Trung tâm Văn hóa Phật giáo Pháp Vân tưởng niệm 50 năm Mậu Thân

Để tưởng niệm đồng bào bị Cộng sản Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam thảm sát trong trận Tổng tấn công Mậu Thân – Huế cách nay 50 năm (1968-2018), hôm thứ Bảy 10/03, lúc 7 giờ tối, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Pháp Vân đã tổ chức lễ thắp nến và cầu nguyện cho các nạn nhân tại hội trường với sự tham dự của hơn 250 Phật tử, đồng hương, đại diện các hội đoàn và quý vị Thượng tọa đại diện các Phật tự: Xá lợi, Kim Quang, Long Hoa, Quan Âm Montreal.
Sau nghi thức chào cờ, Thương tọa Thích Tâm Hòa, chánh trụ trì chùa Pháp Vân, trong đạo từ khai mạc đêm nguyện cầu, đã nhắc đến ca từ trong nhạc phẩm “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”, sáng tác của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nói về Huế sau Mậu Thân:
“Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu”
Thượng tọa Thích Tâm Hòa đã trích dẫn lời Đức Phật rằng “Hận thù diệt hận thù đời này không thể có, từ bi diệt hận thù là định luật thiên thu” và xác định mục đích lễ Tưởng niệm không nhằm khơi lại đống tro tàn của quá khứ, hận thù của năm cũ…”
Nghi thức thắp nến tưởng niệm những người đã khuất đã được cử hành trong không khí trang nghiêm, các Thượng tọa đồng tế cùng dâng lời cầu nguyện: “Cùng hướng về quê hương, xin thắp ngọn nến này, cầu nguyện cho tất cả những chiến sĩ trận vong, đồng bào đã tử nạn trong cuộc chiến Tết Mậu Thân, đặc biệt tại thành phố Huế, cách đây đúng nửa thế kỷ, được rũ sạch oan khiên, sanh về tịnh cảnh”
Bà Lê Khắc Ngọc Quỳnh, cựu giáo sư Gia Long, trong phần phát biểu, đã hồi tưởng lại những ngày đau thương năm 1968 và những bạn bè thời trung học, bà con, các giáo sư ngoại quốc đã vĩnh viễn nằm xuống ở Huế.
Nhân chứng lịch sử, nhà văn Nhã Ca, tác giả “Giải khăn sô cho Huế” đã nhắc đến những kỷ niệm thời học trò ở Nam Giao, trường hợp Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Lê Hữu Bôi cùng với những ngưới bạn bị thảm sát và không khí tang tóc những ngày Tết sau Mậu Thân.
“Sau năm 1975, dưới chế độ hà khắc của Cộng sản, cúng giỗ không còn, bia mộ ba tầng bị đập phá, chùa chiền nhà thờ bị cấm làm lễ Tưởng niệm, trong trường Y khoa Huế, bia tưởng niệm các giáo sư người Đức cũng bị đập phá… Giải khăn tang Mậu Thân vẫn còn thắt trên đầu xứ Huế…Thủ phạm đích thực của vụ thảm sát là chủ nghĩa Cộng sản khủng bố”, nhà văn Nhã Ca nói.
Đêm Tưởng niệm đồng bào vô tội bị thảm sát trong dịp Tết Mậu Thân đã kết thúc với ca khúc “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” do Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH vùng Ontario đồng ca.

Nhã Ca và Trần Dạ Từ




Xem thêm

Nhận báo giá qua email