Trụ điện đổ gục vì… gió

Trời mưa dông gió, nhà cửa chẳng sao nhưng trụ điện lại đổ hàng loạt mới lạ.

Một cơn dông, 

16 trụ điện đổ gục

Khoảng 16 giờ 30 ngày 19-4, tại tỉnh lộ 2, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi hướng từ ngã tư Công Sở đi ấp Vân Hàn, hàng loạt trụ điện bị bật gốc, nghiêng ngả.

Theo người dân ở đó, mưa khoảng 25 phút thì hàng loạt trụ điện này bắt đầu nghiêng, nhiều trụ gãy sát gốc. 

Nhiều người lo lắng các trụ điện còn lại sẽ xảy ra tình trạng tương tự trong những trận mưa kế tiếp.

Các trụ điện bị ngã hướng vào bên đường (ruộng lúa) nên may mắn không làm ai bị thương. Tuy nhiên, hệ thống điện ở đây đã bị hư hỏng, gây mất điện toàn bộ khu vực.

Đến 18 giờ 15 cùng ngày, hai ấp Vân Hàn, Trung Hưng và một phần ấp Trung Bình trên tỉnh lộ 2 vẫn trong tình trạng mất điện.

Tại hiện trường, đoạn đường dài 200m có hơn chục trụ điện bị bật gốc và nghiêng, kéo theo dây điện chằng chịt nằm sát mặt đường, nhiều cây cối trong khu vực cũng bị gãy chắn ngang đường.

Liên quan vụ 16 trụ điện bị ngã tại huyện Củ Chi trong cơn dông, Tổng công ty Điện lực TP.HCM khẳng định các trụ đều được trồng đúng kỹ thuật, thiết kế, mỗi khu vực địa hình đều được tính toán kỹ trước khi chôn trụ!

Riêng về trụ điện bị gãy trong 16 trụ, ông Luân Quốc Hưng – phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực cho biết nguyên nhân là do dông gió giật mạnh gây ngã 5 trụ nằm bên bờ ruộng. Khi đổ xuống, các trụ điện này kéo giằng dây cáp điện và cáp thông tin treo trên trụ, làm 9 trụ khác xung quanh nghiêng, ngã theo và 1 trụ bị gãy (nguyên nhân trụ gãy là do nằm trên nền đất cứng và chịu lực kéo ngang lớn).

Còn ông Nguyễn Đăng Khoa – phó giám đốc phụ trách Công ty Điện lực Củ Chi – cho biết trụ có chiều cao 12m sẽ được trồng sâu 1,8m, sau đó khóa neo để chống lún, cuối cùng sẽ đổ bê tông móng. 

“Chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả vị trí trồng trụ gần sông, ruộng, kênh rạch để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp tới. Nhiều vị trí trồng trụ gần khu vực có nước, thời gian mưa gió có thể đất xung quanh bị nhão”, ông Khoa nói.

Chạy dọc theo tỉnh lộ 2 (xã Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng) và một đoạn đường Nguyễn Thị Rành (xã Tân An Hội) hàng trăm trụ điện được trồng ven đường, phía trong là ruộng lúa có lớp đất mềm. Các trụ này cũng khiến người dân lo lắng khi SG đang trong giai đoạn chuyển mùa mưa, thời điểm thường xảy ra dông lốc, gió giật.

Ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết có 8 trụ điện hơi nghiêng, 1 trụ gãy đôi, 5 trụ bị ngã.

“Các trụ điện đứng một hàng, khi bị tác động mạnh gây ngã. Khi ngã sẽ kéo theo hàng loạt trụ khác ngã theo vì dây trên các đỉnh trụ liên kết với nhau», ông Khoa giải thích.

Ông Khoa cũng cho hay các trụ ngã, nghiêng đều là điện trung thế, trên các trụ có cáp viễn thông và đường dây điện chiếu sáng công cộng. 

Trên tuyến này từ trước đến nay chưa bị ngã trụ điện do dông lốc.

Phải xem lại quá trình 

gia công móng trụ điện trên nền đất yếu

Ông Hoàng Đôn Dũng, chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định xây dựng, cho biết trụ điện có hai phần là phần trụ và phần móng. Phần trụ được làm theo quy chuẩn của quốc gia. Còn phần móng phải tùy mỗi vùng đất, vị trí xây dựng để thi công cho phù hợp, không thể áp dụng một quy chuẩn chung để làm phần móng này. Nhất là những vùng đất ven sông, rạch, ruộng thì việc trồng trụ điện phải kỹ càng hơn nữa.

“Cơn dông lốc vừa qua không phải là cơn dông lịch sử mấy chục năm hay 100 năm mới gặp một lần. Ngoài ra, trong thiết kế đã tính toán tới việc dây điện đứt làm trụ bị lệch, khi đó trụ điện vẫn chịu được. Vì thế cơn dông lốc vừa qua làm đổ trụ, gãy trụ thì có thể do móng trụ chưa đảm bảo», ông Dũng nhận định.

Kết luận. Nếu là siêu bão thì miễn bàn, còn đây chỉ là một cơn dông mà đã kéo đổ 16 trụ điện!

Trụ điện đổ trong khi tất cả đã làm đúng quy trình. Chỉ có gió là không đúng quy trình nên đã đủ chứng cứ, chắc là phải quy trách nhiệm khởi tố gió ngay 

Nhà ở xã hội dành cho cán bộ được rao bán công khai

Ở nước ngoài danh từ nhà chính phủ, nhà ở xã hội dùng để chỉ nhà của nhà nước dành cho người có thu nhập thấp hoặc hoàn cảnh khó khăn, để họ mướn với giá phải chăng, và nhà đó luôn thuộc về nhà nước chứ không bán hoặc cho thành phần khá giả đã có nhà cửa biệt thự rồi.

Riêng nhà ở xã hội của tỉnh Đắk Lắk dành riêng cho cán bộ, công chức mua và đang được rao bán công khai trên mạng với giá cao hơn thực tế.

Năm 2016 Quỹ Đầu tư phát triển Đắk Lắk chủ trương phát triển nhà ở xã hội tại khu dân cư Km 4-5, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột. Khu vực này được xem là một trong những “khu nhà giàu” của tỉnh Đắk Lắk do được quy hoạch bài bản, gần các tiện ích xã hội.

Rao bán tràn lan với giá cao

Nhà được bắt đầu xây dựng vào tháng 6-2017, gồm 2 khối nhà 6 tầng, rộng hơn 16.000 m2 với chi phí 108 tỉ đồng và được miễn tiền thuê đất. Trong đó có tổng cộng 180 căn hộ, gồm 140 căn để bán và 40 căn cho thuê. Chung cư chính thức đi vào hoạt động đầu tháng 12-2020.

Chung cư có 4 loại căn hộ là 40 m2, 53 m2, 57 m2 và 67 m2. Giá bán thực tế trung bình 10 triệu đồng/m2, giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng. Những người được mua hay thuê nhà đều phải là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc cho nhà nước nhưng chưa có đất, chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích nhà ở bình quân dưới 10 m2/người. Ngoài ra còn có tiêu chí là nguồn thu nhập thấp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên mạng xã hội Facebook lẫn một số trang web đăng tin rao bán các căn hộ với giá chênh lệch khá lớn. Khi liên hệ với 1 số điện thoại rao bán nhà này thì người phụ nữ giới thiệu làm ở một công ty môi giới bất động sản ở Buôn Ma Thuột trả lời. Người này khẳng định vừa bán 1 căn với giá 680 triệu đồng. Hiện còn một căn hộ 55 m2 bán với giá 720 triệu đồng (cao hơn giá thực tế bán cho cán bộ gần 150 triệu đồng).

“Chủ đầu tư đã cấp cho người sở hữu đầu tiên một giấy chứng nhận, khi mua nhà chỉ viết giấy tay chuyển nhượng và chờ 4 đến 5 năm sau mới cấp sổ. Anh phải trả hết tiền, chỉ giữ lại 30 triệu đồng khi nào ra sổ trả nốt. Căn hộ này thuộc diện chỉ bán cho cán bộ, công nhân viên chức nhưng người dân vẫn mua được, không có vấn đề gì” – người này quả quyết.

Chủ đầu tư khẳng định không tiếp tay

Theo đại diện Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Lắk, để đủ điều kiện mua căn hộ, người mua phải làm hồ sơ gửi nơi đang làm việc xác nhận. Sau đó chủ đầu tư và, các sở ngành liên quan thẩm định, xét duyệt nghiêm ngặt. Qua hai đợt rao bán, dư tới một nửa số hộ nên chủ đầu tư đã xin tỉnh mở rộng người mua ra quân đội, công an, người đang làm việc tại doanh nghiệp có 50% vốn nhà nước trở lên.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Lắk, thừa nhận nhà ở xã hội dành cho công chức đang bị rao bán trái pháp luật. Trường hợp những khách hàng không cần nhà ở nữa thì phải chấm dứt hợp đồng mua bán chứ không được tự ý bán căn hộ. 

“Theo hợp đồng, nếu không cần dùng thì phải bán lại cho chủ đầu tư hoặc cùng đối tượng tương đương giá quy định. Từ 5 năm trở lên, người mua nhà mới được phép bán lại nên việc rao bán lúc này là sai” – ông Thắng nói.

Điều này cho thấy cứ chen chân có một suất mua căn hộ là có tiền. Công chức gian lận giả nghèo hay là có thỏa thuận móc nối khi xét duyệt.

Hầu như các nơi này đều được đem đi trục lợi bán với giá cao không thua gì giá nhà thương mại, cuối cùng người khó khăn cũng không có nhà để ở

Giành chỗ ở của người nghèo. “Choáng” với dàn ô tô ở khu nhà ở xã hội cho cán bộ “không có nhà”

Những người mua nhà ở xã hội dành riêng cho cán bộ, công chức tỉnh Đắk Lắk được xem là người có thu nhập thấp, không có nhà nhưng lại có… xe hơi! Bởi vì tại những khu nhà xã hội này, xe hơi, và cả xe sang đậu đầy ra trước cửa. Chắc là sau này sẽ rút kinh nghiệm, xây bãi đậu xe ngầm dưới đất hay xa xa một chút chứ không rành rành ngay trước mắt mọi người.

Tình trạng sang nhượng 

nhà xã hội không xa lạ 

Đầu năm 2020, thanh tra khu nhà xã hội An Trung 2, quận Sơn Trà cho biết trong 324 người được mua nhà xã hội, 45 trường hợp đã có nhà đất, thậm chí có từ 2 lô đất trở lên. Có 80 trường hợp mua nhà không đúng người, trong đó có 40 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân là loại  không được mua nhà xã hội.

Tương tự, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, người dân cũng than phiền về việc chung cư Long Thịnh ở phường Ghềnh Ráng là dự án dành cho người thu nhập thấp lại có rất nhiều người khá giả vào sinh sống. Họ để ôtô đậu kín sân, lấn chiếm sân công cộng, trẻ con không có chỗ vui chơi…

Chính sách nhà ở cho người nghèo không mấy thành công thời gian qua. Quy định các dự án nhà ở thương mại từ 10 ha trở lên phải dành 20% diện tích để phát triển nhà xã hội là không khả thi, dễ xảy ra thiếu công bằng, trục lợi như các dẫn chứng trên.

Do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu cao nên người ta xem các nhà xã hội là một loại làm ăn hoặc mua bán sang tay kiếm lời. Họ kê khai láo để được mua nhà xã hội, sau đó, bán lấy lời. Điều này khiến những người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở lại không được hưởng ưu đãi nhà xã hội. Nếu người nghèo mua được căn hộ thì giá đã bị đẩy đắt hơn nhiều.

Để giải quyết, các cơ quan hữu trách đều cho rằng chủ đầu tư sẽ bị phạt và nhà sẽ bị thu hồi. Thế nhưng số căn hộ thu hồi từ 5 năm trở lại đây rất ít, trong khi số bán nhầm người lại rất nhiều. Cán bộ kê khai láo về nhà đất và thu nhập để mua nhà xã hội cũng chỉ bị kiểm điểm, giải quyết một cách chiếu lệ, nước chảy bèo trôi.

Cho nên nói nhà xã hội được xây cho nhà giàu không ngoa.

San Hà (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email