Đầu tháng vừa rồi, có hai vụ án, một ở Mỹ và một ở Việt Nam đáng chú ý.
Cả hai đều liên quan đến lừa đảo và trong lãnh vực y tế.
Ở Mỹ là vụ công ty Theranos, ở Việt Nam, công ty Việt Á.
Vụ ở Mỹ đã kết thúc sau nhiều năm điều tra, trong khi ở VN mới chỉ bắt đầu.
Theranos
Một cái máy xét nghiệm thần kỳ: Chỉ cần chỉ cần một giọt máu là đủ để có thể biết được người bệnh đang mắc – hoặc có thể mắc bệnh gì trong số hàng chục thứ bệnh. Lại còn có kết quả nhanh chóng nữa.
Từng bị ốm đau, bệnh hoạn (ai mà chẳng), một trong những thứ ngán ngẩm nhất của người bệnh là “xét nghiệm.” Các bác sĩ ra lệnh làm đủ mọi loại test để chứng minh hoặc xác nhận (hoặc phủ nhận) sự chính xác của chẩn đóan của mình trước khi quyết định việc điều trị.
Cũng có những người cẩn thận với sinh mạng và sức khỏe của mình (đúng thôi, vì sinh mạng chỉ có một, và sức khỏe là tất cả) nên lo lắng đòi được test hoặc tự trả tiền để làm test.
Xét nghiệm máu, nước tiểu, phân, sinh thiết, soi, chiếu, chụp… tất cả đều đắt giá, tốn thời gian và đôi khi lâu lắc.
Khi bạn đến phòng khám và lấy máu, bác sĩ hoặc y tá thường gửi máu đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm, chẳng hạn như làm xét nghiệm cholesterol thường xuyên, để kiểm tra vitamin D, hoặc tìm dấu hiệu bệnh tật. Nghi thức này – mà hầu như tất cả người Mỹ phải chịu đựng vào một thời điểm nào đó trong đời – thường bao gồm một mũi kim đâm đau đớn, nhiều lọ máu và nhiều ngày hoặc nhiều tuần chờ đợi kết quả.
Thế nên khi có một cái máy xét nghiệm như trên, người bệnh mừng rơn. Các y sĩ lại càng mừng hơn.
Mừng hơn nữa là các nhà đầu tư. Khi được mời gọi bỏ tiền vào công ty phát triển cái máy đó, đông đảo nhanh nhảu ném hàng triệu đô la vào.
Trong số đó có một loạt các nhà đầu tư thuộc loại có máu mặt. Có cựu chính khách Henry Kissinger và George Shultz. Có tỷ phú Rupert Murdoch. Có bà cựu bộ trưởng Giáo dục dưới thời Trump Betty DeVos và gia đình. Có Don Lucas, một trong những nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở Thung lũng Silicon, ông này lôi theo tỷ phú Larry Ellison, người sáng lập Oracle và là người giàu thứ 10 trên thế giới. Có cả ông trùm Carlos Slim của Mexico. Cả đến gia đình nhà Walton – nổi tiếng của Wal-Mart. Có các thành viên gia đình tỷ phú Cox (công ty truyền thông và xe hơi Cox Enterprises) ở Atlanta. Cả các thành viên một đế chế kim cương của Nam phi nữa.
Họ rỉ tai nhau, những người giàu trò chuyện với người giàu, rằng có một cái mỏ vàng mới.
Để rồi họ trở thành nạn nhân của một cú lừa khổng lồ.
Vụ xử Elizabeth Holmes, từng được mệnh danh là người phụ nữ thành đạt trẻ tuổi nhất, vừa kết thúc trong tháng này ở Hoa Kỳ. Bà Holmes, sáng lập viên công ty Theranos bị kết tội.
Một Steve Jobs phái nữ, công ty Theranos
và cái máy Edison
Một công ty khởi nghiệp chuyên ngành y tế do một nhân vật nữ trẻ nhiều tài năng với một sáng chế tân kỳ chắc chắn phải là một nơi lý tưởng để đầu tư.
Nhân vật sáng lập công ty là Elizabeth Holmes, một nữ sinh viên khoa Kỹ thuật Hóa của Standford, trường đại học nằm trong nhóm Ivy League của Hoa Kỳ. Cô bỏ học năm 19 tuổi để như Bill Gates, như Mark Zuckerberg, bắt đầu sự nghiệp – một sự nghiệp có thể sẽ phất như diều như của Bill Gates, như Mark Zuckerberg. Và phong cách của nàng thì là một bản sao của Steve Jobs, người sáng lập Apple, công ty nay đã trở thành sáng giá nhất lịch sử: từ bộ đồ đen với chiếc áo cổ rùa và màn bí mật che phủ những ý tưởng của nàng.
Elizabeth Holmes là con nhà nòi. Cha cô, ông Christian Rasmus Holmes IV, từng là phó chủ tịch của Enron, một công ty năng lượng sau đó đã phá sản sau một vụ bê bối gian lận kế toán.
Sau khi kết thúc năm thứ nhất ở Standford, Holmes vào làm việc trong phòng thí nghiệm tại Genome Institute of Singapore, nơi cô làm các xét nghiệm coronavirus gây bệnh SARS (SARS-CoV-1) qua việc thu thập mẫu máu bằng ống tiêm.
Vào tháng 3 năm 2004, cô bỏ học tại Standford và sử dụng tiền học phí của mình để mở một công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe. Thoạt đầu, cô đặt tên công ty là Real-Time Cures cnhưng rồi đổi thành Theranos, kết hợp một cách khéo léo của hai từ therapy (điều trị) và diagnose (chẩn đoán) ra đời năm 2003. Holmes nắm trọn quyền điều hành Công ty Theranos. Đến năm 2009, anh bạn trai Ramesh “Sunny” Balwani của cô gia nhập Theranos, điều hành hoạt động hàng ngày của công ty với tư cách là chủ tịch.
Cô sinh viên drop out đó khoe với nhân loại rằng công ty của mình sẽ làm thay đổi thế giới với một kỹ thuật xét nghiệm máu độc đáo. Với kỹ thuật này – sáng chế của nàng, bệnh nhân chỉ cần trích một vài giọt máu là đủ để có thể nhận ra hay bác bỏ sự hiện diện của hàng chục thứ bệnh.
Sử dụng một thiết bị nhỏ gọi là “nanotainer”, được thiết kế để hút, giữ lại và phân tích một giọt máu từ đầu ngón tay của người bệnh, và kỹ thuật xét nghiệm “Edison” độc quyền của công ty, Theranos tuyên bố họ có thể tiến hành vô số xét nghiệm về sinh lý của bệnh nhân trong vài phút, với cái chi phí chỉ bằng một phần nhỏ chi phí của công nghệ hiện tại.
(Nhà sáng lập Theranos còn tâm sự rằng sở dĩ phương pháp xét nghiệm máu của Theranos được thiết kế nhỏ, gọn và nhanh nhất có thể vì ngày còn nhỏ, cô rất ghét kim tiêm, cả mẹ và bà của cô đã ngất xỉu khi nhìn thấy ống chích.)
Không phải là đại khái mà tất cả những gì Holmes trình bày với công chúng chỉ có thế. Khi được một phóng viên của tờ The New York Times hỏi rằng cái máy Edison hoạt động như thế nào, Holmes trả lời: “Một (trình tự) hóa học được thực hiện để một phản ứng hóa học xảy ra và tạo ra tín hiệu từ sự tương tác hóa học với mẫu thử, được chuyển thành kết quả, sau đó được nhân viên có bằng cấp của phòng thí nghiệm xem xét.”
Thật dễ hiểu và cũng thật khó hiểu!
Điều đáng ngạc nhiên là cái ý tưởng này quyến rũ được không ít nhà đầu tư thuộc loại lắm tiền và kỹ tính. Nhưng xét cho cùng thì không có gì ngạc nhiên cả. Chăm sóc sức khỏe là một ngành kỹ nghệ hốt bạc, có thể là hốt nhiều bạc nhất, của Hoa Kỳ. Công nghệ của Theranos nếu trở thành hiện thực sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành chăm sóc sức khỏe.
Thiết bị xét nghiệm máu thần kỳ của Holmes được đặt lên là “Edison”, theo tên nhà phát minh Thomas Edison, hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về xét nghiệm máu. Theranos đã lên kế hoạch chỉ thu giá xét nghiệm ở mức thấp hơn 50% mức phí mà Medicare và Medicaid tính ở Hoa Kỳ. Quá tốt, điều này có thể tiết kiệm cho chính phủ Mỹ 200 tỷ đô la trong thập niên tới.
Kỹ thuật xét nghiệm nhanh chóng và it tốn kém của Theranos sẽ dân chủ hóa việc xét nghiệm, cho phép bất kỳ ai cũng có thể làm xét nghiệm tại các hiệu thuốc và phân tích nó trong vài giờ. Theranos là thứ mà mọi nhà đầu tư đều yêu thích – một tên quậy trong ngành chăm sóc y tế, một chú nhóc David để đối đầu với những anh khổng lồ Goliath của ngành chẩn đoán như các đại công ty LabCorp và Quest.
Không ít giáo sư của Holmes và nhiều chuyên gia khác đã cùng thấy là không dễ có một kỹ thuật quá tốt như thế và những trình bày của Holmes chưa rõ ràng. Nhưng các nhận xét đó không ngăn được người ta đổ tiền vào Theranos.
Người đầu tư sớm nhất vào Theranos là Don Lucas, một trong những nhà tiên phong của Silicon Valley, người đã đầu tư vào các công ty như Oracle, Cadence, Palantir, Avinger, MightyNetworks, Berkeley Lights, Bossa Nova Robotics, Katerra, Pallet Shelter và Finast. Don Lucas sau đó còn đã kéo được nhà sáng lập Oracle Larry Ellison vào hội đồng quản trị của Therans.
(Bản thân Lucas còn đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của Theranos đến tận năm 2013.) Kế đó đến lượt Tim Draper của công ty đầu tư mạo hiểm Draper Fisher Jurvetson. Ông này là một hàng xóm của Holmes.
Chỉ một năm sau khi thành lập, đến tháng 12 năm 2004, Holmes đã huy động được 6 triệu đô la đầu tư vào Theranos. Năm 2010, con số đó lên đến 92 triệu và đến 2014, mười năm sau, Theranos đã gom được hơn 400 triệu đô la. Theo tạp chí Forbes năm đó, công ty được định giá khoảng 9 tỷ đô la, Elizabeth Holmes, 29 tuổi, có giá trị tài sản ròng 4,5 tỷ, trở thành nữ tỷ phú tự lập trẻ tuổi nhất.
Các nhà đầu tư khác vào Theranos, toàn là những người khó dụ dỗ và nhiều tiền, bao gồm gia đình Walton (những người sáng lập Walmart), 150 triệu đô la; tỷ phú Rupert Murdoch, 121 triệu; và Bộ trưởng Giáo dục dưới thời Trump Betsy DeVos cùng gia đình, 100 triệu. Bên cạnh các nhà giàu Mỹ này còn có các thành viên của gia đình tỷ phú Cox ở Atlanta (100 triệu). Ngoài các ông bà Mỹ này còn có các thành viên của gia đình Oppenheimer, từng làm chủ công ty kim cương De Beers Nam Phi và cả nhà tài phiệt Mexico Carlos Slim (30 triệu).
Công bố của Holmes đã đưa một số nhà lãnh đạo nổi danh và có uy tín vào quỹ đạo của công ty – như cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cựu Ngoại trưởng George Schultz, và thậm chí cả cựu ngoại trưởng Henry Kissinger. Cả ba ông đều ngồi vào Hội đồng Quản trị của Theranos. Tiếng tăm và uy tín của họ đã giúp không ít cho công ty.
Năm 2013, chuỗi dược phòng khổng lồ Walgreens đã hợp tác với công ty xét nghiệm máu Theranos để mở hàng trăm trung tâm thu thập mẫu máu. Các trung tâm chăm sóc sức khỏe của Theranos có tại 40 cửa hàng Walgreens ở Arizona, nằm trong thỏa thuận đưa hệ thống máy xét nghiệm máu Edison vào hàng ngàn hiệu thuốc tây trên khắp nước Mỹ.
(Điều lạ lùng là thỏa thuận đã được tiến hành mà Walgreens không hề kiểm tra xem các kết quả xét nghiệm của Theranos có chính xác hay không. Theranos không hề bất cứ dữ liệu nào về công nghệ của họ và tránh trả lời các câu hỏi về công nghệ đó bằng cách tuyên bố rằng đó là “bí mật thương mại”.
Lý do để các giám đốc điều hành của Walgreens không đặt câu hỏi với Theranos và loại bỏ các lo ngại được cho là Walgreens, đang tìm cách phát triển hoạt động kinh doanh của mình, không muốn Theranos bắt tay với một chuỗi cửa hàng thuốc khác.)
Nhà phát minh kiêm doanh nhân khởi nghiệp trẻ Elizabeth Holmes xuất hiện trên trang bìa của Forbes và Fortune – luôn mặc đồ đen như Steve Jobs. Cô được Forbes vinh danh là “Nữ tỷ phú tự lập thân trẻ nhất thế giới” (xếp thứ 110 trong danh sách “Forbes 400” năm 2014). Tạp chí Inc. tặng cô danh hiệu America coolest bilionnaire”. Time đưa cô vào danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất” năm đó trên tạp chí này.
Hồi tháng 7 năm 2015, Joe Biden, lúc đó là phó Tổng thống, đã đến thăm trụ sở của Theranos ở Calfornia. Theo một thông cáo báo chí của Theranos được công bố sau đó, ông Biden ca ngợi: “Nói về việc được tạo hứng khởi thì đây là nguồn cảm hứng. Thật là tuyệt vời đối với tôi, Elizabeth, những gì đã cô đã có thể làm được.”
Cùng năm đó, Holmes đã thành công trong việc thuyết phục cơ quan lập pháp của Arizona thông qua luật cho phép bệnh nhân đi thẳng đến phòng thí nghiệm của Theranos để đặt bất kỳ xét nghiệm nào họ muốn mà không cần sự chấp thuận của bác sĩ. Thuận tiện và có lợi cho tất cả: bệnh nhân (và chẳng cần phải có bệnh) khỏi sợ đau và phiền hà tới lui nhiều lần, chi phí lại quá rẻ Theranos cung cấp hơn 100 test với giá dưới 10 đô la!
Tại các anh nhà báo!
Nhưng cũng cùng năm 2015 sự nghiệp của Elizabeth Holmes và con đường của Theranos bắt đầu gặp khó.
Khởi đầu bằng sự tò mò của một nhà báo – nhà báo ông nào chẳng tò mò (đây chỉ nói đến các nhà báo quốc tế, các nhà báo quốc doanh trong nước chỉ chờ chỉ đạo), nhưng ông này đi đến nơi đến chốn.
John Carreyrou của tờ The Wall Street Journal (WSJ) tiến hành một cuộc điều tra bí mật về Theranos sau khi một chuyên viên y tế nói với ông rằng cái máy xét nghiệm máu Edison có vẻ đáng ngờ.
Carreyrou tìm được một số cựu nhân viên của Theranos, thuyết phục họ “thổi còi” và lấy được một số tài liệu của công ty. Khi Holmes nghe biết về cuộc điều tra, Chủ tịch Theranos ra lệnh cho luật sư Boies mở chiến dịch ngăn Carreyrou công bố các bài báo, hăm dọa kiện tờ WSJ và những người tố cáo.
Nhưng bất chấp các đe dọa pháp lý và chiến thuật mạnh tay của luật sư Theranos, vào tháng 10 năm 2015, Carreyrou đã công bố một bài báo cỡ nổ như bom CBU (nay trong nước gọi là “bom tấn”) với những chi tiết chứng minh máy Edison đã cho những kết quả trật lất. Chẳng những thế, ông còn tiết lộ rằng Theranos đã sử dụng các máy phân tích xét nghiệm thương mại do các công ty khác sản xuất cho các xét nghiệm của mình.
Holmes phủ nhận tất cả các cáo buộc, gọi tờ tạp chí đầy uy tín WSJ (sống vững hơn 130 năm và có gần 3 triệu độc giả) là “báo lá cải” và hứa rằng công ty sẽ công bố dữ liệu về độ chính xác của các xét nghiệm.
“Bài báo hôm nay của WSJ về Theranos thì đầy những sai lầm về sự thực và khoa học và dựa trên những khẳng định vô căn cứ của những nhân viên cũ thiếu kinh nghiệm và bất mãn cũng như những người đương nhiệm trong kỹ nghệ này. Theranos đã trình bày các sự thật với phóng viên này để chứng minh tính chính xác và độ tin cậy của các xét nghiệm và trực tiếp bác bỏ những cáo buộc sai trái này, gồm cả bằng hơn 1.000 trang báo cáo và tài liệu. ”
Tuy nhiên, Theranos vẫn chưa trả lời những câu hỏi quan trọng về hiệu quả của xét nghiệm của công ty. Thay vào đó, Holmes chỉ đơn giản nói với Bloomberg rằng đây chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp và một khi tất cả các xét nghiệm của họ được FDA xác nhận, cuộc cách mạng xét nghiệm máu sẽ tiếp tục.
Carreyrou tiếp tục phanh phui các vấn đề của công ty và hành vi của Holmes trong một loạt bài báo. Năm 2018, ông trình làng quyển Bad Blood: Secrets and Lies in a Silicon Valley Startup (Máu xấu: các bí mật và dối trá trong một công ty khởi nghiệp ở Silicon valley). Trong sách, Carreyrou kể chi tiết về cuộc điều tra về Theranos của mình.
Ngửi thấy mùi máu, nhiều tổ chức truyền thông khác nhảy vào cuộc điều tra. Họ chứng minh công nghệ thần kỳ của Theranos chẳng những không chính xác mà có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Sập tiệm…
Vài tháng sau khi báo chí đưa ra các câu hỏi đầu tiên về các kết quả xét nghiệm của Theranos, Walgreens công khai bày tỏ việc quay mặt với Theranos.
Năm 2016, FDA, FBI và CMS (Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid) bắt đầu điều tra Theranos.
Những gì mà các cuộc điều tra đó phát giác thật đáng sợ: bệnh nhân được cho là có nguy cơ bị chảy máu trong và đột quỵ nếu họ dễ bị đông máu, và nhiều người vẫn cho rằng những kết quả không ổn định, đáng nghi vấn. Những tuyên bố của Theranos và Holmes rằng công ty hàng triệu đô la của họ đang thay đổi thế giới dường như hoàn toàn sai sự thật. Tiểu bang Arizona đã kiện họ.
Tháng 1 năm 2016, sau khi kiểm tra phòng thí nghiệm ở Newark, California, phát giác những bất thường về quy trình, thiết bị và trình độ của nhân viên, Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMS) đã gửi thư cảnh cáo Theranos.
Ngày 28 tháng 1 năm 2016: Sau báo cáo của CMS, Walgreens Boots Alliance Inc. (WBA) đã quyết định tạm thời đóng cửa Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Theranos trong cửa hàng Palo Alto và tạm ngừng sử dụng phòng thí nghiệm ở Newark của Theranos.
Đến tháng 3 năm 2016, CMS đề nghị cấm Holmes làm việc trong ngành kinh doanh xét nghiệm máu trong hai năm.
Walgreens đe dọa sẽ chấm dứt sự hợp tác nếu Theranos không thể tuân thủ các quy định sau khi các giới chức liên bang điều tra phòng thí nghiệm Newark, CA của họ. Cuộc điều tra đó cho thấy kết quả xét nghiệm của Edison thường không đáp ứng được yêu cầu của chính Theranos về độ chính xác, trong khi các kết quả xét nghiệm lại do các nhân viên không đủ năng lực xem xét.
Theo Forbes, đến tháng 6/2016, giá trị tài sản ròng của Elizabeth Holmes giảm từ 4,5 tỷ đô la xuống “con số không”.
Theranos bắt đầu đóng cửa các phòng thí nghiệm lâm sàng và trung tâm chăm sóc sức khỏe vào cuối năm 2016.
Đầu tháng 5 năm 2017, Theranos đã dàn xếp một vụ kiện với Partner Fund Management, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của công ty, sau khi quỹ đầu tư này cáo buộc công ty gian lận chứng khoán. Trước đó Theranos cũng đã dàn xếp các vụ kiện với CMS và Bộ trưởng Tư pháp Arizona.
Tháng 3 năm 2018, SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ) cáo buộc Theranos, người sáng lập kiêm CEO Elizabeth Holmes và cựu Chủ tịch Ramesh “Sunny” Balwani về tội lừa đảo lớn (massive fraud).
Kể từ đó, toàn bộ sự việc sụp đổ một cách ngoạn mục, công ty cuối cùng ngừng hoạt động vào tháng 9 năm 2018.
…và bị kết tội
Cùng năm đó, công tố Liên bang Hoa Kỳ truy tố nữ tỷ phú tự lập trẻ nhất thế giới 11 tội danh “wire fraud” và “conspiracy to commit wire fraud” – lừa đảo và âm mưu lừa đảo, liên quan tới hơn 700 triệu đô la của các nhà đầu tư trong nhiều năm bằng cách phóng đại, đưa ra tuyên bố sai lệch về công nghệ, kinh doanh và tài chính của công ty.
Phiên xử đáng lẽ đã bắt đầu vào tháng 7 năm 2020 nhưng phải hoãn lại nhiều lần, vì Covid-19 và vì Holmes sanh con và chỉ chính thức bắt đầu vào tháng 8 năm 2021.
Kết quả là Elizabeth Holmes, cựu CEO và người sáng lập công ty Theranos, đã bị xét là có tội với bốn tội danh lừa đảo.
Các cáo buộc Holmes bị kết tội bao gồm một tội âm mưu lừa đảo các nhà đầu tư, ba tội lừa đảo liên quan đến các nhà đầu tư cụ thể. Cho mỗi tội danh, mức án là tù 20 năm cùng với khoản tiền phạt 250.000 đô la cộng với tiền bồi thường.
Phiên xử, kéo dài hơn ba tháng tại tòa án liên bang ở San Jose, có hơn 30 nhân chứng.
Phiên tòa tuyên án sẽ diễn ra trong tuần này.
Elizabeth Holmes có quyền và có thể sẽ kháng án.
Trò bịp Theranos và trò bịp Việt Á
Như những lời dẫn ở đầu bài viết này, bạn đọc thấy đúng là có sự tương đồng giữa hai vụ án.
Cả hai đều liên quan đến xét nghiệm y tế và sức khỏe.
Theranos xét nghiệm máu, Việt Á xét nghiệm Covid-19
Cả hai đều là trò bịp, lường gạt để làm giàu.
Theranos hốt gần một tỷ Mỹ kim, Việt Á hốt gần 4000 tỷ tiền Hồ.
Quy mô của cả hai đều là khổng lồ, ở mức độ quốc gia và liên quan đến những khoản tiền rất lớn.
Tuy nhiên, giữa hai trò bịp này cũng có không ít khác biệt.
Với Theranos, chỉ có những cá nhân đi bịp. Với Việt Á, ai cũng thấy là cả một hệ thống tham gia vào trò bịp: chính quyền (trung ương và địa phương), quân đội, và cả đảng nữa.
Với Theranos, được lợi là cá nhân – Elizabeth Holmes và Ramesh Badawi. Với Việt Á, chẳng biết bao nhiêu quan chức được lợi. – VN nói chỉ có chưa đến 20 người bị bắt và truy tố.
Với Theranos, màn kịch bịp bợm do diễn viên có hạng – ít ra là cỡ đại học Stanford, thủ diễn. Với Việt Á, chẳng biết “chánh phạm” (không biết có phải đúng là chánh phạm hay không nữa) có trình độ cỡ nào.
Với Theranos, “bị hại” là những anh nhà giàu tham lam muốn giàu hơn và họ chỉ mất tiền. Với Việt Á, bị hại là toàn dân, những người bị đè ra để ngoáy mũi. Họ chẳng những mất tiền (tiền túi và tiền thuế) mà còn mất mạng.
Cuối cùng, phiên xử Elizabeth Holmes đã có kết quả. Chẳng biết bao giờ xong vụ Việt Á, và kết quả thế nào.
Đỗ Quân