Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm không gian

Trung Quốc tuần qua đã phóng thành công hỏa tiễn mang theo bộ phận Thiên Hòa, thành phần đầu tiên cho dự án xây dựng trạm không gian mang tên Thiên Cung.

Global Times dẫn thông tin từ Cơ quan không gian quốc gia Trung Quốc cho biết, hỏa tiễn Trường Chinh 5B Y2 được phóng đi từ tỉnh Hải Nam. Sự kiện này được truyền hình trực tiếp trên truyền hình quốc gia và phương tiện truyền thông xã hội. Ước tính, có hơn 12 triệu lượt xem qua mạng xã hội.

Hỏa tiễn này mang theo Thiên Hòa để Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm không gian Thiên Cung. Khi hoàn thành, Thiên Hòa sẽ có kích thước 16,6m x 4,2m, tạo thành cấu trúc quan trọng của một trạm không gian hình chữ T nặng 90 tấn. Nếu thành công, Thiên Cung sẽ trở thành cơ sở không gian thứ 2 trên quỹ đạo sau Trạm không gian quốc tế (ISS). Trạm ISS được hoàn thành vào năm 1998, do Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada bảo trợ.

Trung Quốc dự trù hoàn thành trạm Thiên Cung trong năm sau, gồm cấu trúc lõi là mô đun Thiên Hòa và 2 mô đun thí nghiệm để các phi hành gia và khoa học gia sinh sống, làm việc. Trạm vũ trụ này sẽ hoạt động trong quỹ đạo thấp của trái đất, ở độ cao từ 340 – 450km.

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng Thiên Cung thành phòng thí nghiệm vũ trụ yểm trợ thời gian lưu trú dài ngày của các phi hành gia và hoạt động thí nghiệm khoa học, công nghệ và ứng dụng quy mô lớn.

Theo kế hoạch, trạm Thiên Cung sẽ hoạt động trong 15 năm. Trong khi đó, ISS dự trù kết thúc sứ mạng vào năm 2030, nên có thể có một quãng thời gian mà Thiên Cung sẽ là trạm vũ trụ duy nhất của nhân loại.

Năm nay, Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện hơn 40 lần phóng hỏa tiễn lên quỹ đạo để đáp ứng các chương trình không gian. Hồi tháng 12/2020, phương tiện không tự hành của Trung Quốc đã đến mặt trăng và mang mẫu đất đá về trái đất, giúp nước này trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga thành công lấy mẫu vật từ mặt trăng

Xem thêm

Nhận báo giá qua email