TRỜI CHẲNG BỎ AI

Món quà bất ngờ của cặp vợ chồng tí hon

Cùng là người tí hon với chiều cao khoảng 90cm, anh Chiến và chị Lan dự định chỉ về ở chung nhà nên không kết hôn với nhau. Cho đến khi đứa con ra đời…

Trong căn nhà nhỏ ở xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, chị Hoàng Thị Lan và con trai 10 tháng tuổi nằm lọt thỏm trong chiếc võng màu xanh. Chiều cao của mẹ chỉ hơn con chưa tới 30 cm nên người lạ dễ nhầm là hai đứa trẻ.

Anh Trịnh Văn Chiến – chồng chị Lan – vừa ra chợ về. Anh khe khẽ cởi đôi dép để xuống trước cửa rồi hỏi vợ: “Con ngủ lâu chưa em?”. Chị Lan nói: “Bé vừa mới ngủ. Anh nhè nhẹ cho con ngủ”. Anh im lặng, mỉm cười  ngắm đứa con, “món quà trời cho bất ngờ” mà   chưa bao giờ hai vợ chồng dám mơ ước. 

Cũng trong căn nhà ở xã Krông Búk, huyện Krông Pắk tỉnh Đắk Lắk có cái thành phố Ban Mê Thuột nay gọi là Buôn Ma Thuột đó, 33 năm trước anh Chiến chào đời. Bốn tuổi, cậu bé Chiến biết nói nhưng vẫn nằm một chỗ trong khi ba anh chị em khác đều bình thường. Được 7 tuổi, Chiến mới bắt đầu tập đi. Vợ chồng ông Trịnh Văn Hữu cứ tưởng không thể nuôi nổi đứa con “bé như cục kẹo” nay ốm mai đau ấy. Bất ngờ đến năm 11 tuổi thì đứa con yếu đuối bé chút chít đó đòi đi học. 

Ông Hữu kể: “Khi dẫn con đến cổng trường, tôi dặn, tuy con nhỏ bé nhưng tay chân lành lặn, đầu óc bình thường, không việc gì phải có mặc cảm thua kém những đứa trẻ khác. Tốt nhất là đừng gây chuyện cãi cọ, đánh nhau với chúng là được rồi. Thằng bé vâng dạ ngoan ngoãn”. Nghe cha thỉnh thoảng nhắc nhở, Chiến luôn vui vẻ, thân mật, tốt với bạn bè nên chẳng ai bắt  nạt. Tuy nhiên, cho đến khi học lên cấp 3  Chiến cũng chỉ cao chưa đầy 1 mét và nặng khoảng 25 kg.

Sau khi học hết lớp 12, Chiến vào học cao đẳng Công nghệ thông tin.

Bốn năm trước, Chiến vào làm việc cho một công ty chuyên về hàng thủ công mỹ nghệ dành cho người khiếm khuyết. Chàng trai bị hút về phía cô gái tên Lan, chiều cao chỉ nhỉnh hơn mình chút.

Bé hạt tiêu như nhau, nên Chiến và Lan nhanh chóng thân thiết. Sau vài lần chở nhau dạo khắp Sài Gòn, rong chơi ở Đà Lạt trên chiếc xe ba bánh… họ thành đôi. Yêu nhau bốn năm, Chiến theo Lan về quê cô ở Ninh Thuận ra mắt bố mẹ.

“Chúng con tuy nhỏ bé nhưng cũng như mọi người, muốn yêu thương, muốn có một tổ ấm”, chàng trai xin phép người lớn trong nhà. Hai bên gia đình chấp thuận. Trong thâm tâm, cặp đôi và người thân đều nghĩ họ không thể có con.

Không đám cưới, hai người dọn về ở chung trong phòng trọ 15 m2 ở Thủ Đức. Gia sản của hai người ngoài vài thứ đồ đạc cá nhân, họ sắm thêm cái ghế nhựa để đứng lúc nấu ăn, cho đồ vào tủ quần áo. Cả hai cũng chuyển đến làm tại một công ty giám sát camera.

Sống chung được hơn bốn tháng, Lan nôn ói, mệt mỏi trong người. “Tôi vừa mừng vừa lo khi que thử thai chỉ hai vạch. Chúng tôi chỉ ao ước có người để bầu bạn, không ngờ trời cho cả một đứa con”, người mẹ trẻ xúc động.

Ông Hữu khi biết tin liền gọi điện cho bố mẹ Lan. Hai gia đình từ quê vào Sàigòn cùng ngồi bàn chuyện trăm năm cho đôi trẻ. Mọi người cũng đưa Lan đến bệnh viện, yên tâm giữ lại cái thai khi được bác sĩ tư vấn.

Biết sẽ được làm cha mẹ, Chiến và vợ mua tấm áo mới cũng nâng lên đặt xuống. Ngoài chi tiêu tiết kiệm, anh bán thẻ, sim điện thoại, vợ Chiến bán mỹ phẩm trên mạng xã hội để thêm thu nhập.

Mười tháng trước, con trai Nhật An của anh Chiến, chị Lan chào đời, chỉ nặng có 1,2 kg vì sinh thiếu tháng. Anh nói: “Hôm bác sĩ ẵm con ra cho nhìn, trong lòng tôi là những cảm xúc lẫn lộn. Vừa thương con nhỏ bé lại vừa hạnh phúc khi được làm cha”. Năm tháng đầu đời, bé Nhật An hầu như đều nằm viện. Đứa trẻ trải qua hai cuộc phẫu thuật do nhiễm trùng, có lúc sự sống chỉ một phần trăm.

Sau những tháng ở viện, bé Nhật An vượt cửa tử về bên vòng tay cha mẹ. Ở tháng thứ 10, Nhật An đã tập đi, bập bẹ nói. Mỗi lần thấy con chập chững bước, lòng Chiến lại bồi hồi: “Nó biết bố mẹ nhỏ bé nên mạnh mẽ thay”.

Không chỉ con ốm, đại dịch khiến cuộc sống của vợ chồng tí hon nhiều xáo trộn. Là trụ cột nhưng Chiến cũng thất nghiệp từ tháng 7. Những ngày mắc kẹt ở TP Sài Gòn họ phải sống dựa vào sự hỗ trợ của cộng đồng và trợ cấp của Nhà nước. “Khó khăn cũng giúp chúng tôi trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với con”, chị Lan cho biết.

Đầu tháng 10, TP Sài Gòn mở cửa trở lại, cả gia đình cùng tạm về quê nội, khi Chiến vẫn nghỉ làm. Việc đầu tiên họ nghĩ đến là đăng ký kết hôn để được là vợ chồng hợp pháp.

Hôm 28/10, Chiến và Lan lên UBND xã Krông Búk làm thủ tục kết hôn. 

Người phụ nữ ngã xuống vực sâu ở Yên Tử, ăn lá cây để sinh tồn suốt 7 ngày

Sáng ngày 4/5/2022, bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, cư trú tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết bà rất kinh hoàng khi nhớ lại 7 ngày đêm sống trong tuyệt vọng, chịu cảnh đói rét, sợ hãi thú vật, rắn rết dưới vực sâu khoảng 30 m ở núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh (cách Hà Nội 195 km, đi xe hết gần 2 giờ 50 phút)).

Theo bà Liên, ngày 27/4/2022, bà đi từ nhà xuống TP Hạ Long lấy thuốc và dự định thăm người bạn, nhưng sau đó không gặp bạn. Vì chưa đi Yên Tử bao giờ, lại sẵn có xe buýt đến Yên Tử, nơi non thiêng nên bà quyết định đi để chiêm bái, lễ Phật.

“Trước đó, chồng tôi và tôi cũng hay đi chơi một vài ngày mà không nói cho nhau biết nên tôi cũng chủ quan, nghĩ đi 1-2 ngày rồi về chứ không ngờ chuyện lại xảy ra như vậy” – bà Liên nói.

Bà Liên thuật lại, bà tới Yên Tử lúc gần trưa. Bà ghé quán ăn cơm rồi mua vé cáp treo lên chùa Đồng. Lễ Phật xong, trên đường xuống núi, thấy mệt nên bà ngồi nghỉ ngay sát lan can chùa Đồng. Khi đứng dậy, bà thấy chóng mặt, hoa mắt và bất ngờ ngã nhào xuống khu vực phía dưới.

“Lúc tỉnh dậy,  bà thấy mình nằm trong một cái khe, đầu gối lên rễ cây, người nằm gọn trong khe đá, thân hình ướt đẫm do mưa nhưng  rất may đầu không sao. Bà nói tiếp: “Khi đó nghe có tiếng người, tôi định đứng lên kêu cứu thì giẫm phải một bịch rác và ngã tiếp xuống phía dưới, chân mắc vào khe đá. Sau đó, tôi lấy được chiếc túi mình mang đi theo, trong đó có chai nước, ít cơm cháy và đôi kính nhưng chiếc điện thoại di động  thì văng đâu mất tìm không thấy”. 

Bà Liên cho hay, cái vực rất sâu, nếu cố bám leo lên, lỡ trượt tay ngã xuông thì rất nguy hiểm, nên bà cố giữ,  không để thân thể bị tụt sâu thêm. Nhưng hai tay bám đã mỏi và chỗ bám  cũng không chắc chắn nên bà cứ bị tụt sâu hơn xuống tới đáy vực

Sau khi ngã xuống tới đáy, bà Liên thấy ở dưới đó có một tảng đá rất to và cao nên bà bám vào các cành cây, leo lên khối đá đó  để quan sát và tìm cách kêu cứu.

Theo bà Liên, thời điểm bà rơi xuống vực là lúc trời có sương mù và mưa nên không ai phát hiện ra. Cái túi mang theo có chiếc điện thoại di động thì nó đã bị văng mất lúc bà ngã xuống vực  nên không thể gọi kêu cứu được.

Do mưa lớn, quần áo, giày vớ bà ướt sũng, người lạnh cóng. Cũng may là gần phiến đá có một bụi trúc rậm rạp, bà vin xuống rồi dùng các dây leo cột lại thành một mái che khum khum cho đỡ mưa gió. Bà cũng tìm được những chiếc túi nilon hay  các mảnh nilon, trùm lên trên đầu và hai tay hai chân kể cả trên ngực trên bụng cho đỡ lạnh.

Để duy trì sự sống, bà Liên kể rằng bà phải chia gói cơm cháy ra để ăn dần, uống nước trong các chai bị vứt xuống trước đó, hết cơm cháy thì ăn lá rau rừng như cây sâm nam hay lá cây rừng.

Bà Liên nói từ lúc rơi xuống vực, bà không ngừng kêu cứu nhưng không thấy ai đáp lời có lẽ do mưa và gió to. Ngoài ra, bà cũng tìm được một số đồ vật có thể tạo âm thanh như miếng sắt, hòn đá để vừa gọi vừa gõ nhưng mãi không ai nghe thấy.

Suốt 7 ngày đêm như thế, dù kinh hoảng và cực khổ tưởng chết nhưng sự may mắn đã tới. Sáng ngày 3/5/2022, lúc bà Liên gõ và gọi thì một nhân viên ban quản lý rừng nghe thấy. Ông này vừa đi vừa gõ vào chiếc ống tre trên tay để đáp lời và xác định vị trí người bị nạn, sau đó lại gõ ống tre theo cách khác ra hiệu cho  bạn bè đến phụ với mình cứu nạn. và bà Liên đã được cứu thoát như vậy. 

Ông Nguyễn Minh Thuận, nhân viên Ban quản lý và bảo vệ rừng quốc gia Yên Tử cho biết, ông được giao nhiệm vụ canh gác trên đỉnh An Kỳ Sinh của núi Yên Tử.

Sáng ngày 3-5-2022, đi ra khu vực cách chùa Đồng khoảng 50 mét về phía tây nam để kiểm tra công tác dọn vệ sinh thì ông nghe thấy tiếng phụ nữ kêu cứu.

Đi tìm chung quanh, đến gần hàng rào ngăn cách với vực sâu phía dưới, ông nghe tiếng kêu càng rõ hơn. Khi xác định được vị trí, ông cùng nhóm cứu hộ thả dây thừng xuống bên dưới. Hai người trực tiếp xuống vực để tìm kiếm nạn nhân, buộc bà ta vào dây thừng  rồi bên trên kéo lên. 

Lúc được kéo lên. Bà Liên vẫn tỉnh táo, trong người còn cuống vé đi cáp treo và vé tham quan Yên Tử ghi ngày 27-4-2022. Cũng theo ông Thuận, khu vực bà Liên ngã xuống đã được cắm biển báo: “Vực sâu rất nguy hiểm, quý du khách đừng đến gần”.  Không hiểu sao bà lại ngã xuống vực như thế. 

Bà Liên được chùa báo cho gia đình biết để lên đón và đưa về nhà. 

Cuộc đoàn tụ của mẹ với con trai mất tích 49 năm 

Được báo tin tìm thấy con trai, cụ Nguyễn Thị Lâm, 89 tuổi, vẫn tưởng con cháu nói dối. Cho tới khi chính cặp mắt kèm nhèm của cụ nhìn thấy những tấm ảnh một người  giống chồng minh ngày trước như đúc, cụ mới kêu lên : “Đúng rồi, đúng  thằng Tuấn rồi!”. Người mẹ 49 năm mang nỗi đau mất con bật khóc khi ngắm kỹ khuôn mặt tròn đầy, tóc xoăn, lông mày rậm, mắt, mũi, miệng chẳng khác gì người chồng đã khuất.

Cụ Lâm kể lại, một ngày hè năm 1973, thôn 5, xã Phù Vân, huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam thông báo dân chúng ra hợp tác xã chia lúa, chia rơm. Đến tối, khi cụ và chồng là ông Nguyễn Văn Quốc gánh lúa về thì không thấy con trai là Nguyễn Văn Tuấn đâu cả. Gia đình hô hào anh em, hàng xóm láng giềng đi tìm giùm. Một nhóm đi khắp làng trên xóm dưới hỏi thăm, một nhóm xuống mò dưới ao.

Vợ chồng cụ Lâm đau đớn như điên  như dại. Họ vay mượn tiền, thuê người, tìm kiếm nhiều tỉnh lân cận, thậm chí lên tận Lạng Sơn là tỉnh biên giới xem nó có bị bán sang Trung Quốc hay không. Chị Nguyễn Thị Anh, con gái cả của cụ Lâm kể: “Ngày đó nhà tôi đang chuẩn bị xây nhà, nhưng để tìm em mà tiền bạc, trâu bò, lợn gà trong nhà cũng bán sạch”.

Sau 6 năm tìm con đến khánh kiệt, gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Nhưng nỗi đau mất con khiến cụ ông u uất, sinh bệnh rồi qua đời vào năm 1992. Cụ Lâm ngày ngày tụng kinh niệm Phật  mong quên nỗi đau. 

Sau Tết năm 2021, cụ cạo đầu lên chùa qui y. Chị Ban, người em chị Anh nói: “Chúng tôi khuyên thế nào cũng không được”. 

Anh  Nguyễn Văn Tuấn – ngưới con thất lạc gần nửa thế kỷ trước, kể: “Hồi đó tôi mới 6 tuổi, được anh hàng xóm tên Hy lớn hơn tôi khoảng 10 tuổi rủ ra ga tàu đón người nhà. Từ nhà đến ga phải đi thuyền qua sông rồi đi qua một chiếc cầu. Hai đứa ngủ ở ga một đêm, sáng hôm sau thấy tàu đến, anh Hy sợ tôi không có tiền mua vé nên lên tàu đi mất, bỏ tôi một mình không biết đường về nhà”.

Anh Tuấn kể tiếp: “Tôi đứng khóc khản cả cổ mà ga mỗi lúc một vắng. Rồi một ông đến hỏi tôi nhà ở đâu, sao lại khóc nhưng tôi chỉ khóc, không biết trả lời thế nào. Ông ấy lại hỏi bố mẹ tên gì tôi cũng không biết vì ở quê người ta nể nhau, thường gọi theo tên người con cả chứ không gọi tên thật”.

Cuối cùng, người đàn ông dẫn cậu bé lên một chuyến xe lửa khác, về thôn Nhân Hòa, xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cách đấy khoảng 100 cây số. Sau đó, cậu bé được vợ chồng bà Đồng Thị Cẩn nhận làm con nuôi và đổi tên thành Lê Văn Tuấn.

Lớn lên, Tuấn lấy vợ trong làng ở xã Hoằng Hợp, sinh được ba con, cuộc sống không đến nỗi vất vả. Anh đã nhiều lượt gửi thông tin lên một chương trình truyền hình Thanh nHóa nhờ tìm lại cha mẹ ruột nhưng không thấy hồi âm.

“Tôi chỉ nhớ được tên mình, chị gái tên Anh, người dẫn ra ga tàu tên Hy. Sau tôi có một em nhưng mất lúc nhỏ. Bố làm nghề thợ mộc hoặc đóng xe bò, xe lôi. Nhà ở gần núi”, ông Tuấn, 55 tuổi, chia sẻ.

Người thân tại nhà bố mẹ nuôi ở Thanh Hóa hiểu được nỗi lòng của ông Tuấn nên khuyên ông đăng thông tin lên mạng. Sau lần đăng năm 2019 trên các hội nhóm miền Bắc không có phản hồi, họ tiếp tục đăng lần nữa vào tháng 2 vừa qua trên cả các hội nhóm miền Nam.

Tại thôn Thanh Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, chị Nguyễn Thị Ban tình cờ biết được thông tin ông Tuấn tìm người thân. Mọi thông tin đều trùng khớp với người anh đã thất lạc nên vợ chồng chị tìm cách liên lạc.

Đầu tiên, ông Tuấn cùng người chị cả ôn lại kỷ niệm ngày thơ ấu. Ông nhắc đến giếng làng trước ngõ, cây vải trước nhà, những chiều đông chạy theo chị ra cánh đồng trong núi hái lá khúc… Người em cứ kể còn chị gái cứ khóc vì tất cả đều chính xác. Bà biết chắc chắn đây là đứa em mất tích 49 năm qua của mình.

Ngay ngày hôm sau, anh Triệu Văn Thịnh, chồng chị Ban, ra Thanh Hóa gặp mặt, sau đó dẫn ông Tuấn về quê tại xã Phù Vân, Phủ Lý. Mọi ký ức rời rạc, mờ ảo bỗng chốc được chắp nối thành một khối liền mạch. Mấy ngày sau, bà Anh sai con gái vào một ngôi chùa ở Bà Rịa – Vũng Tàu đón cụ Lâm  về. Xem tấm ảnh đầu tiên của ông Tuấn, cụ Lâm la: “Chúng mày lừa tao. Thằng Tuấn nó trắng chứ đâu có đen như người này». Cô cháu gái tiếp tục lật các ảnh khác ông Tuấn béo và trắng hơn. Lần này thì cụ nhận ra luôn, lập tức thu xếp, nói với sư bà để trở về nhà.

Ngày 23/4, gia đình tập trung đông đủ trước cửa nhà chờ đón giây phút đoàn tụ. Khi bà cụ già 89 tuổi được đỡ  xuống xe, người con trai bước tới. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau trong tiếng nấc nghẹn ngào “Con ơi!”, “mẹ ơi!”. Mọi người trong gia đình không ai là không xúc động.

“Chúng tôi nói với mẹ và anh Tuấn là gần 50 năm mẹ con gặp lại, nỗi buồn đã qua, niềm vui đã tới. Giờ phải vui cười dành thời gian cho nhau”, bà Đào Thị Đặng, vợ ông Tuấn chia sẻ.

Các anh chị em góp ý với vợ chồng ông Tuấn là để lại nhà cửa ở Thanh Hóa, vào Gia Lai sống có sẵn đất đai canh tác và gần mẹ già đã 89 tuồi, không biết gần đất xa trời lúc nào. Nhưng  ông Tuấn nghĩ công sinh cũng như công dưỡng nên đề nghị đón mẹ ra ra Thanh Hóa ở cùng vợ chồng mình để ông  được phụng dưỡng cả mẹ đẻ và mẹ nuôi.

“Cả hai mẹ đều đã già yếu lắm rồi, chẳng còn sống được bao nhiêu nữa, nên vợ chồng tôi mong được chăm sóc cả hai cụ”, ông Tuấn bộc bạch. Giải pháp trọn nghĩa vẹn tình được tất cả ủng hộ.

Những ngày gặp lại con, cụ Lâm như khỏe hẩn ra. Hiện cụ đang đi thăm con cháu và cố hương ở Phủ Lý trước khi vào Thanh Hóa với vợ chồng  con trai cuối tuần này. Cụ nói: “Tâm nguyện lớn nhất đời tôi đã thành, giờ tôi không còn mong gì hơn nữa”.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email