Hàng hóa VN, đặc biệt nông sản, thường lâm vào tình trạng sản xuất, tiêu thụ khi thiếu khi thừa. Khi hàng thiếu, giá cao, nông dân vui sướng có lời nhưng tình trạng này lại không thường xuyên, nhằm lúc được mùa nhưng dội khẩu ở biên giới, hàng hóa ứ lại, thị trường trong nước không tiêu thụ hết. Thế là dân tình náo loạn kêu gọi “giải cứu”. Tình đồng bào đùm bọc được kêu gọi giúp đỡ để giải thoát cho hết số hàng hóa tồn đọng. Nếu không thì thanh long, hoa lay-ơn… đổ đống thành rác vì ngay cả trâu bò dê cừu… gia súc cũng phat ngán ăn không nổi nữa.
Đặc biệt thời gian dịch bệnh hoành hành vừa qua, lệnh giãn cách xã hội khiến việc lưu thông hàng hóa càng khó khăn, nông sản ứ đọng vì thương lái không mua. Giả dụ có mua thì cũng không thể chuyên chở đến các chợ. Vì thế giá rau cỏ trái cây rủ nhau lao dốc.
Mít Thái từ loại 1 xuống đến loại 2, loại 3 đều xuống giá thảm hại. Tiền Giang trồng mít nhiều nhất miền Tây tính hết chi phí chăm sóc tưới nước thì lỗ quá nặng. Ở đâu cũng trồng mít. Siêu thị, chợ cóc cho đến xe rong đều bày mít. Phụ nữ thường sợ ăn mít “nóng” nên loại trái cây này cũng không được hảo lắm. Sinh tố và nước ép cũng không chuộng mít bằng mãng cầu, sa-bô-chê, bơ… Quả mít lại quá to, khó bổ ra để chia phần cho nhiều người. Ở «thủ phủ» Khánh Hòa, hàng ngàn tấn xoài Úc cũng chựng lại. Chủ vườn cố gắng chọn hái quả đẹp bán tháo được trái nào hay trái nấy, còn lại để xoài tự rụng làm phân bón. Trái cây nào không bán được đều phải hủy như thế cả. Nếu không thì đào hố chôn hay cho gia súc ăn chứ không chế biến thành món hàng nào khác.
Nông dân chỉ trồng cây và bán trái tươi tức bán “thô” chứ không có nhà máy chế biến nông sản thực phẩm… không hề chế biến thành các sản phẩm khác như kẹo, mứt, nước giải khát… Trái thanh long một dạo thừa nhiều quá được chế ra bánh mì thanh long rồi… tắt tiếng vì loại bánh mì này chỉ có màu đỏ lạ mắt chư không tạo nên mùi vị đặc biệt. Thanh long cũng có sấy dẻo, làm rượu, nước ép nhưng chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng. Xoài, mít, chuối, dứa… sấy khô cũng không thịnh lắm. Thành thử mít, dưa hấu, thanh long… cứ chất đống trên vỉa hè kêu gọi khách qua đường mua giúp.
Thương lái cũng ráng mua chút ít để giữ mối làm ăn lâu dài vì ngay các vựa trái cây cũng án binh bất động. Họ không thu mua làm gì khi ngoài thị trường không có nhu cầu và họ kh6ng phải địc chỉ làm từ thiện.
Trái cây may ra còn bán ít nhiều chứ ớt thì chịu thua. Trong bữa ăn ngày thường, cao lắm người ta ăn một, hai trái ớt. Ngoài chợ, vài trái ớt, cọng hành lá, thường chỉ là thứ thêm vào khi người ta mua rau. Dù đã có nơi sản xuất ớt bột, tương ớt… Loại này chủ yếu tiêu thụ ở nhà hàng quán ăn. Nhưng nay nạn dịch vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, kinh tế khó khăn, hầu bao thắt chặt cho những chi tiêu cần thiết hơn. Thực khách trong và ngoài nước đều ít ỏi, nhiều hàng quán đóng cửa, nguồn tiêu thụ ớt cũng vì thế mà giảm. Có loại ớt thu hoạch đúng lúc thì cây mới ra trái đậm, nếu để chín thì cây sẽ héo chết. Vốn là một loại gia vị tưởng chừng nhỏ bé có hay không trong mâm cơm chẳng quan trọng mấy mà cũng làm nông dân khốn đốn. Huyện Cam Lộ (Qảng Trị) từng phải ra văn bản kêu gọi mỗi công chức mua… 9kg ớt!!!
Hoàn toàn không phải là loại nông sản thời thượng, nông dân trồng bí đao vài năm được giá, thế là ai nấy hăng hái nhổ lúa trồng bí vì cho là hiệu quả cao hơn. Thế nhưng bí đậu quả ngon lành chẳng thấy ai dòm ngó. Gởi xe mang lên thành phố nhờ người quen bán lẻ là hạ sách vì tiêu thụ chẳng được mấy. Dẫu sao quả bí cũng bảo quản cẩn thận cũng có thể để được vài tháng hoặc xắt lát phơi khô làm thức uống giảm cân, thanh nhiệt. Đó là vài cách người nông dân hoặc bà nội trợ muốn giữ lâu chứ dân thành phố nhà cửa chật chội, chỉ có thể trữ ăn cao lắm một tuần. Dù đắt rẻ thì đây cũng không phải loại thực phẩm cẩn dự trữ.
Giống khoai lang tím Nhật trồng ở Vĩnh Long, Gia Lai rất hợp thổ nhưỡng, tiêu thụ chủ yếu bằng cách xuất cảng sang Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản. Thế mà do dịch bệnh, cũng từng rơi vào trong “Chiến dịch Khoai lang nghĩa tình”. Xoài Đài Loan, dù đã được chuyên chở tới nhiều nơi nhưng vẫn không thể tiêu thụ hết bằng cách bán tận tay người tiêu dùng. Vì thế mạnh thường quân là các công ty lớn thường mua nhiều mang tặng các mái ấm tình thương, viện mồ côi, nhà dưỡng lão, bếp ăn tập thể…
Đôi khi người ta có ý nghĩ bất cứ loại nông sản nào cũng cần giải cứu. Từ chuối, bí đỏ, dưa hấu, thanh long, củ cải, cà rốt, su hào, hồ tiêu, gừng…
Điệp khúc “Được mùa rớt giá- được giá hết mùa” cứ lặp đi lặp lại mãi như không có hồi kết thúc.
Xưa kia dưa hấu chỉ trồng vào vụ Tết. Sau này có thể trồng rải vụ quanh năm. Quảng Nam có lúc tồn hàng ngàn tấn, giá tuột dốc thảm hại khiến dưa hấu hối hả ngược Bắc xuôi Nam tìm nơi tiêu thụ. Trồng dưa không mất nhiều công sức vốn liếng, thu hoạch ngắn ngày mau xoay vòng, giá lại cao hơn lúa nên nông dân rất ham. Họ chấp nhận phó mặc cho thị trường may rủi lời ăn lỗ chịu. Hên thì dù mất mùa nhưng được giá. Còn xui thì được mùa mà rớt giá… Đằng nào cũng chênh vênh.
Trái cây miền nhiệt đới nhiều chủng loại, năng suất cao nhưng tới chính vụ nhiều lúc phải bán tháo, đổ đi trong lúc vẫn nhập nhiều loại nông sản với giá trên trời như nho Nhật; cam Úc; măng cụt Thái Lan, mãng cầu Đài Loan, thanh long Malaysia, hồng dẻo Hàn quốc, táo Pháp… theo đường xách tay về. Tính ra cả ngàn tỉ được chi ra cho các loại trái cây ngoại này.
Trong thực tế, nhà nông luôn được khuyến cáo nên trồng cây này, nuôi con kia. Thế nhưng sau khi thu hoạch, nông sản chất đống đó thì bế tắc. Người đề ra kế hoạch, ngay cả nhà đầu tư cũng phủi tay, lặn mất tăm. Thành ra có lợi nhất chắc chắn là cửa hàng cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu… ăn nên làm ra mà thôi.
Nông dân được kêu gọi đừng buôn bán theo đường tiểu ngạch nữa. Cả ngàn xe tải nằm dài cả tháng ở biên giới dịp tết vừa qua. Nói thì dễ chứ theo chính ngạch thật sự quá khó. Nào thành lập công ty, nào hóa đơn, thuế má, nào chứng minh quy trình sản xuất sạch… theo không nổi!
Nhà nước cũng có khuyến khích trồng cây này, bỏ con kia. Nhưng lỡ gặp hạn hán, úng lụt, dội khẩu thì đành chịu. Nhà nước cũng khuyên nên bỏ kiểu trồng trọt này, theo kiểu chăm sóc kia nhưng người dân than thiếu vốn, thiếu máy móc… Sản xuất manh mún thì làm sao đưa máy móc đại trà vào được. Vốn đâu đầu tư. Trồng xong chẳng biết bán cho ai. Được mùa thì có tiền trả lãi ngân hàng. Mất mùa thì nợ nần ấp lẫm, nhà cửa ruộng vườn bị xiết trắng tay.
Bây giờ ít nghe nói tới giải cứu vì quá nhàm. Tình đồng bào, tính “nhân văn”… chỉ họa hoằn kêu gọi chứ không thể quanh năm suốt tháng lúc nào cũng trông cậy vào giải cứu được.
Giá điều thấp, dân chặt bỏ lấy đất trồng cây cao su. Sau đó doanh nghiệp chế biến nhân điều xuất khẩu lại phải nhập khẩu điều thô. Giá mủ cao su hạ lại khiến nông dân chặt làm củi để thay thế bằng cây chuối, dứa…
Bên cạnh cây tiêu và điều đã trở thành thành ngữ “tiêu điều” quen thuộc khi người dân cứ chặt phá rồi trồng lại, loay hoay mãi mà không mang lại hiệu quả.
Cao su cũng là một loại cây xuất khẩu có giá trị cao. Vùng đất bazan miền Nam từ xưa, người Pháp đã lập nhiều đồn điền tồn tại tới giờ. Vì thế ở VN, nơi nào đất đỏ đều kỳ vọng vào cây cao su. Người Pháp đã từng khảo cứu để trồng ở miền Trung nhưng đã phải bỏ ý định vì khí hậu khu vực này quá khắc nghiệt. Mặc dù nhiều nơi có đất đỏ màu mỡ nhưng gió bão cuồng phong mỗi năm mấy trận thổi vào quật ngã gãy rạp cả khu vườn cao su. Thế nhưng miền Trung, khu vực bắc Trung bộ, loại cây công nghiệp này vẫn được coi là cây xóa đói giảm nghèo.
Dân Lào Cai chặt dứa và chuối là cây chuyên canh lâu năm để trồng cao su ít nhất 8 năm mới lấy mủ được. Tốn bao nhiêu công sức tiền của tới lúc đó giá mủ hạ, Biết đợi tới chừng nào giá lên nên nông dân lại chặt bỏ cao su để quay về dứa và chuối!
Nông dân Long An từng ồ ạt phá lúa để trồng đay. Đay trồng xong nhưng nhà máy chưa hoàn thành không thể thu mua. Không thể chờ nhà máy chẳng biết khi nào mới hoạt động nên nông dân nhổ đay trở lại trồng lúa. Thiệt hại tính ra lên đến 40 tỉ. Vậy trong trường họp nếu nhà máy tiếp tục hoàn thành được thì lúc đó lại không có nguyên liệu để sản xuất. Và ngay cả nếu cả nhà máy và ruộng đay cùng hoạt động thì diện tích trồng đay nhỏ be quá cũng không cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy.
Mắc ca là giống mới trồng về sau này, được coi là loại cây có tiềm năng. Tuy nhiên cũng giống như cây ca cao trước kia, diện tích trồng mắc ca rải rác ở Tây nguyên, Lạng Sơn, Lâm Đồng… không mở rộng hơn cho dù giá bán hạt cũng như cây giống mắc ca khá cao.
Thứ nào bán được, nông dân ùn ùn trồng ngay, ế không bán được lại ùn ùn chặt bỏ ngay. Cứ lòng vòng lẩn quẩn như thế
Trồng cây gì là cả một vấn đề không trả lời được. Trái thanh long trước kia chỉ trồng ở Ninh Thuận, Bình Thuận, sau lan ra nhiều nơi: Long An, Tiền Giang… Thanh long trồng quá nhiều. Lúc nào cũng thấy ngoài chợ bán thanh long quanh năm suốt tháng. Vừa qua thanh long dội chợ thời gian dài. Giá bán ra thấp quá không đủ bù chi phí và chẳng biết tiêu thụ ở đâu, đến nỗi nông dân không thể chịu đựng lâu hơn, đành đốn vườn thanh long.
Khổ quá vừa mới đốn bỏ thì thanh long lên giá!
Trung quốc là thị trường khổng lồ chính tiêu thụ phần lớn nông sản của VN nhưng thị trườn này lại rất đỏng đảnh và ngày càng khó tính.
Trồng gì bây giờ? Mít, mãng cầu hay loại trái cây, rau củ nào không biết để thay thế? Hầu hết nông dân vẫn trồng trọt nhỏ lẻ theo tập quán, theo thổ nhưỡng từ bao năm qua, Trong lúc người tiêu thụ ngày càng đòi hỏi thực phẩm sạch, ngon, nhiều chất bổ, hình thức đẹp…
Muốn đáp ứng thị trường tiêu thụ ngày càng đa dạng, khó tính thì đâu là nơi trung gian tập hợp, hướng dẫn cách thức trồng trọt, liên kết, vay vốn…
Kết quả người nông dân vẫn tự bơi, có gì làm nấy, có gì bán nấy, trồng rồi chặt, chặt rồi trồng trong cái vòng luẩn quần.
SGCN