người chỉ thường hỏi: “Trình độ tới đâu?” thay vì hỏi thẳng bằng cấp gì, bằng cấp tới đâu. Hoặc khen ngợi: “Cô đó nói năng cư xử đúng là người có trình độ” hay chê bai “Tên đó không có trình độ”.

Trước kia trong bản sơ yếu lý lịch, phần kê khai “trình độ văn hóa” được ghi từ “lớp 1 đến lớp 12”, còn phần “trình độ chuyên môn” ghi từ “trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trở lên cho tới tiến sĩ…”.

Về sau này, hai phần trên gom lại, phần “trình độ văn hóa” ghi lớp học cuối cùng của cá nhân. Có thể là “Lớp Bốn”, “Trung cấp điện lạnh”, “Thạc sĩ”…

Do ảnh hưởng quan niệm nhất sĩ nhì nông xưa thật là xưa thời vua chúa, thủa yết danh trên bảng vàng võng anh đi trước võng nàng theo sau, một người làm quan cả họ được nhờ nên đến giờ, văn bằng lúc nào cũng được mọi người ưa chuộng, ao ước. Có vẻ nắm được tấm bằng, người đi học bao gồm cả nam lẫn nữ cầm chắc được chỗ làm lương cao, nhàn hạ nơi văn phòng máy lạnh, mưa không đến mặt nắng không đến đầu! Ngoài ra văn bằng còn đồng nghĩa với việc làm vững chắc, mau chóng thăng tiến, thăng chức. Mà tài lộc với chức quyền thường đi đôi với nhau.

Ngoài những mục đích kể trên thì nội chỉ treo tấm bằng lộng kiếng trên tường giữa phòng khách, ai nấy khách khứa nhìn vào ngắm nghía cũng thấy hãnh diện! Giống như người thích sưu tầm cổ ngoạn, người ưa chơi bonsai, cũng là một sở thích nhưng nhiều người cảm thấy sở hữu một tấm bằng thì… sang, nâng cao giá trị bản thân lên rất nhiều! Nhất là mở mày mở mặt với họ hàng, bạn bè hàng xóm lắm! 

Người ta đổ xô nhau đi kiếm bằng, nhu cầu bằng cấp ngày càng gia tăng nên nhiều trường được mở ra để thỏa mãn nhu cầu đó nhất là các trường đại học.

Đại học thì có đại học quốc gia, đại học vùng, đại học tư thục, học viện, công ty trách nhiêm hữu hạn, học tại chức, học chính quy, học từ xa… Nếu không học thẳng đại học được ngay thì đi đường vòng bằng cách học trung cấp ba năm, từ trung cấp lên cao đẳng rồi từ cao đẳng lên đại học. Đủ mọi hình thức học sao cho đạt mục đích cuối cùng là tới được thành Rome!

Bị nói tới nhiều nhất là các lớp tại chức dành cho người đi làm. Ngoài số học hành tử tế thì rất nhiều người ghi danh chỉ nhằm lấy được tấm bằng. Những sinh viên bất đắc dĩ này có cả ngàn lý do không đến lớp: công việc, họp hành, đi công tác… Vì thế có khi họ thuê sinh viên đi học dùm để ký tên điểm danh, ghi bài dùm, lãnh tài liệu… Công việc của họ là thỉnh thoảng mời các thầy đi nhậu, lễ tết quà cáp chu toàn. Cuối cùng đi thi, nếu không biết trước được đề thì vẫn yên tâm, bài thi đó chính tay thầy ta chấm nên chẳng có gì lo ngại. Trong trường hợp phải làm luận văn tốt nghiệp thì “sao y” đề tài khóa trước, hoặc lên chợ mạng… mua số liệu, thuê người viết, làm được chăng hay chớ, nộp cho thầy, tự thầy thêm bớt chỉnh sửa. Sau buổi trình luận văn lại là một chầu quà cáp, nhậu nhẹt ăn mừng. 

Trước đây, các nhà máy hoặc khu công nghiệp tuyển công nhân với điều kiện phải có tay nghề bậc 3, bậc 4, tốt nghiệp hết cấp 3, sau này hạ xuống cấp 2… Nay thì ngược lại. Sau đại dịch Covid-19, nhiều người lao động bỏ về quê. Bao nhiêu ưu đãi: nào là không cần tay nghề, kinh nghiệm, không cần thử việc…, thưởng thêm cho người môi giới… Cho nên các công ty nhà xưởng than thở kỹ sư không thạo việc nhiều nhan nhản trong khi công nhân lành nghề kiếm đỏ mắt không ra. 

Đó là công nhân “cổ xanh”, còn công nhân “cổ trắng” thì vô số: đại học Bách khoa, đại học Kỹ thuật, đại học Kinh tế… Không kể bây giờ một cử nhân, kỹ sư… ngoài tấm bằng đại học chính còn phải kèm thêm một tấm bằng đại học thứ hai như Anh văn, Công nghệ thông tin, Luật… Bằng thứ ba như cử nhân chính trị, hành chánh… Bằng cấp nhiều như lá mùa thu!

Hoặc học thêm lên thạc sĩ, tiến sĩ. Cho nên chương trình đào tạo cao học quảng cáo ào ạt trên báo. 

Nào là tiến sĩ Việt Nam, liên kết, liên doanh với tiến sĩ Mỹ, tiến sĩ Malaysia, tiến sĩ Canada… Nhân viên muốn tiến lên cao chức Phó, Trưởng… gì đó cần phải có tấm bằng tiến sĩ lận lưng để phòng hờ khi được chuẩn đề bạt thì mình đã sẵn sàng được cộng thêm điểm. Bởi vì bằng cấp không phải để mở đầu công trình nghiên cứu, mà nhằm tới một chiếc ghế mở ra con đường danh vọng và tiền tài. 

Cứ nói văn bằng ê hề chứ thực ra cũng khó khăn chứ chẳng chơi.

Số người có bằng thạc sĩ nhưng chưa tốt nghiệp trung học, đại học cũng có. Bao nhiêu người chạy vạy kiếm mua cho được cái bằng tốt nghiệp phổ thông để có thể bước vào ngưỡng cửa đại học. Đâu phải có tiền là được, rồi còn phải lần cho ra đường dây nữa chứ. 

Thời kỳ khó khăn có người làm ở một cơ quan ngắm nghé cái ghế vì ông Trưởng ghế đó còn vài năm nữa về hưu. Việc đầu tiên là đi thi Cao học. Dù luyện thi cẩn thận nhưng hai năm rồi anh vẫn rớt. Thời may, nhà trường thương tình cho nợ kỳ thi tuyển, nghĩa là cứ vào học trước rồi… từ từ thi tuyển sau lúc nào đậu cũng được. Vì vậy nhiều trường hợp hoàn tất chương trình cao học, bảo vệ thành công bằng thạc sĩ rồi vẫn không lãnh bằng được vì không cách nào đậu nổi kỳ thi tuyển đầu vào hay không đậu nổi chứng chỉ ngoại ngữ căn bản. 

Nay đổi mới rồi. Có trường danh tiếng thi tuyển khó khăn thì đồng thời có trường thi vào dễ dàng, miễn cứ thi… là đậu. Nhất là các trường ở các tỉnh xa xôi, một năm mở mấy kỳ thi tuyển để đáp ứng nhu cầu “văn bằng thạc sĩ” của xã hội! Vả lại, chương trình học cao học cũng là nồi cơm chính của nhà trường!

Nhiều sinh viên cao học quá nên đâm ra đề tài tốt nghiệp cũng… cạn! 

Các đề tài luận văn tốt nghiệp na ná giống nhau, chưa kể lắm khi ngớ ngẩn, không thực tế. Chỉ là liệt kê số liệu, kiến nghị hướng phát triển trong tương lai… Có ông lấy ngay báo cáo tổng kết của địa phương do thư ký viết để làm luận văn tốt nghiệp. Từng xảy ra trường hợp đề tài nghiên cứu khoa học của một phó giáo sư và đề tài luận văn thạc sĩ của một phó Giám đốc Sở giống nhau chín chục phần trăm. Một ông Vụ trưởng bị phát giác luận án đạo văn trăm phần trăm, kể luôn cả lỗi chính tả. 

Hội đồng chấm thi cũng nhẹ nhàng bởi còn có lúc xuống địa phương hay ban, ngành… nhờ giúp đỡ này nọ. Có qua có lại là vậy.

Văn bằng cao học của ngoại quốc hay liên kết với nước ngoài xem chừng oai hơn văn bằng của VN. Thế nhưng ông Phó Bí thư tỉnh ủy nọ có bằng tiến sĩ, sau 6 tháng được cử đi học ở Malaysia thì Bộ Giáo dục lại không công nhận văn bằng này.

Văn bằng, nhất là bằng cao học chứng nhận cho trình độ trí thức, phát triển của địa phương, nên để chứng tỏ cái sự không thua chị kém em thì mỗi địa phương đều cố gắng nâng cao số lượng tiến sĩ. 

Rất nhiều người ngồi ghế đại học, học hành không ra gì nhưng sau đó vẫn lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ một cách dễ dàng. Có tấm bằng đó làm thủ tục thì nhận hàm viện sĩ, giáo sư… là việc đương nhiên. “Tiến sĩ giấy” không phải là một chữ ví von mà đích thực chỉ một hiện tượng có thực trong thực tế. 

Bởi vậy thiên hạ mới chạy marathon trên con đường cao học!

Thể thao có half-marathon thì sự học cũng có “thạc sĩ mini” chỉ học trong 4 tháng. Khóa học của Viện Quản trị và Tài chánh hợp tác với một trường thuộc hệ thống đại học công lập California của Mỹ có lịch sử hơn nửa thế kỷ nhưng được học hoàn toàn bằng… tiếng Việt!

May mà xưa kia thi cử khó khăn. Bốn năm mới có một kỳ thi Đình lấy tiến sĩ nên trong Văn Miếu mới có rùa đá linh thiêng cho sĩ tử ngày nay đến xoa đầu lấy may, chứ thi cử như bây giờ thì tiến sĩ, thạc sĩ phải đong bằng rổ, gạt bằng đấu mới hết, Văn Miếu nào chứa nổi. 

Thật ra số bằng mù mờ lấy từ ngoại quốc không nhiều, chủ yếu vẫn là bằng trong nước. Người lớn tuổi đi làm nhiều năm, nay lết đi thi cử nên được du di, chẳng ai nỡ làm khó. Ở một kỳ thi cao học của hầu hết thí sinh làm việc trong ngành giáo dục, giám thị thu được cả ký tài liệu. Các thí sinh lớn tuổi này cũng chẳng buồn giấu diếm mà sau buổi thi, tài liệu vất đầy khắp nơi như rác. 

Bằng tiến sĩ còn dễ dàng như thế huống hồ bằng đại học, thấp hơn nữa là bằng tốt nghiệp trung học hay các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học buộc phải nộp kèm vào để được lãnh bằng cấp chuyên môn.

Bởi vì để lãnh được bằng đại học thì bao giờ sinh viên cũng phải nộp thêm bằng tin học và ngoại ngữ căn bản nhằm chứng tỏ ngành giáo dục đào tạo công bộc một cách toàn diện. Những chứng chỉ sơ cấp này cũng cần thiết cho công chức trong trường hợp xét duyệt tăng lương, đạt đủ tiêu chuẩn cấp bậc… Có cung đương nhiên có cầu cho nên thị trường văn bằng lúc nào cũng sôi động.

Các giáo viên bậc tiểu học theo đúng chuẩn phải có bằng đại học kèm chứng chỉ Anh văn, tin học. Các thày cô giáo sắp về hưu cũng không ngoại lệ nên ai nấy lóp ngóp lấy bằng đại học và các chứng chỉ. Cái thì bằng thật, thi thật; cái thì thi giả, bằng thật. Một hiệu trưởng nhận xét: “Có đại học hay không thì cổ vẫn nổi tiếng là giáo viên giỏi”.

Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không tăng thêm tri thức mà chỉ tốn ngân sách tổ chức các kỳ thi, cơ hội kiếm thêm của các trung tâm luyện thi và các… đường dây chạy bằng thật cũng như bằng giả nên từ năm ngoái đã bị bãi bỏ điều kiện hai loại chứng chỉ trên đối với một số công chức hành chánh, văn thư, giáo viên…

Ngoại ngữ là một môn rất khó nuốt vì ngoại trừ thành phố lớn, các vùng xa thường thiếu giáo viên ngoại ngữ cũng như tài liệu học tập trong khi chương trình lại hết sức ôm đồm, nặng nề. Vì thế ở những nơi đó, hầu hết học sinh đều mất căn bản ngoại ngữ. Khi không có vốn ngữ vựng và văn phạm thì ngoại ngữ không thể cấp tốc luyện thi vài tháng. Khi lên đại học hoặc đi làm, lúc cần lấy chứng chỉ ngoại ngữ thật vô cùng trầy trật. Mặc dù các trung tâm Anh ngữ mở ra dày đặc nhưng trình độ Anh văn của số đông vẫn rất thấp.

Ngoại ngữ lúc nào cũng phải lo thủ sẵn vì ông giám đốc nói với nhân viên cố lấy cái tiến sĩ với chứng chỉ ngoại ngữ để sẵn, rồi có đợt đi tu nghiệp nước ngoài thì được cử đi, lấy lại vốn mấy hồi!

Bởi vậy trường đại học Đông Đô đã cấp hàng trăm văn bằng hai tiếng Anh và chứng nhận giả nguyên nhân là vậy.

Đặc biệt tiếng Anh đang được xã hội hóa nên giờ tiêu chuẩn chọn chồng phải thêm “trình độ Anh văn”. Cô Dương- thạc sĩ- tâm sự với bạn: “Tôi kiếm chồng phải có trình độ cao hơn. Nếu không tiến sĩ thì cũng phải có IELTS cao. Tôi đã có 7 chấm 5 thì ổng ít nhất phải có 8 chấm”. Bởi vậy mà tới giờ gần bốn chục mà vẫn phòng không lẻ bóng vì chưa gặp được ông “8 chấm”.

Chạy bằng chưa xong vì cạnh đó còn lo chạy điểm sao cho trong tấm bằng ghi nhận đạt điểm cao, xếp loại giỏi. Chủ nhân những tấm bằng loại giỏi đó dễ dàng kiếm được, không phải công việc phù hợp chuyên môn, mà là cái ghế quản lý cao…

Thật là mệt.

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email